(trao đổi với tiến sĩ Từ Huy)
Đọc bài "Dù là đàn ông hay đàn bà"
tiến sĩ Từ Huy phản hồi lại bài "Nhục", tôi mừng quá khi cuối cùng chị
cũng đến được cùng quan điểm với tôi là về các vấn đề xã hội thì "không
chỉ Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm, và tất cả các công dân trên
đất nước này đều phải chịu trách nhiệm, dù là nam giới hay nữ giới".
Tuy nhiên, tôi thấy cách lập luận trong bài viết mới này của chị vẫn có điểm quan trọng chưa đúng.
Tuy nhiên, tôi thấy cách lập luận trong bài viết mới này của chị vẫn có điểm quan trọng chưa đúng.
Nhiều hơn hay bằng nhau?
Chị đã công nhận "phụ nữ cũng là công dân trong xã hội và vì thế phải đảm nhận các trách nhiệm công dân của mình, đồng thời cũng phải được hưởng các quyền lợi công dân của mình, như mọi công dân khác", rồi lại đòi "người đàn ông phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn nạn xã hội" thì có bình đẳng không? Và nếu đàn ông phải chịu nhiều trách nhiệm hơn về các vấn đề xã hội, thì phụ nữ phải/ được chịu trách nhiệm "NHIỀU HƠN" về các vấn đề gì? Gia đình chăng?
Tôi đồng ý với chị, hiện nay "quyền quyết định đối với các vấn đề xã hội và gia đình vẫn còn chủ yếu nằm trong tay đàn ông", đó là sự bất bình đẳng. Nhưng nếu đòi hỏi đàn ông "phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn nạn xã hội" thì đó chính là mặc nhiên ủng hộ và tiếp sức cho sự bất bình đẳng ấy. Trao trách nhiệm, chính là trao quyền. Muốn có quyền ngang nhau, thì phải nhận trách nhiệm ngang nhau.
Trách nhiệm XÃ HỘI của một người được quy định bằng VỊ TRÍ XÃ HỘI, chứ không phải GIỚI TÍNH của người đó.
Hiện nay, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chịu trách nhiệm chung cao nhất về các vấn đề xã hội của đất nước, vì ông ta là THỦ TƯỚNG chứ không phải vì ông ta là ĐÀN ÔNG.
Nếu sau này, VN có một nữ thủ tướng (tại sao không nhỉ, chúng ta có bộ trưởng, và từng có phó chủ tịch nước là nữ mà), vâng, nếu sau này VN có một nữ thủ tướng, thì bà thủ tướng này cũng phải chịu trách nhiệm về đất nước không ít hơn ông thủ tướng hiện nay.
Nói về nền y tế hiện nay của VN, với những thực tế đau lòng như người nghèo phải tự tử vì không có tiền chữa bệnh, trẻ sơ sinh chết hàng loạt sau khi tiêm chủng, bệnh nhân chữa trị ở bệnh viện phải nằm chung giường, thậm chí là gậm giường,… Chịu trách nhiệm cao nhất về nền y yếu kém thê thảm này là bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Không phải vì bà là phụ nữ, mà chịu trách nhiệm này ít hơn người tiền nhiệm, là một nam bộ trưởng.
Tôi xin khẳng định lại: Trách nhiệm XÃ HỘI của một người được quy định bằng VỊ TRÍ XÃ HỘI, chứ không phải GIỚI TÍNH. Chị đã không chính xác ngay từ khâu đặt vấn đề.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, bộ trưởng bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực y tế (Ảnh: nguồn internet)
Tiến tới bình đẳng từ thực tế bất bình đẳng
Lấy ví dụ về "vụ nhân văn giai phẩm mới" Nhã Thuyên. Tôi có đọc trên trang Bauxite VN bài viết bênh vực Nhã Thuyên của tác giả Vũ Thị Phương Anh. Tác giả này viết: "Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm, một thầy một trò, bị một bọn (xin lỗi về từ này) đàn ông xúm vào đánh hội đồng" (…) "Vâng, cô gái ấy chân yếu tay mềm và không có một tấc sắt trong tay làm vũ khí. Họ, những gã đàn ông ấy, đã không hề run tay hoặc có chút mủi lòng khi triệt hạ cô".
Tôi không nhìn vấn đề này như vậy. Vấn đề ở đây không phải Nhã Thuyên là "cô gái chân yếu tay mềm" và những kẻ "xúm vào đánh hội đồng" cô đều là đàn ông không biết "mủi lòng" trước phụ nữ.
Tôi đồng tình hơn khi tác giả Phương Anh nhìn nhận: "Một bên là rất đông những kẻ có tuổi bằng cha cô ấy, có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo. Một bên là một cô gái trẻ, yêu văn học, liều lĩnh tìm cho mình một con đường mới, chọn một góc nhìn mới, và nói lên những điều mình tin với một sự can đảm không ngờ".
Vâng, vấn đề ở đây không phải là một cô gái giữa những đàn ông. Vấn đề là, một trí thức khi thực hiện công việc chuyên môn của mình, một con người khi thực hiện những quyền chính đáng của mình, đã bị "đánh hội đồng" bởi những kẻ "có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo", và bị "đánh" bằng những ngón đòn phi chuyên môn, bẩn thỉu, man rợ.
Nếu nạn nhân của những kẻ này không phải là Nhã Thuyên, một cô gái "chân yếu tay mềm" (theo ý kiến ngoài lề của cá nhân tôi là rất xinh xắn duyên dáng), mà là một người đàn ông bụng sáu múi cơ bắp cuồn cuộn, thì tôi vẫn phẫn nộ, vẫn đứng về phía nạn nhân đó.
"Vụ Nhã Thuyên" là vấn đề học thuật đã trở thành nạn nhân của chính trị và sự tha hóa lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp. Nhìn nhận như thế mới đúng bản chất sự việc, mới là tôn trọng đúng mức Nhã Thuyên và công việc của cô. Đặt vấn đề đúng như vậy, chúng ta mới có thể ở bên Nhã Thuyên trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và minh bạch trong học thuật, trong đạo đức nghề nghiệp. Cuộc đấu tranh không chỉ vì Nhã Thuyên, không chỉ vì phụ nữ, mà vì tri thức, tự do, dân chủ, nghĩa là vì một xã hội văn minh.
Chúng ta lên án những kẻ đánh hội đồng Nhã Thuyên nhưng không phải vì họ là "đàn ông", vì họ không "mủi lòng" trước phụ nữ. Chúng ta lên án họ, vì đó là những kẻ phá hoại môi trường của tri thức, chống lại văn minh, có hại cho cả xã hội.
Nhìn bản chất vấn đề không chính xác, thì không thể giải quyết hiệu quả được.
Chị nói "Chúng ta hướng tới sự bình đẳng giới, nhiều người đấu tranh cho điều này". Tôi hoàn toàn ủng hộ, vì bất bình đẳng xã hội (mà bất bình đẳng giới là một phần trong đó) là một biểu hiện của sự không văn minh, không vì con người.
Song, cần phải hiểu chính xác về bình đẳng trước khi đấu tranh cho nó, và không thể tiến tới bình đẳng thực sự bằng một tâm thế bất bình đẳng.
Nói thêm về bất bình đẳng giới ở VN
Chị đã kể một kinh nghiệm cá nhân về vấn đề bình đẳng giới ở VN. Tôi xin kể một kinh nghiệm cá nhân về vấn đề này, nhưng ở nước ngoài.
Tôi quen một gia đình vợ là bác sĩ người Nhật, chồng là tiến sĩ Harvard, người Mỹ, có một con nhỏ. Khi ở Nhật, người vợ có khả năng kiếm tiền tốt trong một bệnh viện lớn, còn những công việc người chồng có thể tìm được lại không được trả lương cao. Vậy là suốt 5 năm, người vợ kiếm tiền cho cả gia đình, còn người chồng ở nhà chăm sóc con cái, lo việc nội trợ (và anh làm những việc này rất tốt, tôi thấy khéo hơn tôi nhiều). Những lúc hai gia đình đi chơi cùng nhau, tôi thấy chị luôn tôn trọng chồng, thường xuyên ca ngợi sự hy sinh của anh, và anh cũng khen vợ là khi có thời gian trổ tài ở nhà thì nấu ăn rất ngon, dạy con rất khéo. Sau khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, họ chuyển sang Mỹ sống. Bây giờ thì anh đi làm, gánh trách nhiệm chính về kinh tế, chị cũng đi làm nhưng thu nhập ít hơn và gánh trách nhiệm chính về nội trợ.
Nhiều phụ nữ VN hiện nay đòi đàn ông phải ứng xử bình đẳng trong cuộc sống thường nhật như đàn ông phương Tây.
Đúng là, đàn ông phương Tây thường tự hào khi được chia sẻ cùng phụ nữ trách nhiệm gia đình, bao gồm cả những việc đàn ông VN vẫn coi là "của phụ nữ". Nhưng phụ nữ phương Tây cũng không cho rằng đàn ông phải có nghĩa vụ bảo bọc mình về kinh tế. Đi ăn hàng với bạn bè ở VN, thường là đàn ông nghiễm nhiên phải trả tiền cho phụ nữ, cho dù (những) người phụ nữ ấy có thu nhập ngang hoặc hơn đàn ông. Còn ở phương Tây, trừ trường hợp đặc biệt là ai đó mời, còn thì ai trả tiền người đó.
Nhiều phụ nữ VN bây giờ đòi chồng biết nấu ăn, trông con, giặt quần áo cùng vợ, tốt thôi. Song cũng chính nhiều người trong số họ lại coi thường chồng nếu anh ta không là trụ cột kinh tế trong gia đình, không "hơn mình một cái đầu" trong địa vị xã hội, là những điều phụ nữ phương Tây không khăng khăng rằng đàn ông phải "hơn" họ.
Giờ nếu lại đòi hỏi "người đàn ông phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn nạn xã hội" nữa, tôi e thế khí hơi… khó chiều.
Tôi nhìn thấy sự bất bình đẳng trong việc đàn ông cho một số việc là "việc đàn bà", với ngụ ý không "đáng" để đàn ông làm.
Và tôi cũng nhìn thấy sự bất bình đẳng trong việc phụ nữ đòi hỏi đàn ông phải gánh vác trách nhiệm NHIỀU HƠN họ, dù là trong gia đình hay xã hội.
Thưa chị,
Bất bình đẳng giới là một phần của vấn nạn xã hội, chứ không phải bản chất của vấn nạn xã hội.
Xã hội càng văn minh, dân chủ, càng ít bất công, mỗi người càng ý thức ĐÚNG về quyền, trách nhiệm chính đáng của bản thân mình cũng như của những người khác, thì câc vấn nạn xã hội (trong đó có bất bình đẳng giới) sẽ càng được từng bước cải thiện.
Trở lại chuyện thủ tướng, điều quan trọng là thủ tướng làm tốt được trách nhiệm của mình với đất nước, còn là đàn ông hay đàn bà đều được cả.
Dạ Thảo Phương