Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Vài lời về trường hợp bi kịch của Nguyễn Chánh Tín

Bùi Chí Vinh
Mấy ngày nay đọc báo và xem trên mạng thấy thiên hạ xôn xao về chuyện tài tử Nguyễn Chánh Tín sắp bị mất nhà mà cảm thấy chạnh lòng. Tôi với Nguyễn Chánh Tín biết nhau từ sau 1975 qua bang giao với một số thân hữu trong giới điện ảnh và làm văn học nghệ thuật như đạo diễn Hồng Sến, họa sĩ diễn viên Lê Chánh, diễn viên Lê Cung Bắc, Đơn Dương… Hồi mới găp nhau trong bàn tiệc tôi thường đọc thơ giang hồ còn Nguyễn Chánh Tín thì đương nhiên hát phục vụ anh em. Mãi sau này, sau phim Dòng Máu Anh Hùng, tôi và Nguyễn Chánh Tín trở nên thân thiết hơn. Có lúc như cặp bài trùng khi tôi viết biên kịch còn Tín làm đạo diễn một loạt phim kinh dị của chúng tôi chiếu các rạp trên toàn quốc trong các năm 2007, 2008, 2009 dưới mác hãng phim Chánh Tín. Đó là các phim Ngôi Nhà Bí Ẩn, Suối Oan Hồn, Chết Lúc Nửa Đêm, Bốn Thí Nghiệm Trong Đêm Tân Hôn. Đáng tiếc là kế hoạch 100 phim kinh dị lúc 0 giờ của chúng tôi với các Đài truyền hình bất thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu kế hoạch ấy mà thành công thì chắc Nguyễn Chánh Tín cũng chẳng thèm đầu tư vào đất đai và cũng chẳng đến nỗi dở cười dở khóc như hôm nay.

Mới hôm qua đây thôi, lúc 7 giờ tối 17-3-2014 tôi và hiền đệ Vương Quốc Thịnh đánh xe đến nhà rước Nguyễn Chánh Tín đi gặp một doanh nhân có tấm lòng với người nghệ sĩ sa cơ tên là Lê Phú Cự. Cự vốn là một kẻ hâm mộ “thần tượng Nguyễn Thành Luân” nên ngỏ ý sẵn sàng lo cho Tín một căn hộ cao cấp để ở, một số lương hàng tháng cố định đủ để sống, tổ chức những chương trình thường xuyên và đặc biệt về Nguyễn Chánh Tín và nhân vật ảo Nguyễn Thành Luân tại nhà hàng ca nhạc vũ trường “trang bị ánh sáng 4D” của Cự. Ấy thế mà trong cuộc trà dư tửu hậu Nguyễn Chánh Tín vẫn giữ sự tự trọng cân nhắc trong việc cộng tác. Tính tình Nguyễn Chánh Tín là như vậy. Máu của Tín là như vậy. Cụ thể trước khi đến điểm hẹn, ngồi trên xe tôi đã được nghe tối thiểu hơn chục cú phôn của những người yêu mến gọi đến Tín. Trong đó ngoài những chuyện giúp đỡ trực tiếp về tiền bạc, còn có cả những tín đồ điện ảnh làm công tác bất động sản ở Củ Chi sẵn sàng tặng đất cho Tín dưỡng già. Và anh đón nhận những cú phôn chia sẻ đó bằng sự tri ân nhẹ nhàng chứ không hề vồn vã.
Khi công bố trước dư luận vụ Tòa Án “siết nhà” Tín không hề mua chuộc lòng thương hại của bá tánh, cũng không hề có ý định trục lợi qua tai nạn của gia đình, chính vì thế nếu có những cuộc vận động tài chánh nào đó từ những người hâm mộ hoặc từ những thân hữu hỗ trợ anh thì đó chẳng qua là chuyện bất khả kháng. Chơi với nhau đã lâu tôi biết dòng máu hiệp sĩ pha chút “anh chị” ở trong anh, dòng máu giang hồ thích cho người khác nhiều hơn là nhận.
Chuyện có giữ được căn nhà kỷ niệm được hay không, tôi không biết. Nhưng tôi biết chỉ trong vài ngày bất chấp dư luận ủng hộ hay khích bác thì gia đình anh đã nhận được hơn 1000 cuộc điện thoại gọi đến, gọi “cháy máy” theo lời Tín kể với tôi. Và vấn đề hiện nay đối với anh không phải là chuyện được ủng hộ vài trăm triệu hay không mà là chuyện “tổ ấm” còn hay mất trước quyết định khắc nghiệt của Tòa Án dồn người nghệ sĩ được phong danh hiệu ưu tú vào chân tường. Thiết nghĩ một con người sống hào hiệp, mở lòng ra với anh em, hết mình vì nghệ thuật điện ảnh, dám “chia lửa” cho những người bạn nghèo như Tín thì mong rằng trời cao phải có mắt…
18-3-2014
BCV

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"