Lộc Phạm
Với cái ác, người ta hay mang lịch sử ra để hù doạ. Kiểu như: "làm
ác đi, rồi lịch sử sẽ ghi tên mày suốt đời, nhục mãi mãi". Nhưng có một
đồng nghiệp nói với tôi rằng, trong cái thời lịch sử đậm hư cấu, bị lũng
đoạn đến từng con chữ, thì người ta chẳng sợ gì lịch sử nữa. Họ biết,
họ thấy sự trân tráo của lịch sử, vì họ cũng đã góp phần viết nên sự
trân tráo đó mà! Thế thì, bản thân họ chẳng thể nào trân trọng cái lịch
sử dối trá họ viết nên, thế thì làm sao mà họ sợ chính cái họ đang khinh
bỉ, dù họ là tác giả của sự đáng khinh bỉ đó. Họ làm điều ác, điều phi
nhân bản, phi nhân tính, phi khoa học, phi dân chủ, chống lại trí tuệ
loài người, thì cũng chẳng buồn ái ngại với hai chữ "lịch sử". Họ là
những người tham gia cái "hội đồng" chấm lại luận văn của Nhã Thuyên.
Khoa học cần là một sự tranh biện, cần một cuộc đối thoại. Kết luận của
hội đồng chấm lại, thôi cứ cho là đúng, nhưng hãy công bố tất cả những
lập luận mà hội đồng đã đưa ra, để người ta biết nó đúng cỡ nào. Mà nếu
ai nói có cái đúng, cái sai trong văn học, trong lý luận phê bình, thì
rõ ràng người đó cũng có thiên hướng sẽ viết lên những trang lịch sử trơ
tráo, trắng trợn và đầy áp chế.
Vậy đâu rồi một cuộc đối thoại học thuật dân chủ? Vì một bên có quyền
lực của cảnh sát, của quân đội nên bên kia đành câm lặng? Hay vì bên
kia cũng chẳng buồn lên tiếng? Hay họ không có gì để lên tiếng? Ngại?
Sợ? Hay sợ quá hoá khinh, nên chẳng buồn phí nước bọt?
Tôi ra ngoài bắc mấy lần, tiếp xúc nhiều đồng nghiệp trong ngành lý
luận văn học. Đâu đâu người ta cũng nhắc đến hậu hiện đại, hậu thực dân,
hậu cấu trúc. Bản chất của mọi cái "hậu" đó là sự phản kháng. Phản
kháng lại chính những cơ chế đang áp bức mình, để cất lời, để được nhận
diện. Vậy giờ đúng là lúc để cất lời nè! Lời đâu? Đây là lúc cần sự phản
kháng thấm nhuần trong mấy cái lý thuyết của trời Tây mà người ta đang
du dương với nhau.
Tôi tính trách cái nôi sinh ra cái luận văn ấy, nhưng trách gì nữa,
cái nôi ấy cũng đã ra tay bóp chết đứa con mình tạo ra. Nhã Thuyên đã
mất việc dưới bàn tay đưa nôi ấy.
Mấy lý thuyết hậu hậu hậu ấy hoá ra chỉ là những bông hoa dân chủ loè
loẹt. Hoa giả, hoa không cần nước vẫn "sống". À, hay đây là "bước lùi
tạm thời" như bước lùi của chủ nghĩa xã hội trước sự hùng mạnh của chủ
nghĩa tư bản?