Vi Tông Hữu
Trần Ngọc Cư dịch
Trần Ngọc Cư dịch
Khắp thế giới, người ta sững sờ trước quyết định chớp nhoáng của
Vladimir Putin, sáp nhập Krym theo nguyện vọng của cuộc trưng cầu dân ý
tại đây, đòi Krym li khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga, điều
mà Kiev và phương Tây coi là hành động phi pháp. Quyết định này cũng kéo
theo sự chỉ trích khắp thế giới và sự lên án gay gắt của phương Tây và
Ukraine, đồng thời làm phát sinh một đợt trừng phạt kinh tế thứ hai từ
Hoa Kỳ và liền sau đó từ châu Âu. Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở
mức lạnh nhạt nhất từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Vậy, tại sao Putin đã dám liều đánh mất phúc lợi kinh tế và không
gian chính trị của Nga để nuốt chửng Krym, đồng thời đẩy Ukraine ra khỏi
ảnh hưởng của mình, và gây bất bình cho toàn thế giới phương Tây? Phải
chăng Putin “đang ở trong một thế giới khác” như Thủ tướng Đức Angela
Merkel đã phán đoán về ông? Theo tôi nghĩ, chí ít có hai cân nhắc nằm
sau quyết định của Putin.
Cân nhắc thứ nhất theo chủ nghĩa thực tế, địa chính trị [realist,
geo-political]. Trong thế giới quan của Putin, kể từ khi Liên Xô cũ sụp
đổ, nước Nga đã mất một phần tư diện tích lãnh thổ, một nửa dân số, và
hơn một nửa GDP. Trong những lãnh thổ “đã mất” có những nước ở vị trí
chiến lược quan trọng hay có quân đội tiên tiến, như Ukraine và các quốc
gia Baltic. Với đà bành trướng về phía đông của khối NATO và việc hội
nhập các quốc gia chư hầu của khối Xô-viết cũ, các cộng hòa Đông Âu, và
các quốc gia Baltic vào châu Âu, vùng trái độn truyền thống giữa Nga và
phương Tây ngày càng thu hẹp lại và không gian điều động chiến lược của
Nga mỗi năm mỗi trở nên nhỏ bé hơn. Vào thời điểm Nga còn thèm khát được
hội nhập vào phương Tây, có lẽ điều này không đặc biệt đáng lo ngại hay
hổ mặt đối với Moskva. Nhưng kể từ khi các lãnh đạo Nga cách đây khá
lâu quả quyết rằng gia nhập vào phương Tây vừa không đặc biệt có lợi cho
thế đứng chính trị của Nga vừa không đặc biệt hấp dẫn về quyền lợi kinh
tế, Nga bắt đầu coi việc bành trướng của phương Tây bất chấp các lợi
ích chiến lược của Nga là có ác ý và đầy đe dọa.
Ukraine giữ một vị trí độc đáo trong cân nhắc địa chiến lược của
Nga. Một, đây là lãnh thổ trọng yếu cho việc chuyển giao lượng dầu lửa
xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Mỗi năm hơn một phần ba số dầu Nga chở
sang châu Âu đi qua ống dẫn trên lãnh thổ Ukraine. Hai, Krym cho phép
Hạm đội Biển Đen Nga tiếp cận với Biển Đen. Nếu chính phủ Kiev thân
phương Tây quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê căn cứ hải quân Nga tại
Krym, Nga sẽ mất cửa ngỏ chiến lược đi vào Biển Đen và Địa Trung Hải.
Ba, Ukraine được coi là thành viên trọng yếu nhất cho dự án Liên hiệp
Á-Âu của Nga, một kế hoạch kinh tế và chiến lược nhằm kết nối chặt chẽ
Nga, Belarus, Ukraine, và Trung Á lại với nhau. Nếu tất cả việc này đi
đúng kế hoạch, Liên minh Á-Âu sẽ giúp các cộng hòa Xô-viết cũ và các
nước độc lập hiện nay hội nhập với Nga về kinh tế, chính trị, và ngoại
giao, và còn tiến tới việc phục hồi cái quang vinh của đế quốc Xô-viết
vào thời cao điểm của nó. “Cuộc đảo chánh” tại Kiev và định hướng chính
trị của chính phủ mới chắc chắn đe dọa tất cả dự án này, nếu Nga vẫn giữ
thái độ dửng dưng và thụ động.
Cân nhắc thứ hai tự bản chất nghiêng về tâm lý nhiều hơn. Ngay sau
khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, chạy theo phương Tây là ưu tiên hàng đầu
của chính sách đối ngoại Nga. Nhưng Moskva đã thất vọng khi thấy rằng
phương Tây vẫn còn ấp ủ những dè dặt to lớn và hoài nghi đáng kể đối với
Nga. Nhiều năm bỏ ra để ve vãn phương Tây gần như không mang lại điều
mà Nga thèm muốn nhất: một tư cách thành viên bình đẳng với các nước
phương Tây và sự thịnh vượng kinh tế. Mặc dù đã được vào nhóm đặc biệt
G8, nhưng Nga chưa bao giờ được hưởng một tư thế đầy đủ và có tiếng nói
như bảy thành viên khác, luôn luôn thấy mình là một “kẻ khác” mà thôi.
Trên lãnh vực kinh tế, cuộc trị liệu bằng cú sốc [shock remedy] do
phương Tây đề nghị và Boris Yeltsin nghiêm chỉnh thi hành đã không mang
lại lợi ích kinh tế mong đợi. Thay vào đó, nó đẩy kinh tế Nga đến chỗ
rơi tự do, khiến người dân trung bình Nga càng khốn khổ hơn trước. Cuộc
thử nghiệm hướng về phương Tây của Nga đã chấm dứt trong nhục nhã và tai
họa.
Chính Putin đã cứu nước Nga khỏi tình trạng khốn cùng đó. Ông đã tái
điều chỉnh cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Nga, và tách nước
này khỏi phương Tây; đồng thời, thay vào đó, Putin luôn tìm kiếm những
cơ hội để làm sống lại những nét vàng son của thời Xô-viết đã qua. Khi
kinh tế Nga được cải thiện, cũng là lúc phương Tây nhận ra cái thế
thượng phong của mình đã qua đi. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đánh mạnh
vào Mỹ và châu Âu, làm các nước này thấy mình lệ thuộc nhiều hơn vào
các cường quốc mới nổi, trong đó có Nga. Chính Anh, Pháp, và cả Đức hiện
đang bận tâm kêu gọi các đại gia dầu lửa Nga mua thêm nhiều hàng hoá và
đầu tư thêm vào kinh tế của mình. Cán cân quyền lực giữa Nga và phương
Tây đã thay đổi. Cuộc chiến tranh nhỏ bé tại Georgia vào mùa Hè năm 2008
chỉ tăng cường xu thế này và phản ứng chiếu lệ từ phương Tây đã để lại
ấn tượng sâu sắc đối với Nga: đó là, châu Âu đang thối nát và Hoa Kỳ đã
trở nên quá yếu để mà lãnh đạo. Tiếp đến là Mùa Xuân Ả Rập và cuộc khủng
hoảng tại Syria. Trong trường hợp đầu, Mỹ “đã lãnh đạo từ sau”, và
trong trường hợp sau chính Nga đã quyết định hướng đi của cuộc nội chiến
Syria.
Nhân dân Nga, và đặc biệt là Putin đã học được một bài học đắt giá
từ cuộc tình lãng mạn hậu-Chiến tranh Lạnh với phương Tây: Bất chấp
những rêu rao về dân chủ và tự do, sự thật vẫn là kẻ mạnh ra lệnh cho kẻ
yếu.
Với châu Âu rữa nát và Hoa Kỳ suy yếu, một nước Nga trỗi dậy và đầy
tự tin chắc chắn sẽ không để cho một nước cộng hoà Xô-viết cũ có tầm
quan trọng địa chiến lược rơi hoàn toàn vào phe phương Tây. Bằng cách
sáp nhập Krym vào Nga, Putin không chỉ đảm bảo căn cứ hải quân và cửa
ngõ chiến lược của Nga vào Biển Đen, ông còn gửi một thông điệp mạnh mẽ
đến Ukraine và phương Tây: Coi thường các quan tâm chiến lược chính đáng
của Nga là một hành vi liều lĩnh.
_______________________
Vi Tông Hữu (Wei Zongyou) là Giáo sư
và Phó Khoa của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Ngoại giao và Quốc tế, Đại
học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc. Quan tâm nghiên cứu của
ông tập trung vào Quan hệ Mỹ-Trung, chính sách đối ngoại Mỹ, can thiệp
nhân đạo và trách nhiệm bảo hộ.
Nguồn: The Diplomat, 23/3/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra