Vương Trí Nhàn
- Ngành giáo dục ở ta đang trong tình trạng thế nào?
Nói cho hình ảnh một chút, nó đang lê lết trong cảnh trì trệ. Về
triển vọng, thì có vẻ bệnh ở dạng vô phương cứu chữa. Tức nếu không dỡ
bỏ làm lại thì vùng vẫy đến mấy cũng sẽ không ra khỏi cái tình trạng suy
thoái hiện có.
Tôi biết nói vậy là bi quan. Nhưng nếu biết vượt lên tình cảm thông
thường và có cái nhìn khách quan, cũng như sử dụng tới những thước đo
hiện đại khi đánh giá tình hình bàn việc cải cách, chắc chúng ta không
thể nghĩ khác.
Một dạng "tiên thiên bất túc"
Lùi lại nhìn ngành giáo dục của ta từ hồi kháng chiến chống Pháp,
rồi qua chống Mỹ và hậu chiến gần 40 năm nay, tôi thấy nó được xây dựng
ngoài những chuẩn mực chặt chẽ mà mọi nền giáo dục phải có. Như một cơ
thể, nó thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ
phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng .
Ta hay có lối làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm.
Ví dụ một trường đại học trước tiên phải có đủ bộ phận giảng viên đảm
nhiệm việc giảng dạy theo những quy định quốc tế. Ở các nước gọi là
đang phát triển, một trường đại học chỉ được thành lập khi có một bộ
phận nòng cốt là những giáo sư đã học tập ở những Sorbone, Oxford hoặc
những trường tương tự… trở về.
Đâu người ta cũng hướng tới những yêu cầu này để noi theo, nay chưa làm được thì mai làm. Chỉ có riêng ta thì không.
Trên danh nghĩa đại học VN cũng có những người gọi là giáo sư hay
tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế
thấp hơn chuẩn mực rất nhiều.
Rộng hơn câu chuyện giáo viên là chuyện cơ sở vật chất và không khí học thuật của một trường đại học.
Rồi rộng hơn câu chuyện của riêng ngành đại học là chuyện của mọi cấp học.
Tính phi chuẩn đang bao trùm trong mọi lĩnh
vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử…,
cho tới chất lượng dạy và học.
Ta hay quen miệng nói chúng ta rất có truyền thống về giáo dục. Sự
thực, giáo dục VN thời trung đại còn quá non nớt không đủ hình thành một
hệ thống. Tới nền giáo dục mà người Pháp mang lại thì mới tàm tạm.
Nhưng rồi mấy chục năm chiến tranh, cái sự làm lấy được làm theo ý
chí đã thành chuẩn mực duy nhất ở ta, nó chi phối tất cả, khiến giáo dục
VN có cách tồn tại, cách vận hành riêng chẳng giống ai. Các trường mới
lập ra phải theo trường cũ, sau giải phóng thì miền bắc bắt miền nam
phải theo.
Tạm ví như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết, vậy mà vẫn tự hào rằng mình cũng đang đi chứ đâu có đứng yên.
Sửa vặt chỉ là vô nghĩa
Luôn luôn xảy ra tình trạng trường không đáp ứng đúng chuẩn mực
cũng cố mà mở, giáo viên chưa đủ trình độ cũng cho dạy, học sinh không
đủ trình độ cũng cho lên lớp, sinh viên ra trường không ai nhận cũng cứ
xin thêm chỉ tiêu đào tạo.
Trước mắt chúng ta là một cơ thể lúc nào cũng ốm yếu quặt quẹo.
Đây đó, nó có được chấn chỉnh chỗ này thì chỗ khác lại làm bừa làm
bậy rõ hơn. Mọi sự sửa chữa chẳng qua chỉ là đắp điếm giả tạo.
Tình trạng tuyệt vọng thấy rõ là khi mọi sự đã không còn thay đổi được nữa.
Dăm bảy năm nay, nhận thấy các trường công lập bị bao ràng buộc, nhiều người đã tính bàn nhau mở thêm các trường dân lập.
Gia đình tôi cũng thử xem sao, cho con đi học dân lập, sau mới ngớ
ra. Nếp làm giáo dục ở ta mấy chục năm nay nó đã thế rồi, thì lúc ra tồn
tại với danh nghĩa khác, người ta cũng cứ đường cũ mà đi.
Khi các giáo viên vẫn thế, người quản lý các trường cũng thế, chuyện
các trường dân lập có đủ bệnh như trường công lập nói chung thật dễ
hiểu.
Thế thì còn có cách nào mà cựa bây giờ?
Để cùng xác định mức độ nghiêm trọng, và sự bất lực đã trở thành chắc chắn, xin có một chút liên hệ:
Đọc báo gần đây, thấy các cơ quan quản lý giao thông đề nghị mọi
người hiến kế để có cách làm sao tai nạn giao thông có thể mỗi ngày mỗi
giảm.
Nhưng vấn đề là ở chỗ người ta phải dự tính điều này từ khoảng mười
lăm hai mươi năm trước, khi số lượng các phương tiện giao thông còn tạm
chấp nhận được. Chứ với mức độ xe máy như hiện nay, trên tình trạng
đường sá hiện nay thì có tài thánh cũng không hạn chế nổi tai nạn.
Sức ì của người trong cuộc
Khi không có những điều kiện cần và đủ mà bắt buộc phải tồn tại, tự
bản thân cơ chế giáo dục phải có cách thích ứng, lâu dần nó tự ổn định
trong tình trạng hiện thời và tự nhiên là trở nên trơ lì, không thể phấn
đấu thành cái đáng ra nó phải thế, cũng tức là không thể trở thành đúng
như chuẩn mực nữa.
Quán tính tự bảo vệ không cho phép người trong ngành thấy hết bệnh tật đang có trong cái môi trường người ta tồn tại.
Một điều không ai nói ra nhưng ai cũng biết, lâu nay giáo dục đã là
nơi sinh sống làm ăn của bao nhiêu con người. Nay giả thử có sự thay đổi
thì những người đó đi đâu làm gì bây giờ?!
Không ai tự chặt chân mình, tự làm phiền mình trong công việc cả.
Thành thử cứ với nhận thức như hiện nay, thì dù nhiệt tình đến đâu
cũng chỉ có thể có những cải cách hời hợt chứ không thể có những thay
đổi cơ bản.
Qua các trang mạng tôi được biết một tờ báo của Pakistan cuối tháng 9
- 2012, có bài nói khá đúng về giáo dục VN. Tác giả bài báo kể một giáo
viên VN nói với ông ta "Hệ thống giáo dục của chúng tôi đang đi xuống
dốc".
Và người giáo viên VN bổ sung "Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng tôi
sẽ chỉ có các quan chức ngu ngốc và những con người xảo trá".
Vậy là tình trạng lê lết hiện nay ai cũng biết, nhưng không có cách cứu vãn.
Hai đề nghị của Myanmar về giáo dục mà chúng ta khó nuốt
Khi bàn về cải cách ở Myanmar, lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi có mấy ý kiến về giáo dục mà tôi thấy rất tâm đắc.
Trước tiên bà bảo, sau giai đoạn thuộc địa và thời kỳ sống trong
chuyên chế, nay cái mà Myanmar cần là đào tạo nhiều thợ học nghề chứ
không phải đào tạo kỹ sư.
Đội ngũ trí thức trẻ, cần thì cần thật nhưng phải là thứ thiệt. Lấy
đâu ra đại học tử tế để có số kỹ sư cần thiết ấy? Vậy phải tạm xếp yêu
cầu đó lại.
Cách chuẩn bị tích cực nhất là nhờ nước ngoài, theo kinh nghiệm của Myanmar là nhờ Anh.
Lâu nay sách sử dạy trong các trường học Myanmar vẫn soạn theo tinh
thần của các nhà sử học Anh khi viết về Myanmar. Cả nền giáo dục trước
sau tính là phải theo những chuẩn mực quốc tế.
Riêng đại học Rangoon vẫn là đại học có tiếng ở Đông Nam Á.
Vậy mà theo Aung San Suu Kyi, thế vẫn chưa đủ. Bà bảo trong thời
gian giới quân sự nắm quyền, giới sinh viên được đào tạo thành những con
người biết vâng lời và làm theo mệnh lệnh hơn là con người sáng tạo. Và
bà đề nghị phải làm lại nền đại học này. Trong tình hình của Myanmar,
nước phải nhờ là nước Anh.
Chỉ có cách đó
Thoáng đọc, chắc ai cũng thấy các đề nghị nói trên dựa trên những nguyên tắc xa lạ với giáo dục VN.
Ngay cái chuyện đừng tính đại học vội mà hãy lo đào tạo công nhân
lành nghề -- ý kiến ấy cũng khó nuốt lắm. Như thế là thoái thác cái đề
án “xây dựng công nghiệp hiện đại nông nghiệp hiện đại, văn hoá giáo dục
tiên tiến” sao ? Ai mà chịu nổi.
Đến như cái điểm đi nhờ giáo dục nước ngoài, lại càng không ai nghe được.
Ta quen thói tự tin, cho rằng cái gì cũng phải lấy tinh thần độc lập
tự chủ làm đầu. Thế thì ai lại muối mặt đi nhờ các nước phương Tây mà ta
vừa thèm muốn được như họ, vừa căm ghét sao họ hơn mình nhiều thế?
Sở dĩ người Myanmar đi tới những định hướng trên đây, bởi ở họ có một tinh thần thực sự cầu thị.
Họ cho rằng họ phải học hỏi nước ngoài nhiều thì mới có được một nền giáo dục cần thiết.
Ta thì luôn luôn tự hào rằng mình có một truyền thống giáo dục hết sức tốt đẹp, và chỉ cần có tiền là sẽ làm được hết.
Trong mọi việc ta thường chỉ lo làm dáng. Khi đứng trước một việc mà
thâm tâm thấy bất lực, liền đánh bài lấp liếm, mức cao hơn nữa là tự
lừa dối chính mình cho xong chuyện.
Nhưng tôi vẫn thấy trong hoàn cảnh của ta, cái phương án Myanmar nói trên là phương hướng khả dĩ.
Trước mắt là không nên thảo luận về cải cách gì cả.
Bộ phận giáo dục hiện nay đã hỏng hẳn với nghĩa là tự nó không thể
nghĩ ra phương hướng thay đổi. Và giả sử có phương hướng đúng thì những
người trong cuộc cũng không theo nổi.
Ví dụ dù có tung ra bao nhiêu tiền của chăng nữa thì bộ phận soạn
sách giáo khoa ở ta hiện nay cũng không sao làm nổi một bộ sách giáo
khoa cần thiết.
Và giá có bộ sách ấy thì hệ thống giáo viên cũng không đủ sức dậy theo.
Vừa rồi có một đề nghị là phải trả lại tự do cho ngành giáo dục.
Nhưng kinh nghiệm của tôi bên văn chương cho thấy một bài học khác. Các
nhà văn của ta bị trói quá lâu, đúng hơn là bị đào tạo vội vàng, cũng
tiên thiên bất túc y như bên giáo dục. Luôn miệng đòi tự do nhưng lại
không biết làm gì với thứ tự do đó cả. Khi được cởi trói một chút thì
chỉ có tự do hoang dại là phát triển.
Từ bỏ chủ nghĩa bình quân
Cũng phải nói thêm, sở dĩ chúng ta biết không đạt chuẩn mực vẫn cứ
làm, lý do là vì muốn ai cũng được hưởng phúc lợi giáo dục. Ngay trong
hoàn cảnh xã hội chưa trưởng thành mọi mặt trong đó khâu thấy rõ nhất là
về kinh tế, ta cũng vẫn cố phổ cập giáo dục rộng rãi để lấy tiếng và
để mọi người ai cũng có thể vừa lòng.
Nay có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: hoặc chất lượng giáo dục hoặc số lượng.
Tức một việc đau xót có thể xảy ra, là phải tạm thời từ bỏ nguyên tắc phổ cập đó, lùi một bước tiến ba bước.
Giống như trong kiếm sống, phải có người giàu trước người giàu sau,
-- thời gian trước mắt, trong giáo dục chúng ta chỉ có thể bảo đảm cho
một số nhỏ thanh thiếu niên được học hành cẩn thận, còn đa số sẽ chỉ
được trang bị một ít kiến thức cơ bản rồi lo học nghề, để ra làm thợ, có
lẽ như thế sẽ hợp lý hơn chăng?
Còn làm như hiện thời, cố để mà phổ cập giáo dục là một việc quá sức,
và thực tế là sẽ không bao giờ có thể có giáo dục với nghĩa đúng đắn
của nó.