Song Chi
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tích cực xâm nhập vào
môi trường kinh tế của Việt Nam, dưới nhiều cách thức, lĩnh vực, cấp độ
khác nhau.
Từ những cá nhân, thương lái trực tiếp tìm đến bà con nông dân, ngư dân Việt Nam để thu gom nông sản, hải sản hoặc núp bóng người Việt để trồng cây, nuôi cá trên đất Việt, cho đến các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty trúng thầu các dự án trọng điểm nhiệt điện than, hóa chất, khai khoáng, luyện kim, xi măng... của Việt Nam.
Từ những cá nhân, thương lái trực tiếp tìm đến bà con nông dân, ngư dân Việt Nam để thu gom nông sản, hải sản hoặc núp bóng người Việt để trồng cây, nuôi cá trên đất Việt, cho đến các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty trúng thầu các dự án trọng điểm nhiệt điện than, hóa chất, khai khoáng, luyện kim, xi măng... của Việt Nam.
Từ thực tế hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đất Việt Nam bằng nhiều con
đường chính thức lẫn buôn lậu, cho đến người Trung Quốc nay cũng có mặt
khắp nơi.
Ðiều đáng nói là cung cách làm ăn của họ ra sao, có đem lại lợi lộc
gì cho đất nước, nhân dân Việt Nam, và nhà nước Việt Nam đã quản lý,
giám sát vấn đề này như thế nào, có những chính sách gì để bảo vệ người
dân, bảo vệ nền kinh tế nội địa còn èo uột, dễ bị tổn thương hay không.
Thật đáng tiếc, câu trả lời cho cả hai vấn đề trên hầu như là con số không.
Chỉ cần theo dõi báo chí trong nước từ nhiều năm qua cũng thấy,
chuyện người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, nhìn từ phía Việt Nam, chỉ
thấy lợi ít mà hại nhiều. Cái lợi nếu có thì ngắn hạn trước mắt mà cái
hại thì lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng về nhiều mặt đến nền kinh tế
Việt Nam.
Thương lái Trung Quốc - đủ loại mánh khóe
Lâu lâu chúng ta lại đọc được những bài báo nói về việc thương lái
Trung Quốc sang Việt Nam thu gom đủ loại nông hải sản, sử dụng những
mánh khóe, chiêu trò làm ăn không đàng hoàng.
Từ việc đẩy giá cao hơn giá các doanh nghiệp trong nước, bà con hám
lợi bán, thương lái cứ thế thu gom ào ạt, dẫn đến tình trạng các công ty
chế biến nông hải sản Việt Nam bị khan hiếm nguồn hàng.
Nhưng đó vẫn còn là “tử tế.” Thương lái Trung Quốc còn dùng những
chiêu trò ác hơn như lúc đầu lùng mua một mặt hàng nào đó với giá cao
ngất ngưởng, khiến bà con nông ngư dân đua nhau săn lùng/trồng/nuôi mặt
hàng này, sau đó lại dừng, không mua nữa, giá bị rớt thê thảm, bà con
điêu đứng.
Mà cái mánh này thì cứ diễn ra hoài, như bài viết trên báo VietnamNet
từ năm 2012, “Thương lái Trung Quốc: Mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng?”
Bài báo nhận xét: ”Các sự việc xảy ra đều theo một mô-típ chung là thao
túng-mua một phần-ngừng mua-mua lại và ép giá” dẫn đến tình trạng “thua
lỗ trước mắt” và “sụp đổ sản xuất trong tương lai.”
Tại sao phải nhắc đến một bài báo đã được viết từ gần 2 năm trước? Là bởi vì, tình trạng đó cho đến bây giờ vẫn tiếp tục xảy ra.
Trong sự việc này, người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam đáng
trách vì cái lợi trước mắt mà tự làm hại cho mình, cho người khác và cho
cả nền sản xuất lẫn uy tín của các mặt hàng nông sản, hải sản Việt Nam.
Nhưng các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cho tới trung ương
càng đáng trách hơn gấp bội, vì không có những chính sách quản lý chặt
chẽ để bảo vệ người nông dân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Mánh khóe thứ ba là thu mua những thứ trời ơi đất hỡi với giá rất
cao, trong đó có những thứ rất có hại cho môi trường, thổ nhưỡng, sức
khỏe của con người, rõ ràng là với ý đồ xấu, muốn phá hoại.
Mà cái mánh này cũng lại có từ cái thời xưa lắc, sau khi Việt Nam
thống nhất chưa được bao lâu, rộ lên các phong trào thu mua móng trâu,
ốc bươu vàng. .. Bà con ham lợi giết cả con trâu để lấy móng, sau đó
không có trâu để kéo cày, hoặc ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở tùm lum, phá
hoại mùa màng v.v...
Danh sách những mặt hàng lạ lùng, không giống ai này rất dài như gốc
ngâu, gốc, rễ cây hồ tiêu sống, rễ cây sim, dây gai, ong bầu, đỉa... Và
mới đây nhất là gián đất, một loại côn trùng có hại cho xã hội.
Cũng may báo chí dư luận kịp thời lên tiếng, nên phong trào nuôi gián đất này đã bị dừng lại.
Người Trung Quốc có mặt khắp nơi
Một thực trạng thứ hai, cũng đã diễn ra từ lâu, mà nếu suy xét kỹ, vô
cùng nguy hiểm cho an ninh quốc phòng của Việt Nam, đó là sự có mặt của
người Trung Quốc tại Việt Nam dưới dạng lao động có phép, và nhiều hơn
gấp bội, là lao động “chui.”
Ðiểm sơ một vài bài báo về vấn đề này, từ vài năm qua: “Hải Phòng
tràn ngập lao động Trung Quốc” (Ðất Việt), “Không quản nổi người Trung
Quốc!” (Người Lao Ðộng), “Không chỉ Cam Ranh-Khánh Hòa hay Vũng Rô-Phú
Yên, từ lâu, người Trung Quốc đã đến khu vực Long Sơn ở Bà Rịa-Vũng Tàu
rất đông để nuôi cá bè. Họ cứ đến rồi đi, chính quyền địa phương không
kiểm soát được,” “Lại nóng chuyện người Trung Quốc ở Nghi Sơn” (báo Tuổi
Trẻ)...
Mới đây trên báo Người Lao Ðộng lại có bài “Ra ngõ gặp... người Trung
Quốc!” nói về tình trạng “hàng ngàn lao động trái phép đang làm việc
chui tại Khu Kinh Tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)” gây ra nhiều hệ lụy về an ninh
trật tự, văn hóa ở khu kinh tế lớn nhất Bắc Miền Trung này.
Không chỉ gây hệ lụy về an ninh trật tự, văn hóa, hay về lâu về dài,
lao động Trung Quốc lấy vợ địa phương, sinh con đẻ cái tạo thành những
làng Trung Quốc ở Việt Nam. Ðiều đáng nói hơn, là vị trí chiến lược của
Vũng Áng, Hà Tĩnh xét về an ninh quốc phòng của Việt Nam, như trong bài
“Vì sao Trung Quốc lại chọn Vũng Áng?” (Bauxite Vietnam) đã nêu lên.
Một vị trí khác, “nhạy cảm” không kém, là cảng Cửa Việt, Quảng Trị
cũng đã bị Trung Quốc thâu tóm thông qua các dự án kinh tế lâu dài, và
cũng đã được những người có lòng với đất nước cảnh báo: “Báo động: Người
Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị” (VOA), “Trung Quốc đang có
âm mưu gì ở Hà Tĩnh, Quảng Trị?” (Bauxite Vietnam).
Mỗi dự án kinh tế như vậy đều được ký hợp đồng cho thuê vài ba chục
năm trở lên, tha hồ cho người Trung Quốc ăn dầm nằm dề trên đất Việt
Nam, nghiên cứu kỹ địa hình phong thổ, lũng đoạn kinh tế và tạo ra những
những làng, đặc khu Trung Quốc trên đất Việt Nam.
Còn nhớ, từ đầu tháng 2, 2010, “một quả bom đã nổ giữa trời quang”
khi hai vị thiếu tướng về hưu Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh lên
tiếng tố cáo về việc các chính quyền địa phương đã cho các công ty nước
ngoài, ở đây là Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông thuê đất rừng đầu nguồn,
rừng phòng hộ dài hạn (50 năm).
Tổng diện tích lên đến hơn 300,000 nghìn hecta, hầu hết thuộc các tỉnh xung yếu biên giới.
Hai ông đã vạch ra tất cả sự nguy hiểm về mọi mặt từ kinh tế cho tới
an ninh quốc phòng trong việc này, thậm chí nói rất mạnh: “Các tỉnh bán
rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là
cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm
độc và tàn bạo...” (”Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu
nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn,” Bauxite Vietnam.)
Sau khi thông tin này bung ra, nhà cầm quyền đã có những phản hồi như
chỉ đạo các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký
hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm
nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi chính phủ rà soát. Và cho đến bây
giờ thì không ai rõ là chuyện cho thuê rừng đầu nguồn này ra sao rồi, vì
có bao nhiêu sự kiện khác xảy ra.
Một ví dụ khác, là vụ người Trung Quốc nuôi cá bè gần vị trí quân
cảng Cam Ranh suốt một thời gian dài trước khi bị xử lý: “Người Trung
Quốc nuôi cá bè: phát hiện 2009, xử lý 2012!” (báo Tuổi Trẻ). Cứ khi mỗi
chuyện gì đó được dư luận xới lên, các cấp, các ngành lại vội vã rà
soát, kiểm tra, chấn chỉnh... nhưng khi dư luận lắng xuống, mọi chuyện
lại đâu vào đấy hoặc lại xảy ra chuyện khác, ở nơi khác.
Và theo thời gian, nhìn lại thì người Trung Quốc đã có mặt khắp nơi,
đã nắm hết những công trình quan trọng, những khu vực xung yếu trên lãnh
thổ Việt Nam.
Chợt lạnh mình nghĩ đến hình ảnh một ngày nào đó, nếu chiến tranh xảy
ra, phần thì Trung Quốc từ ngoài biển đánh vào, từ bên Lào, Cambodia
đánh qua (hai nơi này cũng đã dày đặc người Trung Quốc) cộng thêm “nội
ứng” trên đất liền... không biết lúc đó người Việt ta đỡ sao cho nổi.
Hoặc không phải vô cớ mà gần đây, khi Putin lấy lý do bảo vệ người
Nga ở Crimea để đem quân vào Crimea, người Việt Nam giật mình nhìn lại
tình trạng người Trung Quốc tràn ngập trên lãnh thổ. Nếu một ngày nào
đó, mâu thuẫn giữa hai bên nổ ra, Trung Quốc cũng lấy cớ bảo vệ người
Trung Quốc trên đất Việt Nam?
Quả là bao nhiêu kịch bản, chả có kịch bản nào tươi sáng cho Việt Nam!