Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Lý Sự Cùn: Làm Thế Nào Để Cãi Lý Thua

Trường Lâm
Lý luận là một hình thức tư duy buồn cười. Ta hãy xem thử thí dụ về cái tam đoạn luận cổ điển này:
(1) Mọi người sẽ chết
(2) Socrates là người
(3) Socrates sẽ chết.
Đây là loại lý luận vững chắc như đinh bù lon đóng cột, nhưng nó thường vô dụng vì đây là lối suy diễn lô gích có câu kết luận chẳng đem đến điều gì mới mẻ, nó đã hiện diện sẵn (dù là ẩn náu) từ trong tiền đề số một rồi. Nếu đánh cờ mà thấy đối phương đi bước (1) thì đầu hàng luôn cho rồi, tiếp tục chỉ thêm mất thời giờ mà thôi.
Bây giờ ta xem thử cái thí dụ thứ nhì này:
(1) Minh vừa mua một tấm vé số 6/4
(2) Tỷ lệ trúng lô độc đắc là 1 trên 16 triệu
(3) Vì thế Minh sẽ không trúng độc đắc.

Đây là một lập luận sai phép tắc (invalid), vì theo đúng lô gích (2) sẽ không dẫn đến (3): xác suất nhỏ không có nghĩa là bằng con số không. Tuy nhiên, đây là một lập luận rất mạnh đáng tin cậy. Tôi không tin là bạn sẽ bán xe hơi để lấy tiền cá độ chống lời suy diễn sai phép tắc ấy của tôi (đây là lối lý luận suy nạp, kiểu "hôm qua mặt trời mọc, hôm nay mặt trời mọc, vậy ngày mai...").
Thật ra, ở ngoài đời người ta hay sử dụng lý luận suy diễn (thí dụ đầu tiên) nửa nạc nửa mỡ: lý luận đúng phép tắc nhưng tiền đề khả nghi. Không ai bắt đầu bằng "mọi người sẽ chết", "Thuốc độc có hại" mà họ sẽ nói những câu như "mọi người sinh ra đều có tính thiện", "mọi người sinh ra đề có tính ác", "ăn đường có hại", "thực phẩm thiên nhiên lúc nào cũng tốt", đó là những lời khẳng định chưa được chứng minh là đúng. Lý luận để làm gì nếu ta bắt đầu bằng một tiền đề không có tín nhiệm?
Đây là 5 nguyên tắc quan trọng nhất trong việc tranh luận:
1/ Đọc (hay nghe) kỹ lời của đối tượng mình muốn phản bác.
2/ Đọc lại
3/ Đọc lại
4/ Tập trung vào vào các câu tiền đề, xem chỗ nào bất khả tín.
5/ Nhận diện ra các hình thức fallacy.
Tôi không biết dịch từ fallacy là gì cho được chính xác. Người ta thường sử dụng chữ "ngụy biện", nhưng từ ngữ này gây ra cảm tưởng là người lý luận cố tình, cố ý dùng lập luận sai để tìm cách lừa lọc người mình muốn thuyết phục. Fallacy chỉ là những lập luận sai phép tắc lý luận vì không chứng tỏ được có mối liên hệ chặt chẽ, hợp lý giữa tiền đề và kết luận. Người vi phạm lỗi lý luận ấy có thể cố tình hay chỉ vô tình vấp phải mà thôi. Gọi là ngụy biện, lý sự hay lý toét gì cũng được.
Có nhiều cách lý sự cùn.
1. Nói Tới Nói Lui
Tiền đề chỉ là một sự giả dụ, không ai biết nó đúng hay sai, đôi khi lại khó tin hơn hơn câu kết luận. Người tinh ý sẽ thắc mắc và chất vấn lại tiền đề ấy. Đây là một cái tật cố hữu của các chính trị gia (và người bán đồ ở cửa tiệm lớn).
Thí dụ kinh điển là lời giải thích của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Condoleeza Rice về việc gây chiến của Mỹ sau biến cố 9-11: "Chúng ta phải đem quân sang đánh Iraq vì không ai muốn chờ cho đến khi phải có được bằng chứng là có khói tỏa mù mịt thành đám mây hình nấm phụt lên từ các vũ khí giết người hàng lọat bắn vào các thành phố của Mỹ cả." Thật á? Làm sao bà biết là Saddam có ý định thả bom nguyên tử vào nước Mỹ? Nói tới nói lui chẳng qua cũng chỉ là Mỹ muốn đánh Iraq mà thôi chứ không phải Mỹ có lý do chính đáng để đánh Iraq.
Thí dụ thứ hai: "Việc trẻ con nhớ lại các chi tiết về cuộc sống trong kiếp trước chứng tỏ là luân hồi có thật vì ký ức về tiền kiếp ấy chỉ có được nếu chúng đã sống trải qua kiếp trước mà thôi."
Có thật là nếu một đứa bé bảo rằng nó nhớ những "chuyện từ kiếp trước" thì quả là nó đã từng sống qua kiếp trước không? (Tôi không phủ nhận ý niệm tiền kiếp, chỉ minh họa điều sơ hở của lập luận "chứng minh" tiền kiếp mà thôi).
Các kiểu lý sự như vậy có cái gì không ổn, khiến người ta cứ phải hỏi lại ngay từ chặng đầu tiên để minh định rõ xem câu kết luận thật sự căn cứ vào sự kiện nào, vì thế người Anh gọi loại lý sự cùn này là "begging the question".
2. Đả Kích Cá Nhân
Hiểu biết về trình độ học vấn, tuổi tác, giới tính, nơi cư ngụ hay văn hóa của đối tượng có thể giúp ta hiểu rõ hơn quan điểm và động cơ của họ, nhưng quy luật đầu tiên của trò chơi cãi lý là không được sử dụng các chi tiết cá nhân ấy để làm luận điểm phản bác. Người đầu tiên mở miệng ra nói "chị là đàn bà", "con nít thì biết gì", "ông là người Mỹ mà lại đi nói chuyện của người Việt" vv là người đuối lý hay cảm thấy cách lý luận của mình chưa đủ sức thuyết phục. Đó là một võ sĩ quyền anh thấy mình đấm chưa đủ mạnh nên chơi dơ nhắm vào hạ bộ đối thủ.
Đây là những câu lý sự ngọc ngà thật thơm tho ấy:
- Làm sao tôi biết hắn nói sai hả? Thì cứ xem tướng hắn là biết chứ gì: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún, có đủ cả mà!
- Đừng nghe những gì cái bà đồng tính, nhuộm tóc đỏ, thiên tả, tôn thờ CS, mẹ Việt cha Tàu, sống ở Mỹ, ôm hôn cây cối, chống sát hại thú vật, lang chạ nay ở với người này mai ở với người khác ấy tuyên truyền.
Đấy là các bức tranh hí họa về cách lý sự nhắm vào đời tư đối tượng, còn ở ngoài đời ta hay gặp các kiểu phản bác như thế này:
A: Mắm tôm được ưa chuộng hơn mắm ruốc
B: Anh nói thế vì anh là dân Bắc kỳ
A: Nhưng tôi có thể cắt nghĩa được tại sao điều ấy đúng.
B: Cắt nghĩa cái gì? Anh là người Bắc thì đương nhiên anh phải nói mắm tôm là nhất, là ngon hơn mắm ruốc, mắm thái, mắm bồ hóc chứ!
Việc đả kích cá nhân có thể tế nhị hơn thế nữa:
Vị giáo sư (tìm cách bảo vệ phương án của mình trước đám đông): "Chú sinh viên năm thứ nhất này đã nên lên những sự kiện không phản ảnh sự thật".
3. Tấn Công Người Rơm
Ngày xưa có một vị tướng bất tài nhưng hay khoác lác, tìm cách đọat lòng tin cậy của vua nên dàn ra một thế trận tưởng tượng, và chứng minh tài võ nghệ của mình như sau: dựng lên 10 bó rơm tượng trưng cho các tướng địch, rồi múa đao phi ngựa xông thẳng vào, cứ thế mà chém đầu hết hình nộm này đến hình nộm khác...
Đây là kiểu lý sự cắt xén luận điểm của đối phương, chỉ chừa lại một vài yếu điểm (có hay không có thật) rồi xuyên tạc xem đấy là trọn vẹn toàn bộ quan điểm của người ta. Nếu muốn làm chính trị gia bạn phải thực tập thường xuyên cách lý luận người rơm này.
- Obama nhất định theo đuổi chính sách bảo hiểm ý tế công cộng, tại sao ông ấy lại muốn biến Hoa Kỳ thành một nước cộng sản?
- Dân chủ kiểu tư sản là bọn nhà giầu mua chuộc chính trị gia bằng tiền bạc, vì vậy đó là một hình thức xã hội qua đó giai cấp tư bản thống trị giai cấp lao động.
- Sống ở châu Âu đâu có sướng, một cái hamburger ở đấy bán đến $8 lận.
4. Lập luận đánh trống lảng dùng các tiền đề không ăn nhập đến vấn đề bàn cãi nhưng lại có tác dụng lung lạc người nghe khiến họ dễ chấp nhận câu kết luận.
- Quốc Hội nên đình chỉ việc truy tố tổng thống về tội ngoại tình và nói dối. Ông Clinton được lòng dân và đã có công lèo lái nền kinh tế của Mỹ đạt được mức độ phú cường vào bậc nhất trong nhiều năm qua.
- Đòi hỏi tự do dân chủ trong lúc này là chuyện không cần thiết. Từ hơn một thập niên nay nạn thất nghiệp liên tục giảm thấp và nền kinh tế quốc gia đã phát triển không ngừng với nhịp độ trên 8%. Rõ ràng đấy là một thành tích rực rỡ vượt bực đấy chớ?
5. You, Too!
Thí dụ 1:
Cha: Con nên bỏ thuốc lá đi nếu không về sau sẽ hối hận.
Con: Thế ba có hút thuốc lá không?
Thí dụ 2:
A: Xe hơi là một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng hun nóng bầu khí quyển.
B: Ông bán cái xe đi rồi hãy bàn đến chuyện ấy.
6.Lập Luận Kiểu Fortune Cookie
Thí dụ:
A: Tôi muốn mua đàn về tự học, bạn nghĩ sao?
B: Không được đâu! Không thầy đố mầy làm nên!
Cha nào con nấy, con hư tại mẹ (cháu hư tại bà), thương cho roi cho vọt, tiền nào của nấy v.v...
Trích dẫn châm ngôn, tục ngữ một cách máy móc như thể các câu đó đã được chứng minh hoặc là không có ngọai lệ.
7. Dồn Gà Vào Chuồng
George W. Bush: "Hoặc là quý vị đứng về phía chúng tôi hoặc là quý vị chống lại chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố này."
Qua lời tuyên bố sau biến cố 9/11 này, ông Bush đã ngụy tạo ra một tình thế nan giải bằng cách đưa ra 2 sự lựa chọn và xem đấy là 2 cách xử trí duy nhất mà thế giới phải chọn lấy để đáp ứng với dự án Mỹ xâm chiếm Iraq, không có chuyện đứng lưng chừng ở giữa.
Người bán hàng tệ hại nhất mà khách mua đồ có thể gặp trong đời mình là gặp phải anh chàng nói xạo chuyên môn hù dọa khách, chẳng hạn như: "Nếu cô không mua cái TV $5000 đồng này thì tôi có một cái khác, chỉ trị giá $300 thôi, nhưng hình ảnh rất mờ, và mỗi tháng phải thay bóng đèn."
Đây là lập luận nhất chín nhì bù mà người Mỹ (hay là người ỷ thế mạnh thích bắt nạt người yếu) hay sử dụng theo kiểu "my way or the highway", "America: Love it or leave it."
Còn người Việt nổi tiếng nhất mà xài lập luận này thì theo tôi được biết đã tuyên bố câu: "thà ngửi phân Tây 5 năm còn hơn hít phân Tàu xuốt đời". Tôi vẫn tự hỏi là có cách nào khác hơn là hít với hửi không?
8. Vơ Đũa Cả Nắm
- Ca sĩ X là Việt cộng tại vì cô ấy từ Việt Nam qua đấy.
hoặc
- Anh mà đấu lý thế nào lại người ấy, hắn vốn xuất thân từ trường X mà lị (X = tên một trường học nổi tiếng nào đó)
9. Đa Số Thắng Thiểu Số
A: Làm sao biết là điều ấy có thật?
B: Còn làm sao nữa! 95% dân số thế giới tin vào chuyện ấy thì tất phải đúng chứ sao!
10. Tuột Dốc Trơn
- Ngày hôm nay cho nhóm người ấy bước qua bỉên giới, ngày mai tiểu bang này sẽ trở thành Mexico.
hoặc
- Ngày hôm nay ta hợp thức hóa marijuana, ngày mai LSD, bạch phiến, crack sẽ trở thành hợp pháp luôn.
11. Vỗ Ngực Xưng Tên
- Tại sao tôi biết điều ấy đúng? Còn tại sao nữa! Tôi hành nghề (kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ vv) đã 20 năm nay mà.
12. Gà Gáy Làm Mặt Trời Mọc
Đây là khuynh hướng gán cho A là nguyên nhân gây ra B khi 2 hiện tượng ấy xảy ra theo thứ tự A đi trước và B theo sau.
- Đừng hút gió nữa, xui lắm, làm tôi lắc xí ngầu thua ba ván liên tiếp đó thấy chưa?
- Tôi bị đau bụng, tại vì ăn đồ ở cái nhà hàng đó.
- Con anh bị cận thị hả? tôi biết ngay mà! Tại vì nó đọc sách nhiều quá.
13. Chứng Minh Ngược
B: Tôi biết ma có thật.
A: Bộ bà đã gặp ma rồi sao?
B: Dĩ nhiên là ma có thật, ai cũng nói như vậy. Vậy chứ bà có chứng minh được là không có ma không?
Đây là lập luận "tôi nói đúng vì không ai chứng minh được là tôi nói sai". Phần gồng gánh việc chứng minh là trách nhiệm của người khẳng định một điều gì đó, chứ không phải là nhiệm vụ của người đặt nghi vấn. Thế chữ "ma" bằng: người hỏa tinh, thiên lôi, linh hồn, thần khí, tài duyên vận mạng hay là các thuật ngữ trừu tượng vô nghĩa vv là ta sẽ tạo ra được vô số "thầy", đạo sĩ, tiên sư huyền bí và triết gia ba xạo (kiểu "hậu hiện đại").
14. Lý luận Lòng Vòng
Cả hai tiền đề lẫn kết luận thật ra vẫn là một thứ.
- Đối với tôi, ca sĩ X có giọng hát thật quyến rũ, tại vì tôi mê cái giọng hát ấy lắm.
hoặc
- Người ta rồi ai cũng chết cả tại vì không ai sống mãi được.
15. So Sánh Xòai Với Ổi
Phép lọai suy (Analogy) là một thí dụ về cách ứng dụng lý luận bằng quy nạp ở mức độ sơ đẳng nhất. Theo lối lý luận này, hễ hai vật gì có một đặc tính giống nhau thì chúng cũng giống nhau về các điểm khác. Lập luận này không đúng là vì:
- Không có sự tương đồng nào là hòan thiện cả, các vật tương đồng lúc nào cũng có sự khác biệt. Nếu không, chúng sẽ không phải là tương đồng mà là đồng nhất (identical).
- Bất cứ hai vật nào cũng có một điểm gì đó giống nhau. Ngày xưa nhà tóan học Lewis Carroll có lần đã nghĩ ra một câu đố lạ lùng: "Con quạ giống cái bàn ở chỗ nào?" Ông Caroll (tác giả truyện "Alice In Wonderland") ngụ ý nói chúng chẳng có gì giống nhau cả, đó chỉ là thí dụ của hai tập hợp cách biệt. Thế rồi cũng có độc giả viết trả lời rằng: "À, ông đã quên là ngày xưa thi sĩ Edgar Poe viết bài thơ Con Quạ ngay tại cái bàn trong phòng ngủ."
Thí dụ về xòai với ổi:
- Luật kiểm sóat vũ khí thật phi lý. Tại sao không ban hành luôn luật kiểm sóat mỡ, đường, xe hơi và dao làm bếp? Chúng cũng giết người vậy.
- Con mắt tinh vi như cái máy chụp hình. Máy chụp hình được thiết kế. Vậy con mắt cũng được thiết kế (lập luận hay được sử dụng để bác bỏ thuyết tiến hóa).
16. Không Phải Người Việt Chính Tông
Nếu lý luận mà là môn đá bóng thì đây là kỹ thuật bảo vệ lưới gôn bằng cách xê dịch cái lưới ra xa mỗi khi thấy banh bay đến gần.
Người lý sự thay đổi định nghĩa của từ ngữ hay ý niệm - một cách tùy hứng - để bảo vệ luận điểm của mình.
Tôi đã có lần được nghe một cuộc đối thoại như sau:
A: Ăn phở đúng cho đúng điệu thì chỉ cần gia vị là rau quế, chanh ớt và giá hành mà thôi.
B: Tôi thấy có người ăn phở không có rau, và lại dùng cả tương đen tương đỏ nữa.
A: Người Việt chính tông thì không bỏ tương ớt vào phở.
Có lẽ trước khi bàn về cách ăn phở, cụ Lý Toét chưa bao giờ nghĩ đến việc định nghĩa thế nào mới là người Việt, nhưng bây giờ cụ ấy nảy ra sáng kiến mới là xác định chủng tộc dựa vào sở thích ăn tương ớt.
Khi nghe một người nào đó lập luận rằng "người Việt thì phải thế này thế kia", nếu bạn mà thọc gậy bánh xe bằng cách trưng ra các phản thí dụ thì phải chuẩn bị để nghe lý sự Người Việt Chính Tông. Thế từ "người Việt" bằng các ý niệm: dân chủ, cộng hòa, tự do, cộng sản, tư bản, yêu nước vv bạn sẽ thấy cái lưới gôn tự nhiên bị xê dịch. Thật là một môn thể thao quái lạ.
Còn nhiều lối "ngụy biện" lắm, xin các bạn hãy đóng góp thêm ý kiến để chúng ta có một cái danh sách giúp tra cứu về các loại lý sự cùn ghi lại sự kiện làm thế nào mà tư duy con người đã đi trật đường rầy hơn 2300 năm sau khi Aristole mở miệng ra nói câu "làm người ai cũng sẽ chết..."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"