Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Tư duy và hành động cảm tính-một căn bệnh của người Việt.

Dương Hoài Linh
Tư duy cảm tính là lối suy nghĩ theo cảm xúc, bất chấp thực tế và những dữ kiện khách quan có sẵn, bất chấp tính hợp lý của một lối suy luận dựa trên những bằng chứng có thật. Lối suy nghĩ này chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm xúc bản thân để đánh giá một hiện tượng, sự kiện hoặc một vấn đề xã hội.
Chế độ cộng sản rất hiểu rõ đặc điểm tư duy này của người Việt, vì vậy họ đã cố công nhào nặn một lối tuyên truyền dựa hoàn toàn trên cơ sở của việc đánh vào cảm xúc. Ví dụ về khái niệm dân chủ, ai cũng hiểu đó là quyền thay đổi chế độ của người dân. Nhưng chỉ riêng việc lấy tên nước ở thời kỳ trước 1975 cũng đã bộc lộ nhiều điều. Thực tế là ở miền Nam, người dân mới có quyền thay đổi chế độ bằng biểu tình, đảo chính... nhưng tên nước chỉ là Việt Nam Cộng Hòa và vẫn bị họ xuyên tạc là chế độ dân chủ giả hiệu. Còn ở miền Bắc, người dân tham gia vào việc giải thể chính quyền là điều hoàn toàn không hề có. Như vậy ai mới là giả hiệu? Thế mà họ vẫn đưa từ "dân chủ" vào tên nước "Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa". Mục đích là để đánh vào cảm tính của người dân. Cứ cái gì được nhắc lại nhiều lần sẽ thành ý thức. Tương tự như việc người dân luôn phải điền dưới tên nước các khái niệm "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc", dù nó chỉ là điều đáng để mỉa mai.

Chẳng hạn để đánh giá một câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh năm 1966 về dân chủ: "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ." Đa số người Việt tin ngay vì lòng yêu kính lãnh tụ mà không hề nghĩ đó chỉ là một câu nói lừa bịp. Nếu với người Mỹ họ sẽ nhận ngay ra tức khắc sự mị dân ẩn chứa đằng sau đó. Bởi vì quyền đuổi chính phủ của dân không thể là một câu khẩu hiệu, hoặc từ một câu nói của lãnh tụ mà nó phải được quy định rõ ràng trong hiến pháp. Hiến pháp không quy định điều này thì câu nói của lãnh tụ chẳng có giá trị gì. Vậy mà bao thế hệ người Việt vẫn đem ra suy ngẫm, bàn luận, trích dẫn...
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng chính phủ cũng tương tự như vậy. Một văn bản chính trị sáo rỗng, copy y nguyên lối hành văn nhàm chán của các văn kiện đại hội Đảng vẫn được báo chí xúm vào tâng bốc, thậm chí có cả các vị giáo sư tên tuổi, khả kính. Đây là một văn bản người bình thường cũng có thể nhận thấy là láo toét trong vẫn đề "cải cách thể chế". Bởi vì một thủ tướng thì không có quyền hạn gì để "cải cách thể chế". Đó là quyền của cơ quan lập pháp, của quốc hội. Khi mà bản hiến pháp sửa đổi "vũ như cẩn" thì thông điệp của thủ tướng chẳng có giá trị pháp lý gì cả. Thế mà nhiều người vẫn tin sái cổ, săm soi từng câu, từng chữ vàng ngọc của thủ tướng và thầm hy vọng sẽ có một sự chuyển biến kỳ diệu nào đó về thể chế. Trong khi thực tế thì thủ tướng chỉ có quyền trong "cải cách hành chính" hoặc "cải cách nền kinh tế"... và thông điệp ấy chỉ nhằm để trấn an người dân.
Lối suy nghĩ này đã dẫn đến một xã hội luôn được điều hành bằng cảm tính, duy ý chí. Luôn luôn thấy câu khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật" nhưng hỏi đến hai vấn đề này chẳng người dân nào biết. Chỉ biết là đất nước đang được điều hành bằng nghị quyết của đại hội Đảng và người dân chỉ biết "quán triệt" các nghị quyết này. Các khẩu hiệu của một thời duy ý chí như "Quyết tâm, hăng hái, ra sức... "vẫn còn đó như một bằng chứng cho lối điều hành xã hội theo cảm xúc, không theo một quy tắc luật pháp nào.
Có thể dẫn chứng một trường hợp phổ biến đó là va chạm trong tai nạn giao thông. Nếu như phản ứng của người Mỹ là chỉ chú ý tới thương tích của người bị va chạm, để mặc cho luật pháp, bảo hiểm phân giải... thì người Việt bước đầu tiên là xấn vào nhau tranh cãi, ai cãi lớn người đó thắng, thậm chí gây cả án mạng... vì họ để mặc cho lối tư duy cảm tính chi phối. Và cũng bởi vì luật pháp của đất nước không hề được tin tưởng, coi trọng.
Thơ Tố Hữu cũng là một bằng chứng đánh vào lối tư duy cảm tính của người Việt. Biết bao thế hệ đã bị ru ngủ vì cảm xúc thơ ca đến nỗi lao đầu vào chiến tranh bất chấp tất cả. Đến khi đất nước hòa bình họ vẫn còn ám ảnh bởi khái niệm "người yêu người sống để yêu nhau" một cách giả tạo. Trong khi với người Mỹ họ rất thực tế khi cho rằng muốn có một xã hội như vậy phải có các chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn, an sinh xã hội đầy đủ... đảm bảo cho con người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Trong tai nạn máy bay MH370 của Malaysia, người Việt cũng biểu hiện rất rõ vấn đề này. Họ bất kể những thông tin báo chí đúc kết từ quá trình điều tra được nêu ra hàng ngày, bất chấp những yếu tố khách quan được chỉ ra trong lịch sử hàng không để suy luận theo cảm xúc của mình. Sẵn tâm lý ghét Trung Quốc, nếu ai đó đưa tin đây là một âm mưu của Tàu, họ tin ngay. Nếu thấy phi công hiền lành, dễ mến họ cho rằng một người như thế không thể tự sát được, bất kể các chứng cứ khoa học đã chỉ ra đây là hành động có chủ ý. Vệ tinh vạch ra hai hướng bay của MH370 nhưng thấy hướng nào không gây nguy hại cho máy bay là họ tin nó đã bay theo hướng đó. Bất chấp việc thông tin của các nước đã chỉ ra rằng không thể qua mặt rada của họ. Trong khi đó người Mỹ họ duy lý hơn khi bỏ mặc phía đất liền cho tình báo mà chỉ cố công sục sạo ở đại dương. Vì họ tin rằng một chiếc máy bay như thế không thể trốn đâu được trong từng ấy ngày mà không bị ai phát hiện.
Tất cả tư duy cảm tính của người Việt đều đến từ sự thiếu thông tin. Họ lười cập nhật tin tức, không tin báo chí chính thống và kiến thức về khoa học kỷ thuật rất sơ sài. Họ chỉ dựa vào kinh nghiệm và không xây dựng được một lối suy luận hợp lý. Bởi lối suy luận này có thể đoán được cái chưa xảy ra từ những cái đã xảy ra được chứng minh trước đó. Do vậy các cuộc tranh luận trên diễn đàn mạng thường lâm vào bế tắc cũng vì điều này. Và bao giờ họ cũng có cái lý của họ. Cái lý ấy là nếu chưa có kết luận thì chưa thể nói lên điều gì...
Nhưng nếu đã có kết luận thì cần gì suy luận, cần gì tư duy?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"