Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Tưởng Niệm Ngày 30/4

Việt Nam, Đau Thương Nhưng Không Tủi Nhục

The Washington Times
By Sol Sanders
Nguyễn Minh Tâm dịch ngày 28/4/10
 
Nhân dịp tưởng niệm 35 năm ngày mất Saigon 30/4/75, ký giả Sol Sanders viết bài cảm nghĩ trên nhật báo Washington Times số ra ngày 26/4/2010. Sol Sanders là một cây bút chuyên viết bình luận về những vấn đề chính trị, kinh tế quốc tế. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây để chia sẻ cùng qúi độc giả nhân dịp tưởng niệm ngày 30 tháng Tư.
Nguyễn Minh Tâm


TRONG TUẦN LỄ NÀY, hơn một triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt sẽ ngậm ngùi khóc thương, tưởng niệm 35 năm ngày Saigon thất thủ, và mất nước Việt Nam Cộng Hoà thân yêu của họ.

Không chấp nhận những phán xét thường tình, nhiều người Việt Nam vẫn nhớ và vinh danh sự can trường, và những hy sinh cao cả của các chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Họ muốn ghi nhận cuộc đấu tranh anh hùng của binh sĩ Miền Nam Việt Nam trước những nghịch cảnh hết sức oái ăm sau khi quân lực Mỹ rút lui, và Hoa Kỳ cắt đứt viện trợ quân sự cho họ. May thay, một nhóm học giả mới đây đã tìm cách duyệt xét lại những sai lầm cũ của lịch sử để sửa lại cho rõ, mặc dù họ phải đối đầu với quá trình lịch sử dài về thảm kịch ở Việt Nam bị giới truyền thông Mỹ và giới trí thức khoa bảng bóp méo sự thực.

Những người Việt khóc thương cho quê hương bị mất cũng sẽ nhớ lại những thiệt mạng quá lớn, những đau khổ chập chùng họ từng phải gánh chịu. Chuyện “tắm máu” đã thực sự xảy ra sau ngày Saigon bị mất, nhưng những hiểu biết tầm thường vẫn tìm cách chối bỏ điều này. Hàng ngàn người đã bị chết trong các trại tù “gulag kiểu Việt Nam”, tức các “trại tù cải tạo” của cộng sản. Chính Thủ tướng (CSVN) Phạm Văn Đồng đã công khai thú nhận có hơn một triệu người bị bắt đi tù. Ngoài ra, không ít người Việt vẫn còn nhớ có khoảng 255,000 thuyền nhân đến được nơi tạm dung trong các trại tị nạn kham khổ, và bị các nước láng giềng xô ra ngoài biển khơi, hàng ngàn người phải chết chìm trong biển cả.

Nhân dịp này, người Việt tha hương cũng không dám coi nhẹ sự mất mát về nhân mạng, và sự hy sinh lớn lao của người Mỹ trong cuộc chiến đấu cao thượng, nhưng kết thúc trong bi thảm. Tưởng niệm ngày mất nước cũng là một cách để kể lại toàn bộ câu chuyện “Việt Nam” cho những người bạn Mỹ, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, họ lớn lên bị nhồi sọ bằng những thông tin bóp méo sự thật của giới truyền thông cũng như của đám trí thức dởm. Nhớ ngày mất nước cũng là dịp để vinh danh hàng ngàn thanh niên Việt đang phục vụ oai hùng trong các đơn vị chiến đấu của quân lực Hoa Kỳ.

Tiếc thay, ở Việt Nam hiện nay tình trạng đàn áp vẫn tiếp tục, không hề giảm bớt. Chế độ cộng sản ngược đãi tôn giáo và những sắc dân thiểu số, cũng như dùng biện pháp đàn áp cứng rắn để tận diệt những thành phần đối kháng chính trị. Bộ chính trị là cơ quan chỉ đạo cái quốc gia độc đảng này. Trong lúc đó ở bộ chính trị luôn luôn có tình trạng tranh dành, tị hiềm cá nhân, và khủng hoảng ý thức hệ. Tình trạng tồi tệ đến nỗi chúng công khai bắt giam một tổng biên tập tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản sau khi ông ta viết một bài ý kiến chống Trung Quốc. Và chưa hết, kể từ năm 1995, sau khi Thượng Nghị sĩ John McCain ở Arizona, và John Kerry ở Massachusetts cố tìm cách đẩy mạnh việc Hoa Kỳ thừa nhận quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hai ông này đều là cựu chiến binh ở Việt Nam đã cố gắng làm lợi cho Cộng Sản Việt Nam mà chẳng đòi hỏi được gì cho Hoa Kỳ cả. Các quan chức ở Hoa Thịnh Đốn mù tịt không hiểu gì về bản chất thực sự của chế độ. Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ quá ngây thơ, và hạ mình nhượng bộ cho Hà Nội nhiều đặc lợi về mậu dịch và kinh tế với hy vọng sẽ phát huy được sự cởi mở về chính trị. Nhưng cố gắng này trở thành vô ích.

Mặc dù nhóm phát triển kinh tế của Việt Nam đã chọn đường lối phát triển theo “mô hình Trung Quốc.” từ lâu. Họ vứt bỏ đường lối hoạch định từ trung ương kiểu Nga Xô, nhưng sự dốt nát bất lực, và tình trạng tham nhũng bất trị đưa đến sự thiếu thốn về mọi mặt, lạm phát tăng cao, và nợ nần chồng chất. Trong lúc đó, với đầu óc kinh doanh cứng cỏi của người Việt, và lòng hiếu học sẵn có trong truyền thống, khối dân số trẻ trung, gần 90 triệu người ở Việt Nam đã phát triển tổng sản lượng quốc gia tăng lên rất nhiều. Lòng hiếu học của người Việt được tìm thấy qua những tiếng vang về sự thành công của nhiều cộng đồng di dân gốc Việt rải rác trên khắp nước Mỹ.

Điều trớ trêu ở chỗ là số tiền của người Việt di cư sang Mỹ gởi về giúp cho thân nhân kém may mắn ở trong nước đã trở thành nguồn yểm trợ kinh tế mạnh nhất cho chế độ bạo ngược này, chẳng hạn như năm 2008, người Việt di cư gởi về $8 tỉ đô la. Con số đó còn cao hơn cả con số $5 tỉ đô la tiền viện trợ hàng năm qua các tổ chức đa phương hay những chương trình viện trợ song phương cho Việt Nam. Tổng số tiền kiều hối đóng góp khoảng 5% cho Tổng Sản Lượng QuốcGia –GDP, cộng thêm với số tiền của nửa triệu công nhân đi làm lao động nước ngoài gởi về, và một khoản tiền khác do 400,000 du khách gốc Việt đem về hàng năm. Nguồn tư bản do người Việt sống tại Mỹ thường được gởi qua hệ thống chợ đen, giúp các tiểu thương biến thành phố Hồ Chí Minh- Saigon ngày trước- trở thành đầu tầu kéo vực dậy nền kinh tế, đó cũng là một con bò sữa vắt ra đô la cho bọn chính quyền tham nhũng ở Hà Nội bòn rút. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với nguồn tư bản đầu tư đăng nhập lên đến $1 tỉ đô la. Còn phải kể ra nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, nếu họ không bị rơi vào mạng lưới tham nhũng, hối lộ của các tay đầu sỏ ở chính quyền trung ương tại Hà Nội, cũng như những tay tỉnh ủy ở điạ phương.

Nỗ lực tìm cách giảm ảnh hưởng xấu của tình trạng khan hiếm tín dụng, và suy thoái kinh tế, các nhà làm kế hoạch cộng sản tung thêm vào thị trường tiền tệ hơn 1 tỉ đô la trong năm 2009 - khoảng hơn 1 % Tổng Sản Lượng Quốc Gia. Nhưng kết quả là tuy tình trạng cấp tín dụng có được mở rộng thêm khoảng 40%, nhưng giá đồng đô la lại tăng vọt, mặc dù chính phủ đã can thiệp bằng hai lần định giá lại tiền tệ.

Vì trị giá đồng đô la tăng, các nhà xuất cảng gặp khó khăn trong việc tìm đô la để tài trợ khoản nhập cảng nguyên vật liệu và yếu tố thành phẩm, trong lúc phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, được chính phủ trợ cấp rất nhiều. Và cứ như thế, dự trữ bằng ngoại tệ vơi đi rất nhanh. Giới kinh doanh lo ngại sẽ phải đối đầu với tình trạng lạm phát khá nặng, nặng hơn cả kỳ lạm phát xảy ra vào năm 2008.

Vất vả tranh đấu với cuộc sống hàng ngày, giới trẻ Việt Nam ngày nay, nhất là những thành phần không có việc làm, coi chuyện chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ là chuyện đã đi vào trong qúa khứ xa xưa, họ chẳng thèm bàn tới chuyện “Việt Nam”, như những câu chuyện vẫn còn ám ảnh ở Hoa Kỳ. Ví dụ ba cái phim về chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Hollywood, tuy vẫn còn hấp dẫn trong văn hoá bình dân Mỹ, song không còn lôi cuốn người xem xi nê ở Việt Nam.

Điều quan trọng hơn trong lúc này đối với người Việt là họ ngoảnh cổ nhìn sang nước láng giềng bên cạnh, Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của người Việt. Mặc dù sau cuộc chiến tranh ngắn, nhưng cay đắng, xảy ra vào năm 1979, trong đó, Hà Nội đánh sặc máu mũi Bắc Kinh, hai nước đã đạt được những thoả uớc về biên giới, nhưng giờ đây mối tranh chấp vẫn còn tiếp diễn về chủ quyền trên các hòn đảo trong Biển Nam Hải. Và số lượng hàng nhập khẩu rất lớn của Trung quốc được bí mật đưa vào Việt Nam khiến cho các ngành công nghiệp thô sơ của Việt Nam bị xoá sạch ở miền Bắc.

Các bài viết trên những Blog liên mạng ở hai bên liên tiếp đả kích nhau dựa trên tinh thần yêu nước xô vanh, xoay quanh những vấn đề cũ. Và hiện nay mọi người đang trông chờ sẽ có một biến cố mới, ngoạn mục để chấm dứt tình trạng khó chịu, làm buồn lòng cả đôi bên.

Vĩnh biệt Sàigòn

Giờ này ở một thành phố mà có lẽ những người thích gọi tên thành phố là "thành phố HCM" đang ăn mừng một ngày chiến thắng.  Ngày mà những người chiến thắng không phải là "giải phóng" cho người dân miền Nam đuổi "giặc Mỹ" đi để cho dân miền Nam có nhiều chỗ trống để sinh sống, mà là giải phóng tất cả người và đất để họ tràn vào miền Nam sinh sống ?. Nói đùa, cho nó có vẻ hơi hiện thực, không khéo người ta lại bảo tôi nói bậy bạ gây sự chia rẽ trong dân chúng, nhưng mà dân ta vốn từ xưa đến nay chả Nam tiến là gì, và gốc gác cha mẹ tôi, ngay cả tôi cũng nói tiếng Bắc 99.9% đấy ạ. Bây giờ mà bảo Bắc tiến sang bên kia thác Bản Giốc có ai dám đi không? 
Ngày này cũng là ngày mà những người vẫn mãi gọi đó là Saigòn thì sẽ không bao giờ là cái ngày vui vẻ được.  Ngày ấy là ngày Vĩnh Biệt Sàigòn, không tin cứ đọc bài viết của tác giả người Pháp ấy thì rõ. Nếu người VN (chiến thắng) xử sự bao dung như đoàn quân miền Bắc như trong bài viết của ông Nhân 35 năm Ngày 30-4, thế này mới là tình nghĩa dân tộc của ông Bùi Tin thì người VN đã không mất 35 năm ngồi bàn mãi chuyện hoà giải hoà hợp dân tộc. Lúc ấy cứ lo băt tay xây dựng đất nước thay vì bỏ tù trù dập những tinh hoa của miền Nam thì biết đâu ngày nay VN có lẽ chỉ thua Nhật :-). Sai một ly đi một dặm, trong trường hợp của đất nước thì lùi...một thế kỷ!

Lá thư của một người trẻ nhân ngày 30-4

Tôi sinh vào nửa cuối những năm 1980, tức là khi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt đã qua đi ít nhất 10 năm. Tôi lớn lên, nhận thức tạm ổn định vào nửa sau những năm của thập niên 1990, tức là khi cuộc nội chiến máu đỏ da vàng đã có ít nhất 20 năm tắt lửa. Nhưng cũng từ lúc đó, đám chúng tôi - tức tôi và những kẻ cận kề trang lứa với tôi, bắt đầu bước vào 1 cuộc đời đau khổ nhất. Đau khổ nhất trên thế giới này là dân tộc Việt Nam, và đau khổ nhất trong tất cả những con người mang dòng máu Việt Nam, là lũ chúng tôi - những thằng 8x.

 
Xin đừng mỉa mai và đừng chế giễu,

Rằng chúng tôi chỉ 1 đám trẻ con

Rằng chúng tôi chẳng 1 ngày vướng phải đạn bom,

Rằng chúng tôi sao biết được thế nào là đau khổ,

Làm sao biết kiếp người như thân trâu chó,

Rằng chúng tôi đã bao giờ ăn khoai sắn độn bobo, ăn gạo mốc, cá ươn và cỏ dại.

Chưa từng nếm những trận dịch tả, sốt rét rừng quằn quại

Xin đừng cười cợt rằng chúng tôi chẳng hề mất một ngón tay,

Chưa chịu một vết thương hay chứng kiến một người phải chết.

Tôi không nếm trải nhưng chúng tôi biết hết,

Và đau hơn mọi kẻ phải chịu đau.

Bởi chúng tôi sinh ra, là hậu duệ của nỗi u sầu

Của một dân tộc từ những buổi đầu đã hứng chịu nhiều oan nghiệt

Mấy ngàn năm bé nhỏ và thua thiệt

Thế mà còn lại chém giết lẫn nhau.

Ai?

Kẻ bị thương. Kẻ chết

Có đau?

Như tim phổi đám hậu duệ chúng tôi bị ngàn gai chông cào cấu

Kẻ chiến thắng, người bại vong

Có thấu?

Sao không thấu?

Một dân tộc mà suốt lịch sử chiều dài đỏ ngầu màu máu

Của một ngàn năm bắc thuộc, của một trăm năm Tây hóa bể dâu

Thì giờ hết chiến tranh

Đám trẻ chúng tôi vẫn phải mang những con tim rỉ máu

Hận thù, thành bại, nhục vinh vì cớ gì mãi còn nung náu

Để chiếm chỗ, để giết chết cả sự khoan dung

Để chúng tôi, chúng ta, chúng nó nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng

Để tì khoét cho thật đậm sâu sự khốn cùng dân tộc Việt.

Đừng xua tay, đừng dối trá, đừng giả vờ không biết

Đừng đổ thừa, đừng quanh co và làm ơn đừng ngụy biện

Xin hãy nhìn lại mình đi

Và tự trả lời với chính trái tim rằng ta đã làm gì

Có vinh quang, có sênh sang như cái hão danh cứ mãi luôn thèm khát

Để làm khổ lẫn nhau, để chuốc lấy thương đau

Và để dày vò tương lai của con cháu ngàn sau cho tan nát

Thôi,

Giờ không còn khói lửa, đạn bom, binh đao và chém giết

Nhưng chúng tôi - những kẻ lớn lên thời hậu chiến tranh

Vẫn vô cùng tha thiết

Cầu xin

Cho cuộc đời những giây phút thực sự

Bình yên...

 
Chúng tôi khao khát hòa bình, một sự hòa bình đích thực chứ không phải 1 sự êm đềm, bình yên giả tạo mà chúng tôi là những nạn nhân không hề có lỗi. Chúng tôi không kết tội, hay oán trách ai cả, nhưng xin hãy hiểu những cảm nhận của chúng tôi - những kẻ ra đời và phải gánh chịu hậu quả của một cuộc chiến tranh mà chúng tôi không hề tham dự, nói cách khác chúng tôi là những người không được tự quyết định vận mệnh của mình. Một người lính năm xưa bị mất một cánh tay, chắc chắn không đau bằng chúng tôi bởi vì chúng tôi biết người lính ấy là cha anh của mình. Một người lính năm nào ngã xuống, chắc chắn cũng không đau bằng chúng tôi, bởi người lính ấy đã có thể yên nghỉ khi hoàn thành nghĩa vụ với quê hương; còn chúng tôi, chúng tôi mất 1 người ông, 1 người cha, 1 người anh mà chúng tôi làm sao yên được với sự mất mát ấy, và làm sao để chúng tôi hoàn thành được trách nhiệm của mình với những người thân thiết ấy, sống đâu phải là chỉ để sống cho mình... Chúng tôi còn đau khổ, bởi khi sinh ra đã phải chịu nhiều thua thiệt với những đám trẻ các quốc gia khác, bởi chúng tôi sinh ra, kẻ may mắn lành lặn thì gánh lấy nỗi đau tật nguyền cho kẻ bất hạnh hơn, hay gánh lấy nỗi đau từ những cánh tay, cái chân của người anh, người cha trong gia đình đã bỏ lại chiến trường ngày ấy.... Thế nên đừng ai cho rằng đám trẻ chúng tôi được sung sướng rồi không biết nghĩ; không ai đau thương bằng chúng tôi đâu, không ai dày vò bằng chúng tôi đâu. Vậy cho nên, là những kẻ tủi hổ nhất cho số phận của mình, và cho số phận của cả dân tộc Việt Nam, lẽ đương nhiên chúng tôi cũng là những người ao ước hòa bình đích thực cao độ nhất. Không phải 1 viễn cảnh hòa bình mà mọi ân oán đều phải thanh toán cho tuyệt đối sòng phẳng, mà nợ máu phải trả bằng máu, ngón tay phải trả ngón tay để rồi oan oan tương báo chẳng bao giờ chấm dứt. Chúng tôi mơ tìm thấy 1 viễn cảnh hòa bình mà người tha thứ bớt tội lỗi cho người, kẻ sai trái thì sẵn sàng nhận lỗi và chuộc lỗi. Chỉ thế thôi nhưng lại chẳng hề đơn giản chút nào. Hòa hợp và hòa giải!

Tôi sinh ra, lớn lên không có cha mẹ, ông bà, chú bác nào chết bởi chiến tranh nên là người phù hợp nhất để nói về vấn đề hòa giải. Nhưng đáng buồn thay, lẽ ra tôi không bao giờ phải nói những lời thừa thãi "hòa giải, hòa hợp" làm gì, bởi tôi biết còn nói những lời ấy tức là còn chia rẽ. Song với chúng tôi, một sự hòa hợp không có nghĩa là nhắm mắt chấp nhận những dối trá, bịp bợm, lừa lọc và gian xảo, hòa hợp chứ không phải là khuất phục và cam chịu. Chính vì vậy, cái tựa đề bài này đây mới là như thế; chúng tôi không chấp nhận cái kiểu hòa hợp, hòa giải của ông Nguyễn Cao Kỳ.

Một lần nữa tôi xin nhắc lại, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở trong nước sau cuộc chiến, nên chắc chắn tôi không mang trong mình nỗi niềm xấu hổ cúp đuôi bỏ chạy của ông Nguyễn Cao Kỳ vào những ngày tăm tối ấy, không phải chịu sự lăng mạ, chà đạp, khinh bỉ và bôi nhọ mà ông Kỳ đã phải nếm chịu như 1 cái giá của chiến bại suốt những năm qua, ấy thế mà trước những hành vi, kế hoạch hòa hợp hòa giải của những người cộng sản, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được như cái kiểu mà ông Nguyễn Cao Kỳ chấp nhận. Trong không khí của những ngày cuối tháng tư này, ông Nguyễn Cao Kỳ đã không quên dặn dò dân tộc những nỗi niềm của ông về hòa hợp, hòa giải, tôi không may được biết đến nên xin thưa chuyện lại với ông thế này.


Đầu tiên tôi lại xin phải nhắc lại 1 lần nữa (lần thứ 3) rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thời hậu chiến, không có ông bà, cha mẹ, cô chú bác, anh chị gì chết bởi chiến tranh cả. Sở dĩ tôi phải nhắc đi nhắc lại điều này là để nhấn mạnh rằng tôi hoàn toàn không có sự thiên lệch vì những lý do riêng và chủ quan cho bất kỳ cá nhân, phe phái nào trong câu chuyện hòa giải, hòa hợp mà chúng ta sẽ đề cập đến đây, để ông Nguyễn Cao Kỳ hay 1 người nào đó đừng nói rằng tôi cực đoan, 1 chiều và phiến diện nên nhìn sự việc không thấu đáo, tỏ tường.

Xin trích bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Cao Kỳ ra đây để chúng ta dễ dàng theo dõi và nhận định.

Đàn Chim Việt: Tháng Tư là lúc người ta bàn luận nhiều về “Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc”. 35 năm đã trôi qua, đủ để một thế hệ người sinh ra, lớn lên và trưởng thành, thậm chí giành quyền lãnh đạo đất nước, nhưng “Hòa hợp, hòa giải dân tộc” vẫn là vấn đề chưa được giải quyết thấu tình đạt lý giữa người Việt trong và ngoài nước, cụ thể là giữa giới cầm quyền Việt Nam với khối người Việt “Tỵ nạn Cộng sản” ở hải ngoại.

 
Vì sao? Chắc có nhiều câu trả lời, mang những sắc thái khác nhau.

 
Dưới đây là nhận định của ông Nguyễn Cao Kỳ, một người mà chắc ai cũng biết. Một lần nào đó, ông Kỳ có phàn nàn về những cắt xén làm sai lệch ý tứ trong những phát biểu của ông trên báo trong nước. Lần này, bài phỏng vấn của ông có được đăng tải trung thực hay không, chúng tôi không rõ, xin chuyển lại nguyên văn từ Tuần Việt Nam.

 
Bạn đọc, nhất là người đang trăn trở với “Hòa hợp, Hòa giải Dân Tộc” có ý kiến gì?

 
Phóng viên (PV): Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm?

Ông NCK nhận bằng khen của Mặt trận Tổ Quốc, ảnh TuanVietnam

 
Ông Nguyễn Cao Kỳ (NCK): Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.

 
PV: Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào?

 
NCK: Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không …

 
Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.

 
PV: Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm…?

NCK: Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam…

Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.

 
Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không?

Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.

 
PV: Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ?

NCK: Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.

 
Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.

PV: Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế?

 
NCK: Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.

 
PV: Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước?

NCK: Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.

Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.

 
Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.

 
PV: Theo ông, 35 năm có quá dài cho việc hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người?

 
Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như vậy thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề.

 
Nguồn: tuanvietnam.net

 
Ông Kỳ đã cho rằng việc tích cực hàn gắn phải từ 2 phía, ông cũng cho rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đã có những động thái rất tích cực như dân sự hóa nghĩa trang quân đội QLVNCH ở Biên Hòa, tôi nghĩ cũng có thể là vậy, nhưng để tôi kể ông Kỳ nghe về những suy nghĩ của tôi nhé.

- Đầu tiên, tôi muốn biết cảm nghĩ của ông kỳ về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, về ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và quan trọng nhất là về chính bản thân ông - ông thủ tướng (1965 - 1967), phó tổng thống (1967 - 1971) Nguyễn Cao Kỳ. Theo ông, ông có phải là 1 thằng tay sai của Mỹ, là 1 kẻ bán nước, đem bom đạn Mỹ về giày xéo Việt Nam như những gì mà người cộng sản đã tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông và cả trong sách giáo khoa lịch sử hay không?! Theo ông, ông có phải là 1 kẻ không có lý tưởng, bán nước, đam mê quyền lực và giàu sang, thủ đoạn và ngu xuẩn như những người cộng sản đã luôn luôn truyền bá đấy không?! Nếu ông xác nhận tất cả điều đó đều hoàn toàn đúng, tôi sẽ im miệng ngay và dừng cuộc trao đổi này lại ở đây. Còn nếu tự ông thấy trong những thông tin đó có nhiều cái không đúng, thì tôi xin tiếp tục bằng một câu hỏi cho ông thế này: ông có tin rằng người cộng sản khi tiến vào miền Nam chỉ mang trong tim mình 1 giấc mơ là đánh Mỹ cứu nước và thống nhất dân tộc hay không? Họ không hề mang trong mình 1 thủ đoạn, âm mưu quyền lực nào hay không? Nếu ông lại trả lời là đúng như vậy, thì tôi xin nhìn ông, lắc đầu và im lặng, còn nếu ông trả lời không, tôi sẽ lại hỏi tiếp thế này: chính phủ VNCH có chính nghĩa không? Có lý tưởng và chủ nghĩa, tinh thần dân tộc hay không? Nếu có, ông có nghĩ rằng những người lãnh đạo VNCH đã khuất như tổng thống Ngô Đình Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu, tổng thống Trần Văn Hương, hàng loạt tướng sỹ đã tuẫn tiết vào ngày mất nước, hàng triệu binh lính đã phơi xác nơi rừng thiêng nước độc và biết bao nhiêu những thương phế binh ngày ấy giờ trở về què cụt, lay lắt trong những xó xỉnh cuộc đời hẻo lánh cần cho họ 1 lời thanh minh để nhẹ lòng thanh thản hay không? Xin ông đừng tiếp tục lừa dối và phỉ nhổ lên chính những đồng đội, đồng bào của ông thêm nữa, ông Nguyễn Cao Kỳ. Dân sự hóa 1 nghĩa trang quân đội chế độ cũ đối với ông - người đồng chí, đồng đội, lãnh đạo của 16 ngàn tử sỹ ấy - là 1 động thái tích cực đầy thành ý, nhưng đối với tôi - 1 kẻ sinh sau cuộc chiến, không có người thân nào nằm trong cái nghĩa trang lạnh lẽo ấy - đủ tỉnh táo để khẳng định rằng đó chỉ là 1 trò hề bôi trát, phỉnh bịp mà thôi. Hãy nhìn lấy những thuộc cấp của ông giờ chân cụt tay què, lê la đầu đường xó chợ để xin sự bố thí của người khác mà không hề được 1 sự quan tâm, giúp đỡ nào của chính quyền cộng sản để ông sáng mắt ra mà thấy thành ý của họ lớn đến bao nhiêu. Những người thương phế binh ấy, dẫu ngày xưa đã từng bắn chết những ai thì đó cũng là do sai lầm của lịch sử, và nếu cần vạch mặt chỉ tên những kẻ tội đồ thì sẽ chỉ có thể là ông chứ không phải họ. Họ đã buộc phải chiến đấu, để giữ quê hương, chưa cần biết là đúng hay sai, nhưng chắc chắn không phải để tranh giành quyền lực, để giờ đây họ phải sống cảnh đọa đày còn những kẻ như ông thì quên lãng và dẫm đạp lên đời họ. Ông là 1 thằng khốn, ông Nguyễn Cao Kỳ à.

- Tôi lại nói tiếp đây. Cho đến thời điểm này kẻ đúng, người sai trong cuộc chiến tương tàn hơn 20 năm đó vẫn còn chưa được khẳng định rõ ràng, sách sử còn chưa biên niên công tội, vậy mà những kẻ rất chân thành với những động thái vô cùng tích cực kia vẫn huênh hoang khoác lác điều gì: "đại thắng 30 tháng 4", "giải phóng miền Nam", "chiến thắng vĩ đại",... tôi hỏi ông ở đó ông có thấy 1 chút lòng thành. Với tôi, kẻ sai lầm, có tội nay vô tình chiến thắng, nếu muốn hòa hợp, hòa giải thì phải biết tự nhìn lại chính mình, cúi đầu xấu hổ mà xin hòa giải, chứ lại có lẽ nào vẫn cứ tỏ ra là những kẻ anh hùng, là cứu nhân độ thế, là chiến thắng lớn lao, vĩ đại. Lòng thành ở đâu và dành cho ai?! Mà cái ngày kết thúc chiến tranh năm ấy, là cái chiến thắng gì? Ai chiến thắng ai? Hay là cả dân tộc này thảm bại.

Ông có thể giả mù, ông có thể vuốt mặt để chạy về kiếm chác 1 chút cơm thừa canh cặn, ông có thể sống nhục như 1 con chó là chuyện của ông, nhưng xin hãy để dân tộc chúng tôi kể cả những người đã khuất được đứng thẳng làm người.

Không ai muốn nuôi mãi hận thù, người Việt Nam yêu nước nào cũng mong muốn đoàn kết nhất là nạn ngoại xâm đã vào kỳ Bắc thuộc thứ 5, nhưng như ông nói đấy ông Nguyễn Cao Kỳ; việc hàn gắn phải được tích cực thực hiện từ 2 phía. Con người sẽ không bao giờ hòa hợp được với kẻ khác nếu kẻ đó vẫn luôn xem họ là con chó. Hòa hợp ư, làm sao được khi mà mỗi năm cứ đến những ngày này thì kẻ giành được quyền lực lại hò hét ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau và phỉ nhổ lên những con người không cùng chiến tuyến...

Hãy nhớ lấy lời tôi, cả ông Nguyễn Cao Kỳ và những người cộng sản, ngày nào biến cố 30 tháng 4 chưa được các người xem là 1 sự kiện đau buồn, 1 vết thương ô nhục cho dân tộc Việt Nam thì ngày đó cái đất nước này, cái dân tộc này sẽ còn chưa bao giờ hòa hợp và hòa giải được. Đại thắng ư? Giải phóng ư? Ai giải phóng cho ai? Rồi thì tất cả được cái gì?

Viết lên đây bởi sự thôi thúc tận đáy lòng của một người khao khát hòa giải và đoàn kết dân tộc hơn tất cả.

Sài Gòn, 30 tháng 04, 2010


Tâm sự của 1 kẻ sinh ra và lớn lên thời hậu chiến.

Đã ký
Son of Liberty



Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Thầy trò nước Vệ

Người xưa nói lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, và cũng nói ngon nhất hay bẩn nhất cũng là cái lưỡi.
Blogger tôi thì không rành chuyện thêm ý nhưng xin phép post lại bài này để lỡ ai không vào được Dân Luận hay blog của Người Buôn Gió để đọc bài viết mới giữa thầy trò nước Vệ :-) Qua câu chuyện cho thấy học trò nước Vệ được dậy dỗ nước Vệ là của triều đình nước Vệ chứ chẳng phải là dân Vệ !!!

Người Buôn Gió – Thầy trò nước Vệ


Thầy
- Nếu có kẻ nói xấu triều đình ta, các em sẽ phản đối thế nào ?

Học trò

- Em sẽ bảo, chúng mày cảm thấy không thích thì hãy ra khỏi đất nước này, tìm nơi khác mà sống như chúng mày thích.

Thầy
- Nếu ra ngoài chúng vẫn tiếp tục nói xấu triều đình ?
Học trò

- Em sẽ nói, cái bọn bỏ đất nước mà đi thì làm gì có tư cách để nhận xét gì về đất nước.
Thầy


- Nếu có kẻ bàn cuộc chiến Nam – Bắc nói thế nào?
Trò
- Cuộc kháng chiến vĩ đại đánh đuổi ngoại xâm của nhân dân ta, một cuộc chiến hào hùng, anh dũng gắn liền với sự lãnh đạo tài tình của triều đình ta, mỗi năm đến ngày này nhân dân ta lại bồi hồi…qua đó cho chúng ta thấy tinh thần bất khuất thà hy sinh tất cả chứ không chịu cúi đầu…cần phải tôn vinh để nhắc nhở thế hệ sau về cha anh…


Thầy

- Còn cuộc chiến biên giới phía Bắc?
Trò

- Quá khứ nên khép lại, hòa giải trong tình hữu nghị, không nên khơi lại những gì đã qua khiến sứt mẻ tình cảm hai bên. Trân trọng những gì đang có, nhân dân ta yêu chuộng hòa bình không mong muốn nhắc tới chiến tranh vì sẽ động đến những đau thương, mất mát, cùng nhau hợp tác hướng tới tương lai, xây dựng phát triển kinh tế mới quan trọng.

Thầy

- Về tôn giáo, tín ngưỡng nếu nghe theo chúng ta thì sao?

Trò
- Tin tưởng vào đường lối sáng suốt của triều đình, đồng hành cùng dân tộc, có tinh thần xây dựng, yêu chuộng mong muốn hòa bình, ổn định. Tốt đời đẹp đạo

Thầy
- Nếu có kẻ phản đối.
Trò

- Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống đối, xuyên tạc, kích động nhằm gây xáo trộn đời sống yên lành của nhân dân ta..


Thầy
- Du khách nước ngoài đến thăm nhận xét tốt về đất nước thì ta nói gì?
Trò.
- Cuộc đổi mới mà triều đình ta lãnh đạo hiển nhiên đã đạt nhiều thành quả, đông đảo chính khách quốc tế đến nước ta đã chứng kiến tận mắt và bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ..
Thầy.

- Nếu họ chê?

Trò
- Tuy cuộc đổi mới đã có thành quả rõ ràng, nhưng cá biệt có một thiểu số chậm tiến bộ trên thế giới cố tình đưa ra những ý kiến lệch lạc nhằm bôi nhọ ác ý….
Thầy
- Quan lại triều đình khi phạm tội, lỡ có bị xét xử thì xử thế nào?
Trò
- Pháp luật nước ta vốn nhân đạo, mang tính giáo dục, tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội.


Thầy

- Nếu là dân?

Trò

- Pháp luật nước ta nghiêm minh. Cần phải trừng trị nghiêm khắc để có tác dụng răn đe kẻ khác.

Mời bà con bổ sung thêm về giáo dục tuyên huấn nước Vệ

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Những tấm hình gợi suy nghĩ

Một tấm hình mang ý nghĩa vui trong ngày 30-4

Những tấm  hình nói lên văn hoá của một dân tộc ?

Tội nghiệp đất nước tôi!

Một bài viết của bà Trần Thị Hồng Sương từ cuối năm ngoái, nhưng trong tháng Tư này vẫn có những điều bà nhắc đến chưa thực hiện được sau 35 năm, điều gì ư? Đọc thì sẽ biết :-)



Tội nghiệp đất nước tôi khi không có nền chính trị dựa trên sự thật, ý chí tiến bộ và sự khoan dung, mà có dư kỹ năng dùng thủ đoạn quảng cáo để che giấu sự độc tài, ích kỷ, bạo lực, tham nhũng!
Làm kinh doanh vai trò của tiếp thị công chúng (PR) vô cùng quan trọng. Vì quan trọng và thành công thấy rõ nên Chính trị đang ăn theo cách làm này! Ngày nay ngành quảng cáo cùng với tuyên truyền đang làm cho đất nước VN đi vào cơn mê ảo tưởng lăng mộ, tượng đài, lễ hội!
Nói về tác hại của việc đam mê, tập trung tiền cho việc xây lăng mộ, tượng đài, lễ hội, không gì hơn là đi thăm Ai Cập với kim tự tháp và xác ướp dát vàng, và thăm Angkor để thấy sự lớn lao kỳ vỹ như phải có sức thần trợ lực, hơn cả khi xem phim và hình ảnh. Tài hoa của thợ khắc đá Campuchia ngàn năm trước, từ thế kỷ 11 chắc chắn phải hơn các “ngôi sao giải trí”, các ca nữ vũ công chân dài của VN vài trăm bậc! Nhưng hậu quả của Angkor là đế chế Khmer tan rã, vào thế kỷ 12 lọt vào tay những công nhân gốc dân từ núi Antai phía Bắc đến làm công cho đế chế Khmer Angkor. Nước Thái và nước Lào được thành lập trên nền đất Khmer Angkor của vương quốc Phù Nam mênh mông và nhiều hoang địa... VN được hiến tặng hoang địa, nhưng Thái Lan đánh chiếm thủ đô Angkor khiến Campuchia phải dời đô về Phnom Penh ngày nay...
Vô cùng khâm phục các vua chúa tiền nhân VN, bên cạnh nước Tàu với Vạn Lý Trường Thành và chuỗi kiến trúc hoàng cung- tử cấm thành ngàn phòng cho hoàng gia, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Thiên Đàn cúng trời... Campuchia với Angkor cực kỳ lớn và Chămpa với chuỗi đền tháp ngoạn mục thì Việt Nam chỉ có một Văn Miếu Quốc Tử Giám và Chùa Một Cột bé xíu. Nhưng VN tồn tại lớn mạnh khi Khmer Angkor hoang tàn và Chămpa suy vong. Trung Quốc cũng rơi vào tay hết Mông Cổ rồi đến Mãn Châu... Còn VN giành được độc lập khỏi nước Tàu như anh khổng lồ .
Để giữ lăng ông Nguyễn Tất Thành mỗi năm nhà nước phải chi hai triệu đô la, giữa khi rất nhiều trẻ chưa có đủ nhà trẻ phải gửi ngoài dân khiến trẻ bị nhiều bảo mẫu không được đào tạo dễ gây tai nạn bị đánh đập. Trường học không có nhà vệ sinh, số giường bệnh trên đầu người dân không dám công bố vì quá mắc cỡ!
Sang Campuchia, tôi được tận mắt chứng kiến các bước tiến vượt bực và không khí hoà bình, nhìn ra nền tảng đa nguyên đa đảng để tiến bộ, cho dù còn sự cấu kết làm ăn của cảnh sát giao thông và quan tham, còn cách sống ngang tàng của các công tử ăn chơi con quan chức, đại gia đi xe không cần bảng số mà cảnh sát chẳng dám làm gì. Điều khác VN hoàn toàn là dọc dài các con đường dẫn về các tỉnh có các bảng giới thiệu biểu tượng của các đảng (11 đảng), nhìn thấy mà mừng dùm cho Campuchia và buồn cho đất nước VN của tôi. Các đảng tranh nhau lập văn phòng khu vực để phục vụ dân mới có thể giành lá phiếu bầu cử.
Tôi vào thăm Hoàng cung giữa khi ông Vua Sihamoni tiếp khách ở Chính điện chỉ cách nơi chúng tôi tham quan chừng vài chục thước không sợ ai phá hoại.
Chính trị trước đây chỉ có các cuộc họp ra quyết sách quan trọng trong không khí tẻ nhạt lạnh lùng. Cảnh vài người căng thẳng đặc quánh óc thủ đoạn kín đáo làm thân rỉ tai mớm lời, áp lực lên nhóm người ba phải ít thông tin hay mụ mị hay... ngủ gật để phát biểu thay hay để giành phiếu thắng lợi! Nay CSVN đã học kỹ năng PR và lời khuyên nên đàm phán trên bàn ăn đồng thời xem văn nghệ để tinh thần ít bị căng thẳng, làm cho bớt nguy cơ ra quyết định trấn áp bạo lực hay chiến tranh khi chưa thật sự là cần thiết!
Đúng vậy, đi du lịch Campuchia, ấn tượng tốt nhất là bữa ăn buffet tối vừa xem vũ điệu Apsara, tinh thần thoải mái, mệt mỏi tiêu tan, bỗng thấy có thể lặng lẽ cười một mình hay bắt chuyện với các thành viên xa lạ hoặc ít cảm tình nhất trong đoàn, phút chốc quên đi nỗi ám ảnh đau đớn trĩu lòng về “cánh đồng chết”, nhà tù Toung Sleng!

Làm ăn theo lối quảng cáo chào hàng đó, CSVN mở đại hội Việt Kiều ở Hà Nội và tổ chức lễ hội “Meet Việt Nam” ở San- Francisco. CSVN đã tạo ra các vầng hào quang ánh sáng đèn màu và nét huyễn ảo khói mây để thu hút... những con thiêu thân!
Một nhà sản xuất bị truy tăng thuế vì quảng cáo rầm rộ đã bộc bạch: “ Các anh ơi! hàng ế mới quảng cáo, có ai cần quảng cáo “tôm tươi” bao giờ!”. Thuế phải giảm chứ sao tăng! Nhiều khách hàng được đóng vai “thượng đế” đã tin tưởng và mua nhầm thịt thối!
Dự một hội nghị chính trị hay mang màu sắc chính trị mà khởi đầu bao giờ cũng buộc vào thăm lăng lãnh tụ là kiểu ám thị sẽ làm cho đại biểu bản lãnh khó chịu, thế nhưng đại biểu của CSVN phải luôn ngoan ngoãn! Lễ viếng trước khi vào họp là ngầm ý sẽ làm theo tinh thần HCM, có vòng hoa, lãnh tụ nhà nước CSVN dẫn đường, và dẫn theo đàn cừu.
Ngành PR còn dạy tôi các kỹ năng rất thượng thừa! (vì tôi làm PR cho khu vực 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của một công ty đa quốc gia về dược phẩm) là kỹ năng kín đáo tôn vinh người được chọn làm mục tiêu (target) ví dụ như phải biết nói quá giá trị, Phó Giáo sư thì (làm như không biết) luôn gọi là Giáo sư, Dược sĩ Trung học thì gọi chung chung là Dược sĩ thôi để được lầm với Dược sĩ Đại học, rồi khen ngợi, để làm hài lòng và tặng thật nhiều (theo chiều rộng) các món quà lạ, tuyệt hảo để chưng bày ngắm nhìn nhưng giá trị nhỏ. Đằng sau tất cả những thứ đó là để hình thành sự thân thiện và quan tâm đến với sản phẩm mình muốn chào hàng! Thứ hai, không ai nỡ lòng làm căng thẳng hay thường tránh tham gia về “sự thật chưa tốt” của công ty từng “tôn vinh” mình cách đó! Người Nhật thuê hai người chỉ để cúi thật sâu chào khách vào cửa hàng cũng là một hình thức kín đáo tôn vinh bà nội trợ tầm thường thôi!
Việt Kiều Nguyễn Hữu Liêm được đóng vai VIP đi có xe hụ còi dẫn đường, là chuyện ông không hề thấy hay có được ở Mỹ, ông đã “sụp bẫy” quảng cáo và làm thiêu thân của thứ chính trị thiếu dân chủ nhưng vẫn tồn tại nhờ tuyên truyền quảng cáo! Nhiều VK khác cũng được mời chào đón nhưng im lặng hưởng thụ và có thể chưa hẳn tin, tuy nhiên chắc sẽ tránh sa vào chống đối cực đoan. Dù là kẻ xấu nhưng tôn vinh mình thì tâm lý thường tình là khó thẳng tay! Công lao dù tốt nhưng không tùng phục cũng sẽ dễ bị dứt tình như Cô Trần Ngọc Sương, Nông trường Sông Hậu.
Xin lưu ý, nếu ông Liêm về Hà Nội đi thăm cho biết như du khách thì không một ai chống đối làm gì, giống như tôi làm giống mọi người mua một cành hoa giả, kín đáo vất vào một góc, vào thăm lăng Mao Trạch Đông chơi cho biết.

Đọc bài Nguyễn Hữu Liêm viết thấy rõ ông là người có thể tốt bụng nhưng ngây thơ dễ “dụ”, là đối tượng tiếp thị rất dễ vì giàu cảm xúc ít suy tư, cho coi kịch là có thể dẫn ông đến cảm tình với chế độ CS đang thủ chiếc còng số 8 sắt thép. CS không cất công dụ mấy người xấu không có uy tín làm gì đâu, CS biết chỉ dùng loại người đó để làm đặc tình làm cộng tác viên vòng ngoài và làm chuyện phá chùa, lôi sư hay trấn áp bất đồng chính kiến một cách dơ dáy nhất là cho dùng phân tươi-mắm thối!
Những người như ông Liêm có cái nhược điểm lớn nhất là không nhìn qua khỏi lỗ mũi và quyền lợi bản thân để thấy số phận người khác, thấy việc làm đúng sai của người khác. Sức phá hoại của sự ngây thơ cũng không thua gì khủng bố và cũng làm hại chính mình!
Không có bản lĩnh chính trị mà nói mà làm chính trị, lầm lẫn chuyện sân khấu diễn kịch và đời sống thật như Đặng Thùy Trâm xem lễ hội mừng công chống Mỹ, lẫn lộn “kịch-đời’. CS Hà Nội đã dùng kiểu Lê Văn Tám, khiến cô từng tự mắng mình không bằng các em bé miền Nam có tinh thần chống Mỹ “từ trong trứng nước”, và kết cục dành cho cô là một bi kịch! Cô học gần ra bác sĩ tuy so ra không chuẩn mực cao nhưng cũng là người giỏi của Hà Nội, chỉ do không có bản lĩnh chính trị nên là như thế!
Tôi nhớ khi đi xem cải lương Phạm Công Cúc Hoa tôi cứ nhìn ngạc nhiên vì sao mà các bà các dì khóc ngon lành như chuyện thực cho một màn kịch, khi cô bé sắm vai con Phạm Công-Cúc Hoa đóng vai ăn mày xuống các hàng ghế xin tiền các bà móc túi ra cho mà còn vuốt tóc ôm hôn thắm thiết, để rồi vãn hát cô bé lên xe hơi về nhà, còn các bà lội bộ nhếch nhác giữa đêm khuya vì hà tiện tiền xe bởi đồng tiền làm ra quá cực nhọc! Nhà nước CS thấy cô bé xin tiền quá nhiều, đã có lệnh cấm diễn viên nhà hát xin tiền kiểu đó để dân nghèo ít bị gạt!
Có lẽ cũng là một thói quen chung của người mình, người ta thường ít chịu suy xét phân tích rạch ròi mà chỉ dừng lại ở những cái nhìn, những lý lẽ phiến diện, những lập luận nặng cảm tính.
Cô Thùy Trâm và ông Liêm cùng đều không có đủ bản lĩnh tự đặt cho mình câu hỏi để suy nghiệm rằng phía sau tiến trình của sự kiện phơi bày trước mắt là nhà nước CSVN đang cố gắng hình thành điều gì? Hoàn cảnh dù có khác nhau xa giữ thời của cô Thuỳ Trâm và của những người Việt Kiều về dự hội, nhưng bản chất của những màn tuồng hát đều như nhau thôi, là cố ý dẫn dắt người mình đến sự quên đi thực trạng tệ hại, độc tài, mất dân chủ, tham nhũng... Quên hết đi!

Đó là chuyện ở bên nhà. Đến như chuyện xảy ra ở bên trời phương tây thì càng nghe càng tội nghiệp. Có một ông tự nhận là là nhà báo, bước vào “chợ phiên” Meeting VietNam bằng vé mời mang tên người khác. Chuyện này tự nó chẳng có gì mà ầm ĩ, tôi từng làm như vậy ở Mỹ; nhưng phải nói ngay vé hội thảo thông thường khác có khi phải mua vài chục đô trong các hội thảo dân sự bình thường, có thể nhường, cho hay tặng người khác, không ai quan tâm. Vé vào dự Meeting Vietnam mang tính chính trị “nhạy cảm”, ban tổ chức rất cảnh giác vì phải ngăn ngừa chống đối. Thế là ông nhà báo bị chận lại. Cuối cùng thì “ông nhà báo” cũng được ban tổ chức chấp nhận cho dự “Lễ hội Meet Việt Nam” (miễn phí), ăn tiệc ngon, xem ca kịch miễn phí, trong gian phòng ấm cúng, xem Hà Nội tiếp thị ca nữ thuộc đẳng cấp chân dài VN lộng lẫy. Ông nhà báo bỗng dấy động “lòng nhân đạo đáng nguyền rủa”, bỗng suy bụng ta ra bụng người khi viết lời tự hỏi rằng ngoài trời giá rét kia thương hại cho không biết có bao nhiêu người biểu tình đòi dân chủ muốn vào thưởng thức mà không được vào! Thật đáng kinh ngạc cho nhận thức chính trị của ông nhà báo! Hay là vì rượu thịt no say, rửa mắt chán chê rồi mà ông nhà báo bỗng chạnh lòng thương... hại cho những người đấu tranh! Người đấu tranh vì ý thức trách nhiệm sẽ không ngại gian khó, không vì quyền lợi cá nhân, có khi còn nằm sàn ximăng nhà tù, để hình thành những giá trị cho đất nước là cách sống kiên cường, còn kẻ ham làm như cảnh đời “chó kiểng chó cưng chó gặm xương”, quả có thể sung sướng một đời nhưng là kiểu sống lệ thuộc, khác hẳn nhau đấy!
Không chỉ một Nguyễn Hữu Liêm và cái ông nhà báo lẩm cẩm kia, mà có đến 70% của bốn triệu người là đảng viên và hai triệu hội viên hoạt động ngoại vi đảng CSVN mang tinh thần sống xu thời, “ thà làm chó kiểng chó cưng, làm chó gặm xương chứ không làm người phản kháng vì sự tiến bộ nhân loại!”.

Phải công bằng mà nói, cũng có nhiều đảng viên tốt nằm ngay trong nội bộ đảng nên thỉnh thoảng ta thấy xì ra chuyện bê bối Tổng cục II và con ma T4, chuyện Năm Cam, PMU 18, tiền polymer, PCI... Vẫn có sự kiên cường của nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường của năm 1956, tức 53 năm trước, để nay hậu thế thấy đau lòng vì sao VN vẫn cứ chậm bước. Lý do chắc hẳn là vì còn nhiều người như Nguyễn Hữu Liêm và ông nhà báo kia, và loại đảng viên vào đảng vì tìm kiếm cơ hội...

Ngành kinh doanh nước Mỹ cũng lạc hướng khi làm cho dân Mỹ nhất là thanh niên “lầm lẫn lợi thế và giá trị”. Thanh niên Mỹ không tiền mua hàng hiệu như đi giày Nike mua xe cao cấp thì thấy mình thua kém xấu hổ vì nghèo! Từ đó nảy sinh tâm trạng bất mãn gây thảm sát trường học. Đó là hậu quả của lối sống xã hội tiêu thụ và quảng cáo! Cô dâu không có món quà cưới là kim cương sẽ tủi phận cho mình không có tín vật tượng trưng cho tình yêu toàn mỹ và vĩnh cửu. Thật ra là đã bị ám thị bởi một ảo tưởng! Những người như cô đã là những minh chứng hùng hồn cho khẩu hiệu: Ngành quảng cáo kim cương còn quý giá hơn chính viên kim cương! Thành công quá lớn khi ngành quảng cáo đã kết nối được viên kim cương với lòng ao ước có một tín vật toàn bích và vĩnh cửu để chúc phúc cho tình yêu!

Con người phải phân biện rõ ba yếu tố: lợi thế, đẳng cấp và giá trị. Nhan sắc, giàu có từ gia đình chỉ là “lợi thế” ngoại thân, không phải là đẳng cấp hay giá trị. Còn “đẳng cấp” hình thành từ trí tuệ (IQ cao) và công lao học tập nghiên cứu, giá trị con người có từ hoạt động đóng góp phục vụ cho cộng đồng, giúp người khác cải thiện cuộc sống!

Giàu giỏi mà chỉ hưởng thụ cá nhân, không có giá trị gì cũng không có giá trị không ai cần đến. Thầy giáo giỏi phải biết ân cần chăm lo dạy học thầy thuốc giỏi ân cần chăm sóc bệnh nhân mới được hàm ân. Nhà chính trị phải tài giỏi sáng suốt chọn con đường đúng chỉ vì quyền lợi đất nước vì cuộc sống và tiến bộ của dân chúng... mới được công nhận là giá trị. Nhà báo không viết vì sự thật sự tiến bộ, làm chính trị không tài giỏi lo hưởng thụ cá nhân thì chỉ là những người tranh cướp lợi thế!

Trong nội chiến Hoa Kỳ, Tổng Thống Lincoln nói rằng: “Nếu tôi có thể giải cứu Liên Minh này mà không cần giải phóng một người nô lệ nào tôi cũng sẽ làm, nếu tôi có thể cứu vãn Liên Minh này bằng cách giải phóng tất cả các người nô lệ tôi cũng sẽ làm”. Ngày nay, chúng ta cũng có thể nói: “Nếu tôi có thể làm cho đất nước toàn vẹn, tiến bộ, dân tộc đoàn kết mà không cần động đến đảng CS thì tôi cũng chấp nhận. Nếu để giữ cho đất nước toàn vẹn, tiến bộ, dân tộc đoàn kết mà đảng CS phải tan rã (bị cấm như Liên Xô) thì tôi cũng cố gắng phải làm!”.

An ninh mạng rất tâm đắc câu chất vấn, có vẻ khó trả lời, của những kẻ cò mồi, cốt ý muốn dồn các nhà dân chủ vào thế bí: “Đảng CS tan rã rồi đảng nào làm?” Câu hỏi tự nó đã vô nghĩa rồi: làm gì có đảng nào trong chế độ độc đảng, chẳng lẽ đảng nước ngoài với người VN quốc tịch Mỹ, Đức, Úc về làm sao? Thật ra đâu có gì khó trả lời! Đảng CS tan rã hay tự tan rã, tự tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ để cho dân bầu quốc hội và quốc hội bầu người lãnh đạo lập ra nội các. Quốc hội của dân sẽ có thể lại bầu các đảng viên CS tốt hay lỡ bầu người xấu có thể bãi miễn hay bầu lại ở nhiệm kỳ sau, không phải mang vòng kim cô không có ngày vất bỏ như hiện nay!

Yêu cầu hết sức đơn giản, không có gì là quá đáng nhưng vì còn một số ích kỷ tham lam khiến cả dân tộc không có được. Đau đớn chưa ?

Một thực tế là các cuộc hôn nhân vì tình yêu đã giúp xoá nhoà ranh giới “ngụy ta” trong dân chúng, nhưng vì sao còn đậm nét trong chính sách của đảng CS? Chính vì một số quan tham, tham quyền, tham danh và tham tiền bám lấy chính trị để hưởng thụ.

Nghị Quyết 36 đã phát huy hiệu lực từ 10 năm nay. Nói thì hay lắm, kêu gọi đoàn kết hoà hợp dưới trướng của đảng. Thế nhưng có một việc cụ thể mà phát huy được tinh thần hoà hợp quốc gia, đó là: Ra một quyết định miễn tố cho tất cả người tham chiến từ 1945-1975 dù ở chiến tuyến nào. Sau năm 1954, Pháp đã làm việc này, khiến cho một giáo viên bị tố cáo giúp CS Hà Nội thẩm vấn tù binh Pháp thoát khỏi bị đưa ra toà án binh. Pháp nhận mình đi đô hộ là sai và công dân Pháp có quyền không ủng hộ!

Trong chiến tranh VN có biết bao nhiêu sai lầm biết bao nhiêu người can dự từ CCRĐ, đến Nhân Văn-Giai Phẩm và xét lại chống đảng, từ việc giết học sinh miền Nam bất mãn, đến giết học sinh miền Bắc biểu tình đòi công bằng chế độ đi nghĩa vụ ... nào là chiêu hồi, lính VNCH, tù bình, đặc công tình báo bên này bên kia giết nhau qua lại quá nhiều...

Muốn đoàn kết phải thấy rõ đó là các cuộc chiến tranh và các chính sách không nên có, để ngăn việc trả thù cá nhân (như sau CCRĐ) phải có một sắc lệnh miễn tố. Anh em trong nước là công dân như nhau sau khi đã hoà bình thống nhất. Nếu thực lòng vì dân tộc và vì đất nước thì sau ngày 30 Tháng Tư 1975, người cộng sản phải hành xử như người Mỹ đối xử với đạo quân miền Nam thời nội chiến. Tội nghiệp thay, cái Nghị Quyết 36 muộn màng đến hơn hai mươi năm mà vẫn không chứng tỏ người CSVN khôn hơn ra.

Thật chán ngán khi không có một thay đổi nào được chấp nhận mà cứ cố chứng minh cho cái sai thành cái đúng như việc làm quảng cáo cho sản phẩm ế!

Nỗi buồn vào những ngày cuối năm này chắc còn kéo dài sang năm 2010.


Trần Thị Hồng Sương

"Câu chuyện nước Nhật"

Bài văn "Câu chuyện nước Nhật" đáng được đọc cho các trẻ em trong nước học trong giờ về đạo đức, chính trị chi đó, không biết bây giờ có cái môn gọi là Công dân giáo dục không? Nếu không thì nên cho thêm vào cho trẻ con có giờ tập đọc những bài đọc đơn giản về cuộc sống kiểu mẫu do người thật sống thật kể lại hơn là những bích chương biểu ngữ.  Hoàn thiện một xã hội bắt đầu từ những đứa bé phải chăng?

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Phim thời sự

Đi tìm tài liệu về sức khoẻ, chưa thấy thì thấy bộ phim post ở đây.  Ai bảo là do bọn "phản động" ở nước ngoài quay chiếu chứ, dân người ta chán người ta làm thế thôi.  

Ba bộ phim thời đại

Ai là người Trung Hoa

Tình cờ xem cái clip này, người Mãn Châu ở Trung Quốc còn muốn dành lại độc lập cho chính họ, thế mà có người ở đất nước có lịch sử 4000 năm văn hiến lại muốn dâng đất và dân tộc cho ..kẻ lạ mới là hay chứ.



Hôm qua cô bạn gốc Hồng Kông hỏi tôi có biết nói tiếng Hoa, có lẽ cô nhìn cái Họ của tôi sao giống một người lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc trong thập niên 70.  Tôi nói tôi chính gốc VN không nói được một câu tiếng Hoa nào ngoài chữ "Sư phò" . Cô nói cô cũng không phải là Chinese, cô bực mình là người ta gặp cô thì cứ hỏi cô là có phải là người Trung Hoa không? Cô nói tuy cô nói được tiếng Quảng Đông và Quan Thoại nhưng cô vẫn không phải là người Trung Hoa, cô nói cô sang bên China cũng phải có visa, cô đâu có được tự do đền China, và hơn thế nữa cô nhấn mạnh, văn hoá quá khác nhau, cô nói cô sang bên đó là cô bị "shock", người ngoài không hiểu cứ thấy mình là hỏi có phải là người Hoa không.  Nghe cô than phiền tôi mới hiểu có lần qua câu chuyện người ta kể, với nhau thì họ có thể nhận họ là người Hoa (Chinese) nhưng với người khác chủng tộc thì họ muốn phân biệt rành rọt là họ là người Đài Loan, người Hồng Kông, người Singapore, người Trung Hoa (mainland) chứ họ không có muốn lẫn lộn nhập chung họ là người Trung Quốc hết tất cả.
Đấy là họ có thể nói cùng một tiếng Quan Thọai mà còn muốn phân biệt như thế, trong khi mình nói tiếng Việt rành rành mà lại cho là người Trung Hoa thì có phải là "thấy sang bắt quàng làm họ" không? Mà có sang không thì mới đáng nói chứ. 

Lại thêm một tin lơ mơ

Đọc tựa bài "tin tức" sau đây, tưởng đâu bài viết nói về một người nào đó rất là lơ mơ nên có cái tựa đặt câu hỏi "Ai là kẻ lơ mơ".  Nhưng mà đọc xong thì câu hỏi lại đặt ra Ai lơ mơ hơn ai?
Bài viết đâu phải là một bài tản mạn ở một trang blog vớ vẩn như trang blog này, viết tơ lơ mơ cho vui, mà là một "tin" trong mục Tin tức ở Trang chủ của tờ báo Thanh Niên ở đất nước có rất nhiều báo chí. 
Viết thông tin cho người đọc trong nước mà lại lơ mơ với câu

"chuyện một phụ nữ" - Phụ nữ nào tên là gì ? 
"được giớí thiệu là tiến sĩ" - Ai giới thiệu ?
"lên một website" - Website nào vậy, tác giả đọc ở đâu?

Chỉ mỗi một câu văn mở đầu cho một trang tin tại sao lại mù mờ lơ mơ vậy, hay chỉ là một chuyện nhỏ chuyện xe cán chó, nói cho vui?
Phần cuối lại thông tin lơ mơ nguồn gốc ở Mỹ để ngụ ý, là một kẻ "phản động" nào đó đã viết một bài báo động trời như thế "xúc phạm lịch sử và lòng tự hào dân tộc". 
Ôi chao, hôm qua nghe tin trên blog là báo VN nay đã có đăng sau khi sự việc ồn ào gần cả tuần lễ, vào đọc thì thấy còn tơ lơ mơ hơn cả bà "tiến sĩ" được nhắc đến. Chán!

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Những ngày 35 năm xưa

Tình cờ hôm qua nghe tin ông Trần Khiêm, phóng viên hiện diện những ngày cuối cùng ở Huế và Đà nẵng khi hai thành phố này thất thủ, (hay được/bị giải phóng).  Ông sẽ cho trưng bày hai trăm tấm hình mà ông chụp lại trong những ngày đó, mà bây giờ ông mới công bố. Trời ạ! sao mãi tới bây giờ ông mới công bố chứ, 35 năm rồi, hơn một thế hệ khác đã trôi qua.  Vội thư cho con dặn nó ráng đi xem triển lãm để biết những ngày ấy đã có một người con gái không biết làm sao mà leo lên chiếc tàu lớn bằng một sợi dây thừng, dù trước đó chưa hề chạy nhảy đu leo làm Tarzan bao giờ, và rồi cũng không biết làm sao mà ... rớt sang chiếc xà lan dài được kéo đi ròng rã mấy ngày trời không ăn không uống, vì không khát không đói, chả hiểu sao hồi đó người thì còm mà dai sức đến thế, chỉ cần ngồi hít khí trời mà sống, cũng không nứt nẻ vì nóng vì khô như các ma soeur trên tàu, hay hoá điên trần truồng như người đàn ông leo lên mắt cáo hàng rào của xà lan, mơ hoảng một lá cờ đã làm ông sợ mà phải trốn chạy.  Và cũng không biết làm sao mà ngồi im lặng thò chân xuống nước bên cạnh một xác em bé chết trong đêm mà không hoảng hốt, mọi cảm giác nối sợ đã trở nên bão hoà? , tê điếng lúc ấy.  Về đôi mắt hoảng sợ tuyệt vọng trên khuôn mặt đầy máu của người đàn ông bị kéo lôi đẩy xuống biển, người ta tưởng ông đã chết nên thuỷ táng? Và ông đã thức giấc hoảng hốt khi biết mình bị "thủy táng" ông nhìn một cách vô vọng theo chiếc xà lan trôi đi, bỏ ông lại trên sóng nước với cánh tay dơ lên, đôi mắt tuyệt vọng ấy đã ghi chụp vào đôi mắt người con gái thời ấy, để không bao giờ quên được, nó đã không nhớ đôi mắt ai ngoài đôi mắt ông?.  Ba ngày đêm để rồi lại vội vàng leo lên chiếc thuyền nhỏ rời khỏi cảng Nha Trang chỉ sau một đêm trú ngụ, thành phố mà chỉ mấy ngày trước đó cô đã theo đoàn người từ Đà Lạt xuống núi về thành phố biển, đi qua các thành phố biển khác như Quy Nhơn về lại Đà Nẵng, và lại rất tréo ngoe leo lên tàu xuôi Nam, nguyên gần một tháng trời lang thang trong hoảng hốt, mà có hoảng hốt không? Thật ra cô làm gì đã biết thế nào là "hoảng hốt", thấy ngừời ta bỏ thành phố ra đi thì cô đi theo, thế giới của cô trước đó là thế giới "bình an" trong cái thế giới chiến tranh của đất nước, nhưng là tuổi học trò cô không cảm nhận gì nhiều về một cuộc chiến ngoài những đêm nằm nghe đại bác dội vào thành phố. Cha mẹ bảo đi thì cô đi, để nhìn thấy bao nhiêu đau thương chết chóc trên đoạn đường cô đã đi qua, người ta không ăn mừng "giải phóng", hay người ta ăn mừng ở đâu, cô không thấy, cô chỉ thấy hỗn loạn, gia đình chia ly, lạc mất nhau, người ta đạp lên nhau, giết nhau để tranh một chỗ đi tìm tự do, tránh khỏi sự giải phóng của một đòan người từ phương Bắc, những người có cùng phương ngữ giọng nói như cô, thế có buồn không? Nếu ở đâu có những người chờ đón đoàn người giải phóng ấy thì ở đấy ngày ấy chỉ là những đòan người gồng gánh bỏ cửa bỏ nhà ra đi trước khi đòan người phương Bắc tiến đến.  Để về tới Sàigòn, mà sau này cô nghe người ta nói đã cũng rất là hỗn loạn, nhưng với cô, họ vẫn còn vô tình với những mất mát hỗn loạn của miền Trung ngày ấy, Saigon vẫn như bình yên, nhộn nhịp vui như không hề có dấu hiệu nào báo trước  ngày tàn của một thể chế gần kề đối với người dân bình thường? Cô khóc lặng lẽ trong lòng chiếc xe lam khi đi vào thủ đô của ngày ấy.  Những dòng nước mắt đầu của một đứa con gái cho một quê hương, cho những đau thương mà cô phải chứng kiến lần đầu tiên trong đời.
Chỉ không hơn ba mươi ngày sau, lịch sử đã sang trang, cuộc đời cô cũng... sang trang. Những mơ ước một thời thiếu nữ cũng tan theo.
Cô thành ngưòi mất trí nhớ!

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Phản động ?

Hôm nọ nhắc tới hai chữ "phản động", hai chữ như một phát súng làm rất nhiều người sinh sống ở VN rất sợ khi bị gán ghép.  Một người dân bình thường chỉ cần có một ý kiến khác với chủ trương chính sách của nhà nước VN, cũng có thể rơi vào tình trạng khốn khó, tù đày, khi bị ghép vào cái "tội phản động". Hôm nay đọc bài của người nào không thấy tên tác giả đăng ở Dân Luận về cuộc tranh luận trong diễn đàn về hai chữ phản động ấy.  Tác giả có những  ý tưởng xem ra "ba phải"có chủ đích (phải đọc ý ở giữa những dòng chữ ấy nhé) nhưng xem ra dễ cho người đọc nhận ra rõ ràng thế nào là phản động ở xã hội VN và cần phải tránh hay tuân thủ, chứ tranh luận như các vị học cao thì phải dành cho một tầng lớp lãnh đạo đất nước sau này thôi:-)

Nôm na "phản động" cũng là phản quốc theo định nghĩa của chính quyền VN hiện nay. Ở xứ khác không có từ này, người ta chỉ nói phản đảng, mà phản đảng không có nghĩa là phản quốc. Dù phản quốc cũng là một tội nhưng không phải dễ dàng ghép tội người ta là phản quốc ở xứ khác, và phản đảng thì chả ăn thua gì tới chuyên đất nước, chả có công an cảnh sát nào quan tâm tới chuyện "phản động, phản đảng" của anh, và cũng chả có chuyện bắt bớ giết người ta, tuy  nhiên nếu anh phản cái đảng "du đãng, Mafia" thì lại khác, mấy đảng đó thì giết người như ngoé để tranh giành quyền lực hay bảo vệ âm mưu đen tối thì họ giết lẫn nhau thế thôi, nhưng mấy cái đảng giết người này cũng chả dùng tới từ phản động.
Thôi bàn loạn tí vậy thôi, phần còn lại để người đọc tự điền vào chỗ trống tại sao VN có từ phản động và cho đó là phản quốc nhé.

BBC và câu chuyện "tiến sĩ"

Thế là sự việc bà "tiến sĩ" đã đi tới chỗ phải tìm cho ra nguyên nhân tại sao BBC đang bài của người phụ nữ mang tiếng là trí thức Việt nhưng lại nghèo về lịch sử của tổ quốc bà, chắc vì mải lo học "Hoa Kỳ học" .
Điều đáng nói đọc câu văn của ông trưởng biên tập Việt của BBC nghe sao giống như ở trong nước người ta hay đổ thừa lỗi do người đánh máy. Nay thì do "nhóm biên tập cuối tuần".

"Về sự chính xác trong cách giới thiệu tác giả, nhóm biên tập làm việc cuối tuần đã có sai sót vì khi đọc tiểu sử tác giả gửi cho, người đăng bài hiểu lầm học vị của bà là tiến sĩ.
"

Dân đen mà gửi bài tới BBC thì có khi họ sẽ điều tra kỹ, chứ người mà gửi tới ghi là tiến sĩ thì cho là điều họ nói là đúng 99% nên cứ in bừa, khổ cho cái tinh thần của người Việt mình cứ nhắm mắt tin người có bằng cấp là thế. 
 
Để xem những lời thông cáo, đề nghị trong các thư sau đây sẽ được BBC giải quyết ra làm sao. 
Thông cáo báo chí của Hội An Việt 
Hay lá thư ngỏ cuả ông Đinh kim Phúc

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Lớp ba trường làng ?

Tình cờ nghe bản nhạc này, ông nào làm bản ca dân gian này mà không sợ các cháu lớp Ba trường làng kiện cho thì chết, đó là cái tuổi thơ ngây thánh thiện, sao lại o ép những chuyện tày trời cho trình độ của các em bé chứ :-). Có khi các em bé trình độ chỉ từng ấy nhưng cư xử chân thật, đâu phải cứ có ít giáo dục là tỷ lệ thuận với tội ác, bao nhiêu cha mẹ ít học mà vẫn sống tử tế và nuôi con thành nhân, chứ cứ như bà (chưa đỗ) tiến sĩ mới đây làm rộn lên làn sóng căm giận của người Việt.  Chắc là dậy việt ngữ bổ túc cho trẻ con sinh viên thì lại ghi là dậy Việt học, ngay từ đầu đã nói bà ấy viết tào lao mà thiên hạ cứ đọc rồi phát phiền muộn, cứ nhìn nhà nước đảng ta đấy có ai tức giận có ai lên tiếng phản bác gì đâu, có cho công an mật vụ bịt mắt đem về xử cho cái tội chống phá đất nước nối giáo cho giặc đâu cơ chứ, có tờ báo  nào trong nước đặt vấn đề với BBC không?  Mà chắc nhà nước ta "sáng suốt" luôn nghĩ lời của Mao là vẫn nói "trí thức không bằng cục ...p" cho nên họ chằng thèm cho bà  Nguyễn Phương Nga phản pháo chi hết, vì thế tác giả bài dân ca trên chắc phải sửa lại là "trình độ ấm ớ như tiến sĩ ĐNB" để khỏi tủi lòng các em bé lớp Ba trường làng ở VN.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Anh em nhà họ Phạm & mật vụ VN

Nghe câu chuyện mật vụ CSVN mà thấy họ thật giỏi thật hay, đâu có thua gì tình báo quốc tế chứ, ai cứ nói cứ chửi là ngành công an VN chỉ biết tham nhũng hù hoạ dân còn chả làm sáng tỏ vụ tham nhũng nào, vụ nào cũng kéo dài rồi ... huề vốn, mới đây còn đọc tin là ông nào ở viện kiểm sát phải đích thân sang tận Nhật để hỏi về vụ PCI. Thôi tôi đọc báo rồi tôi quên cho đỡ đau đầu cho nên đừng có bảo tôi nói không chứng cớ, cứ vào Google đó mà hỏi, không thấy thì đọc báo VN í, họ đăng rõ ràng, không thấy thì họ hạ xuống rồi đấy thôi. 
Nói chung là công an VN giỏi bắt người khác chính kiến như trường hợp tăng sĩ Thích Trí Lực rồi vu vạ cho họ những điều không là "phản động" thì cũng là những tội hình sự khác như vụ mới nhất đối với cô Tạ Phong Tần, mà thật nghĩ cho cùng thì chỉ có ở xã hội VN hiện nay mới phát sinh ra cái từ "phản động", sao mà xã hội ấy có lắm phản động thế không biết.  Những xã hội khác làm gì có cái tội với hai chữ ấy chứ, ngưòi ta chỉ có cách mạng hay phản cách mạng, mà phản cách mạng thì phải có cách mạng đang xảy ra chứ, mà thôi đó là chuyện chữ nghĩa nói trong một blog khác thì đúng hơn. 

Tóm lại nghe câu chuyện của gia đình chú bé 16 tuổi, hiện nay đang bơ vơ với 5 ngưòi em, cha mẹ bị bắt cóc trở lại VN dù đã được cấp giấy tỵ nạn ở Thái, mới thấy hết quyền lực của CSVN ra sao.  Cũng phải khen cậu bé có giọng nói bình tĩnh trong một hoàn cảnh hoang mang như thế.  Anh em cậu bé này có lẽ sẽ nối tiếp tinh thần dứt khoát không hoà giải với chế độ CSVN. Ôi ngày 30-4 lại làm mất đi tinh thân hòa hợp của mấy anh em nhà họ Phạm.

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Ngày 30-4

Ngày 30-4 gần kề, sẽ có bao nhiêu người vui, và bao nhiêu người ngậm ngùi như bài viết của Nguyễn Ngọc hôm nay "Viết cho ngày 30-4". Những người chứng kiến ngày biến cố, không ai lại không có một câu chuyện cho mình phải chăng. Có người viết ra được, có người sẽ mang theo sang thế giới bên kia.

Và cũng có những người viết lại trang sử đời họ ở những nơi khác trên thế giới như trong bài Sự hội nhập của người Việt 1, 2, và 3.
Và đúng như câu hỏi của tác giả Nguyễn Ngọc, bao giờ thì thôi hát mừng ngày 30-4. Hay vì ngày này do đảng CSVN thành công cho nên cứ mừng cho tới khi không còn đảng CSVN? Bởi vì không biết lịch sử cận đại đất nước có liên tục mừng ngày đánh đuổi Pháp, hay Tầu không nhỉ.  Tôi không rõ, nhưng cứ thấy dân thì nghèo, trẻ con còn thiếu trường học , mà tốn tiền ăn mừng một cái ngày không hẳn ai cũng mừng, có ai biết được bao nhiêu bộ đội quân đội Nhân Dân VN được gì sau ngày kết thúc cuộc chiến. Nói như lời một thanh niên nói về cha anh, chỉ là một mớ giấy để đốt đi mà không ăn được. Anh "hận"chế độ CS vì cha anh đã hy sinh cả đời cho đảng CS chỉ để mang theo một mớ giấy ... lộn!!! 


Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Đêm chôn dầu vượt biển

Bao giờ thì hết "nợ máu"

Vị ấy bắt đầu câu chuyện: “Vì những việc làm của em mà anh, cùng nhiều anh em khác trong cơ quan an ninh phải lặn lội tìm hiểu, tiếp xúc với gia đình, bạn bè, người thân của em, thậm chí cả những người bạn thời niên thiếu của em. Bản thân anh dù rất bận nhưng cũng đã ngồi hàng giờ để nghe bạn bèem nói về em. Anh không thể hiểu được vì sao em lại có những nhận thức sai lệch về chế độ này, có những tư tưởng chống đối, và hành động cổ vũ cho các phần tử phản động. Em từ nhỏ được học hành và lớn lên trong chế độ này, gia đình hoàn toàn không có nợ máu với chính quyền, bản thân em cũng không bị chính quyền o ép hay trù dập, vậy thì tại sao?

Đó là một câu nói gần đây trong cuộc nói chuyện với Luật sư Lê Trần Luật, trong thời này, khi chiến tranh đã chấm dứt 35 năm của một người lãnh đạo công an an ninh VN, đủ nói lên cái tinh thần thiếu bao dung của những người thắng trận một cuộc nội chiến mà họ luôn tuyên truyển "chống Mỹ cứu nước", mà thật ra bây giờ bắt tay với kẻ thù nhưng không thể bắt tay với những người da vàng máu đỏ, vẫn truy bức con cháu của những thế hệ con cháu của những người bên kia chiến tuyền của một cuộc chiến đã lùi dần vào thế kỷ trước. 
Người ta có thể luôn phê phán những người chống CS là bảo thủ cực đoan luôn giữ lòng hận thù nhưng người ta có bao giờ nghe thấy những tiếng nói của những người cả đời hy sinh cho đảng và ngày nay mất tất cả, hay người ta có nghe thấy nhan nhản ở VN vẫn còn có tư duy, hành xử theo cung cách "nợ máu với chính quyền".

Bao giờ cho hết hận thù! Bao giờ dân tộc VN hết "nợ máu với chính quyền" (chính quyền nào đây, chính quyền CS?) thì mới có sự đoàn kết dân tộc về một mối, phải chăng ? Lúc ấy có còn nước Việt Nam ?

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

TS Đỗ Bích Ngọc đã nói gì về đất nước VN

Hồi xưa có những người học rất cao, bằng cấp đầy người, cách suy nghĩ, cư xử của họ không giống người bình thường, nôm na là quần chúng, nên người đời cho là họ "mát dây" .  Cứ tưởng đời nay không có chuyện đó và nhất là xẩy ra cho một phụ nữ, nhưng mà đọc xong bài viết của một tiến sĩ lại giảng dạy đại học Yale môn Việt học, cô viết:

"Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở," thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc."

đâm lo nếu đất nước VN mà có nhiều tiến sĩ như Đỗ Bích Ngọc thì cứ viết kiểu như vậy thì TQ chẳng cần mang quân giết hại ngư phủ VN, con dân VN sẽ lần hồi tự nhận mình là người Trung Hoa luôn.  

Dù sao cũng có Lá thư ngỏ gửi cho cô tiến sĩ Đại học Yale để phản biện, chứ không thì có lẽ nhiều người sẽ lên tension vì bài viết của cô tiến sĩ.

Hôm nay 4/19 có thêm chi tiết về cô tiến sĩ này, sinh và lớn lên ở miền Bắc VN,  được giáo dục ở môi trường thuần phục Trung Hoa, chả trách cô cũng như một số người ngộ nhận tổ tiên người Việt là Đại Hán? Lại chưa là tiến sĩ dậy ở Yale như trong bài viết của bác sĩ Tuấn. Thế thì chả nên mất công đọc bài của cô ta làm chi cho mệt trí.  BBC lâu lâu cứ thích đăng những bài viết (tào lao) cốt chỉ để câu độc giả hay sao đó.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Xã hội chủ nghiã

Mới đọc website tiến lên xã hội chủ nghĩa, thấy búa với lưỡi liềm mà ớn, nhưng đọc tiếp thì thấy trang web này vui đấy chứ, nhất là đọc bài trò chuyện với Lê Thị Công Nhân.
Cho nên giới thiệu mọi người cùng đọc.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

HS.TS.VN

Post lại từ Dân Luận

HS.TS.VN: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam

Thanh 
 
Kính gởi Ban Biên Tập Dân Luận,
Đọc được bài của bạn Nguyễn Minh và lời kêu gọi "Hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ để đạt một thay đổi lớn", tôi quyết định làm theo bạn Nguyễn Minh. Đó là tìm cách vẻ "HS - TS - VN" ở những nơi mà tôi có thể vẻ được. Vì tôi thấy cách này hay. Nếu bắt tôi phải vẽ cả hàng chữ "Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam", thì tôi không dám làm, vì sẽ mất thì giờ rất nhiều, công an hay bảo vệ sẽ thấy và làm khó khăn. Do đó, sáng kiến cùa bạn Nguyễn Minh là viết tắt thành HS - TS - VN cũng là cách nói lên lòng yêu nước và đau buồn thay, lòng yêu nước này người ta không cho những thanh niên như tôi được biểu lộ công khai.
Các hình tôi gửi Ban Biên Tập là các hình do tôi làm ở huyện Hóc Môn, thành phố HCM vào ngày 14/4. Chiều nay, 15/4, các chữ này vẫn còn nguyên. Tôi làm như vậy vừa để nói lên lòng yêu nước, vừa biểu lộ sự khâm phục của tôi đến anh Điếu Cày, đã dám dăng biểu ngữ công khai giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Mong rằng trong tù anh được bình an và khi ra tù, tôi tin rằng bên anh sẽ có tôi và nhiều thanh niên khác.
Rất mong Ban Biên Tập Dân Luận cho đăng các tấm hình này. Khi tôi làm được nữa, sẽ tiếp tục gởi đến Ban Biên Tập.
Thanh

hinh1.jpg
hinh2.jpg
hinh3.jpg
hinh4.jpg
hinh5.jpg

Mỹ Du Ký

Những ai chưa đến Mỹ thì cũng có thể hình dung đôi chút qua bài viết Mỹ Du Ký của ông Tiêu Dao Bảo Cự, ông là một cựu đảng viên đảng CSVN, sống ở miền Nam trước 75. Vừa qua ông được thân hữu ở Mỹ mời sang Mỹ chơi, vợ chồng ông quả là may mắn hơn nhiều người VN hay chính cả Mỹ, những người sống cả đời ở Mỹ có khi chẳng biết nơi nào ngoài cái thành phố họ ở chứ đừng nói tới tiểu bang. Trong khi vợ chồng ông có cơ hội du lịch "free" trong vòng 6 tháng ở đất nước Mỹ.  Không hiểu bài du ký của ông có đăng ở báo ở VN không, nhưng hy vọng người ở VN đọc được để nhìn nước Mỹ qua con mắt của một người một thời chống Mỹ!

Madame Ngãi


Tiếp câu chuyện di tản 219 cô nhi Việt, 12 Tháng Tư 1975
Bảy lần di tản, nuôi một ngàn cô nhi, làm người di tản cuối đời
Hà Giang/Người Việt
Trong số báo cách đây ít ngày, độc giả được đọc câu chuyện về người phụ nữ Mỹ, tên là Betty Tisdale, từng mang 219 cô nhi Việt Nam ra khỏi Sài Gòn những ngày cuối Tháng Tư, 1975. Trong câu chuyện mà bà Tisdale, nay đã 87 tuổi, kể cho phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt, bà có nhắc đến một phụ nữ Việt Nam, mà bà gọi là một vị Thánh. Người phụ nữ Việt Nam này tên là Vũ Thị Ngãi, từng cưu mang đến cả ngàn cô nhi miền Bắc, hồi thập niên 1940s, 1950s. “Madame Ngãi,” theo cách gọi của bà Tisdale, từng là tiểu thư của một trong những gia đình giàu có bậc nhất Thanh Hóa một thời. Gần 220 “đứa con” cô nhi của Cô Nhi Viện An Lạc thoát ra khỏi Sài Gòn năm 1975. Cuộc đời bà Vũ Thị Ngãi sau đó ra sao? Bà Betty Tisdale gặp vị Thánh Nguyễn Thị Ngãi của mình như thế nào? Xin theo dõi tiếp câu chuyện sau đây.

Bà Vũ Thị Ngãi săn sóc một em cô nhi bị ghẻ lở tại cô nhi viện An Lạc, Sài Gòn, vào khoảng năm 1961. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Lật từng trang, rồi từng trang, cuốn “sổ đời” của bà Betty Tisdale, chúng tôi trở về với khung cảnh của cô nhi viện An Lạc, của Sài Gòn yêu dấu, và của những thay đổi của cô nhi viện này từ năm 1961, đến cuộc di tản Tháng Tư năm 1975.
Thời gian làm những tấm ảnh úa vàng, hoen ố nhiều chỗ. Nhưng bà Betty vẫn vanh vách đọc tên những khuôn mặt của từng người trong hình. Chắc hẳn bà đã nhiều lần xem đi xem lại những dấu tích kỷ niệm.

Các em cô nhi vây quanh người mẹ chung là bà Vũ Thị Ngãi, và Bác Sĩ Tom Dooley, vị ân nhân của cô nhi viện An Lạc trước khi bác sĩ Tom Dooley qua đời. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Một tấm hình trắng đen chợt rơi ra.
Cầm hình lên ngắm nghía một lúc, bà Tisdale đưa hình cho tôi rồi nói bằng một giọng chợt nặng trĩu.
“Ðây là madame Ngãi, đang săn sóc một em bị ghẻ lở.”
“Bà Ngãi bây giờ còn sống không? Sau khi đám cô nhi được di tản, thì chuyện gì xảy ra cho bà?” Tôi hỏi.
Thay vì trả lời tôi, bà Tisdale mơ màng: “Người ta gọi madame Ngãi là người mẹ của ngàn đứa con!”
“Tôi coi madame Ngãi như một người mẹ. Bà và Bác Sĩ Tom Dooley là hai người Thánh sống.”
“Nếu không có Bác Sĩ Tom Dooley thì tôi đã không đến thăm cô nhi viện An Lạc.”
“Nhưng nếu không có Madame Ngãi thì cũng không có cô nhi viện An Lạc, và cũng tôi cũng không ngồi đây nói chuyện với cô ngày hôm nay.”
“Tôi thật may mắn được sống cùng thời với hai vị Thánh” Bà nói.

Bà Vũ Thị Ngãi (giữa) và Betty Tisdale (phải) trước giờ các em cô nhi được đưa lên máy bay qua Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 4 năm 1975. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

Rồi bà bảo tôi ngồi yên chờ bà đi pha ấm trà.
Biết bà đang muốn che giấu xúc động, tôi ngồi yên chờ đợi.
Trở lại với hai tách trà nghi ngút khói, và cuốn sách “Deliver Us from Devil” của Bác Sĩ Tom Dooley bà bảo.
“Tôi biết cô rất muốn tìm hiểu về Madame Ngãi, nhưng không hiểu tại sao cứ kể về bà thì tôi lại xúc động quá không nói được.”
“Những gì Bác Sĩ Tom Dooley kể về bà trong cuốn sách này tôi thấy rất chính xác!”
“Cô đọc đi nhé!”
Tôi cầm lấy cuốn sách, đọc chương Bác Sĩ Tom Dooley kể về Madame Ngãi và cô nhi viện An Lạc: “Những ngày công tác ở Hải Phòng để giúp những người Bắc di cư vào Nam, với chúng tôi là những ngày u buồn. Buồn không phải vì làm việc vất vả, nhưng vì những đau thương của bệnh nhân quanh chúng tôi quá nhiều, săn sóc không xuể.”
“Người bạn thường xuyên của chúng tôi là nỗi buồn, thế nhưng nếu chúng tôi muốn trốn nỗi buồn mà bỏ đi một buổi chiều nào đó, thì mặc cảm tội lỗi lại khiến chúng tôi hết vui nổi.”
“Cũng may còn có đám trẻ con của bà Ngãi, và cô nhi viện mà bà đã đặt cho cái tên không chính thức là An Lạc.”
“Họ đã mang đến cho chúng tôi những niềm vui hiếm có. Ðám cô nhi này là con của bà Ngãi, và giờ đây, họ cũng trở thành con chúng tôi.”

Các em cô nhi vui mừng ôm chầm lấy mẹ trong ngày bà Vũ Thị Ngãi đến Columbus, Georgia, vào đúng ngày 30 tháng 4, năm 1975. (Hình: Hà Giang chụp lại tài liệu của bà Betty Tisdale)

“Trong khốn khó, chúng tôi đón nhận nhau như những người thân trong gia đình. Và tôi cùng với các y sĩ phụ tá, trở thành viện y tế của các em cô nhi.”
“Madame Ngãi là một người đàn bà có nhiệt huyết của một cô gái 16, trông trạc tuổi ba mươi, nhưng bà đã hơn năm mươi tuổi.”
“Sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở miền Bắc, nhưng Madame Ngãi thật dễ thương.”
“Bà có làn da mịn màng, tóc đen nhánh, nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng, và hơi xếch ‘rất Á Ðông’, đã làm nhiều người say đắm ngay từ phút đầu gặp gỡ.”
“Madame Ngãi là một người rộng lượng. Một người trông coi cả một cô nhi viện thì hẳn phải là một người có đầu óc và trái tim rộng lượng.”
“Bà muốn ôm hết tất cả những trẻ thơ xấu số vào lòng, để thương yêu, để chăm sóc. Bà Ngãi có biệt tài chiếm được cảm tình của mọi người đối diện, nhất là những người Mỹ vừa có lòng hảo tâm vừa có điều kiện giúp những em cô nhi của bà.”
“Những em cô nhi được bà quan tâm đặc biệt thường là những em bị tật nguyền, xấu số nhất, thí dụ như cậu bé tên Nguyên.”
“Không ai biết cậu họ gì. Bà Ngãi cho biết bà nhặt cậu ở Thái Bình lúc mới lên 4. Giờ thì cậu đã 6 tuổi và có một nụ cười thật dễ mến. Nguyên bị lao xương sống lưng khiến cậu bị hơi gù. Nhưng Nguyên không bao giờ để việc đó làm mình buồn. Khi đi đứng, cậu thường xuyên bị té xuống, có khi thay vì đi thì lại lăn người trên đất, nhưng lúc nào cậu cũng phá lên cười.”
“Một em bé nữa cũng được Madame Ngãi rất thương, tôi không nhớ rõ tên. Em mới hai tuổi mà đã hoàn toàn bị mù, vì em bị đau mắt hột nặng cả hai mắt từ lúc mới sơ sinh. Tôi nhớ Madame Ngãi hay ôm em mà nói: “Giá mà lúc mới bị đau, em đã được chữa ngay thì đâu đến nỗi...”
“Có những em khác bị giang mai bẩm sinh, bị quặt lưỡi, què quặt, hay người đầy ghẻ lở khiến các bác sĩ dù cũng phải thấy hơi ghê sợ khi phải chăm sóc, nhưng bà Ngãi hình như lại lo cho các em một cách đặc biệt.”
“Gần bà, trẻ em hầu như không sống với mặc cảm, các em vẫn vui tươi, và tiếng cười hồn nhiên của các em trong những cảnh khốn cùng nhất làm cho chúng tôi quên hết mệt nhọc và thấy đời sống thật đẹp và có ý nghĩa.”
“Vì yêu các em, và vì yêu mến bà Ngãi, mà các người lính hải quân cứ có tí thì giờ rảnh là vào khu được gọi là cô nhi viện.”
“Và để cám ơn chúng tôi, bà không có gì hơn là đã chúng tôi những bữa ăn tối thật ‘thịnh soạn,’ nhưng với chúng tôi đôi khi là một mạo hiểm. Hãy thử tưởng tượng món súp nấu với đầu cá, gà luộc để nguyên cái đầu, mắm tôm, thì có thể hiểu nổi sự ‘hãi hùng’ của chúng tôi.”
“Madame Ngãi cứ lặng lẽ làm việc, chẳng bao giờ kể gì về mình.”
“Một lần tò mò, chúng tôi hỏi bà là cô nhi viện từ đâu mà có, những trẻ em từ đâu ra?
Và bà làm sao có tiễn để nuôi dưỡng chúng?”
“Lúc đó, Madame Ngãi mới kể chuyện cho chúng tôi bằng một giọng mơ màng, như người kể chuyện cổ tích.”
“Tôi sinh trưởng ở Thanh Hóa.”
“Gia đình tôi có lúc giàu có nhất Thanh Hóa. Chúng tôi có một ngôi nhà lớn thật đẹp và chung quanh là ruộng cò bay thẳng cánh. Mặc dù sau chiến tranh, căn nhà của chúng tôi bị sập đổ nhiều, nhưng vẫn còn ở được. Tôi cứ ra đường gom góp các em bé vẫn còn sống, mang về nhà, và tôi cùng các gia nhân cho các em tá túc.”
“Vào năm 1946, tai Thanh Hóa có rất nhiều trận chiến. Gia đình tan nát, Làng mạc đầy người chết, Trẻ con bị bỏ rơi trên các nẻo đường, hay thơ thẩn bên cạnh xác chết của cha mẹ. Chiến tranh không có thì giờ để dừng lại chăm sóc cho trẻ em.”
“Khi chiến tranh tiến sâu vào Thanh Hóa, tôi biết rằng mình phải di tản, Lòng thật buồn, tôi bán nhà, gom góp tiền bạc và vòng vàng mang đi, đến tỉnh Nam Ðịnh. Tại Nam Ðịnh, tôi mua một căn nhà khác, và tiếp tục nuôi đám cô nhi, giờ đã lên đến 600 đứa. Khi Nam Ðịnh rơi vào tay Việt Minh năm 1949, tôi lại phải di tản nữa, lần này mang theo 1,000 cô nhi.”
“Chúng tôi đã phải di tản như thế tất cả là 5 lần, và cuối cùng tôi đến ở Hải Phòng.”
“Trong lần di tản cuối cùng, vào Nam, bà chỉ còn mang theo được 80 em cô nhi, và tại Sài Gòn, cơ quan ‘Công Tác Nước Ngoài Hoa Kỳ’ (United States Oversea Mission) đã cất sẵn cho bà một cô nhi viện, mà bà đặt tên là cô nhi viện An Lạc.”
Ðọc xong chương sách, tôi nhìn bà Tisdale, chép miệng.
“Không ngờ, hai mươi năm sau Madame Ngãi lại phải di tản cô nhi viện An Lạc một lần nữa.”
Bà Tisdale, dường như đã lấy lại được bình tĩnh, bắt đầu kể chuyện:
“Sau khi đã đưa các em cô nhi về đến Geogia an toàn, tôi bắt đầu lo cho Madame Ngãi.”
“Tôi gọi cho Ðại Sứ Martin và nhờ ông đến cô nhi viện An Lạc đưa Madame Ngãi cùng người phụ tá, cũng là cháu của bà tên Thúc, và 3 người nữa đến tòa đại sứ.”
“Tôi khẩn khoản nhờ ông bằng mọi cách phải đưa bà ra khỏi Việt Nam vì nếu không tính mạng bà sẽ bị nguy hiểm khi Cộng Sản chiếm được Sài Gòn.”
“Mấy ngày sau tôi nhận được tin báo là Madame Ngãi đã được đưa đến Guam an toàn.”
Kể đến đây, bà Tisdale tìm trong cuốn scrap book, trao cho tôi một bài báo có tên “Orphanage Head May Be Adopted” của tờ Times Daily, đăng ngày 28 Tháng Tư, 1975, bảo tôi đọc đi, rồi ra khỏi phòng.
Bài báo viết: “Bà Vũ Thị Ngãi, 70 tuổi, một phụ nữ đã bỏ ra 30 năm trời nuôi dưỡng các em cô nhi tại cô nhi viện An Lạc, Sài Gòn, giờ đây có lẽ cũng có người nhận mang về nuôi.”
“Ðược Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ giúp ra khỏi Sàigòn từ tuần trước, hiện nay đã đến Guam.”
Cựu Ðại Tá Bác Sĩ quân y Patrick Tisdale cho biết vợ ông, Betty Tisdale đã bay đến Guam vào ngày hôm qua, Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, để đón bà về Columbus, Georgia.”
“Tôi nghĩ có lẽ kỳ này chúng tôi sẽ chính thức nhận Madame Ngãi làm mẹ nuôi. Từ trước đến giờ vợ chồng tôi vẫn xem bà như một người mẹ. Bà rất gần gũi với vợ tôi.” Bác Sĩ quân y Tisdale nói.
“Dù không muốn bỏ hơn 100 người con nuôi lại An Lạc, Madame Ngãi bắt buộc phải rời Sài Gòn trước khi Cộng Sản vào, vì chắc chắn họ sẽ trừng phạt bà, chúng tôi không nghi ngờ gì về điều này.”
“Ông Tisdale, 45 tuổi, một đại tá bác sĩ quân y về hưu, đã phục vụ tại Việt Nam một năm, cho biết Cộng Sản đã công bố trên chương trình phát thanh của họ, là Madame Ngãi nằm trên một danh sách những người sẽ bị xử tử.”
“Có rất nhiều lý do khiến họ muốn giết bà, nhưng việc mà bà nhất định phải di tản hơn 200 cô nhi qua Mỹ là một lý do quan trọng.”
Bà Tisdale bổ túc bài báo bằng những lời giải thích: “Chồng của Madame Ngãi là một nhà tư bản công nghiệp giàu có, cùng với một người con trai đã bị mất tích, biến mất trong cuộc hỗn loạn xẩy ra đầu năm 1954, khi quân Việt Minh giao tranh với quân Pháp.”
“Khi di cư vào năm 1954, Madame Ngãi đã mang 80 cô nhi từ Bắc vào Nam. Ở đó, bà dựng ra cô nhi viện An Lạc, với sự giúp đỡ của Bác Sĩ Quân Y Tom Dooley, người đã phục vụ ở Việt Nam vài năm trước khi ông qua đời năm 1961, ở tuổi 34.”
“Madame Ngãi không phải là một người làm chính trị, bà rất cẩn thận để tránh khỏi bị gán cho từ đó. Thế nhưng bà vẫn có những lý do cá nhân để không thích cộng sản.”
“Bà cho biết lý do bà để cho các cô nhi rời khỏi Việt Nam vài tuần qua cũng giống như lý do tại sao bà mang các em rời khỏi miền Bắc vào năm 1954: Bà không muốn các cô nhi của mình phải sống dưới chế độ Cộng Sản.”
“Nhưng bà Ngãi bây giờ còn sống hay đã chết?”
Tôi chợt hỏi.
“Tìm Madame Ngãi tại Guam, tôi đưa bà về Columbus, Georgia để ở với chúng tôi.”
“Chúng tôi xây một căn nhà riêng cho bà ở sau vườn.”
“Ngày bà đến Georgia, gần như hầu hết các em cô nhi đều ra đón. Mọi người ai cũng vui quá.”
“Nhưng bà chỉ ở được với chúng tôi ba năm, rồi qua đời năm 73 tuổi, sau khi bị stroke.”
“Tại sao những người tốt lại chết sớm?” Bà Tisdale hỏi.
“Bác Sĩ Tom Dooley cũng là người tốt mà còn mệnh yểu hơn.” Tôi nói.
Rồi bà hỏi, như tự trả lời.
“Ừ, tôi nghĩ có lẽ điều quan trọng không phải là sống được bao lâu, mà là đã làm gì được cho ai, và khi chết đi có ai thương tiếc, phải không?”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"