Phan Châu Thành
Háo hức đi hội lớp
Bài trước, “Vợ chồng tôi đi hội lớp”, đăng trên Dân Luận và Dân Làm
Báo, tôi đã kể chuyện vui vợ chồng tôi đã đi các hội lớp như thế nào. Đó
là một góc nhìn trân trọng, yêu quí, muốn bao dung (cân nhắc đến tâm
sinh lý con người vào tuổi “khủng hoảng” ngoài 50) của tôi đối với các
sinh hoạt hội lớp, hội trường của chúng ta hôm nay. Nó trả lời câu hỏi
tại sao chúng ta hầu như ai cũng thích, cũng háo hức đi hội lớp của
mình. Tôi cũng vậy. Đó là một con tàu thời gian tuyệt vời để chúng ta
bước lên, yêu thương và trân trọng chính mình, đi về quá khứ trong
khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi trở về hiện tại, để sống tốt đẹp hơn.
Văn hóa tất cả các nước hôm nay cũng đều có sinh hoạt đẹp này, gọi là
những Re-unions (Lễ Tụ họp) nhân dịp 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40… năm
ngày ra trường hay tụ trường. Ở các nước, người tổ chức thường là Nhà
trường và tại Trường, vì nhà trường có chính sách và ngân quĩ (và có thể
huy động riêng thêm) cho các hoạt động đó vì chúng rất quan trọng đối
với chính Nhà trường. Quan trọng, vì đó là cách quảng cáo, cách xây
dựng uy tín và thương hiệu, xây dựng truyền thống và văn hóa, xây dựng
cộng đồng và cả ngân quĩ, xây dựng quan hệ xã hội của nhà trường, gắn
kết giữa nhà trường cùng giáo viên với cựu học sinh thành cộng đồng rộng
văn hóa riêng lớn, để giúp (tên tuổi, uy tín) nhà trường không ngừng
phát triển.
Nhà trường XHCN của ta không có chính sách đó, không quảng cáo, không
đầu tư xây dựng uy tín, tên tuổi cũng như truyền thống, quan hệ xã hội
cũng như năng lực giảng dậy và cơn sở vật chất. Vì, tất cả chỉ phụ thuộc
vào duy nhất vào nhiệm vụ giáo dục vẻ vang mà đảng giao phó cho Nhà
trường theo từng năm học, từng “thời kỳ cách mạng” (kèm theo những ngân
sách eo hẹp chết đói nổi tiếng của ngành “vẻ vang” này mà đảng “chia
cho”…). Vì thế, các hội lớp của chúng ta là hoàn toàn tự phát, hoàn toàn
do cựu học sinh, sinh viên đứng ra tổ chức cho lớp mình mà thôi, không
có vai trò gì của nhà trường, còn các thầy cô, nhà trường chỉ là “khách
quí” trong các hội lớp đó. Nhưng các “khách quí” khác sẽ thấy vô cùng
lạc lõng trong các hội lớp huyên náo hôm nay…
Tôi cũng chỉ bắt đầu háo hức với những hội lớp từ kỷ niệm 30 năm ngày
ra trường trở đi. Có lẽ vì những hội lớp 10 năm, 20 năm, 25 năm… chúng
ta chưa thực định hình sự nghiệp nên chúng ta chưa có gì thể hiện hay
chưa muốn “báo công”? Từ những hội lớp 30 năm, 35 năm… trở đi, chúng ta
đã thấy rõ “mình là ai?” và “ai là ai?”, và chúng ta có cái nhìn bao
dung hơn ở tuổi “khủng hoảng” U60, U70…
Những “đại nhân” lên tiếng
Đến hội lớp 30 năm, chúng tôi thực sự vẫn là người bạn cũ và bình
đẳng, yêu thương nhau, trân trọng kỷ niệm học trò và thân ái hướng về
mái trường xưa. Chúng tôi bình đẳng trong mọi việc như cùng góp phần lập
những tủ sách lập nghiệp cho thế hệ sau, mua bộ máy tính cho thư viện
trường hay góp tặng chục phần học bổng cho các cháu khó khăn và có chí
học hành…
Nhưng từ hội lớp 35 năm rồi 40 năm (tựu trường) thì những điều tốt
đẹp đó đã biến mất. Tuổi học trò và mái trường xưa (và cả các thầy cô)
không xuất hiện trong các hội lớp nữa, mà làm nghĩa cử gì đó cho thế hệ
sau cũng… ”quên đi”! Thay vào đó là chỉ có nhậu nhẹt bét nhè với sự
“toàn trị” của các “đại nhân” đùng đùng xuất hiện nhan nhản từ trong
chính đám bạn học chúng tôi. Có rất nhiều loại “đại nhân” trong chúng
tôi xuất hiện và “đập bàn lên tiếng” phán xét và chỉ bảo bạn bè xưa,
thống lĩnh toàn bộ các buổi hội lớp hội trường, vì hôm nay họ đã “thành
công, thành đạt, thành danh”, là những sĩ quan cao cấp (đại tá, thiếu
tướng…), những tiến sĩ, những giám đốc sở hay chủ tịch, PCT tỉnh, thành
phố, những bí thư, phó bí thư đảng huyện hay tỉnh, và là những “đại gia”
giàu có mới nổi như cồn…
Xin điểm qua vài bạn “đại nhân” của chúng tôi…
Thằng bạn nay là thiếu tướng đi lính năm 74 trong đợt tổng động viên
mà trường tôi vợi đi non nửa, làm ba lớp 9 (lớp 11 bây giờ) đông đúc sau
đó phải ghép lại thành 2 lớp 9 lơ thơ, Vì thế chúng tôi họp lớp tức là
họp niên khóa, suốt ngày cãi nhau “mày là lớp A hay B hay C?” vì 1
trong ba lớp đó đã bị chiến tranh xóa sổ nhưng chúng tôi thì không chịu
xóa sổ lớp nào… Chúng tôi đều rất bất ngờ khi “nó” lên đến tướng…, có ai
ngờ, trừ những thằng bạn đồng ngũ với nó! Tôi lặng lẽ “kiểm tra thông
tin” với các bạn thân nhất (trong đó có thằng bạn cùng đi lính gần 10
năm, cùng đơn vị của “nó” nay phục viên về đi học lại làm bác sĩ rất
giỏi…) thì được biết nó lên tướng bằng con đường sĩ quan hậu cần, rồi
quân lực, rồi quân báo… chưa đánh giặc bao giờ, chỉ giỏi đánh quân ta…).
Hèn chi nó mua được lon tướng. “Nếu quân đội ta toàn tướng tố chất
người như nó thì nước ta chẳng có ai giữ đâu…” – thằng bạn bác sĩ của
tôi kết gọn.
Thằng bạn tiến sĩ của lớp tôi mới “vui”! Nó học dốt toàn diện nhưng
“mồm mép đỡ chân tay”, năm 75 không đỗ đại học gia đình “chạy” cho vào
trường cao đẳng nghề tại địa phương. Vì “mồm mép” giỏi nên nó được “giữ
lại” làm giảng viên cao đẳng với bằng cao đẳng học 3 năm. Thời làm giảng
viên cao đẳng chủ yếu nó đi buôn. Rồi gần đây trường nó “tự nhiên” được
nâng cấp lên đại học nên nó thành “cao đẳng dạy đại học”, nên nó vội
mua bằng thạc sĩ từ một trường đại học ở Thái Nguyên. Chúng tôi đã cười:
Nó dạy đại học thì các kỹ sư ra trường chỉ biết “múa mép”! Thế mà bẵng
đi chục năm nay nó đã “làm được” cả bằng tiến sĩ (không biết về cái gì?
Nó không bao giờ nói, hỏi nó cũng lờ đi: “Ờ, về “chuyên môn” ý mà, các
cậu biết làm gì!”). Và với “bằng tiến sĩ” và tiền “đánh quả” nay nó đã
là hiệu phó đại học của tỉnh rồi, đang quyết lên hiệu trưởng và giám đốc
sở nay mai. Nghĩ đến chuyện nó sẽ làm giám đốc sở giáo dục (rất “khả
thi”), bọn tôi ngao ngán và thấy “kinh” cho ngành giáo dục nước nhà quá…
Loại đại nhân thứ ba (đông nhất, chúng tôi đếm được hàng gần chục
“thằng/đứa”) trong lớp chúng tôi là các quan lớn hàng tỉnh, loại từ giám
đốc, phó giám đốc sở đến chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố. Loại
này phần lớn học chuyên tu tại chức mà lên sếp, rất giàu và rất kín
tiếng. Nhưng vào hội lớp rồi thì cũng nổ như trời chỉ là cái vung. Bọn
này ít nhất thường có ba ngôi nhà rất to và công khai: một ở thị trấn
trung du đã mới lên thị xã có ngôi trường xưa của chúng tôi, một ở thành
phố tỉnh lỵ mà chúng nó đang làm quan và một ở thủ đô (để các con đi
học và khi về hưu chúng thành người “hà lội”). Tôi tính sơ sơ, một tỉnh
lẻ như tỉnh tôi cũng có cả hàng dăm trăm, có khi hàng ngàn quan CS “chỉ
có” ba ngôi nhà “tàm tạm” như thế, hèn chi đất đai mọi nơi đều “giải
tỏa” hết, và đắt đỏ, đất “hà lội” thì có lẽ thuộc hạng đắt nhất thế giới
(ở trung tâm là trên 1 tỷ đồng 1 m2 hay trên 50 ngàn đô/m2 - ở trung
tâm Tokyo và Singapore giá này là khoảng 20 ngàn đô/m2 )!
Loại “đại nhân” thứ tư tôi thấy “bốc mùi” nhất là các “đại gia”. Bọn
này có hai loại, là tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh
nghiệp tư nhân, nhưng đặc điểm chung vẫn là cùng nghề ăn cắp tiền của
nhà nước, một lũ tay trong với một đám tay ngoài “rửa bô” cho nhau…
Chúng tự phong mình là những “mạnh thường quân” của các hội lớp hội
trường nhưng đến khi cần góp tiền lập quĩ hội thì chúng nó…”bận đi làm
việc mất rồi”, dù lúc nào chúng cũng chỉ nói về tiền và …gái gú. Tôi là
một doanh nhân trong đời thực này nên tôi kỵ bọn “doanh nhân đểu” đó
nhất, và chúng nó cũng “ớn” tôi nhất, là vì chúng làm gì “vì dân và xây
dựng đất nước” thì tôi cũng có thể chỉ ra đó chỉ là những trò ăn cắp bẩn
thỉu. Mồm miệng chúng như có hình chữ $ nằm ngang nên rất “thối” (chữ $
nằm dọc thì đàng hoàng và đáng quí)…
Và còn một loại quái nhân nữa tôi không biết xếp vào loại “đại nhân”
gì, như thằng bạn học này: vợ nó là phó bí thư và chủ tịch Tp rất rất to
mà cơ cấu phải/sẽ là ủy viên TW đảng. Trong một bữa hội lớp gần đây nó
nghe mấy thằng “đại nhân” khác lớn tiếng mãi rồi “đạo mạo” nói lớn:
“Trong các bạn có ai là chủ tịch thành phố chưa nhỉ? Hình như chưa!
Nhưng tớ đây, tối về là tớ có quyền “nằm trên” chủ tịch thành phố này
đấy nhé! Hết!” Thật là thô bỉ hết sức! Mà nó là “Nhà giáo nhân dân” đó!
Hồi 75 nó không được vào đại học nên đành vào sư phạm 10+3 nay là cao
đẳng sư phạm, rồi nó đi dạy các trường trung cấp chuyên nghiệp môn chính
trị, và lấy vợ làm tuyên giáo đảng. Thế nào mà vợ nó lên to nên nó ăn
theo danh hiệu “nhà giáo ưu tú” và chức trưởng khoa gì đó. Còn danh hiệu
“nhân dân” là mới đây khi vợ nó lên CT Tp thì giám đốc sở giáo dục đích
thân mang đến cho nó, chả cần “phấn đấu” gì… Tôi cứ thấy tởm tởm, “nhà
giáo nhân dân” như thế thì nhân dân này ngày càng vô học, vô đức là đúng
rồi…
Thôi, không kể về các “đại nhân” trong các hội lớp của tôi nữa! Đáng
sợ lắm! Đi hội lớp “cho vui và để yêu cuộc đời, yêu mình hơn” như mục
tiêu đề ra, mà về nhà phải chui ngay vào phòng tắm kỳ cọ và ngoáy tai,
cứ như sợ lây bệnh hủi của các “bạn đại nhân” như thế! Và buồn…
Tôi không nói tất cả các bạn tôi như thế, nhưng cái bọn “đại nhân” đã
và đang “thành đạt, thành công, thành danh” trên nó dành hết quyền
“định hướng” cho các hội lớp rồi, nên chúng tôi lạc lõng và thất vọng,
tuyệt vọng..
Đó là cái văn hóa gì?
Cuối cùng thì các hội lớp cũng là nơi chỉ rõ cho tôi, “chúng tôi là
ai?”, “tôi là ai?” Nhìn rộng ra, những con người được coi là thành đạt
trong xã hội này họ là ai, chúng ta cũng lại càng thấy rõ, qua hình ảnh
của các bạn học cùng thời của mình.
Điều đáng sợ hơn nữa là các “đại nhân” (lớp chúng tôi hay của cả xã
hội này cũng thế) đang được xã hội cộng sản này “sản xuất hàng loạt”. Có
nghĩa là chúng ta, ai cũng thấy, xã hội đang bị lạm phát các vị tướng,
các vị tiến sĩ giáo sư như bạn tôi, lạm phát các nghệ sĩ và nhà giáo “ưu
tú” và “nhân dân”… trong khi biển Đông và biên giới không tướng nào
quyết giữ, khoa học là hạng bét khu vực, còn giáo dục và văn hóa thì đã
rơi tự do, xuống mọi cấp trầm kha…
Và các “đại nhân” lại luôn có xu hướng “mở rộng thành công” của mình,
bằng cách ai là tướng hay giám đốc rồi thì cố mua thêm bằng tiến sĩ,
hay thạc sĩ, ai là tiến sĩ hay gì đó “ưu tú” rồi thì cố “chạy” thêm chức
giám đốc… cho “thành đạt toàn diện”.
Nhưng có lần ở hội lớp tôi thử nêu đề tài như bauxite hay Biển Đông
hay dân oan xem các bạn có ai quan tâm không thì họ nói 100% y như báo
đảng. Tôi nói có ý khác đi là bị kết luận ngay: ông này bị phản động mua
chuộc rồi!
Vậy nên, câu hỏi tiếp theo là: Văn hóa hội lớp như thế là văn hóa gì?
Văn hóa hoài cổ hay tương thân, đoàn kết và hướng tơi tương lai, hay
văn hóa khoe khoang hợm hĩnh và văn hóa hưởng thụ những “thành công rực
rỡ” của mình? Hay là văn hóa “tự định hướng”?
Rất tiếc là, thời đại nào, con người nào thì văn hóa đó. Thời đại
cộng sản với những con người cộng sản “thành đạt” thành các “đại nhân”
như “các bạn” tôi hôm nay thì nét văn hóa vốn tốt đẹp là các hội lớp hội
trường bị họ biến thành các cuộc truy hoan để huyênh hoang sự nghiệp
của nhũng kẻ “thành danh” đó. Vấn đề là đa số bạn bè tôi vẫn “vô tư” o
bế, vo ve xung quanh các bạn cũ “đại nhân” đó của mình để cầu thân quen
hơn nữa… Và những kẻ im lặng ngồi nhìn, ngồi nghe và dần dần không muốn
tham dự hội lớp như tôi thì vẫn chỉ biết… im lặng bước ra.
Tôi không còn muốn đi hội lớp
Vâng, tôi thực sự không còn háo hức muốn đi hội lớp nữa, dù mỗi khi
nghĩ đến bạn xưa, trường cũ, tuổi thơ… lòng tôi vẫn cứ nao nao!
Không biết các con tôi sau này chúng sẽ có những hội trường hội lớp
như thế nào nhỉ? Liệu chúng có còn bị các bạn “đại nhân” thành đạt định
hướng như chúng tôi nữa không?
Ôi, những hội lớp của tuổi 50, 60 đáng yêu mà không thể yêu được nữa… Ôi chế độ cộng sản!
Có cái gì trong văn hóa con người mà thể chế cộng sản này không có
khả năng làm hỏng làm xấu đi (dù là gián tiếp) không nhỉ? Gần 60 tuổi
rồi tôi vẫn cứ băn khoăn đi tìm để bảo vệ những cái góc riêng đó mà cộng
sản không thể làm hỏng được, mà chưa thấy, không thấy? Tôi đã tưởng đó
là hội lớp, nhưng không…
Các bạn có thể sẽ cho tôi là “ghét cộng cực đoan” hay cho tôi là kẻ
“ghen ăn tức ở” với những “người bạn thành đạt” đó, nhưng các bạn hãy
chỉ cho tôi một góc xã hội này như thế, nơi mà hàng chục, hàng trăm hay
hàng nghìn con người có thể được tự do liên kết làm điều tốt đẹp cho
mình và cho người khác?