Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Đại Vệ Chí Dị - Thế mạt

Người Buôn Gió
Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.

Nạn thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng. Các cơ sở làm ăn đều đình trệ, nguời dân sống cầm chừng lay lắt qua ngày.

Từ khi nên ngôi, Vệ Kính Vương cho rằng trăm sự khốn khó ngày nay đều do Bạo và phe cánh gây nên cả. Ngặt vì thế lực Bạo lúc ấy rất lớn, quan quân phủ Chúa nắm mọi quyền binh, điều khiển chính sự. Vương không thể làm gì. Đành phái người sang Tề cầu kiến.

Tề Bá Vương Tạp Cặn lên ngôi, cũng đang rắp tâm thanh toán bè đảng lợi ích cũ trong triều, công việc bề bộn. Định thoái thác không tiếp, bày tôi can.

Xứ Vệ không thể không quan tâm, nhà Sản bên đó còn thì quyền lợi của Tề còn. Xin đại vương thu nhận họ như các triều trước đã thu nhận.

Tề Bá Vương mới uớc hẹn giúp Vệ Vương nắm trọn binh quyền, sai người đem kế sách thanh trừng nhóm lợi ích trao cho Vệ.

Vệ Kính Vương được kế sách, lòng mừng khôn tả. Bèn hội bầy tôi lại để cam kết trung thành với thiên triều, quyết không ăn ở hai lòng. Thề thốt ở điện Đền Ba xong, khởi chiếu lập hai đạo binh , phong cho hai tuớng lầ Trăm Xanh và Đuờng Lan thống lĩnh. Lập tức chuẩn bị binh mã tấn công phủ Chúa. Mặt khác Vương soạn một loạt chỉ dụ từng bước cô lập quan quân bên phủ Chúa. 

Lại nói ở bên Tề, nghe tin Vệ Kính Vương họp bầy tôi tuyên thệ trung thành với thiên triều. Có kẻ tâu.

Bọn phản trắc ấy tin gì.?

Tề Bá Vương cười gằn đáp.

Chúng ta không xây dựng quan hệ với bọn man di ấy bằng niềm tin, mà bằng quyền lực, bổng lộc. Nước Vệ xưa nay không bao giờ thiện ý với Tề cả. Chỉ vì quyền lợi của đám vương giả được đảm bảo khi Vệ quan hệ mật thiết với Tề mà bên ngoài thiện ý thế thôi. Chừng nào còn quyền lợi, còn bổng lộc thì chúng còn theo ta. Đứa này xuống, đứa kia lên thay lại theo lối ấy. Ta cho chúng một thì ta lấy của đất nước chúng mười, cớ gì mà không giúp.

Quần thần ai cũng phục Tề Bá Vương mưu sâu, kế hiểm.

Chúa Bạo mặt mũi khôi ngô, vóc dáng hùng dũng. Nhờ khí chất đảm lược nên chả mấy chốc thâu tóm được quyền bính trong thiên hạ, bầy tôi kéo đến phủ xin làm môn khách hàng đàn. Chúa ở rừng Nam ra kinh đô, Vệ Cường Vương từ rừng phương Bắc xuống, đều không thông qua kinh sử như nhau. Chúa tố chất mạnh mẽ hơn lên phủ Chúa lấn quyền Vương thời đó. Nhưng sau này Vệ Kính Vương lên ngôi, Kính Vương bề ngoài nho nhã bên trong sách lược hiểm sâu , ẩn dấu dưới vẻ lờ đờ trên đôi mắt. Sách tướng gọi là '' tướng ngủ'' thuộc loại anh hùng như Lưu Bang ngày xưa, ít người nhận thấy.

Chúa nắm quyền gần mười năm, lúc đầu thiên hạ đều lầm tưởng là anh minh. Có thể một tay xoay chuyển được thời thế. Các cường quốc bên ngoài cũng đặt niềm tin, bởi thế vị thế của Chúa lên cao vun vút trong mắt thiên hạ. Cường quốc thi nhau mời Chúa đến thăm, bang giao, bàn chuyện làm ăn ...nước Vệ cũng nhờ thế mà tạm no ấm vài năm nhờ tiền vay mượn.
Cuối cùng thì đợi mãi, Chúa chẳng làm gì, chỉ chăm lo cho gia quyến và bầy tôi. Đến khi Vương Phủ mở cuộc thanh trừng, bầy tôi của Chúa rớt rụng dần. Chúa cũng chả động tĩnh gì, chỉ lo phòng thân. Lòng bọn bầy tôi cũng nản. Các cường quốc cũng thấy không như trông đợi, rút dần không bang giao, viện trợ, giúp đỡ.

Bọn bầy tôi ở bộ Hình có Văn Thụ là tay đảm lược, đắc lực giúp rập Chúa dựng cơ đồ. Đương lúc sung mãn lại không được cất nhắc vào đại thần nghị chính. Phải rũ áo từ quan, về quê nhà xứ biển nằm im tránh hậu họa. Còn Báu Mã thì giữa trùng vây của Vương Phủ không còn lối thóat, tự nhiên lăn ra đổ bệnh chết bất ngờ.

Bọn Điền Vẽ, Tư Tứ thuộc bộ Hình, thấy quan anh thảm hại vậy, tự nhiên nao lòng. Đứng lơ ngơ chờ thời cuộc, không còn mặn mà với nhà Chúa nữa.

Chúa tuột mất quyền bính ở bộ Hình, thế yếu đi rõ rệt. . Vệ Kính Vương hứa cho Quảng đại thần bộ Binh kế nghiệp ngôi của Tam Quý sau này. Quảng mờ mắt chạy theo Vương Phủ luôn từ đó. Chúa tuột cả binh quyền ở bộ Binh.


Ngày đêm Chúa hướng ra bên ngoài đợi trông cường quốc nào mời gọi giao thiệp để lấy lại hình ảnh khi xưa. Nhưng tháng ngày qua lại, chả có Vương nào mời. Chỉ có vài ba hội nghị lẻ tẻ Chúa nhân cớ đó mà đến nhìn thấy họ, mong được vài lời động viên hứa hẹn, nhưng chả đuợc câu thăm hỏi nào. Bất đắc dĩ Chúa phải dùng đến những nước nhược tiểu mà có khi dân Vệ còn quên tên, để Chúa đi thăm cho đỡ nhớ những ngày đi lại xênh xang. Chúa nhớ tiếng pháo đón tiếp, nhớ cảnh nghi thức long trọng dành cho nguyên thủ. Lâu rồi Chúa không đuợc sống trong cảnh đó, sợ thiên hạ quên mình là Chúa.

Khi xưa quyền thế trong tay, thái tử của Vệ Cường Vương thuộc Vương Phủ quản lý, đang lên như diều ở trấn Kinh Bắc. Chúa điều phắt về phủ Chúa, đuờng công danh của thái tử Vệ Cường Vương bỗng tắt lịm trong quan triều, chẳng còn ai nhớ.

Thế rồi mới đây, Vệ Kính Vương lại dùng chiều đó với thế tử nhà Chúa. Thế tử ở phủ Chúa đương lên như diều, nhảy mấy cấp một lần. Bất ngờ bị chuyển sang Vương Phủ, bề ngoài là ngang chức. Nhưng chắc đuờng công danh khó mà còn cơ hội. Chúa e sợ nhiều chuyện không may với thế tử, đành can thiệp cho thế tử còn trẻ người non dạ đuợc về quê nhà trông nhậm chức, mong bà con xóm giềng bao bọc chở che. Chứ để đi tỉnh khác có ngày gặp họa.

Ra giêng Chúa không có việc gì làm. Bọn Đường Lan cấp là bậc dưới, nhưng thế lại thuộc Vương Phủ thành bậc trên. Xách mé gọi Chúa đến bàn việc kinh bang, tế thế, quốc sách kinh tài. Ý đòi bàn giao việc khai thác dầu khí, tiền bán cổ phần doanh nghiệp.


Chúa thẫn thờ, hàng ngày Chúa gọi bầy tôi hỏi có nước nào mang công văn đến để ký không. Bây tôi lắc đầu. Chúa lại hỏi có nước nào mời thăm không, bầy tôi lắc đầu. Chúa nhìn bút lông, ấn tín khô mực trên bàn, lòng ê chề buồn bã.

Tổng quản phủ Chúa bây giờ cũng là người của Vương Phủ. Có tin tức gì đến phủ Chúa bên Vương Phủ đều thông tỏ. Giờ Chúa động tĩnh gì bên Vương Phủ đều biết rõ mà có sách lược can thiệp.

Đã thế bầy tôi của Chúa về hưu cũng không yên. Xưa nay nước Vệ có lệ, quan lại về hưu là miễn tố. Đại tướng Văn Thông thuộc phủ Chúa thống lĩnh Thanh Tra, khi xưa vâng mệnh vào miền Trung đánh Trăm Xanh , quay ra kinh đô đánh trận Trà Phú Sĩ khiến Vương Phủ thất điên bát đảo, nhờ thế mà Chúa vững vàng qua mấy trận đại hội nghị chính, đại hội dân chính. Văn Thông về hưu, ẩn ở miền quê phía Nam nay đang bị nhòm ngó vì cơ đồ quá lớn.

Đòn ấy Vệ học của Tề, thâm sâu vô cùng. Quan lại theo phe cánh lợi ích, về hưu cũng bị xử. Cách ấy khiến bọn bầy tôi đang còn giữ chức bên phủ Chúa phải e dè ôm đầu, rụt cổ vào mai rùa tìm cách thần phục Vương Phủ.

Đầu năm ấy trời mưa suốt, u ám gần cả hai tháng trời. Vượng khí dồn hết về Vương Phủ. Vệ Kính Vương bấy giờ mới tỏ sức mạnh có thể che đỡ được bầy tôi. Đích thân Vệ Kinh Vương vào xứ Quảng, tuyên bố bá tính trận Văn Thông đánh Trăm Xanh năm xưa đã thất bại hòan toàn. Nay Trăm Xanh công lao hiển hách, triều đình ghi danh. Bọn bây tôi Vương Phủ thấy thế đều nức lòng.

Chúa không có bầy tôi như Khoái Thông, chẳng có gan hơn Hàn Tín. Khi xưa lúc Tín thịnh quyền, Khóai Thông bầy kế vững vàng cho Tín. Tín không nghe, sau mang họa.

Thời Tam Quốc, Tháo nằm trọn binh quyền, nhưng lòng không dám làm chuyện lớn. Lại chỉ muốn núp bóng nhà Hán để nắm quyền nhưng yên thân. Sau này cơ đồ vào tay nhà Tư Mã.

Nước Vệ ngày nay không có thiền sư như Vạn Hạnh, không có tuớng tâm phúc vì chủ như Phạm Cự Lượng. Chủ tướng không quyết đóan như Uẩn .Giấc mơ chuyển ngôi thanh bình như thế chỉ là giấc mộng mà thôi.

Vương Phủ nước Vệ lại hưng, nước Vệ lại vẫn là tôi trung của Tề theo vết xe mà người Tề sắp sẵn.

Thế thiên hạ tất phải vậy.


BLOG BÀ ĐẦM XÒE

Viết nhân cái chết của họa sĩ Trần Duy – Thủ lĩnh cuối cùng của Nhân văn giai phẩm.


Tôi hiểu một cách nôm na rằng, khốn nạn là người đang ở hoàn cành cùng đường lại còn bị gặp nạn. Trong hoàn cảnh bỉ cực này, người gặp nạn thường ngửa mặt lên trời mà than:
- Ôi, khốn nạn thân tôi quá!

Nhưng lại nghe dân Việt ta chửi một ai đó có hành động táng tận lương tâm là thằng khốn nạn – Mày là thằng đểu cáng, khốn nạn.

Không biết tại sao lại có sự diễn biến từ người lâm vào hoàn cảnh khốn khó bị gặp nạn thành kẻ khốn nạn như thế này? Và chữ Việt hiện nay từ khốn nạn được dùng phần nhiều chỉ mang nghĩa là kẻ có hành động đểu cáng táng tận lương tâm. Vì vậy, từ khốn nạn trong bài viết này giành cho nhưng kẻ đểu cáng có hành động táng tận lương tâm.

Nhân cái chết của Thủ lĩnh cuối cùng trong phong trào Nhân văn giai phẩm – họa sĩ Trần Duy – tôi chợt liên tưởng đến sự khốn nạn cứ truyền từ lớp lãnh đạo này sang lớp lãnh đạo sau.

Một bức tranh toàn bích hiện lên rất rõ ràng.

Nhân văn giai phẩm qua mấy chục năm nghiên cứu, trao đổi, bàn cải đến nay chỉ tồn tại một sự thật là: Văn nghệ sĩ chỉ có tư tưởng đấu tranh để giành về sự tự do của cá nhân mình cho hoạt động nghệ thuật, ngoài ra không có tư tưởng đấu tranh hay mục tiêu nào khác.

Ấy thế mà họ bị đánh tơi tả, kiệt quệ, tàn tạ, làm cho không ai còn có khả năng ngóc đầu lên được nữa.

Nhưng, khốn nạn thay, mấy chục năm sau, cũng cái chính thể đã sắt máu tiêu diệt những văn nghệ sĩ này lại đem huân chương gắn lên bia mộ họ với những giải thưởng văn chương: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chính thể không tuyên bố là quá khứ sai lầm của họ, nhưng với huân chương đã giành cho những văn nghệ sĩ trong Nhân văn giai phẩm, mặc nhiên, ai cũng hiểu rằng, quá khứ sắt máu của chính thể đã sai lầm.

Tại sao họ không công khai, minh bạch, rồi kiểm điểm rút kinh nghiệm để làm bài học cho đất nước tránh những sai lầm tương tự cho tương lai?

Sự vật vận động không gì không có sai lầm, nhưng nhận ra sai lầm, rồi sửa chữa sai lầm, công khai cho bàn dân thiên hạ biết, điều đó mới thể hiện sự công chính của chính quyền, nếu không, nó chỉ là cung cách hành sử của phường thảo khấu – Họ làm điều đó là vì họ, cho họ chứ không phải cho sự ăn năn chân chính của họ vì quy luật phát triển của xã hội.

Tôi lại liên tưởng đến hồi cải cách ruộng đất, có nhiều người bị Đội cải cách giết chết oan trái, quy kết oan sai, nhưng một thời gian sau lại nhận và đem đọc trước nhân dân giấy tha tội, hạ thành phần của cấp trên gửi về. Nhân nhân nghe, tuy trong bụng vẫn còn thương tiếc, xót xa cho người bị giết, beị hành hạ nhưng cũng được an ủi rằng, “giết người nhầm, oan sai là do bọn cải cách làm chứ không phải lãnh đạo cấp trên muốn thế”.

Họ không biết rằng, cái giấy tha thết đó chỉ là một cái lá khoai nhằm che cái mặt L. mà ở trong cái L. đó đã chứa nhung nhúc những vi trùng giăng mai giết người của chính thể. Người ra chủ chương rồi ký giấy thừa biết rằng, từ trung tâm cải cách đi đến Đội cải cách bằng xe đạp hay đi bộ cũng phải mất ít nhất vài ngày đường, thì làm sao cái giấy tha đó có thể đến kịp thời mà cứu người được nữa.

Kiểu tha người như vậy cũng chỉ có ý nghĩa như cái lá khoai che cái mặt L. (Che L. lá khoai – tục ngữ) là vì vậy.

Việc gắn “huân chương” cho Nhân văn giai phẩm phải chăng cũng chỉ có ý nghĩa như vậy?

Tôi thấy nó cũng chỉ tương tự như vậy? Nếu không, tại sao trong mươi năm qua chính thể lại bắt bỏ tù, hành hạ rất nhiều người chỉ vì họ lên tiếng phản biện hay đòi dân chủ, đa nguyên, đòi sự tiến bộ xã hội cho đất nước – Một xu thế phát triển tất yếu của xã hội loài người.

Để rồi mấy năm sau (hẳn thế), cái chính thể này lại lặng lẽ gắn huân chương cho những người đấu tranh này như trước đây lãnh đạo của họ đã từng làm.

Cầm tù, đầy đọa những người tài giỏi, những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội ở nước mình cứ lập đi lập lại cái kiểu như vậy, chẳng là sự khốn nạn truyền kiếp hay sao?

Và cứ như vậy, đến bao giờ người mình, dân tộc mình mới tiến bộ, mới thành người lớn đàng hoàng được.
Không bao giờ.


BLOG QUÊ CHOA - 24-03-2014

Nguyễn Mộng Hoài 

Mấy ngày hôm nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, kể cả VOV và VTV loan tin rộng rãi về "ông cán bộ tầm cỡ" của Đường sắt Việt Nam đã nhận hối lộ 80 triệu yên (tiền Nhật) tức 16 tỷ đông tiền Việt Nam. Vâng, mười sáu tỷ, tức là 16.000 triệu, bằng lương bình quân của 5.300 viên chức công nhân lao động bình thường Việt Nam một tháng. 

Chao ôi, một quan chức Việt Nam nhận hối lộ món tiền lớn ấy chắc không phải chỉ "nuốt" một mình, mà còn có thể chia chác cho phe, nhóm của mình. Tham ô, tham nhũng "nội địa" đang là "quốc nạn" mà chống mãi chưa được, nay lại phát hiện thêm việc ăn hối lộ của cả nước ngoài. 

Nhiều sự kiện "động trời" xảy ra trên đất Nhật, chúng ta đều khâm phục cách đối phó, cách ứng xử của Nhà vua, Chính phủ và nhân dân Nhật bản (không thấy nói đến vai trò của Đảng Cộng sản). Mặc dù bản thân mình còn phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách thức và thảm họa, nước Nhật vẫn dành cho Việt Nam khoản vay "ODA" lớn nhất, nhằm giúp ta xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ tình hữu nghị "chiến lược sâu rộng Việt Nhật". Một công ty nào đó, một vài cá nhân nào đó của Nhật, để có thể thắng thầu, hoặc ký hợp đồng, đã ngửi thấy cái mùi ham tiền của cán bộ có cỡ của ta hối lộ đến 80 triệu yên.

 Thông tin "đau" trên đây đã lập tức được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nước ta Đinh La Thăng "...giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ngay thứ hai 24-3 phải làm việc trực tiếp với Trưởng đại diện JICA và Đại sứ Nhật". Ông Bộ trưởng còn nói: "Chính việc chúng ta làm việc nghiêm túc, công khai, minh bạch về việc này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược sâu rộng" và "Khi chúng ta làm việc này thì là trách nhiệm nghiêm túc trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Và cũng để khẳng định với nhân dân là ngành giao thông vận tải quyết tâm chống tham nhũng"

Việt Nam đang nâng cấp hệ thống đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật.

Vậy cụ nào đi nước ngoài cũng tha thiết kêu gọi họ cho vốn ODA "càng nhiều càng ít" để Việt Nam "xây dựng chủ nghĩa xã hội" giầu đẹp và văn minh. Thậm chí, trong rất nhiều dự án phát triển kinh tế do nước ngoài đầu tư, có những dự án mà chúng ta "nhún nhường' gần như cho không kéo dài ngót một thế kỷ, như dự án Hà Tĩnh, Nam Định, Tây Nguyên...để "ông bạn vàng" tha hồ tự tung tự tác, coi như "vương quốc riêng trên đất nước Việt Nam" muốn làm gì thì làm. Nguy cơ mất nước là ở chỗ này đây, kể cả ở chỗ cán bộ ta có một số người "tai to mặt lớn" ăn hối lộ, mua "đồ đểu" của họ về "làm giấu" cho đất nước !

Từ xưa đến nay, dù là các Triều đại phong kiến hay dưới chế độ mới của Hồ Chí Minh, dân ta rất coi trọng "quốc thể" tức là coi trọng thể diện quốc gia. Kẻ nào bán rẻ đất nước, phản nghịch cõng rắn cắn gà nhà, lăm le bán mồ mả ông cha cho ngoại bang hoặc tạo điều kiện cho những kẻ xấu bụng nước ngoài xâm lược nước ta...đều bị lên án, phỉ nhổ và khép tội. Trong thời đại "toàn cầu hóa" quan hệ rộng rãi, chiến lược với các nước, nhất là các nước chân thành hữu nghị với Việt Nam là một trong những đường lối sáng suốt của ta, song trong quan hệ ấy không thể có những hiện tượng hối lộ và nhận hối lộ để "ký hợp đồng" béo bở góp phần làm hại nước ta chứ không phải "hữu nghị chiến lược" to tát gì. 

Vì sao họ hối lộ ? Vì có người nhận hối lộ. Tưởng là có thể "đi đêm" với nhau, song cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra. Thật trơ trẽn. Vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, người ta dễ dàng quên đi danh dự tối thiểu của một con người, đã băng hoại đạo đức lại càng băng hoại đạo đức, đã làm hại quốc gia dân tộc lại thêm một vết nhơ trong lịch sử bang giao với nước ngoài.

Chắc chắn, người ta không "vu khống" cho ai, nhất là trong khi quan hệ "đối tác chiến lược" đang nở hoa kết trái, đang trở thành mẫu mực thì một số tổ chức và cá nhân nào đó của Nhật hối lộ quan chức Đường Sắt Việt Nam và báo chí Nhật khui ra vụ này, chắc chắn không phải là "thù hằn cá nhân" hoặc "lỡ mồm, lỡ miệng" nào cả. Mà người hối lộ cũng có chủ đích, mà người nhận hối lộ càng có chủ đích hơn. Cái đáng trách là trách mấy ông lãnh đạo Đường sắt Việt nam đã để cho "con sâu làm rầu nối canh" mà lại là nồi canh của tình hữu nghị chiến lược sâu rộng. 

Thời gian tới, nhiều nước còn đầu tư theo kênh ODA cho Việt Nam và có thể không tránh khỏi những công ty, những cá nhân tiếp tục "hối lộ" cán bộ Việt Nam dưới hình thức này, hình thức khác, song suy đến cùng vẫn là không minh bạch, vẫn là "hối Lộ". Trong khi luật pháp Việt Nam đã có nhiều điều khoản quy định chặt chẽ việc đưa hối lộ và nhận hối lộ. Tuy nhiên, ai đó muốn hối lộ ai đều phải "trông mặt mà đặt hình dong" chứ người dân biết gì đâu. Nghe nói cách đây nhiều năm, dưới hình thức "quà biếu" một nước bạn đã "hối lộ" tiền triệu đô la cho một vị cao cấp của ta, sự việc đó mọi người ở trung ương đều biết, song vẫn cho "chìm xuông" để bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng !

Mong lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, nhất là cá nhân Ông Bộ trưởng làm "quyết liệt" đến nơi đến chốn vụ này, nếu không có hiện tượng nhận hối lộ của nước ngoài xâm phạm danh dự quốc thể thì minh oan, ngược lại có bằng chứng cụ thể thì phải xử thật nghiêm theo khung hình phạt của luật pháp nước nhà. Đó là lẽ công bằng đồng thời là cách tốt nhất để "giữ gìn quốc thể".

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"