Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Luân chuyển: Sự tiếm quyền đúng qui trình

Xích Tử
Liên quan đến việc luân chuyển một số cán bộ trung ương về các địa phương để chuẩn bị “nguồn” cho nhiệm kỳ mới, vài ngày qua, hàng loạt báo lề phải đăng bài với tiêu đề rất thống nhất “Danh tính 44 cán bộ trung ương luân chuyển”.
Từ “danh tính” ở đây dùng rất đúng, phù hợp với bản chất của quá trình, nhưng cũng rất ác. Bởi, lâu nay, trên báo chí Việt Nam, từ này chỉ thường được sử dụng cho những đương sự có liên quan đến những vụ án hình sự, do chưa điều tra được hoặc chưa công bố được; khi lộ ra thì gọi là danh tính. Ở một cách khác, tên tuổi, lý lịch khái quát của một ai đó, khi được gọi là danh tính, thường là sau một quá trình mờ ám, bí mật, thiếu minh bạch, thận trọng trong công bố.
Trường hợp 44 vị cán bộ luân chuyển này cũng giống như vậy, ở cả 2 khía cạnh. Cách làm, chuẩn bị cán bộ, nhân sự như là hệ quả của một quá trình hành chính hóa, quan liêu hóa tối đa, chưa có tiền lệ, sai điều lệ trong hoạt động của đảng như vậy là một quá trình đầy mờ ám, không lành mạnh. Nó thể hiện một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, một sự bế tắc cùng cực trên nhiều phương diện của công tác đảng.

Thử hỏi, được bao nhiêu trong số 44 vị đó, khi đưa vào diện luân chuyển để chuẩn bị cho qui hoạch là tự trưởng thành, sàng lọc bằng chính phẩm chất, năng lực của mình. Tôi cam đoan và thách thức với sự thật (chứ không phải công lý thể hiện qua điều tra, vì điều đó không có giá trị gì trên đất nước này) rằng, một phần rất lớn các vị ấy, để đến được chức vị hiện tại trước khi luân chuyển, đều “ trưởng thành” bằng những bệ đỡ : lý lịch, nhóm lợi ích (cánh hẩu, đồng hương và các thứ đồng khác), chạy bằng tiền, bằng tình, bằng chia sẻ, tặng hiến cho nhau một lợi ích gì đó…
Cứ đem trường hợp Nguyễn Thanh Nghị con của ông Nguyễn Tấn Dũng ra mà xét, so, rồi suy luận, sẽ rõ. Cả 3 người con của vị Thủ tướng này đều được đi học nước ngoài. Chuyện thi cử để được đi học đó không rõ. 2 người con trai không làm một thủ tục nào đối với nghĩa vụ quân sự. Cậu nhỏ thì ở hẳn nước ngoài mười mấy năm để làm giảm ấn tượng về vi phạm sinh con thứ ba. Nguồn học bổng cấp cho cả ba nghe nói cũng rất mờ ám, có liên quan đến hoa hồng của những hợp đồng kinh tế đối ngoại tầm cỡ quốc gia. Nội dung, kết quả thực chất của việc học không biết thế nào, song tất cả đều học từ “tư bản”, dứt khoát không học chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh bắt buộc như trong nước. Riêng cậu Nghị, khi về nước thì được “tuyển” ngay vào Viện Đại học mở Hà Nội, với chức danh trưởng phòng. Rồi từ đó phóng thẳng lên Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, rồi Thứ trưởng. Tất cả đều đúng qui trình một cách mờ ám, có liên quan đến đường dây lợi ích giữa bố của Nghị, Viện trưởng Viện Đại học mở, 3 Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo từ thời Nghị tốt nghiệp về nước đến ông Chủ tịch MTTQ hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo kiêm giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Nếu không phải là con ông Dũng, liệu Nghị và 2 người con còn lại có được như vậy không ?
Suy cho cùng, đã đến lúc, bằng mọi cách, đảng phải tiếm quyền, quyền của nhân dân trong việc chọn bầu ra người cai trị mình, quyền của toàn bộ đảng viên ở những địa phương bị luân chuyển cán bộ về trong việc chọn ra những người trưởng thành từ trong tập thể của mình để “chấp hành” mình như lịch sử công tác đảng, bản chất của chính đảng “đạo đức, văn minh” được thể hiện trong những tuyên bố tự sướng và trong điều lệ.
Khi thực hiện qui trình này, trong yêu cầu làm việc với địa phương, Ban tổ chức trung ương chỉ hỏi ý kiến của thường trực cấp ủy tỉnh, thành, thậm chí trực tiếp bí thư, xem như việc đã rồi. Hoàn toàn không một đảng viên nào, kể cả tổ chức thường vụ được biết. Do đó, sau khi công bố luân chuyển, tuy đã qui hoạch, đã xét tiêu chuẩn, song cũng giống như những “đại biểu” được bầu của quốc hội hay HĐND, đảng không yên tâm về chất lượng nên phải tổ chức lớp bồi dưỡng rất tốn kém tiền của dân rồi mới chuyển về.
Cách làm công tác nhân sự, chất lượng của nhân sự không lấy gì bảo đảm qua đánh giá toàn dân như thế, được đào tạo từ tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế, chỉ có thể bảo vệ chế độ, tức là quyền lực và lợi ích; rất khó tin rằng sẽ bảo vệ được Tổ quốc và bảo đảm cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” được. Và cũng suy cho cùng, cái nghị quyết 4 mà ngài Tổng bí thư rất dụng công và kỳ vọng, chẳng là cái gì cả.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"