Trần Trung Chính
Bảo tồn di sản không thể không tham khảo, thậm chí cần phải bảo
tồn, thiết thế xã hội đã sinh ra di sản. Tôi có cảm tưởng (có thể do
chưa đọc rộng chăng?) quan điểm này chưa được thảo luận ở Việt Nam.
Bài viết tạm giới hạn trong loại di tích, di sản kiến trúc cổ.
Nhiều, phân tán
Theo một thống kê gần nhất hiện chúng ta có chừng 40.000 di tích
lịch sử, văn hóa (của nhiều thời kỳ, chế độ, loại hình…) và đã xếp hạng
hơn 3000 di tích quốc gia. Trong số đã xếp hạng có tới hơn 2000 di tích
thuộc các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng (đình, chùa, đền, miếu…). Vùng
Đồng bằng sông Hồng chiếm tới khoảng 70% di tích cả nước. Đã có ý kiến
cho rằng xếp hạng quá nhiều di tích, không cần thiết và không đủ nguồn
lực để bảo tồn, tuy nhiên bài này không hướng tới nội dung đó.
Một nghiên cứu của chúng tôi về “Dịch vụ công
cộng cổ truyền” nhận thấy mỗi làng Việt thường có chừng 13 không gian
công cộng, công trình dịch vụ công cộng là tài sản công của làng (gồm:
chợ, chùa, đình, văn từ văn chỉ, đền - miếu, công quán - điếm sở, giếng
làng - ao làng, cổng làng, kho nghĩa sương, hệ thống đường làng, nghĩa
trang làng và công điền - ruộng công). Tạm tính đến năm 1833 Việt Nam có
khoảng 13.000 làng (khi cuộc Nam tiến đã gần trọn vẹn, theo Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú),
nếu bình quân 1 làng có 10 công trình, không gian công cộng thì tổng
khối vật chất này lên tới hơn 100.000 đơn vị. Theo Pièrre Gourou (nhà
địa lý nhân văn kiệt xuất Pháp 1900-1999) vào những năm 1920 vùng châu
thổ Bắc Kỳ có khoảng 7000 làng xã (tạm ước chiếm hơn 50% số làng xã cả
nước). Riêng đình, Nguyễn Du Chi cho biết khoảng năm 1943-1945 các tỉnh
miền Bắc Việt Nam có chừng 504 đình làng niên đại từ thế kỷ 16 - thế kỷ
17 (thuộc hàng những công trình kiến trúc, điêu khắc quý giá nhất của
người Việt), nhưng đến năm 1985 chỉ còn 65 đình thuộc các niên đại này.
Sự mất mát đó thật khó chịu đựng!
Các số liệu trên có thể chưa hoàn toàn chính xác vẫn cho thấy hệ
thống di tích tôn giáo, tín ngưỡng dồi dào của người Việt nằm chủ yếu ở
không gian nông thôn, phân tán trong các làng mạc. Nhu cầu tâm linh, tu
dưỡng tinh thần là thường xuyên, người trong một làng có thể đến chùa
làng bất cứ lúc nào lòng người muốn vậy, mà không phải đi xa (mất chi
phí giao thông, thời gian…). Sự phân tán đáp ứng nhu cầu thường xuyên
đó, khá thiết thực. Đặc điểm này dễ nhận ra, nhắc lại chỉ nhằm gợi ý nên
lựa chọn sử dụng cơ chế nào để có thể bảo tồn, duy trì hoạt động hệ
thống nhiều di tích và phân tán ấy? Và xin lưu ý, một kịch bản giao
thông phù hợp (tiết kiệm năng lượng) chính là hướng đến một tương lai
bền vững.
Quy mô nhỏ
Cũng là một đặc điểm nữa dễ nhận biết nếu so sánh chúng với các công
trình kiến trúc tôn giáo quy mô lớn, rất lớn tại những quốc gia châu Âu
(các nhà thờ Thiên chúa giáo…), hoặc các nước châu Á khác (đền, tháp ở
Ấn Độ, Campuchia, Indonesia…) tương đối gần nhau về niên đại xây dựng.
Ngoài số chùa lớn không nhiều (chùa của nước: Yên Tử, Giạm, Keo, Quỳnh,
Thầy…, có quốc sư trụ trì, thường là nơi tu hành của tăng ni Phật tử)
quy mô tương đối nhỏ của hầu hết các chùa làng Việt còn được thể hiện
bằng thời gian thi công không quá dài, với vật liệu chủ yếu là gỗ (dễ
thi công, dễ bị thời gian tàn phá hơn đá). “To như cái đình”, thời gian
xây dựng cũng chỉ khoảng 10 năm, ví dụ đình Thổ Hà (Bắc Giang) vào loại
lớn nhất đồng bằng sông Hồng được làm trong 8 năm (hưng công năm Ất Sửu
(1685), năm Nhâm Thân (1692) làm cửa võng hoàn tất công trình).
Theo tôi đây là thêm một ưu điểm nổi trội của người Việt xét từ quan
điểm phát triển bền vững. Bởi quy mô công trình được kiến thiết vừa với
nhu cầu sử dụng (dân số mỗi làng xưa phổ biến dưới 1.000 người), và hầu
hết các công trình đã sử dụng những vật liệu tại chỗ, tái tạo được,
không phải khai thác từ xa, không phải hủy hoại môi trường để có được
những công trình lớn, siêu lớn (xưa các cụ xài hoang, con cháu hôm nay
phỏng còn được mấy tài nguyên mà xây dựng chủ nghĩa xã hội?). Ưu điểm
của quy mô nhỏ cho phép dễ sửa chữa, trùng tu, bảo quản. Tức là trong
các hoạt động sống, người Việt vốn luôn tìm cách cân bằng với thiên
nhiên, điều mà người hôm nay gọi là “thân thiện với môi trường”. Nếu kế
thừa tinh thần của tổ tiên, hẳn lũ con cháu bất hiếu ngày nay sẽ không
tìm cách “ghi điểm” bằng những công trình tôn giáo, tín ngưỡng “bị hội
chứng hoành tráng hành hạ”?
Còn nếu ai đó vẫn áy náy sao tiền nhân ta không làm công trình thật
to cho các giống nòi khác khiếp sợ, thì xin thưa, với hơn 3000 km đê
sông, đê biển ở đồng bằng Bắc Bộ làm ròng rã nhiều thế kỷ thì: “Nó (đê) nhắc ta nhớ lại nhưng công trình tập thể to lớn mà con người đã thực hiện được: Kim tự tháp Ai Cập, đền tháp Angkor.” (Pièrre Gourou – Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, tr. 81).
Di sản dân quyền
138 kim tự tháp Ai Cập cũng như Thập tam lăng và Tử Cấm thành Bắc
Kinh (Trung quốc)… đều là các công trình được xây dựng bằng sức mạnh
vương quyền, lập ra những chỗ trú ngụ cho những vị vua, hoàng hậu lúc
sống và sau khi họ chết vẫn “phải tiếp tục được sống vương giả”. Còn
Angkor Wat (Campuchia) khổng lồ được xây để dâng lên thần Vishnu, những
ai đã từng ghé thăm đều thấy lối kiến trúc đó quyết không cho người ở,
không công năng để ở. Nó, một cách cực đoan nhất chỉ dành cho thánh thần
trú ngụ, diễn đạt một cách trọn vẹn nhất quyền năng của thần quyền.
Tôi không có ý định so sánh, chỉ chia sẻ sự nhận biết tính chất của
mỗi loại không gian di sản, để tự hiểu nguồn cơn lòng tự hào của mỗi dân
tộc, mỗi nền văn hóa… Để thấy rằng trong di sản định cư của người Việt,
kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong đó, thân thiết trong mỗi ngôi
làng xưa, cho mình quyền tự tin vào một thiết chế dân quyền đã kiến tạo
nên hàng nghìn công trình quý giá ấy.
Thực vậy, như đã nêu ở phần trên, 13 không gian, công trình công
cộng phổ biến trong một làng Bắc Bộ xưa là tài sản của cộng đồng làng xã
trong đó có đình, chùa… Và cũng như các tài sản khác, đình hay chùa…
phần lớn hình thành bằng công sức, tiền của của các thành viên làng.
Theo “Thủy tạo đình miếu bi”, đình Thổ Hà (năm 1964 được nhà nước
Việt Nam công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, người Pháp đã xếp
hạng trong Viện Bảo tàng Bác Cổ Đông Dương từ đầu thế kỷ 20) thì, ngoài
33 vị quan viên, cùng những người giàu có công đức cột lớn, cột nhỏ và
thượng lương, tất cả dân làng từ 5-100 tuổi chẳng kể trai, gái từ năm
1685 đã, mỗi người đều đóng góp (chia làm 4 lần) cả thảy hơn 1.000 sử
tiền [một loại tiền ngày xưa, xem ở đây – BVN],
hàng trăm bát gạo, làm nên ngôi đình của làng họ. Đến hôm nay (sau hơn
300 năm) tôi chẳng thấy một công trình kiến trúc nào lớn hơn nó ở làng
này, chưa kể chùa Thổ Hà (dân làng xây năm 1580, trước đình 105 năm)
cũng lớn chẳng kém đình, mặc dù dân số bây giờ gấp hơn ba lần dân số thế
kỷ 17. Nhân tiện nêu thêm chùa Hà (Từ Liêm - Hà Nội) xây đời vua Lê Hy
Tông (1680-1705) do người Thổ Hà đến Thăng Long bán đồ gốm đã góp phần
lớn để xây.
Tôi mạnh dạn gọi đó là những tài sản của dân quyền, trong chừng mực
nào đó phân biệt với các loại di sản thần quyền, hay vương quyền.
Kế thừa di sản thiết chế
Mấy chục năm qua, hiện tượng các làng “chạy” để được nhà nước “công
nhận di tích quốc gia” cho đình làng mình khá phổ biến (chùa ở tình
trạng khác, sẽ bàn lúc khác), ngoài việc có được các công cụ pháp lý để
lấy lại đất đai, không gian của di tích đã bị lấn chiếm, hoặc ngăn ngừa
lấn chiếm… thì, hy vọng xin được chính quyền kinh phí trùng tu là mục
đích quan trọng.
Thường có mấy kết cục cho các “cuộc chạy di sản cho đình”: 1- Tốn
kha khá tiền làm hồ sơ, tiếp khách…, ngóng vài năm không thấy bằng di
tích đâu, hỏi thì, thấy bảo phải bổ sung hồ sơ, hoặc cấp trên đang
nghiên cứu, kiên nhẫn đợi nữa. 2- Được bằng rồi, giờ “chạy tiếp” xin
tiền trùng tu, có thể mất thêm tiền, mất thêm vài năm. 3- Được bằng,
được tiền trùng tu, trùng tu xong, đình khóa cửa, vắng tanh, thỉnh
thoảng có khách phương xa thẳm, chạy hết hơi mới tìm được ông “văn hóa”
đến mở khóa.
Như thế, với trường hợp may mắn nhất cũng có thể chỉ bảo tồn được
kiến trúc của cái đình (nếu việc trùng tu đúng phương pháp). Hiểu theo
cách nào đó, bảo tồn được “cái xác” của đình – còn “cái hồn” là những
hoạt động của con người làm nên sự gắn bó với nhau diễn ra ở đình, với
đình, hầu như không còn nữa. Chính sách “sở hữu nhà nước hay còn gọi sở
hữu toàn dân” đã tạo tình trạng từ trước khi đình “có bằng” dân làng đã
gần như quên nó, đến lúc đình được nhà nước công nhận là di tích quốc
gia, dường như càng có lý do để họ tin rằng đình làng ta đã thuộc về
“ông nhà nước” rồi. Tức là (dân làng) từ vai trò của người sáng tạo, chủ
nhân của di sản, chuyển sang địa vị của “kẻ chầu rìa” nhìn di sản xuống
cấp, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Nói thật thà, tài sản dân quyền, trong trường hợp đó, đã bị nhà nước hóa.
Trở lại cách hình thành các loại tài sản chung của làng Việt xưa
(trong đó có những công trình tôn giáo, tín ngưỡng) là câu chuyện dài,
tất nhiên sẽ bao gồm cả cách gìn giữ, sửa chữa, vận hành hoạt động (nếu
không, ngày nay còn gì để ta làm kinh tế du lịch?)…, nhưng đại thể đều
trông vào sức cả làng, chịu sự kiểm soát của “nền dân chủ làng xã”. Nhà
nước không có vai trò tài chính, quản trị ở đấy, vì thế hầu như không
cũng có đất tham nhũng cho các ông quan nhà nước kiếm chác bằng các dự
án trùng tu hay tôn tạo đình, chùa. Lưu ý rằng, sau khi đã xây dựng được
bộ máy cai trị tại Việt Nam, chính quyền Pháp mặc dù đã coi Việt Nam
thuộc Pháp (xứ Đông Pháp) nhưng vẫn sử dụng (hay thừa nhận) mô hình tự
quản của làng xã như một công cụ tốt để quản trị xã hội nông thôn Việt
Nam (có thể giả định người Pháp không thiếu các mô hình quản lý nông
thôn hữu dụng ở các thuộc địa của nó). Chí ít cũng do cách hình thành
các tài sản này không cần đến tiền bạc chính phủ, chính phủ cũng chẳng
cần bỏ tiền nuôi bộ máy cán bộ quản lý đống tài sản ấy (mà, ăn hại và
phá hoại là khó tránh). Mặt khác, chính thiết chế xã hội độc đáo đó đã
gắn kết các thành viên của làng với nhau. “Tình làng nghĩa xóm” sâu bền
của người Việt có căn nguyên từ những đóng góp của mỗi hộ nông dân, đời
này qua đời khác làm nên khối tài sản chung của cả cộng đồng, làm nên
văn hóa của họ.
Hiển nhiên người Việt đã từng có các thiết chế cổ truyền đã tạo ra,
bảo tồn được các di sản văn hóa rất hữu hiệu trong suốt lịch sử định cư
của mình.Vậy tại sao người Việt hôm nay lại không muốn học hỏi, kế thừa,
phát huy (như khẩu hiệu)… di sản thiết chế dân quyền đẹp đẽ đó trong
cuộc bảo tồn di tích, di sản của tổ tiên mình? Xin gửi câu hỏi này trước
tiên đến các ông, bà làm quản lý văn hóa.
T. T. C.