Nguyễn Trí Dũng
VRNs (26.03.2014) – Nghệ An – Sáng ngày 17 tháng 3 năm 2014, như
thường lệ mỗi tháng một lần tôi cùng mẹ đã có mặt trước cổng trại 6
[Nghệ An]. Chỉ một mình tôi được vào cũng như bao lần.
Phòng thăm gặp quen thuộc của tôi và bố đặc biệt tách khỏi khu thăm
gặp khác khoảng trăm mét thực chất là 1 căn phòng được ngăn đôi với 2
cổng vào riêng. Từ phòng mình, tôi được nhìn bố qua 1 tấm nhựa trong để
cách âm và được nói chuyện qua 2 điện thoại trắng được nối với 4 điện
thoại đỏ ở 4 góc phòng cho 4 giám thị theo dõi. Vẫn mỗi bên 3-4 người
công an mặc sắc phục canh chừng, và dĩ nhiên tay họ cũng đặt sẵn trên 1
nút công tắc, sẵn sàng ngắt điện thoại mỗi khi họ muốn.
Sau khi hỏi thăm tình hình gia đình và sức khỏe mọi người, ông cho
tôi biết thời gian gần đây ông hay bị những cơn đau nửa đầu kèm theo
sốt, và cơn đau gần nhất xuất hiện từ 4-5 ngày trước. Trên tay trái của
ông những đốm màu đỏ và đỏ bầm kéo dài như xuất huyết dưới da. Tất cả
những đơn yêu cầu khám chữa bệnh của bố tôi từ rất lâu cho đến nay không
được đáp ứng. Nhưng trại giam vẫn tùy tiện phát thuốc cho ông uống mà
chính bố tôi không được biết tên và thành phần trong thuốc là gì.
Bố tôi ngồi liệt kê lại những đơn từ ông đã gửi từ khi vào trong trại
6 nhưng cho đến nay vẫn chưa được trả lời. Những lần hiếm hoi mà ông
Cảnh Nga thuộc phòng giam giữ và cải tạo ở Viện Kiểm Sát Nhân Dân Nghệ
An xuống làm việc chỉ là để tiếp nhận và hứa hẹn, rồi nhiều tháng sau
vẫn không có bất cứ nội dung khiếu nại gì được giải quyết.
Như tóm lại câu chuyện, bố tôi nói “Ở đây người tù chỉ còn biết tin
vào pháp luật để giải quyết quyền và lợi ích của họ, nhưng đơn không gửi
đi được còn những đơn đi được thì không được trả lời. Đó là bằng chứng
của việc vi phạm quyền con người”.
Ông nói thêm về bản án oan sai của mình: “Mặc dù bản án phúc thẩm
chưa có, nhưng chứng cứ vi phạm nhân quyền vẫn nằm trong bản án sơ thẩm
do việc truy tố này chính là truy tố người đã dám nêu quan điểm khác
biệt. Tất cả quyền của bị cáo và quyền của luật sư trong tòa đều đã bị
ngăn chặn”.
Cuối buổi gặp cũng như thường lệ tất cả các tờ báo Thanh Niên, Tuổi
Trẻ do chính cơ quan ngôn luận của nhà nước phát hành đều bị trả về [ông
Hải không được nhận để đọc]. Giám thị tiếp tục ngăn chặn trắng trợn
những quyển sách pháp luật, cụ thể là luật báo chí, luật ban hành văn
bản quy phạm pháp luật. Ngăn chặn bản đồ thế giới và sách nhạc Trịnh
Công Sơn.
Những giám thị thực hiện việc này chỉ nói: “Làm theo chỉ đạo” chứ không thể viện dẫn luật pháp cho sự ngăn cấm này.
Bố tôi nhấn mạnh thực trạng giam giữ tù nhân chính trị và tù nhân
lương tâm trong các nhà tù ở Việt Nam là trái với pháp luật, trái với
hiến pháp, và những cam kết bảo đảm quyền con người với quốc tế. Cụ thể
là các trại ông đã đi qua đều thực hiện phân loại tù nhân chính trị
riêng biệt với các tù nhân khác nhằm phân biệt đối xử, tước bỏ và ngăn
chặn quyền khiếu nại tố cáo, ngăn chặn kêu oan. Giám thị tùy tiện biệt
giam, tùy tiện dùng các hình thức cắt giảm quyền lợi chính đáng (cắt gọi
điện, cắt thăm gặp) và phớt lờ sự tồn tại của luật pháp. Tước bỏ quyền
được chăm sóc y tế, lao động, thể dục thể thao, quyền học tập, đọc sách
báo, quyền gửi và nhận thư tín, sinh hoạt văn nghệ, ngăn chặn hoặc tước
đoạt đồ thăm nuôi mà pháp luật cho phép gửi cho phạm nhân..
Cuối buổi gặp tôi và mẹ lại ra về trong hoang mang và trong vòng vây
kỳ dị của những người mặc sắc phục nhưng không dám đưa luật pháp vào
những việc mình làm.
Trước mắt tôi lo ngại nhất cho sức khỏe của bố tôi. Một khi yêu cầu
khám chữa bệnh bị phớt lờ hoặc được đáp ứng bằng cách cho đại những viên
thuốc không rõ tên tuổi và không qua khám chữa chuyên môn có thể sẽ gây
hậu quả khôn lường.
Các chỉ đạo, thông tư, nghị định trái pháp luật đã và đang được tận
dụng trong trại giam ở Việt Nam để làm bình phong cho hành vi phân biệt
đối xử, vi phạm nhân quyền, và vi phạm chính pháp luật của Việt Nam.
Bố tôi đã nói: “Người làm sai thì chỉ gây phương hại cho những người
xung quanh người đó, nhưng một thông tư sai hay nghị định trái pháp luật
sẽ kéo theo hàng trăm hàng ngàn cán bộ nhà nước làm theo. Và hậu quả
của nó cho xã hội sẽ lớn như thế nào ?!”
Không riêng gì bố tôi mà những người tù chính trị khác tại Việt Nam
đang phải chống chọi từng phút giây ở trong tù không chỉ vì sức khỏe bị
tổn hại không được cứu chữa, mà còn vì họ không được đối xử như một con
người.
Nguyễn Trí Dũng