Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là ai ?

Có lẽ có nhiều người cũng như tôi không hiểu Mặt trận Tổ Quốc là cái tổ cò gì mà lúc nào cũng thấy chuyện gì cái mặt trận này cũng xía vào, cứ như thời đại phong kiến có một nhóm quan lại ăn trên ngồi trốc chỉ đạo việc triều đình, thì thời bây giờ lại có ngoài Bộ chính trị của đảng CS chỉ đạo cho "đầy tớ của dân", ngoài dân thì có Mặt Trận Tổ Quốc, thời thơ ấu nghe mãi mấy chữ chiến tranh với mặt trận, nên bây giờ nghe mấy chữ đó cũng thấy ớn quá.

Bây giờ đọc bài Đôi điều về Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức Đảng giả danh xã hội dân sự và Thêm đôi lời về Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức Đảng giả danh xã hội dân sự,  thế mới biết có lắm chuyện giả danh của đảng CS, nghĩ cho cùng thì các đảng phái khác họ cũng có những tổ chức khác nhưng mà chả có đảng nào tiếm danh gọi đến một cái tên là Mặt Trận Tổ Quốc lận vì ai biết là toàn dân có muốn ở trong cái "tổ cò" đó không hay là bị ép ??? Thế nhưng mấy chục năm qua, đã mấy ai lên tiếng phản kháng?

Thư phản bác lá thư của 38 vị lão thành cách mạng

Mấy hôm trước đọc lá thư kiến nghị của các cụ "lão thành cách mạng", đọc xong bụng bảo dạ "chán bỏ xừ" , cứ như thời đại các cụ sắp ra đi thì các cụ mới nói lời thật vì sợ không vào cổng thiên đường hay sao đó, còn lúc sống thì mũ ni che tai cho con cháu nhờ ???. Hôm nay đọc bài này bê về để mọi người cùng suy nghĩ xem có đúng không nhé, họ chỉ bênh vực nhau để làm sạch đảng CS chứ chưa nghĩ tới dân. Nói đi cũng phải nói lại, có khi phải (vì dân) mà nói thế để tỏ lòng trung thành với đảng góp ý với đảng để khỏi mang tội ... khi quân. Vì đã có lời nói nhỏ, là chỉ nên góp ý với đảng không nên tung ra ngoài nội bộ, cho nên chỉ còn cách này cho các cụ. Mong là bây giờ các cụ nghĩ tới dân tới nước chứ không phải đảng.

Đinh Mạnh Vĩnh - Nguyễn Chí Vịnh và 38 vị lão thành cách mạng

Gần tháng nay, việc 38 vị lão thành cách mạng gởi thơ đến các vị trong Bộ Chính Trị ĐCSVN đã khuấy động mạnh đến đời sống chính trị tại Việt Nam, vốn mấy mươi năm nay èo uột và lệch bệch như nền kinh tế Việt Nam.

Nếu dự án đường sắt cao tốc bị Quốc hội tạm bác bỏ, mà người ta văn chương hóa bằng cụm từ "thổi một làn gió mới về dân chủ" vào trong nghị trường, thì việc gởi thơ của mấy mươi vị lão thành cách mạng lại là việc có vẻ vừa "dù gió có thổi cũng chẳng ăn thua gì cho lắm", vừa nửa vời và hình như Đảng CSVN đang ở thời giống như chế độ phong kiến suy tàn, mà tôi tạm gọi là thời "đảng mạt" (chúng ta đều biết thời "Lê mạt", thời mà không còn có được cốt cách thanh cao, hành vi nghĩa khí nữa, mà đa số chỉ còn là một bọn biết chữ vụ lợi, xu thời mà thôi). Dường như thời "Đảng mạt" cũng đang như vậy??!!

MẠT là gì thì ai cũng hiểu, nhưng cũng xin nói qua một chút về "mạt". Nhẹ nhàng nhất, khi một chế độ, một vương triều hay một số phận con người đã hết thời, hết vận may, hết cơ hội "làm lại cuộc đời", đang đi vào ngõ cụt, đang cố gắng níu kéo "một chút gì để nhớ, để lừa và để sống, để tồn tại được bao nhiêu hay bấy nhiêu" thì ta cứ tạm gọi là... mạt rồi!

Trong ngữ nghĩa của từ "mạt", chắc chúng ta đều cảm nhận cái vận, cái kiếp, kể cả cái "nhân - quả" trong cách sống (về con người), cách điều hành quản lý đất nước(về chế độ), kể cả cái mà người đời đôi lúc băn khoăn về việc có hay không có, đó là "cái số, cái hạn". Dù cho những ai không tin vào duy tâm, không tin vào tôn giáo, có lẽ trong những lúc thất bại (dù tạm thời hay vĩnh viễn một sự việc nào đó), có đôi khi cũng dùng đến từ "mạt"? Từ "mạt" cũng làm ta nghĩ tới yếu tố "truyền kiếp" mà dân gian hay dùng "mạt từ đường" nhằm ám chỉ một dòng tộc, một gia đình v.v... không tài nào khá nổi vì "ăn ở thất đức quá!". Đôi khi từ "mạt" cũng được dùng như một lời nguyền. Lời nguyền, tin hay không, có hay không cũng tùy vào suy nghĩ của mỗi người.

Quả thật! Đảng CSVN dường như đang tới hồi mạt vận!

Quay trở lại việc 38 vị lão thành cách mạng gởi thơ cho Đảng CSVN để phản đối các quyết định kỷ luật, khai trừ đảng, tước quân hàm của ông Trung tá Vũ Minh Trí, để nói lên vài suy nghĩ riêng tư của tôi về cái "vận mạt" của Đảng CSVN, cũng như rất mong các vị "lão thành cách mạng" đọc được bài này mà có phương thức nào đó khả dĩ hơn phương thức "dù gió có thổi", xem ra chẳng ăn thua mảy may nào, bất chấp các vị là tướng, là tá, là "lão thành", là cống hiến, là năm bảy chục năm tuổi Đảng và tám chín chục năm tuổi đời. Tôi cũng không có ý định công kích hay tỏ ra hỗn hào với các vị cao niên, nhưng kiềm chế không có nghĩa mắt lấp tai ngơ trước thực trạng Tổ Quốc Việt Nam đang đối mặt với an nguy lệ thuộc ngoại bang. Dù bài viết này khá "sốc", mong các vị hiểu cho, nó là những gì mà thường dân như tôi phải nói, phải nói và phải nói... nói cho đến khi nào tự do, dân chủ đến với chúng tôi - nhân dân Việt Nam.

* * *

Đọc đi đọc lại lá thơ này, bản thân tôi không thể nào không đặt ra vài câu hỏi, các vị "lão thành cách mạng":

1. Viết cho ai? Tất nhiên là cho Đảng CSVN.

2. Viết vì ai? (hình như) vì ông Vũ Minh Trí (đồng chí của các vị).

3. Viết với nội dung gì? Tố cáo Nguyễn Chí Vịnh qua hai kiến nghị cụ thể.

3.1 Kiến nghị thứ nhất "nghiêm túc xem xét và giải quyết khẩn trương, sòng phẳng, triệt để các vụ việc tiêu cực đã và đang xảy ra ở Tổng cục II...".

3.2 Kiến nghị thứ hai, nội dung tố cáo Nguyễn Chí Vịnh chèn ép, thao túng về nhân sự và tài sản quá nhiều mà lại bất minh cùng với "bản lý lịch bất hảo".

Từ đó, các vị yêu cầu "không thể để một con người xấu xa, thâm hiểm như vậy ngồi trên đầu trên cổ hàng ngàn hàng vạn tướng lĩnh sĩ quan Quân đội Việt Nam anh hùng và làm ô nhục danh dự đội ngũ tướng lĩnh Quân đội"

Sau rốt, các vị bày tỏ "xin chân thành cảm ơn và chờ đợi sự công tâm và tinh thần kiên quyết của các đồng chí" và mong muốn "Mong sao đừng để ung nhọt nói trên tiếp tục là một thách thức lớn đối với dự luận rộng rãi và chính đáng trong Đảng trong nhân dân, trong cán bộ chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam" và... CHẤM HẾT(!!!)

Người ta chẳng tìm thấy ông Vũ Minh Trí ở đâu cả trong phần kiến nghị của 38 vị "lão thành cách mạng"(?), phải chăng các vị "mượn" ông Vũ Minh Trí làm "cái cớ" để lôi ông Nguyễn Chí Vịnh ra trước cái gọi là "ánh sáng"???

Trước hết và quan trọng nhất, nội dung ông Vũ Minh Trí tố cáo ông Nguyễn Chí Vịnh phải được nhìn nhận dưới (a) góc độ góp ý phê bình Đảng viên (về mặt Đảng) và (b) góc độ Pháp Luật. Trong phần kiến nghị cần nêu, trong khi chờ đợi mọi việc được điều tra làm rõ, ông Vũ Minh Trí phải được Đảng CSVN và Nhà Nước CHXHCNVN bảo vệ theo quy định của Điều lệ Đảng và "Luật tố cáo khiếu nại", mọi quyết định kỷ luật, khai trừ, tước quân hàm đối với ông Trí phải được hủy bỏ cho đến khi điều tra xong.

Tội ác, sai phạm, khả năng, kiến thức, tư cách, tài sản v.v... của ông Vịnh là việc không chỉ của riêng... Đảng CSVN. Trên hết, những thứ này đang góp phần tàn phá cả đất nước này, xin thưa các vị!!! Vì lẽ đó, đúng ra trong nội dung lá thơ, các vị phải đặt "DÂN", đặt "TỔ QUỐC" lên trên hết khi hài tội và đòi xử lý Nguyễn Chí Vịnh, lúc đó, người dân chúng tôi sẽ cảm kích và tri ân các vị vô cùng! Tiếc thay! Người dân chúng tôi không tìm thấy điều đó trong toàn bộ lá thơ của các vị!

Lá thơ của các vị hoàn toàn chỉ đứng ở góc độ nội bộ Đảng CSVN, các vị nêu bức xúc, nêu danh dự đang bị xói mòn, nêu nguy cơ cũng chỉ cho "Đảng CSVN của các vị", không phải cho nhân dân!!! Hãy đọc lại toàn bộ lá thơ mà xem, "người dân chúng tôi" rất nhạt nhòa. Các vị "dẫn chúng tôi vô trong cái lá thơ" của các vị như là tìm một nguồn đồng minh, (và xin lỗi) dùng chúng tôi như tạo một áp lực (mà chưa chắc có hiệu quả) lên Đảng CSVN!

Các vị chưa hề thể hiện tinh thần QUÂN NHÂN, đó là tinh thần "vì dân, vì nước", vì an nguy của bá tánh lầm than điêu linh, các vị chỉ "mượn" vụ việc của ông Vũ Minh Trí để hài tội Nguyễn Chí Vịnh, yêu cầu Đảng CSVN xử lý ông Vịnh vì không muốn ông Vịnh "ngồi trên đầu trên cổ hàng ngàn hàng vạn tướng lĩnh sĩ quan Quân đội Việt Nam anh hùng và làm ô nhục danh dự đội ngũ tướng lĩnh Quân đội" CỦA CÁC VỊ mà thôi! Tuy nhiên, nghĩ lại cũng đúng, mấy chục năm qua các vị đều thuộc khẩu hiệu: "Trung với Đảng, Hiếu với Dân" thay vì "Trung với Nước, Hiếu với Dân"(!!!).

Thưa các vị, các vị cũng đang mắc "căn bệnh nhân danh nhân dân" , tuy nhiên nhân dân chúng tôi cũng không chấp nê, miễn sao các vị "xài" chúng tôi để phục vụ cho chúng tôi, thì... cũng được!

Tuy nhiên, qua lá thơ này, tôi nhận thấy các vị cũng làm được cái việc "thổi một làn gió" (không biết độc hay lành) đối với "Đảng CSVN của các vị"! Chỉ tiếc, các vị duy mục đích là muốn "Đảng CSVN của các vị" trong sạch, thanh khiết trong mắt người dân chúng tôi, chứ các vị đâu có vì chúng tôi!?

Thử hỏi, phế truất, kỷ luật, hành tội v.v... Nguyễn Chí Vịnh theo góp ý (tạm cho là) chân thành của các vị là coi như xong chăng??? Ai đảm bảo một vị khác lên thay ông Vịnh sẽ không là một Nguyễn Chí Vịnh thứ hai?

Thử hỏi, thu hồi toàn bộ tài sản của Nguyễn Chí Vịnh, biến ông ta trở thành thường dân (như ý muốn của các vị) là coi như xong chăng??? Toàn bộ cái tàn sản vài chục triệu đô la Mỹ kia, người dân chúng tôi có được chút gì trong đó (giả dụ thu hồi được)???

Sao các vị mau quên "áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá" với ông Nguyễn Chí Thanh đến thế! Các vị không sợ vong hồn ông Thanh (Nguyễn Chí) đau lòng, tủi hổ vì thằng con trai của mình làm điếm nhục gia phong hay sao? Các vị không lo vong hồn ông Thanh (Nguyễn Chí) đau đớn vì "cái tình đồng chí" mà các vị đang cư xử ở dương gian với con ông ta sao? Tất nhiên, các vị có thể nói: "Chúng tôi cũng đã nghĩ tình đồng chí với đ/c Nguyễn Chí Thanh lắm rồi! Đã chịu đựng cả mấy chục năm nay rồi! Đã cố gắng dạy dỗ, cải tạo, hướng thiện cho "nó" đừng lầm đường lạc lối rồi! Nhưng "nó" không hề tu tâm dưỡng tánh tốt hơn được! Chúng tôi cũng đau lòng lắm! cũng nát ruột tan gan dữ lắm nên mới làm vậy, chứ không phải chúng tôi cạn nghĩ thiếu tình" v.v và v.v...

Xin thứ lỗi cho tôi nói thật... DÓC!

Bao nhiêu năm nay các vị dạy dỗ, uốn nắn như thế nào để cho "con của người đồng chí" tốt hơn?

Hãy đọc qua sơ yếu lý lịch của ông Vịnh để thấy:

Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957 tại Hà Nội trong một gia đình cán bộ cách mạng; Quê quán: Thôn Niêm Phò, Huyện Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện nay là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1964 đến 1974, Học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Trường Văn hóa Quân đội.

Năm 1974 đến 1979, Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Thông tin. Tốt nghiệp Sĩ quan Thông tin.

Sau khi tốt nghiệp, Ông về công tác tại Cục Nghiên cứu Bộ Quốc phòng.

Tháng 2 năm 1995, được giao nhiệm vụ Phụ trách Cục 12 Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng.

Tháng 5 năm 1995, được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục 12, rồi Cục trưởng Cục 12 và sau đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2.

Năm 1999, được Thủ tướng Chính phủ phong Quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 2002, được bổ nhiệm giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng. [1]

Năm 2003, bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.

Tháng 12 năm 2004, được Thủ tướng Chính phủ phong Quân hàm Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2 năm 2009, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm có thời hạn giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. [2]

Tháng 8 năm 2009, Ông thôi kiêm nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2.

Ngày 27 tháng 4 năm 2010, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước trao học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.

Toàn bộ cuộc đời của ông Vịnh chỉ là "học, tốt nghiệp, về công tác, được giao nhiệm vụ, được bổ nhiệm, kiêm nhiệm, bảo vệ luận án, được phong Thiếu tướng, Trung tướng, Phó giáo sư"...

Chưa cần nói sâu tới sự ngờ vực hiển hiện trong dân chúng về học vị "Tiến sĩ" và học hàm "Phó Giáo sư" (mà e rằng trở thành đề tài đàm tiếu không ngớt). Chỉ nhìn vào thời gian lấy "bằng tiến sĩ" và được phong "học hàm phó giáo sư" cũng làm người dân hoang mang về chất lượng của học hàm và học vị này, (nếu muốn việc xác minh danh vị này cũng chẳng hề khó!!!) mọi người cũng đã thấy, cuộc đời ông Vịnh - một cuộc đời hoàn toàn "nhung gấm lụa là"!

Ai đã tạo cho ông Vịnh???

Chính các vị đó! Chính Đảng CSVN đó!

Không phải do bất kỳ ưu ái nào của xã hội, mà sẽ có người nói ngay, dù sao ông Vịnh cũng là con của... ông Thanh (Nguyễn Chí). Ông Vịnh hưởng đặc quyền đặc lợi là lẽ... đương nhiên! Vâng, quá đúng! Cái mà ông Vịnh được hưởng đương nhiên như những bất công đầy rẫy đã diễn ra mấy chục năm nay dưới sự cai trị gọi là "công bằng" của "Đảng CSVN của các vị"!

Thử hỏi, đã bao giờ Vịnh nằm gai nếm mật, cầm súng xông lên nhằm thẳng quân thù mà bắn như các vị chưa?

Đã bao giờ, Vịnh rơi lệ trước đồng đội ngã xuống ngay trước mắt mình chưa?

Đã bao giờ, Vịnh đổ một giọt máu từ một vết thương nhỏ bé để bảo vệ đất nước này chưa?

Đã bao giờ, Vịnh tận mắt chứng kiến những thân hình thường dân, trẻ con chết không toàn thây ở biên giới phía Bắc (1979)chưa?

Đã bao giờ, Vịnh thấm thía những cơn sốt rét rừng, đói ăn vàng mắt chưa?

Đã bao giờ, Vịnh chứng kiến sự oan khiên đến tức tưởi vì bị cho là "phản đảng" như ông Nguyễn Hộ chưa?

... và còn nhiều thứ đói, khổ, hiểm nguy, oan khuất khác mà Nguyễn Chí Vịnh chưa bao giờ nếm trải...

Vì sao? Vì Vịnh là con ông Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh! Vâng! một thường dân như tôi chỉ biết như thế, bỏ hết tất cả những gì râm ran hàng chục năm nay về một thế lực câu kết nào đó. Hẳn nhiên, có muốn câu và muốn kết thì người ta luôn phải lựa người như thế nào đó, tất nhiên người ta lựa kẻ có tóc, chẳng ai lựa kẻ trọc đầu(!)

Tại sao các vị cho rằng Nguyễn Chí Vịnh với "bản lý lịch bất hảo" của y mà đã leo nhanh, leo cao trong "Đảng CSVN của các vị" là sai lầm, thiếu sáng suốt mà vẫn tồn tại hàng bao năm qua?

Bản lý lịch trong sạch, rõ ràng, minh bạch và đẹp tuyệt vời như thế (mà chính các vị góp phần cho Vịnh có được như hôm nay) mà còn làm các vị tức tưởi và phẫn uất ư?

Bản lý lịch. Đẹp. Sạch. Tinh tươm. Hồng thắm như màu cờ tổ quốc.

Bản lý lịch như thế, hoàn toàn có QUYỀN "ngồi trên đầu trên cổ hàng ngàn, hàng vạn tướng lĩnh sĩ quan" là điều quá dễ hiểu, sao các vị thắc mắc?

Chính các vị đã góp phần "bắc thang" cho Vịnh leo lên đấy chứ!

Tại sao bao nhiêu năm qua, bao nhiêu dư luận đồn đãi về con người của Vịnh, mà Vịnh vẫn ngang nhiên ưỡn ngực đi lên một cách mạnh mẽ, chắc chắn và đầy tăm tiếng không những trong nước mà cả ở tầm quốc tế???!!!

Làm sao Vịnh có được "lý lịch đẹp như mơ" ở tuổi 53 của y? SỰ DUNG DƯỠNG của chính các vị và đồng chí của các vị, của chính "Đảng CSVN của các vị" là điều không thể chối cãi!

Các vị sai. Các vị không khách quan. Các vị lẩm cẩm chăng? Các vị vu khống và bôi nhọ Vịnh chăng? Thử tìm trong sơ yếu lý lịch của Vịnh có một vết nhơ nào không? Làm gì có! Các vị sai hoàn toàn. Tất cả chỉ là "ghen ăn ghét ở" chăng? Tài sản Vịnh nhiều quá chăng? Uy tín Vịnh ngày một lên cao quá chăng? Có thể lắm và nhiều thứ có thể khác nữa.

Cả một bộ máy khổng lồ được trang bị Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh khoa học, sáng suốt, phù hợp thời đại và chân lý, chính nghĩa ngời sáng mà không cải tạo và cảm hóa một con người vốn dĩ mang dòng máu "anh hùng cách mạng, cốt cách thanh cao, hành vi nghĩa khí" từ người cha vĩ đại và nổi tiếng ư?

Các vị dường như đang bi quan và bế tắc?

Các vị định vùng vẫy, chòi đạp ra khỏi những khuôn khổ mà "Đảng CSVN của các vị" đã định sẵn hàng chục năm qua?

Các vị đã thấy tai hại của việc im lặng và dung dưỡng cho thói hư tật xấu?

Các vị đã thấy hiểm nguy của kiểu thăng quan tiến chức theo tiền lệ "con vua thì lại làm vua"?

Các vị đã thấm thía cái "vừa hồng vừa chuyên"?

Chính các vị và đồng chí của các vị, chính "Đảng CSVN của các vị" đã yêu chìu Vịnh đấy thôi!

Giống rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu. (ca đao Việt Nam)

Tất nhiên, Nguyễn Chí Vịnh là giống rồng! Các vị và đồng chí của các vị, "Đảng CSVN của các vị" yêu Vịnh như bà mẹ nghèo nàn phút chốc trúng số trở nên giàu sang và sợ con mình khổ như mình, nên đã dồn hết tất cả những gì gọi là sung sướng nhất cho đứa con mà không biết đang tự tay hãm hại nó!!!

Chính các vị và đồng chí của các vị vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy "cha truyền con nối" và bây giờ cả Đảng CSVN và tất cả các đồng chí của các vị đều phải nhận lãnh hậu quả này đi chứ! Chỉ khốn khổ khốn nạn cho người dân lương thiện!

Đương nhiên, tôi vẫn đang nghĩ tốt về các vị. Các vị đang cố gắng hết sức để làm một điều gì sám hối với toàn thể dân tộc Việt Nam? Nên và đáng ủng hộ lắm.

Vậy thì các vị hãy làm đi. Sự hy sinh của các vị là có thật. Sai lầm của các vị cũng là có thật. Sự hy sinh của các vị đã được xã hội đền đáp (có thể là chẳng bao giờ đủ), vậy thì chúng tôi - những người dân bình thường chỉ dám đòi hỏi các vị có nhận thì có trả!

Điều quan trọng là các vị phải cho người dân chúng tôi thấy rõ các vị đang vì dân, vì nước trước hết. Phương thức đấu tranh của các vị phải là sử dụng lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết, vận động những đồng chí, những cấp dưới ngày xưa của các vị, ngoài ra cần sử dụng pháp luật, dư luận, báo chí, các vị cần phải đăng đàn, viết báo, trả lời báo chí như ông Nguyễn Văn An gần đây.

Tôi tin lá thơ là tâm huyết thật sự của các vị.

Xin hỏi các vị, khi các vị đương chức, đương quyền, đang "hét ra lửa và thở ra khói", sao các vị không cùng với ông Đại tướng họ Võ làm một cái gì cho người dân chúng tôi??? Phải chăng lúc ấy, "bổng lộc đeo mang, phận bầy tôi phải theo lệnh vua"? Rặt phong kiến và hoàn toàn lạc hậu, nhưng dễ thông cảm vì thoát thai từ xã hội phong kiến, cả miền bắc "tiến thẳng lên CNXH không qua giai đoạn phát triển TBCN" thì các vị mang tư tưởng Quân (Đảng) - Sư (Hồ Chí Minh) - Phụ là điều quá dễ hiểu. Người dân chúng tôi bỏ qua cái ngày xưa ấy, còn bây giờ? Xin các vị hãy thay tư duy THẦN DÂN hoặc BẦY TÔI của các vị bằng tư duy CÔNG DÂN đi!

Ông Võ đại tướng nghĩ gì và sẽ quyết làm gì sau khi đến 3 lá thơ phản ứng về bauxite mà chẳng ai thèm đếm xỉa đến ông?! Yếm thế và chủ bại đến thế chăng??? Trả lời thì mừng (vì ý kiến được lắng nghe), không trả lời thì thôi (vì viết hoài cũng vậy ư?). Không! tôi không tin đó là những suy nghĩ của những QUÂN NHÂN, lại là những tướng tá lẫy lừng một thời! Tôi không tin và mong rằng tôi sai.

Nhắc đến ông Đại tướng họ Võ này, tôi lại nhớ đến bài viết mới nhất của ông Nguyễn Trọng Vĩnh yêu cầu ông Trương Tấn Sang cho biết ý kiến tổ chức quốc tang khi ông Võ Đại tướng về với cụ Mác, cụ Lê, cụ Hồ của các vị, làm tôi thấy bần thần, phờ phạc cả người khi nhớ đến hàng trăm ngư dân bị cướp bóc, đánh đập, hàng ngàn dân oan mất đất kêu trời không thấu, hàng chục ngàn trẻ em vô tội bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục, thất học, bị bạo lực từ học đường cho đến ngoài xã hội, hàng triệu công nhân nghèo rớt mồng tơi cứ tiếp tục đình công hết trận này tới trận khác trên toàn quốc chỉ vì yêu cầu cải thiện bữa ăn đáng giá có năm ngàn đồng bạc Việt Nam!!!

Vâng, tôi biết! Tôi biết, ông Võ Đại Tướng của các vị là "khai quốc công thần", "đặc đẳng công thần", "nhà quân sự lỗi lạc", "danh nhân thế giới"...

Sao các vị không hỏi thử ông Võ Đại tướng xem thử ông có muốn và cần tổ chức quốc tang không? Tôi tin chắc là ông sẽ nói không. Hình như căn bệnh "sùng bái cá nhân" của các vị dường như nặng quá!

Tôi không dám trách ông Giáp và càng không có tư cách gì để đánh giá về ông Giáp. Tôi trách các vị. Tôi biết, các vị muốn tổ chức quốc tang cho ông Giáp như là một hình thức ghi công cho "vị khai quốc công thần" của các vị. Người ta đang dẹp bỏ tượng đài của ông Stalin, chắc các vị có biết. Tôi không có ý so sánh ông Giáp và ông Stalin. Điều tôi muốn nói ở đây là xin đừng sùng bái cá nhân nữa! Tốn tiền, tốn của, tốn công của nhân dân lắm rồi! Hãy cho ông Giáp về bên kia thế giới yên ổn (khi đến lúc) là cách yêu thương ông ấy thiết thực.

Các vị làm tôi nhớ đến các đám tang nhà giàu, càng rình rang, càng lớn thì càng chứng tỏ... sự hiếu để của người sống! Vâng, họ tổ chức tang lễ để phục vụ cho người... sống, để người sống... nở mặt nở mày với thiên hạ!

Hy vọng, các vị và những ai muốn tổ chức quốc tang cho ông Giáp trả lời:

TỔ CHỨC QUỐC TANG CHO ÔNG GIÁP LÀ ĐỂ THỎA MÃN CHO AI?

Đinh Mạnh Vĩnh

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Chuyện chú rùa

Đọc báo xứ người, ba chị em ở Wilwaukee đi thăm bố ở Altanta về, cô em 10 tuổi mang theo cái lồng có chú rùa bé tí có lẽ chỉ bằng hai ngón tay của cô. Thế mà chuyến bay vừa cất cánh phải quay trở lại, yêu cầu mấy cô bé không được lên máy bay với chú rùa vì sợ các hành khách khác bị nhiễm vi khuẩn salmonella bởi các loài động vật bò sát. Hãng máy bay có đề nghị các cô đi chuyến sau, nhưng các cô không bằng lòng. 
Các cô bé phải gọi cho ông bố trở lại cứu chú rùa, nhưng vì máy bay không thể đợi, các cô bé phải bỏ vào thùng rác dù đã yêu cầu hãng máy bay giữ dùm cho đến khi bố các cô đến lãnh chú rùa lại. Khổ thay hãng không có người giữ hộ, nhưng may sao có một quản đốc tìm được trong thùng rác và đã cứu chú rùa và đưa cho một người trong nhóm mang về cho chú bé con 5 tuổi con ông. Nhờ thế, mà hãng AirTran (hồi xưa tôi cứ ngỡ hãng này của một ông họ Trần nào làm chủ chứ :-) và bây giờ vẫn cứ cho là như thế cho nó oai) tìm ra và cho biết chủ chú rùa muốn xin lại. Thế là hãng phải cho chú bay trở lại Milwaukee để đoàn tụ với chủ của chú rùa. Mẹ của cô bé thì thông báo cho nhóm bảo vệ thú vật PETA, và gừi thư cho hãng máy báy yêu cầu điều tra và xử phạt. 

Eo ơi, chú rùa bé tí này chưa gì đã có một "lịch sử du lịch" rồi, chả biết mai đây sống trăm năm thì còn bao nhiêu chuyện gì nữa. Nhưng mà chú ở xứ Mỹ mới được bảo vệ thế chứ, ở xứ khác thì họ mang chú ra xào "ăn cho bổ" mất rồi. Chú còn được cả một tổ chức bảo vệ chứ nơi khác con người có bị hành hung đánh đập thì có khi chả ai ngó đến, có khi còn bị vu oan cho đủ thứ tội.

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

CNN và mẹ Nấm



Tại Thành phố Hồ Chí Minh, không cần phải đi đâu xa là bạn có thể tìm thấy một điểm truy cập Internet thật dễ dàng. Cách đây 10 năm con số những người sử dụng Internet chỉ là 1%, hiện nay con số này đã là 28%. Điều này đã gây trở ngại cho những người lãnh đạo nhà nước Cộng Sản độc đảng.

Ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu : “Đảng cầm quyền đã quen với việc kiểm soát mọi thứ, nay với sự xuất hiện của Internet thì họ cảm thấy rằng mình đang mất quyền kiểm soát thông tin trong xã hội Việt Nam”.

Khi thử truy cập vào những trang tìm kiếm thông tin về việc bảo vệ Việt Nam trước hiểm hoạ khai thác bauxite và trang chủ của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, Adrew Stevens, phóng viên của CNN cho biết

Tất cả những trang mạng bất đồng chính kiến đều bị chặn. Tôi không thể truy cập vào trang chủ của Human Rights Watch, ngay cả khi đi từ trang Bings. Điều đáng quan tâm nhất là các bloggers đã bị chính quyền đe doạ. “


Như Quỳnh, một hướng dẫn viên du lịch đồng thời cũng là một blogger là một ví dụ.

Cuối năm ngoái, cô bị bắt giam 10 ngày, vì phản đối chủ trương khai thác bauxite tại Việt Nam và lên tiếng chống đối Trung Quốc.

Quỳnh kể: “Họ đến vào nửa đêm, khoảng 20 người, ở nhà mẹ tôi, và bắt giam tôi khẩn cấp vì cho rằng tôi đã lạm dụng quyền tự do dân chủ”.

Cô bị buộc phải từ bỏ blog, và cô đã chấp thuận khi viết một lá thư từ giã bạn bè. Cô đã từ giã blog, và việc đàn áp vẫn còn được tiếp tục bằng cách từ chối cấp hộ chiếu cho cô.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngăn chặn tiếng nói của cô đã bị phản tác dụng “Khi họ thông báo họ không cấp hộ chiếu cho tôi, tôi cảm thấy mình như là tội phạm. Tôi đã viết một entry khác trên blog mình để nói rằng – Tôi đã giã từ mọi thứ, nhưng họ lại không để tôi yên, vì thế, tôi quyết định viết blog trở lại”. Như Quỳnh bật khóc một cách đau khổ khi kể lại cho CNN câu chuyện của mình.

Hiện nay, Như Quỳnh vẫn tiếp tục bị an ninh theo dõi.

Khi đặt câu hỏi với nhà nước Việt Nam về những chuyện đàn áp như trên, chúng tôi nhận được câu trả lời bằng văn bản: Human Rights Watch thường đưa ra “những thông tin sai lệch”, không phản ánh đúng những chính sách và quyền tự do nhân quyền tại Việt Nam.

Sự thật thế nào thì trường hợp của Như Quỳnh là câu trả lời rõ ràng nhất.

Andrew Stevens : Bạn có nghĩ mình là một phụ nữ rất can đảm không?

Ồ không, tôi rất sợ, nhưng, ai sẽ lên tiếng nếu như bạn không nói? – Quỳnh trả lời.

Bảo Nguyên lược dịch

TS Cù Huy Hà Vũ

Xong cái vụ ĐSCT thì báo chí ầm ĩ phỏng vấn mấy ông đại biểu Quốc Hội, rồi tuyên dương mấy ông, tuyên dương cái quốc hội làm một cái việc mà lẽ ra rất bình thường ở các xứ dân chủ khác, coi như là chuyện lạ ở VN, hoá ra lâu nay mấy ông đại biểu toàn làm chuyện chả ra chi, bây giờ mới vươn lên làm thánh ... Gióng. Mới học được bài học dân chủ ? Lại một cuộc đánh bóng thổi phổng cho đảng lãnh đạo luôn sáng suốt và rất dân chủ :-). Để lộ ra một sự thực mà ai cũng biết chỉ có... đảng chưa biết ? Lâu nay các đại biểu QHVN không có lòng can đảm, nếu bảo họ dơ tay thì ai cũng dơ tay, bây giờ bấm nút thì họ bấm loạn xà ngầu. Cho nên có dân chủ ở VN không thì cũng còn ngờ, có khi chỉ tại vì cái nút. Không biết có tờ báo nào đăng bài phỏng vấn Tiến Sĩ Cù Hà Huy Vũ cho phó thường dân VN đọc không nữa. Có thế mới dám tin một tí.

TS Cù Huy Hà Vũ, từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp


Cách đây một năm, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội đã nạp đơn kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra toà do đã xâm hại nghiêm trọng quyền lợi quốc gia khi cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên quy mô lớn tại Tây Nguyên mà không thông qua Quốc hội, tạo nên một sự kiện pháp lý – chính trị chưa từng có không chỉ ở Việt Nam mà trong lịch sử thế giới cộng sản. Kỷ niệm một năm vụ kiện, VOA có cuộc phỏng vấn người khởi kiện.

Huy Phương

VOA: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, việc ông khởi kiện đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được dư luận trong và ngoài Việt Nam đánh giá rất cao. Các nhà trí thức của trang mạng Bauxite Việt Nam thậm chí coi hành vi khởi kiện này của ông là một cuộc cách mạng khi gọi đó là “Xô Viết Nghệ - Tĩnh thời nay”. Ông nghĩ sao về sự đánh giá này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận rộng rãi mà trước hết của người dân Việt Nam đối với vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà tôi tiến hành ngày 11/6/2009 chắc chắn là một sự động viên vô cùng đặc biệt đối với cá nhân tôi, một người luôn tâm niệm Thượng tôn Tổ quốc Việt Nam, Hiến pháp và Pháp luật. Nhưng thành thật mà nói, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn là vui.

VOA: Tại sao có chuyện buồn hơn vui khi được sự ủng hộ của nhiều người, thưa ông?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Bởi vì một hành vi pháp lý quá ư bình thường ở các nước khác lại trở thành một sự kiện ở Việt Nam. Thực vậy, ở các quốc gia thực sự dân chủ hay thực sự pháp quyền thì việc công dân kiện người đứng đầu Chính phủ hay nguyên thủ quốc gia, tất nhiên phải có lý do chính đáng, thậm chí là chuyện đáng khuyến khích vì nó thể hiện ở mức độ mẫu mực nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Thế nhưng ở Việt Nam, mặc dầu nguyên tắc trên được Hiến pháp quy định rất rõ ràng ở Điều 52 và mặc dầu được cả một hệ thống các đạo luật, từ Luật Khiếu nại, tố cáo cho đến Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành bảo hộ, việc công dân khởi kiện ra tòa quan chức chính quyền dù ở cấp thấp do có những hành vi hay quyết định hành chính trái pháp luật trên bình diện chung vẫn là bất khả thi hay vẫn là chuyện “con kiến kiện củ khoai” theo cách nói dân gian Việt Nam. Mà đã không kiện được thì người đi kiện cầm chắc khả năng bị đòn thù từ phía chính quyền.

Nghĩa là Việt Nam đang ở trong một “quái trạng pháp luật”!

Thành thử, việc tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dĩ nhiên là nằm ngoài sự suy nghĩ thông thường của mọi người và bởi thế trở thành sự kiện, đáng tiếc là bất đắc dĩ.

VOA: Vậy theo Tiến sĩ, làm thế nào để những điều bình thường về pháp luật trên thế giới không còn trở thành bất bình thường, không còn trở thành “sự kiện bất đắc dĩ” ở Việt Nam?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Về nguyên tắc, không có sự tha hóa chính trị - pháp luật nào không giải quyết được nếu ta xác định đúng nguyên nhân.

Cho dù ở Việt Nam có câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì tôi vẫn phải nhắc lại, và luôn sẵn sàng nhắc lại, rằng nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4.

Thực vậy, sở dĩ tòa án không dám xử quan chức chính quyền, Quốc hội không dám giải tán Chính phủ tham nhũng và yếu kém là vì cả Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp chỉ là công cụ cai trị của Đảng cộng sản chứ không phải là công cụ quản lý quốc gia, quản lý xã hội của nhân dân. Huống hồ Đảng cộng sản lại đồng nhất với Chính phủ trên thực tế mà một trong những bằng chứng rõ nhất là đảng chi tiêu bằng ngân sách Nhà nước do Chính phủ quản lý.

Cái sự lệ thuộc của cơ quan lập pháp đối với Đảng cộng sản còn thể hiện ở sự lép vế của Quốc Hội trước đảng cũng ngay trong Hiến pháp khi văn bản pháp lý cao nhất này khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành của cả dân tộc” trong khi chỉ dành cho Quốc Hội quy chế “đại biểu của nhân dân”, nếu như ta bỏ qua cái sự buồn cười là người dân được đại diện những hai lần bởi hai cơ cấu chính trị khác hẳn nhau!

Mặc dầu biết rõ hơn ai hết không thể có sự độc lập hoạt động giữa Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp với nhau hay “Tam quyền phân lập” dưới sự cai trị của họ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản cũng không thể công nhiên khẳng định sự độc tài, chuyên chế của đảng nhất là trong thời buổi hội nhập quốc tế trở thành vấn đề sống còn của Việt Nam. Vả lại, trung thành với truyền thống mỵ dân bằng ngôn từ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản đã sáng tác ra một công thức gồm ba vế hòng thay thay thế “Tam quyền phân lập”: đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Thế nhưng “lợi bất cập hại”, công thức mỵ dân mới này của bậc thầy tuyên truyền trong giới cộng sản châu Á lại có tác dụng ngược, vạch rõ hơn bao giờ hết bản chất toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam

VOA: Tại sao ông lại cho rằng công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong thực tế đã thể hiện bản chất toàn trị, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trong công thức này thì vế “Đảng lãnh đạo” hẳn không phải giải thích gì thêm.

Thế nhưng tiếp đến vế “Nhà nước quản lý” thì quả là điên rồ vì “Nhà nước” đồng nhất với “quản lý”. Thực vậy, “Nhà nước” được sinh ra là để thực hiện chức năng “quản lý” quốc gia, xã hội. Nếu thay thuật ngữ “Nhà nước” bằng thuật ngữ “quản lý” và ngược lại thì chúng ta sẽ có “Nhà nước Nhà nước” và “Quản lý quản lý” hoàn toàn vô nghĩa.

Vậy tại sao sự vô nghĩa trên vẫn có thể tồn tại? Là bởi tầm quan trọng của “Nhà nước quản lý” là ở chỗ khác, ở chỗ ai là Nhà nước.

Có thể nói không ngoa rằng 100% người có chức vụ trong bộ máy công quyền là đảng viên. Vậy hoàn toàn có thể nói “Nhà nước quản lý” là “Đảng quản lý”.

Còn vế cuối “Nhân dân làm chủ” thì trừ con nít ai cũng hiểu rằng nhân dân không thể trực tiếp làm chủ đất nước mà phải thông qua Nhà nước. Vậy “Nhân dân làm chủ” là “Nhà nước làm chủ”. Mà Nhà nước lại là Đảng cộng sản như trên vừa phân tích, thành thử “Nhà nước làm chủ” là “Đảng làm chủ”. Rốt cuộc, “Nhân dân làm chủ” là “Đảng làm chủ”!

Tóm lại, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thực chất là “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”. Vậy nói thể chế chính trị ở Việt Nam không phải là chế độ dân chủ mà là chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản là tuyệt đối chính xác!

Để nói, không thể có “Tam quyền phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” do Đảng cộng sản lũng đoạn đồng nghĩa tòa án mặc nhiên bó tay trước những xâm hại lợi ích quốc gia, xâm hại lợi ích của người dân từ phía chính quyền sẽ không được giải quyết chừng nào độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản vẫn được Hiến định tại Điều 4.

VOA: Thế nhưng như Tiến sĩ đã phân tích, mọi thứ đều do Đảng cộng sản nắm, kể cả Quốc Hội, thì làm sao việc thay đổi độc quyền lãnh đạo của đảng này lại có thể diễn ra được?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Không có gì là không thể. Trước hết phải xem Điều 4 Hiến pháp có lý không đã. Nếu không có lý thì xóa bỏ là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nguyên văn Điều 4 Hiến pháp là: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Ỏ đây có nhiều phi lý đến cùng cực.

Thứ nhất, “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước” mà Nhà nước là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, tức gồm Quốc Hội. Nghĩa là đảng lãnh đạo Quốc Hội.

Thế nhưng, cũng vẫn Điều 4 Hiến pháp ghi: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì điều này có nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải tuân thủ Điều 83 Hiến pháp theo đó “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”.

Nghĩa là trên Quốc Hội không còn cơ quan quyền lực nào khác có thể lãnh đạo, có thể ra lệnh cho Quốc Hội, đồng nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu sự lãnh đạo của Quốc Hội, bởi nếu ngược lại thì Điều 83 Hiến pháp đã phải ghi: “Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao thứ Nhì của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau Đảng cộng sản Việt Nam”.

Thứ hai, vẫn theo Điều 4 Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vì đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Thế nhưng “đại biểu” phải là kết quả của bầu cử. Thực vậy, “đại” là đại diện”, “biểu” là biểu quyết, “đại biểu” là đại diện được lựa chọn thông qua biểu quyết, tức thông qua bầu cử. Thú thật là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng nghe Đảng cộng sản Việt Nam hay ai đó nói rằng trong cuộc bầu cử X, Y, Z nào đó đảng được “giai cấp công nhân”, “nhân dân lao động” và “cả dân tộc” bầu làm “đại biểu”cho bản thân.

Đến như các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc Hội mà bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, với tư cách là công dân trực tiếp bầu ra, còn chưa bao giờ được Ủy ban nhân dân phường Điện Biên, thành phố Hà Nội là nơi tôi cư trú thông báo để tôi có thể tham gia thì lấy đâu ra các cuộc họp hay đại hội của “giai cấp công nhân”, của “nhân dân lao động”, của “cả dân tộc” để bầu Đảng cộng sản Việt Nam làm “đại biểu” cho mình!

Nói cách khác, “đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có nên quyết không thể là “chính danh”. Mà đảng đã không “chính danh” thì quyết không thể “lãnh đạo” bất kỳ ai!

Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ.

Người Việt Nam có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” mà Trời ở đây chính là Nhân dân thì dù nguồn gốc là do Đảng cộng sản chọn hay theo ngôn từ của đảng, “cơ cấu” đi chăng nữa Quốc Hội cũng phải sớm thôi là công cụ của đảng và trở lại thiên chức “đại biểu cao nhất của Nhân dân” để làm cái việc phế bỏ này, cho dù có khổ tâm.

VOA: Theo như Tiến sĩ đã phân tích thì Điều 4 Hiến pháp Việt Nam không thể tồn tại, thế nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn lập luận rằng đảng có công trong chiến tranh thì phải lãnh đạo quốc gia thời hậu chiến. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Lập luận này của Đảng cộng sản Việt Nam cũng sai nốt, vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, tiến hành chiến tranh chỉ để giành quyền cai trị quốc gia, tức coi quốc gia là “chiến lợi phẩm” thì đó là tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc” đặc sệt lục lâm, thảo khấu, chứ không phải lý tưởng của những người Cộng hòa Dân chủ mà Đảng cộng sản Việt Nam tự mệnh danh suốt 30 năm chiến tranh, từ 1945 đến 1975.

Thứ hai, trong thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong thế kỷ trước, phải khẳng định rằng Đảng cộng sản Việt Nam có công lớn nhưng vai trò quyết định và công đầu luôn thuộc về nhân dân, điều mà đảng chưa bao giờ dám công khai phủ nhận.

Vậy xét theo quan điểm “lãnh đạo theo công trạng” thì lãnh đạo đất nước phải là nhân dân chứ quyết không thể là Đảng cộng sản Việt Nam. Thành thử việc đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước chỉ có thể là hành vi tiếm quyền, là hành vi chiếm đoạt thành quả của nhân dân!

Thứ ba, tất cả những người Việt Nam đã chấp nhận sự chỉ huy hay lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là vì họ đã đặt sự tồn vong của Tổ quốc lên trên hết chứ tuyệt nhiên không vì chủ nghĩa Mác – Lê nin bởi nếu không thì đảng đã có hàng triệu chứ không chỉ 5.000 thành viên khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945, có cả chục triệu chứ không chỉ 1,5 triệu thành viên khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975. Và tôi cũng tin chắc rằng đó cũng chính là lý do gia nhập đảng của tuyệt đại đa số các đảng viên trong giai đoạn máu lửa này.

Vậy một khi Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước đã đạt được thì sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam tất không còn lý do tồn tại. Do đó, để có cơ hội tiếp tục vai trò lãnh đạo quốc gia Việt Nam thời hậu chiến thì Đảng cộng sản phải giành được sự tín nhiệm của đa số công dân thông qua các cuộc tổng tuyển cử thực sự dân chủ với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập.

Nói cho đúng thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã phải cạnh tranh gay gắt và đi đến thỏa hiệp với nhiều đảng phái và phong trào chính trị khác để có được vai trò lãnh đạo trong chiến tranh.

Thực vậy, Đảng cộng sản Đông Dương - tên khác của Đảng cộng sản Việt Nam - đã phải tự giải thể vào tháng 11/1945 và hoạt động dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh để có được sự ủng hộ của quảng đại nhân dân, đã phải liên hiệp với Việt Nam Quốc Dân Ðảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng minh hội (Việt Cách) để lập ra Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rồi Chính phủ Liên hiệp quốc gia vào năm 1946; liên hiệp với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch để lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào năm 1969...

Để nói sự chỉ huy hay sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ngay trong giai đoạn chiến tranh cũng không phải là mặc nhiên mà là kết quả của sự thỏa hiệp với các đảng phái và phong trào chính trị khác thì không có lý gì đảng lại có thể độc quyền lãnh đạo quốc gia thời bình, thời mà cơ hội tham gia quản lý Nhà nước và xã hội được chia đều cho mọi công dân, như Điều 53 Hiến pháp đã quy định.

Cũng phải nói rõ là không có Đảng cộng sản Việt Nam thì Độc lập dân tộc và Thống nhất đất nước vẫn cứ đến với người Việt Nam như lịch sử đã minh chứng trong suốt hai nghìn năm qua, vì chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism) của người Việt, mà nội hàm của nó là - Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia - không cho phép có kết quả nào khác.

Chắc chắn, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh…không phải là Tổng bí thư hay ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khi tiến hành thành công các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược phong kiến Trung Hoa để dành Độc lập dân tộc hay để thống nhất đất nước.

Bốn là, thời chiến và thời bình tuân theo những quy luật khác hẳn nhau, nôm na thời chiến là “phá” còn thời bình là “xây”, thời chiến là “ra mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh”, thời bình là “dân chủ hay tự do phản biện”. Do đó tư lệnh quân sự mà chuyển sang quản lý kinh tế ngay sau chiến tranh thì kinh tế quốc dân chỉ có nước “nát”. Điều này giải thích vì sao những anh hùng thời chiến như Tướng De Gaulle của Pháp, Thủ tướng Churchill của Anh đã bị người dân bỏ phiếu “veto” ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.

Còn ở Việt Nam sau năm 1975, Đảng cộng sản đã thực hiện “chủ nghĩa xã hội trại lính” với kết quả ăn mày đầy đường vào năm 1986 và từ 1986 trở đi, “chủ nghĩa tư bản dã man” dẫn đến tài nguyên bị tàn phá tan hoang, người lao động bị bóc lột thậm tệ, thậm chí trở thành món hàng xuất khẩu béo bở mà vì lẽ đó Việt Nam đã bị Hoa Kỳ liệt vào diện quốc gia buôn người… ngần ấy sự việc đã quá đủ để chứng minh không phải cứ “kẻ thù nào cũng đánh thắng” là có thể giải quyết thành công mọi vấn đề của đất nước thời hậu chiến, ngược lại là đằng khác!.

Suy cho cùng, quy chế “lãnh đạo suốt đời” của Đảng cộng sản Việt Nam được cụ thể hoá bằng Điều 4 Hiến pháp là nhằm bảo đảm cho ban lãnh đạo đảng không bị thách thức trong việc bỏ túi tài sản quốc gia chứ không phải là kết quả của chủ nghĩa duy ý chí trong điều hành đất nước của đảng.

VOA: Ngoài những gì mà Tiến sĩ vừa nói về Điều 4 Hiến pháp thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có nói đại ý là “Bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trước hết phải khẳng định rằng đã sinh ra trong đời là để sống chứ không phải để chết và vì thế tự sát họa là hành vi của kẻ tâm thần, bệnh hoạn. Tuy nhiên sự sống không bao giờ giáo điều mà ngược lại, luôn thực tiễn. Nghĩa là không phải cứ hô mình vạn tuế là mình không thể chết và ngược lại, dám nhảy vào chỗ chết thì lại ra đất sống!
Vấn đề là ai “tự sát” trong phát biểu này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, là dân tộc Việt Nam hay Đảng cộng sản Việt Nam?

Nếu đó là “dân tộc Việt Nam” thì phát biểu này là hoàn toàn ngô nghê, ngớ ngẩn vì dân tộc Việt Nam tồn tại từ 4000 năm nay trong khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam mới tồn tại non hai thập kỷ nay, từ 1992. Vậy chỉ còn khả năng chủ thể của “tự sát” trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là “Đảng cộng sản Việt Nam”.

Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ ai mà nói đảng cầm quyền rời bỏ vị trí đang nắm giữ là “tự sát” ắt bị trẻ nó cười vào lỗ mũi. Thế nên một âm hưởng “sợ chết” đến như vậy chỉ có thể toát ra từ những bạo chúa, từ những kẻ cầm quyền phạm tội ác chống lại chính dân tộc, chống lại chính nhân dân mình! Vậy phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam hay chính xác hơn, ban lãnh đạo đảng thuộc trường hợp này?

Điều không thể chối cãi là bằng việc tiếp tay cho Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam qua việc cho các công ty nước này hoặc trá hình khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên và thuê trong 50 năm hàng bốn trăm nghìn hécta rừng đa phần giáp giới nước phương Bắc có thâm niên bành trướng này, bằng sự đớn hèn trước sự lấn lướt và đe dọa xâm lược vũ trang của Bắc Kinh tại những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bằng tham nhũng siêu nghiêm trọng từ tham ô trực tiếp tài sản quốc gia đến vay bừa tiêu vung để nhiều thế hệ người dân sẽ phải è cổ trả nợ, bằng cướp đất của người dân, đặc biệt của nông dân tràn lan kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng bóp nghẹt những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp bảo hộ các quyền tự do như quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền biểu tình, quyền đình công, quyền giữ gìn nơi thờ tự của các tín ngưỡng…, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đi ngược 180 độ lợi ích của dân tộc và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chính bởi những hành vi “phản Nước hại Dân” siêu nghiêm trọng ấy mà sự tiêu vong của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kéo theo sự tiêu vong của đảng với tư cách tổ chức là có thể nhìn thấy trước! Vì vậy, nỗi hãi hùng, thậm chí hoảng loạn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đại diện cho ban lãnh đạo đảng trước viễn cảnh này là hoàn toàn có cơ sở.

Vì vậy, để tránh bị triệt tiêu thậm chí một cách thê thảm, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải quay về với dân tộc, quay về với nhân dân bằng cách tự phá bỏ quy chế độc tài của bản thân và thực hiện một nền chính trị Đa đảng.

Vả lại, Đa đảng là cội nguồn, là đường lối của chính Đảng cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này - sáng lập.

VOA: Ông căn cứ vào đâu để xác quyết như vậy, trong khi Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi đi thăm Ấn Độ mới đây khẳng định đại ý là “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Chính sử của Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ: tháng 2 năm 1930 dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba đảng theo Đệ tam Quốc tế là Đông dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông dương cộng sản Liên đoàn.

Như vậy, Đa đảng không những là thực tại khách quan của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam mà hơn thế nữa, Đa đảng đã “đẻ” ra chính Đảng cộng sản Việt Nam!

Còn trong cả bốn bản Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - 1946, 1959 mà cha tôi Bộ trưởng Cù Huy Cận là Tổng thư ký Ủy ban soạn thảo và 1980, 1992 – không có bất cứ Điều nào, Khoản nào quy định Đảng cộng sản Việt Nam là đảng phái chính trị duy nhất ở Việt Nam.

Không kể Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên của nhiều đảng phái chính trị như Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ hoạt động hoàn toàn hợp pháp dưới chính thể Việt Nam cộng sản cho đến năm 1988 là thời điểm hai đảng này tuyên bố tự giải thể cho dù bất đắc dĩ. Không những thế, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Nghiêm Xuân Yêm và Tổng thư ký Đảng Xã hội Nguyễn Xiển còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trên bình diện quốc tế, chưa kể Việt Nam và trừ Cuba, Triều Tiên, Lào, Syria, Turmenistan và Eritrea theo chế độ độc đảng mà hầu hết thuộc diện quốc gia kém phát triển nhất, con số 185 quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, chiếm 97% thành viên Liên Hiệp Quốc cũng đã đủ chứng minh đa đảng là thực tại bao trùm, là sự cần thiết khách quan đối với mọi quốc gia trong thế giới hiện tại.

Cũng cần nói thêm rằng ở Trung Quốc ngoài Đảng cộng sản còn có 8 đảng phái chính trị khác song song tồn tại.

Do đó, với phát biểu “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan có chế độ đa đảng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương và là đương kim Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, không chỉ cho thấy ông này, oái ăm thay, hoặc lú lẫn hoặc thực hiện “chính sách đà điểu” – rúc đầu vào cát để khỏi nhận chân sự thật đang diễn ra xung quanh - mà nghiêm trọng hơn, đã xuyên tạc trắng trợn lịch sử dân tộc Việt Nam đương đại, xuyên tạc trắng trợn lịch sử của chính Đảng cộng sản Việt Nam.

Nói cách khác, việc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay khăng khăng chống đa đảng dứt khoát là hành vi phản bội dân tộc, phản bội ngay chính Đảng cộng sản Việt Nam, phản bội ngay chính Hồ Chí Minh.

Một sự bội phản như vậy chắc chắn không chỉ nhân dân Việt Nam không dung mà hàng triệu đảng viên cộng sản và bản thân Hồ Chí Minh - nếu quả thật “sống mãi” như khẩu hiệu của đảng - không tha!

Do đó tôi nhắc lại một lần nữa, quay lại chế độ Đa đảng là con đường sống duy nhất đối với Đảng cộng sản Việt Nam!

VOA: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, giả sử Đảng cộng sản Việt Nam làm theo như ông nói thì có thể có những kịch bản nào xảy ra?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Trong trường hợp đó, tựu trung có hai kịch bản sau đây cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, Quốc Hội chủ động hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký sẽ là Tòa án tối cao. Nếu kịch bản này xảy ra thì tôi tin chắc Đảng cộng sản Việt Nam sẽ được vinh danh bởi toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới, kể cả những người chống cộng cực đoan nhất.

Thứ hai, căn cứ Khoản 14 Điều 84 Hiến pháp, Quốc hội quyết định Trưng cầu dân ý về Điều 4 Hiến pháp và về quyền bình đẳng của các đảng phái chính trị trong việc sử dụng các phương tiện tài chính và truyền thông của Nhà nước trong vận động bầu cử Quốc Hội.

Sở dĩ tôi đưa vào Trưng cầu dân ý nội dung thứ hai vì đây là điều kiện tiên quyết để bầu cử Quốc Hội không trở thành màn độc diễn của Đảng cộng sản như đã từng, để bầu cử Đa đảng không trở thành “hữu danh vô thực”.

Thực vậy, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, mọi phương tiện truyền thông đều nằm trong tay Nhà nước, tức trong tay Đảng cộng sản. Do đó, nếu ứng viên của các đảng phái chính trị khác không được tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, tức không có cơ hội trình bày cương lĩnh tranh cử của mình trước cử tri rộng rãi thì thất cử trước ứng viên của Đảng cộng sản là không phải bàn cãi.

Tiếp sau Trưng cầu dân ý, Quốc hội sẽ tổ chức tổng tuyển cử với sự tham gia của mọi đảng phái chính trị được tự do thành lập mà nơi đăng ký, như tôi đã đề cập, là Tòa án tối cao.

Cả hai kịch bản đều để ngỏ cửa cho Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước cũng như dành một lối thoát danh dự cho đảng trong trường hợp đảng không dành được tín nhiệm của đa số cử tri.

VOA: Thưa Tiến sĩ, trong hai kịch bản này thì cái nào khả thi nhất?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cá nhân tôi không cho rằng ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ dũng cảm và tự tin để đi theo kịch bản đầu. Vậy chỉ có kịch bản thứ hai là khả thi. Tuy nhiên ngay cả kịch bản này để diễn ra một cách nghiêm túc và thực chất thì cũng phải có điều kiện đi kèm.

VOA: Điều kiện nào vậy, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Với kinh nghiệm của một người đã từng tranh cử Đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập, tôi khẳng định một lần nữa rằng Quốc Hội Việt Nam gọi là do dân bầu nhưng thực tế là do Đảng cộng sản chọn sẵn. Thực vậy, tuyệt đại đa số những người tự ứng cử, tức không do đảng chọn, đều bị ban tổ chức bầu cử loại bỏ ngay từ vòng ngoài bằng những thủ đoạn có thể nói vô liêm sỉ nhất.

Chẳng hạn Luật bầu cử Quốc Hội quy định lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố nơi ứng viên có hộ khẩu thường trú, mà ai cũng biết rằng ở Việt Nam hộ khẩu thường trú chỉ có một, thì trong kỳ bầu cừ Quốc Hội năm 2007 Mặt trận Tổ quốc phường Điện Biên lại đạp lên Luật, triệu tập cử tri của 4 tổ dân phố thay vì của 1 tổ dân phố nơi tôi có hộ khẩu thường trú, tức vượt khung “hai đánh một chẳng chột thì què”, để lấy ý kiến về tôi với tư cách ứng viên Đại biểu Quốc Hội. Kết quả là ứng viên Cù Huy Hà Vũ chỉ được tín nhiệm của 1/3 cử tri của 4 tổ dân phố và thế là bị loại một cách cực kỳ “dân chủ”!

Đó chưa kể những lời vu cáo của những người tôi chưa từng nghe tên, thấy mặt, nhẹ nhất cũng là “ứng viên không gương mẫu vì chẳng thấy ứng viên tham gia quét rác đường phố”, giọng thì hồng hộc, hậm hực, hổn hển, ngất lên, ngất xuống, như thể tôi là kẻ thù của “giai cấp”, kẻ thù của “cách mạng” trong các cuộc đấu tố địa chủ thời kỳ cách ruộng đất những năm 1950 của thế kỷ trước cũng vẫn do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức.

Vì vậy, để không lặp lại màn “tự biên tự diễn” hay “dân chủ giả hiệu” của Đảng cộng sản Việt Nam như trong bầu cử Quốc hội và để Trưng cầu dân ý phản ánh chính xác và đầy đủ nguyện vọng của nhân dân thì cơ chế dân chủ này cần được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên đầy đủ.

Việc Việt Nam mong muốn đưa quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc càng cho thấy việc Liên Hiệp Quốc thực hiện giám sát Trưng cầu dân ý ở Việt Nam là rất khả thi. Vấn đề còn lại là tài chính để tổ chức giám sát Trưng cầu dân ý thì tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc sẽ không quá eo hẹp để có thể từ chối.

Nói cách khác, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có thể chính danh lãnh đạo đất nước nếu giành được sự tín nhiệm của đa số thường cử tri thông qua Trưng cầu dân ý được tổ chức dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc.

VOA: Bây giờ xin trở lại vụ công dân Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vụ này đã đến đâu rồi, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cho đến giờ Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình không thụ lý nhưng cũng không dám trả lại tôi Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì không tìm nổi lý do để trả lại đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng cái việc Chánh án Trương Hòa Bình ngâm đơn khởi kiện của tôi không những là hành vi trực tiếp phá hoại Công lý mà còn là hành vi tiếp tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xâm hại nghiêm trọng quốc phòng, an ninh quốc gia, xâm hại môi trường và bản sắc văn hoá Việt Nam.

Phải khẳng định một lần nữa rằng Nước Việt đã hình thành từ bốn nghìn năm nay bằng xương máu và công sức của biết bao thế hệ người Việt trong đó có Đô chỉ huy sứ Cù Ngọc Xán, Tổng chỉ huy quân đội thời Nhà Lê, được vua ban quốc tính, được Triều Nguyễn sắc phong Thần là bậc tổ nội của tôi ở xã Ân Phú, Đức Thọ (nay là Vũ Quang), Hà Tĩnh, địa danh đặt theo danh ngôn “Dân Ân Quốc Phú – Dân Giàu Nước Mạnh”, có Đại tư mã Ngô Văn Sở và mười tám Quận công họ Ngô là những bậc tổ ngoại của tôi ở xã Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh, địa danh đặt theo câu “Xã tắc Trảo Nha – Nanh vuốt của Quốc gia” do Chúa Trịnh tặng võ thần cự tộc họ Ngô ở mảnh đất này - chứ tuyệt nhiên không phải từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam thì mới hình thành để ban lãnh đạo đảng bây giờ muốn phá thì phá, muốn bán thì bán!

Cũng cần nói rõ vùng Hồng Sơn hay Hồng Lĩnh bao gồm ba huyện Đức Thọ, Can Lộc và Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh với cư dân là Việt Thường thị hay tộc Việt Thường chính là Cội nguồn, là Tổ của Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết Hồng Bàng và Trăm trứng từ đó mà có.

Ngoài ra, làm mất nước Việt Nam không chỉ là làm mất những giá trị vật chất như lãnh thổ, tài nguyên, mà còn làm mất những giá trị phi vật thể vô giá mà ở đây là lịch sử, là văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt trong đó cha tôi, thi sĩ Huy Cận cùng bác ruột và là cha nuôi tôi, thi sĩ Xuân Diệu, đã đóng góp một phần không nhỏ.

Do đó, bên cạnh tư cách công dân thì với nghĩa vụ của con cháu trực hệ của Tổ Nước Việt, với nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ di sản cả vật chất lẫn phi vật thể mà gia tộc từ xưa tới nay để lại, Cù Huy Hà Vũ này quyết chặn đứng và chấm dứt những hành vi xâm phạm Hiến pháp và pháp luật gây hiểm hoạ mất nước Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của Chánh án Toà án tối cao Trương Hoà Bình nói riêng, của toàn thể ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói chung, trước hết bằng những biện pháp tư pháp quyết liệt trong thời gian tới.

VOA: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự chân thành và thẳng thắn, cũng như về thời gian mà ông đã dành cho VOA trong cuộc phỏng vấn này.

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Đường sắt cao (còn) tiền?

Mấy tuần nay đọc báo thấy cả nước í quên mấy ông đại biểu Quốc Hội VN ầm ĩ chuyện Đường Sắt Cao Tốc (DSCT), cứ vào Google hòi thì ra cả triệu hay là vài chục ngàn tùy câu hỏi. Tôi không dám bàn vì không phải việc của tôi, nhưng mà chả thấy ai hỏi người dân một cách chính xác, chứ như tôi nghĩ mình ở xứ sở mỗi lần dùng phương tiện công cộng tôi lại tính toán, nếu đi xe lửa thì tốn 32 đồng trong khi đi xe bus thì tốn 5 đồng cho một đọan đường giống nhau, tốc độ tương đương như nhau, nhưng xe bus thì tới gần ngay nơi tôi muốn xuống, còn xe lửa thì xa tít ở đâu, phải lội bộ vào chỗ mình muốn đến, chỗ tôi ở không có subway nên không tính. Cho nên nếu họ làm một bài tính ước tính giá vé, rồi hỏi người dân xem họ có đủ tiền trả vé không, là biết ngay nên làm hay không chứ gì.  Khổ lắm, chuyện hỏi dân thì không hỏi, tụ nhau vào nghiên cứu, tuyên bố lung tung rồi thì cũng bỏ phiếu thuận như từ đầu thì cũng như không, bàn luận làm chi cho tốn tiền dân. 

Cho nên thời đại này ở một xứ, một nhà nước cho là dân chủ nhất mà người dân không được hỏi ý chuyện gì cả thì cũng khó thở thật, có thế tôi mới thấy tôi ở một nơi mà lâu lâu mấy vị dân cử trước khi đưa ra một dự luật nào họ cũng gửi giấy tới thăm dò ý kiến tôi xem tôi có cho chương trình nào đó có quan trọng có đồng ý không? Thỉnh thoảng tôi cho là quan trọng (ảnh hưởng tới đời sống của tôi, còn tính ích kỷ mà) thì tôi trả lời, còn không thì tôi cứ lờ đi cho họ tự quyết định hay người dân (khác) quyết định dùm, cũng tại cái tính lười biếng suy nghĩ và ỷ lại chắc là "dân tộc tính" VN còn sót lại trong tôi. Bỏ cái tính makeno, rất ư là ích kỷ của tôi.
Từ nay tôi phải thay đổi kẻo có ngày xẩy ra chuyện như ở VN hiện nay, có cái đảng nào lãnh đạo, quản lý tư duy của mình, thì lúc đó không biết chạy đi đâu nữa. :-)

06/19/10

Sáng sớm trước khi đi chợ đọc tin Quốc Hội VN bấm nút chống ĐSCT, nghe cũng mừng sau đó cũng cái tính đa nghi bỗng nghĩ, sao có chuyện lạ? Hay là sang năm có hội nghị đảng 11sắp (lung lay) tới nên lại có lệnh truyền từ bên trên Thôi để lấy lòng dân lúc này.  Và cnũg có thể World Cup năm nay gây ảnh hưởng đến chuyện bầu bán, một tinh thần thể thao trong Quốc Hội (?), Nói theo kiểu người Mỹ là "too good to be true", cái gì tốt quá khó có thể là sự thật. Nhưng thôi cứ mừng là cái vụ 56 tỷ được xếp xó. :-)

Họp mặt Dân Chủ 2010

Một người bạn học mới đi tham dự buổi tĩnh hội của Họp mặt Dân Chủ 2010 ở Hannover về kể cho nghe vài câu chuyện thú vị về những nhân vật mà tôi thường hay đọc những bài quan điểm của họ. Những người tuy xa quê hương, tuổi đời có thể còn rất trẻ hay rất lớn tuổi nhưng tất cả đều không ngại khó khăn hy sinh thời giờ tiền bạc để nói lên tiếng nói chung về những vấn đề của đất nước VN. Hy vọng mai đây hội nghị Diên Hồng sẽ được tổ chức không chỉ ngoài nước mà là cả trong và ngoài nước .

Riêng tôi chỉ tò mò lấy kính lúp ra xem hình người bạn trong buổi tĩnh hội :-).   

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Ai làm luật ở VN?

Dốt như tôi nhưng có cái tinh tò mò, nên tình cờ đọc mấy văn bản kiểu như thế này của nhà nước CHXHCNVN, mới "bật ngửa" ra là không biết lâu nay tôi có hiểu tình hình chính trị ở nơi tôi ở không nữa.

Lâu nay tôi cứ nghĩ là Quốc Hội là người làm luật, Chính phủ thì hành Luật, làm sai thì có Tư Pháp đứng ra giải thích luật, đơn giản tôi chỉ biết có thế.

Và từ lâu "Quốc hội Việt Nam đã được xem là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thế nhưng khi người ta nói Chủ tịch Quốc hội được đề cử bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và phần lớn các đại biểu quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam (hiện nay là khoảng 90%) và họ phải tuân thủ các chỉ thị của đảng. Do đó, Quốc hội Việt Nam không có được sự độc lập khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hơn nữa, Đảng Cộng sản đang nắm quyền hành pháp lại chiếm tỷ lệ lớn như vậy trong cơ quan lập pháp là Quốc hội thì rất dễ gây ra tình trạng vi hiến như chế độ hộ khẩu, và không tuân thủ một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như đã nêu."

Thì tôi cũng chỉ tin có thể mấy ông ở Quốc Hội làm ăn vớ vẩn thế, hy vọng bên Hành Pháp của VN sẽ khác hơn chút cho dân nhờ, đến khi đọc cái chỉ thị của văn phòng Thủ Tướng, mà mở đầu là "thực hiện kế hoạch của Bộ Chính Trị" và từ đầu chí cuối chỉ thấy nhắc tới bộ chính trị chứ có thấy luật nào của Quốc Hội, ý của dân đâu nhỉ. Hoá ra Quốc Hội bù nhìn. Nhưng mà tôi không quan tâm tới Quốc Hội VN, vì có người dân VN họ có quan tâm đâu. Sở dĩ tôi quan tâm là nhờ đọc thêm mà tôi nghĩ tôi sẽ vào net xem mấy ông "chính phủ" ở nơi tôi sống có cái vụ viết chỉ định bắt dân tuân thủ theo bộ chính trị của họ không? Thật ra tôi chưa bao giờ nghe những người này nhắc tới những từ "bộ chính trị" dù họ có thể ở đàng này đảng kia hay không đảng. Tôi tin chắc là chả ông nào tơ lơ mơ dám viết rõ ràng một cách vi hiến như vậy, người dân mà đọc được là họ sẽ biểu tình tìm mọi cách mời ông công bộc của dân này về hưu gấp thôi. Người dân có thể có khuynh hướng đảng này đảng kia nhưng họ đủ trình độ, để nhận ra có điều gì không ổn khi áp đặt ý kiến của đảng mình lên trên đa số người khác. Cho nên không bao giờ có chuyện đó xẩy ra ở nơi tôi ở. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao mấy ông công bộc nơi đây cãi nhau như "mổ bò" cho một dự luật, đến khi thành luật đưa sang Hành pháp thì vẫn còn cãi , có khi còn doạ nhau đưa ra Tư Pháp xem có vi hiến. Nếu Toà cho là vi hiến là không được thi hành.

Cho nên phải cám ơn đọc mấy "chỉ thị" của VN mà tôi sáng mắt ra một chút!!!(ai cũng biết chỉ mình tôi không biết).
Chỉ nơi nào có đảng CS mới có sự lãnh đạo tập trung như thế.
 
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Số: 37/2006/CT-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006

CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ BÁO CHÍ

Ngày 11 tháng 10 năm 2006, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 41-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.

Để triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, đảm bảo cho báo chí nước ta hoạt động đúng định hướng, đúng pháp luật và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 41-TB/TW ngày 11 tháng 10 năm 2006; hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tiến hành sơ kết, đánh giá hai năm thực hiện Thông báo số 162-TB/TW ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ Chính trị.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ), tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch hệ thống báo chí in và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử; xác định tính hợp pháp, sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, các báo điện tử, trang điện tử trên Internet, nhất là các phụ san, phụ trương, chuyên đề... để sắp xếp lại theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt; kiên quyết đình chỉ các cơ quan báo chí không chấp hành đúng pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thường để xảy ra sai phạm hoặc giảm bớt các cơ quan báo chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích.
b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về báo chí, xây dựng và ban hành các quy chế quản lý hoạt động báo chí theo Luật Báo hcí; tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Báo chí hiện hành để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
c) Chủ động phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và các cơ quan chủ quản báo chí xem xét tổ chức và thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo của các cơ quan báo chí, chấn chỉnh công tác quản lý đội ngũ phóng viên; tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.
d) Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, làm tốt công tác động viên, khen thưởng để phát huy tốt vai trò của báo chí; đồng thời, chỉ đạo uốn nắn kịp thời và xử lý đúng pháp luật các sai phạm của báo chí. Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí theo hướng dẫn của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, thực hiện tốt một số việc sau đây:

a) Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Thông báo số 41-TB/TW ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Bộ Chính trị và tiến hành sơ kết hai năm thực hiện Thông báo số 162-TB/TW ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong Kế hoạch của Chính phủ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ).
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục tiến hành thanh tra tài chính các cơ quan báo chí. Qua thanh tra, cần đánh giá tình hình hoạt động kinh tế, tài hcính của báo chí, xây dựng chính sách, chế độ tài chính báo chí, giúp các cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng pháp luật và các quy định về quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước; đồng thời xử lý đúng pháp luật những vi phạm về kinh tế, tài chính trong hoạt động báo chí.

c) Các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí thuộc quyền: sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành.

Thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, kiện toàn, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên báo chí thuộc quyền, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, nghiệp vụ; kiên quyết thay thế những cán bộ, phóng viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, có quan điểm sai trái và khuyết điểm kéo dài.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí trung ương, của địa phương khác đóng trên địa bàn và phóng viên hoạt động tại địa phương mình theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thông tin, Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy và Hội Nhà báo trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí và phân công tổ chức giao ban báo chí; động viên khen thưởng kịp thời và kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của các cơ quan báo chí và các phóng viên hoạt động tại địa phương.

đ) Các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Báo chí và các chủ trương, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo và các quy định của Đảng trong công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tốt đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, không để lợi dụng danh nghĩa báo hcí để hoạt động tiêu cực, vụ lợi hoặc làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và uy tín của nền báo chí cách mạng nước ta; các cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật, không chính xác phải đăng cải chính theo đúng quy định của Luật Báo chí.

4. Xây dựng và thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin trên báo chí:

a) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương xây dựng, ban hành quy định cụ thể về giao ban báo chí hàng tuần và giao ban lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí hàng quý; khẩn trương soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2006 Quy chế về người phát ngôn và việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương chủ động định hướng thông tin kịp thời, chính xác, nhất là những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự quản lý, điều hành của Chính phủ.

b) Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương, các cơ quan, đơn vị phải cử người phát ngôn và xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trước những thông tin mà báo chí nêu thuộc lĩnh vực Bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình phụ trách.

c) Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tốt chức năng là cơ quan phát các thông tin chính thức về hoạt động của Đảng và Nhà nước; chủ động, kịp thời đăng, phát các thông tin bác bỏ những thông tin sai lệch, xuyên tạc và thù địch.

5. Xem xét, xử lý đúng pháp luật sai phạm của các cơ quan báo chí:

a) Căn cứ các quy định của pháp luật và các chủ trương, quy định của Đảng về lãnh đạo, quản lý báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các cơ quan báo chí có sai phạm, xác định rõ nội dung, tính chất, mức độ sai phạm, từ đó có hình thức xử lý thích hợp, đúng pháp luật đối với tập thể và cá nhân liên quan.

b) Việc xem xét, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí phải được thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật về chính quyền đi đôi với xử lý kỷ luật về Đảng, xử lý người trực tiếp có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan.

c) Cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong việc xử lý các sai phạm đối với cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị về công tác báo chí và Chỉ thị này, định kỳ báo cáo tình hình hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí cho Bộ Văn hóa - Thông tin

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm tổng hợp tình hình và hàng quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,

cơ quan thuộc Chính phủ;

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ban Quản lý KKTCKQT Bờ Y;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Học viện Hành chính quốc gia;

- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,

Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,

Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, VX (5b).



Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Nguyễn Trần Bạt

Một vài suy nghĩ về sinh hoạt Quốc hội

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group
Hỏi: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông có cảm nhận như thế nào khi quan sát sinh hoạt quốc hội ở nước ta?
Trả lời: Quan sát sinh hoạt quốc hội ở nước ta, nói chung tôi thấy có nhiều tiến bộ so với 20 năm về trước, nhưng cũng thấy có hai vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, các anh biết rằng quốc hội là một trong ba nhánh của quyền lực nhà nước, theo thông lệ của nhiều nền văn hoá chính trị thì ba nhánh ấy độc lập với nhau, đặc điểm này được gọi là "Tam quyền phân lập". Tuy nhiên, trong điều kiện của nền chính trị Việt Nam thì ba nhánh quyền lực ấy không phân lập mà được gọi là phân công. Cả ba nhánh ấy đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính sự phân công có tính chất nội bộ như vậy làm cho quốc hội rất khó rành mạch trong sinh hoạt nội bộ cũng như trong sự quan sát của nhân dân.
Theo hiến pháp của chúng ta, quốc hội được định nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng các nhà lãnh đạo của quốc hội khi điều hành các phiên họp quốc hội không thể hiện được rõ rệt và đầy đủ địa vị cao nhất ấy. Qua thái độ của các đại biểu quốc hội khi chất vấn các quan chức của chính phủ thì người dân cũng không nhìn thấy được sự cao nhất của cơ quan quyền lực này. Có thể thấy rất rõ là tùy thuộc vào từng chức vụ khác nhau của các quan chức hành pháp mà thái độ của các đại biểu quốc hội là rất khác nhau khi chất vấn. Tôi chưa bàn đến nội dung chất vấn là hay hay dở, nhưng sự phân biệt thái độ khi chất vấn các thành viên của chính phủ làm cho xã hội thấy phản cảm. Thậm chí, nhiều đại biểu quốc hội còn tranh thủ diễn đàn quốc hội để có những thể hiện có chất lượng đưa đẩy các tình cảm chính trị một cách lộ liễu và vô nguyên tắc. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thể hiện những tình cảm chính trị đặc biệt với các nhân vật khác nhau của chính phủ ở những chỗ khác, không nên tận dụng một diễn đàn công cộng quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước để làm chuyện ấy, nhất là khi những sinh hoạt như vậy được truyền hình trực tiếp. Bởi vì rất có thể người ta sẽ nghi ngờ quá trình lựa chọn các đại biểu, nghi ngờ tư cách chính trị của các đại biểu và sẽ không còn đủ cảm hứng để nghe các nội dung có ích khác của quá trình chất vấn. Các đại biểu quốc hội cần có một thái độ chuẩn và một sự vô tư chuẩn trong quá trình chất vấn, bởi vì không phải bản thân họ chất vấn các thành viên chính phủ mà họ thay mặt nhân dân để chất vấn. Còn các thành viên chính phủ khi trả lời chất vấn thì không phải là họ trả lời các đại biểu quốc hội mà trả lời nhân dân thông qua các đại biểu quốc hội, cho nên sự thận trọng, sự minh bạch và sự khiêm tốn là rất cần thiết, nhất là trong những phiên họp được truyền hình trực tiếp. Nếu các thành viên chính phủ không trả lời chất vấn bằng những thái độ chuẩn mực, thông tin chuẩn mực, lập luận chuẩn mực thì tức là thể hiện một thái độ không chuẩn mực trong cư xử với nhân dân.
Vấn đề thứ hai là trong các kỳ họp quốc hội, tôi vẫn thấy các đại biểu quốc hội trích dẫn nghị quyết này của Bộ chính trị, hay nghị quyết kia của Ban chấp hành Trung ương… Trong mỗi một loại sinh hoạt chính trị có một hệ thống ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ trong sinh hoạt quốc hội là ngôn ngữ luật pháp, không phải ngôn ngữ chính trị, vì thế việc nêu cao hay trích dẫn các nội dung cơ bản của các nghị quyết của Đảng trong sinh hoạt quốc hội theo tôi là một lỗi văn hoá. Chúng ta đều biết rằng có tới 80-90% các thành viên của quốc hội là Đảng viên, nhưng các Đảng viên khi tham gia sinh hoạt Quốc hội với tư cách đại biểu quốc hội thì không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ sinh hoạt Đảng. Hay nói cách khác, các thành viên của Quốc hội cần phân biệt một cách rõ ràng rằng khi sinh hoạt quốc hội là mình đại diện cho nhân dân chứ không đại diện cho quyền lực chính trị của Đảng, cho nên phải lựa chọn hệ thống ngôn ngữ thích hợp. Tôi nghĩ rằng diễn đàn quốc hội là nơi người ta bàn đến những vấn đề của đất nước chứ không phải là nơi để nói về các vấn đề của Đảng, bởi vì Đảng đã có những diễn đàn khác như Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương. Không nên biến diễn đàn sinh hoạt của cơ quan lập pháp thành diễn đàn sinh hoạt chính trị, mà nên phân định một cách rõ ràng rằng đấy là nơi mà những người thay mặt Đảng tham gia vào Quốc hội bàn về những vấn đề của đất nước, những vấn đề của đời sống xã hội.
Hỏi: Lúc đầu ông nói về vấn đề quyền lực không có sự phân lập, tại sao lại có trạng thái đó?
Trả lời: Đấy là do lý thuyết xây dựng nhà nước của chúng ta khác với các lý thuyết xây dựng nhà nước khác. Với những nhà nước phổ biến khác thì người ta gọi là nhà nước pháp quyền, còn nhà nước CHXHCN được xây dựng trên nguyên lý của nền chính trị XHCN, cho nên được gọi là nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền lấy quyền lực pháp luật làm nền tảng duy nhất, còn nhà nước pháp quyền XHCN thì lấy pháp luật và XHCN làm nền tảng. Trong nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng là người lãnh đạo cả ba nhánh quyền lực, là người điều phối, phân công các nhánh quyền lực, chính vì vậy giữa các nhánh quyền lực chỉ có sự phân công chứ không có sự phân lập.
Hỏi: Phần lớn các đại biểu quốc hội đều là Đảng viên, phải chăng họ mang tư duy từ các cuộc họp Trung ương, họp Đảng uỷ, họp Chi bộ đến các cuộc họp quốc hội và họ không thể tách bạch được vai trò của mình?
Trả lời: Đại biểu Quốc hội của chúng ta là đại biểu kiêm nhiệm, một người giữ nhiều cương vị. Một người khi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc thì phải có đủ năng lực phân biệt từng nhiệm vụ một cách rạch ròi và phải có kiến thức, thái độ và ngôn ngữ phù hợp với từng nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng việc tách bạch các vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong mỗi một đại biểu kiêm nhiệm là rất khó, nhưng hoàn toàn khả thi. Trong cuộc sống cũng thế. Ví dụ, tôi vừa làm cha, vừa làm chồng, tôi không thể lẫn lộn chức năng làm chồng và chức năng làm cha được. Phân biệt các hệ thống thái độ khác nhau đối với các chức năng khác nhau của mỗi một con người chính là trình độ văn hoá cơ bản của mỗi người. Mọi người trên thế giới này đều phải kiêm nhiệm cả, cho nên, tất cả mọi người đều học cách phân biệt, sắp xếp các thái độ và ngôn ngữ phù hợp với từng nhiệm vụ, từng chức năng một.
Chúng ta phải xác định được mình đang nói ở cương vị nào, cương vị của một ông Chủ tịch Tỉnh thì khác với cương vị của một Đại biểu Quốc hội. Ở cương vị Chủ tịch của một tỉnh thì tôi là thành viên của cơ quan hành pháp có trách nhiệm quản lý một địa phương, tức là nhân dân là đối tượng quản lý của tôi. Nhưng ở cương vị Đại biểu Quốc hội thì tôi là người đại diện cho nhân dân, tôi phải nói ngôn ngữ của người đại diện, tôi không thể nhầm lẫn ngôn ngữ của một đại biểu quốc hội với ngôn ngữ của một ông chủ tịch tỉnh. Hoặc ví dụ như chức danh Thủ tướng chẳng hạn. Thủ tướng là một nhà chính trị kép, Thủ tướng vừa là Chủ tịch Cơ quan Hành pháp và vừa là Đại biểu Quốc hội. Vậy khi nào Thủ tướng là Đại biểu Quốc hội, khi nào là Chủ tịch Cơ quan Hành pháp là phải rất tách bạch.
Hỏi: Trong Quốc hội, những người mới trúng cử, mới đi họp thường được hướng dẫn các thao tác bấm nút, cách phát biểu, hay được hướng dẫn tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong mỗi phiên họp… Dường như những quy tắc, những hướng dẫn của những người lãnh đạo, điều hành quốc hội có những tác động ở mức độ nào đó làm cho các đại biểu trở nên e dè, không mạnh dạn đưa ra ý kiến mà thường chờ đợi những người khác phát biểu trước?
Trả lời: Câu hỏi của các anh khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề, đó là Chủ tịch Quốc hội có phải là Thủ trưởng của Quốc hội không? Tôi cho rằng Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Quốc hội, là đại biểu số một của Quốc hội, là người điều khiển sinh hoạt của Quốc hội chứ không phải là Thủ trưởng của Quốc hội. Trong sinh hoạt Quốc hội, tất cả các đại biểu quốc hội đều bình đẳng với nhau và không có thủ trưởng của quốc hội. Những kỹ năng như anh nói là những kỹ năng cần thiết mà một người muốn làm đại biểu quốc hội phải có và phải tự có. Còn chuyện đưa ra nội dung cần thảo luận, đưa ra hướng dẫn cần tập trung thảo luận vào vấn đề gì thì đó là công việc, là chức năng của những người lãnh đạo Quốc hội. Lãnh đạo quốc hội có quyền hướng dẫn, khuyến khích các đại biểu chú ý vào những nội dung cụ thể, miễn là gợi ý ấy hợp lý và nó không ngăn cản các đại biểu bàn đến những vấn đề khác. Tức là các đại biểu quốc hội có quyền phát hiện các vấn đề cần thảo luận chứ không phải là chỉ được thảo luận các vấn đề mà lãnh đạo quốc hội gợi ý.
Hỏi: Nhưng ông đánh giá thế nào về tình trạng các đại biểu bao giờ cũng trông chờ vào ý kiến của ông trưởng đoàn, phó đoàn đại biểu của tỉnh mình? Bởi vì các ông ấy cũng là những người có chức sắc, ví dụ như Chủ tịch Tỉnh hoặc tương đương.
Trả lời: Đấy chính là những ví dụ thể hiện tính phân công nội bộ trong việc hình thành nhà nước CHXHCN Việt Nam, tức là hệ thống chính trị có nghĩa vụ lãnh đạo tất cả mọi thứ, kể cả sinh hoạt Quốc hội. Cái đấy có thể hạn chế dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Đương nhiên, đoàn đại biểu nào cũng có một người trưởng đoàn, nhưng ông trưởng đoàn đại biểu có phải là một chức sắc không thì đấy là một vấn đề cần xem xét. Nhân dân chỉ bầu đại biểu quốc hội chứ không bầu trưởng đoàn đại biểu quốc hội. Trưởng đoàn đại biểu quốc hội không phải là một chức sắc hợp pháp trong Quốc hội. Đó chỉ là những người được các đại biểu cùng nhóm bầu ra để thay mặt họ tiếp nhận những hướng dẫn có tính chất tổ chức trong sinh hoạt. Những người đấy không có quyền gì trong việc đưa ra những yêu cầu và bắt buộc các đại biểu khác phải nghe theo.
Hỏi: Nhiều đại biểu quốc hội không biết vì lý do gì mà dường như không nói ra được tất cả những điều mình nắm được với cương vị đại diện cho cử tri. Theo ông tại sao có hiện tượng đó?
Trả lời: Đấy là bởi vì họ nhầm lẫn giữa chức năng là một đảng viên, là một quan chức hành pháp với chức năng của một người đại diện cho nhân dân ở một vùng lãnh thổ. Nếu không tách bạch được từng chức năng như vậy thì họ không thể đại diện được, hoặc đại diện một cách không thực tế và không hiệu quả cho người dân. Sự đại diện không rõ ràng và không thành công ấy không chỉ có hại cho quyền lợi của người dân mà có thể còn làm hại cho uy tín của đảng cầm quyền, của cơ quan hành pháp và cả quốc hội nữa. Tại sao tôi lại nói vậy?
Thứ nhất, đối với Đảng, nếu không phản ánh được nguyện vọng của nhân dân thì các nhánh quyền lực của Đảng không thể có chính sách phù hợp với lòng dân được. Mà chính sách không phù hợp với lòng dân thì không có cách gì tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội và nó làm tồn đọng trong xã hội những sự bất mãn mà các nhà lãnh đạo đất nước không biết được hết và do đó không thể giải quyết được hết.
Thứ hai, sự nhập nhằng như vậy cũng mang lại những cái hại cho cơ quan hành pháp, vì nếu anh phản ánh sai về nhân dân hoặc không phản ánh được chính xác nguyện vọng của nhân dân thì sẽ khó có thể xây dựng được những chính sách tốt, và chính anh sẽ phải cưỡi con ngựa chính sách khập khiễng mà anh đã chót tạo ra.
Thứ ba, đối với Quốc hội, nếu không đại diện cho nhân dân một cách thành công, tức là anh không phản ánh chính xác nguyện vọng của họ, thì pháp luật do anh xây dựng không có tính nhân dân, không phù hợp với xã hội và cũng không tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội về mặt pháp lý. Sự không tìm kiếm được sự đồng thuận của xã hội về mặt pháp lý còn nguy hiểm hơn nhiều so với sự sai lầm của một vài chính sách vĩ mô nào đó, vì chính sách là tạm thời, còn pháp luật là căn bản. Sai trong quá trình lập pháp là cái sai cần phải cảnh giác nhất. Nội dung cơ bản của sinh hoạt quốc hội là xây dựng pháp luật và giám sát sự thực hiện pháp luật của chính phủ. Nếu quá trình lập pháp sai thì có nghĩa là anh vừa làm ra một cái hỏng, vừa phải giám sát để cho nó hỏng trên thực tế, và như vậy thì nó sẽ gây ra một loạt hậu quả cho xã hội. Cho nên, tôi thấy rằng chính sự kiêm nhiệm hiện nay của các đại biểu quốc hội ở nước ta đòi hỏi ở họ hai tiêu chuẩn cực kỳ rõ ràng, đó là bản lĩnh và trình độ.
Hỏi: Đó là ước muốn của tất cả mọi người, nhưng có lẽ đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những gì mình có trong tay?
Trả lời: Cái trình độ mà tôi nói không phải là trình độ chuyên môn. Trình độ của một nhà chính trị không phải là trình độ đại học hay tiến sĩ mà là sự tự giác về lợi ích của con người, lợi ích của xã hội, lợi ích của nhân dân, và người ta phải tìm kiếm cách thức để biến sự tự giác ấy trở thành kiến thức. Đôi khi một người có trình độ phổ thông và một ông tiến sĩ làm đại biểu quốc hội có thể có trình độ chính trị như nhau. Chưa kể người có trình độ phổ thông kia có thể còn va chạm với thực tế nhiều hơn ông tiến sỹ và do đó có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn. Cho nên, trình độ của đại biểu quốc hội là một khái niệm hoàn toàn khác với khái niệm bằng cấp chuyên môn.
Hỏi: Hàng năm, cơ quan quốc hội vẫn có những đợt tập huấn cho các đại biểu quốc hội nhưng có những người không học được những điều đó. Có lẽ họ đã kiêm nhiệm quá nhiều vai nên họ không thể tách bạch được?
Trả lời: Rõ ràng việc làm đại biểu quốc hội trong một thể chế xã hội như của chúng ta là rất khó, cho nên cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn chọn lựa các đại biểu quốc hội rất khắt khe thì mới có thể chọn được. Chúng ta cần chọn những người không chỉ có phẩm chất chính trị mà còn phải thông minh và có năng lực. Tôi không tin rằng một dân tộc có gần 100 triệu người như dân tộc chúng ta lại không thể chọn ra được 500 người thông minh. Chúng ta chọn được 10 người đi thi Toán quốc tế thì 9 người giành giải, như vậy, chúng ta cũng có thể chọn được 500 người đủ tiêu chuẩn để làm nghị sĩ nếu chúng ta có tiêu chuẩn lựa chọn đúng. Tất cả mọi người đều có kinh nghiệm trong việc tách bạch vai trò làm cha và làm chồng và nhiều vai trò khác, do đó việc phân biệt giữa chức năng của chủ tịch tỉnh với chức năng của đại biểu quốc hội là việc hoàn toàn có thể làm được, nếu chúng ta xem đó là cần thiết. Tôi cho rằng tình trạng hiện nay là kết quả của sự thiếu các tiêu chuẩn đòi hỏi chứ không hoàn toàn do khuyết điểm có tính chất trình độ của các cá nhân.
Hỏi: Nhưng phải chăng nhiều khi do trong đội ngũ thiếu những người khá nên người ta buộc phải lấy những người mà trong thâm tâm người ta biết rằng có thể hơi non một chút?
Trả lời: Anh vừa nói đến một nhược điểm có tính chất truyền thống của các hệ thống chính trị như chúng ta là lựa chọn người cho những chức năng hoạt động khác nhau dựa trên cùng một tiêu chuẩn, đó là phẩm chất chính trị. Cách lựa chọn này đã gây cho chúng ta nhiều nhầm lẫn. Trong một bộ máy nhà nước thì những người có quyền lực va chạm trực tiếp với xã hội là các thành viên của cơ quan hành pháp. Chất vấn cơ quan hành pháp, chất vấn những người có quyền lực thực sự thì buộc phải có lòng dũng cảm. Cho nên, tiêu chuẩn để chọn các đại biểu quốc hội trước tiên phải là tiêu chuẩn dũng cảm, vì họ là những người thay mặt nhân dân để hạn chế các mặt tiêu cực của các nhánh quyền lực khác. Để quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất thì các thành viên của quốc hội trước hết phải có phẩm chất chiến sĩ, sau đó mới đến trình độ. Về trình độ thì phải nói rằng, không thể đòi hỏi một đại biểu quốc hội phải có đủ tất cả các kiến thức để thẩm định các dự luật thuộc về các lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, môi trường đến y tế, bảo hiểm… bởi vì không ai trên đời này có thể biết tất cả mọi thứ. Cho nên, cần phải có những cách thức, những chế độ để các thành viên của quốc hội có thể sử dụng các dịch vụ làm phong phú kiến thức của mình trước mỗi một kỳ họp. Ví dụ, trước khi thẩm định các dự án luật, trước khi chất vấn chính phủ, một đại biểu quốc hội có thể thuê các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực để xây dựng cho mình những luận cứ chất vấn, và như vậy thì cần phải có một ngân sách để chi tiêu cho việc ấy.
Một đại biểu quốc hội không thể biết tất cả mọi thứ, từ vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình đến vấn đề liên quan đến du hành vũ trụ được. Nhưng trong xã hội luôn có những chuyên gia dân số và kế hoạch hoá gia đình hoặc chuyên gia du hành vũ trụ, và ông ta phải thuê các chuyên gia ấy để làm phong phú trí tuệ của mình để có đủ khả năng đại diện cho quyền lực của nhân dân trong việc thẩm định các hoạt động ấy. Cho nên, tôi nghĩ rằng việc chọn một người có trình độ chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực là không khả thi trong thực tế, nhưng xây dựng một chế độ để mỗi người đại diện cho nhân dân có những ngân sách để có thể kiện toàn trí tuệ của mình nhằm phục vụ chức năng đại diện cho nhân dân trong sinh hoạt quốc hội là hoàn toàn có thể được.
Hỏi: Qua các phiên chất vấn, người ta thấy trách nhiệm giữa các thành viên chính phủ được chuyền từ người này sang người khác như chuyền bóng. Nếu cứ theo cách làm hiện tại thì các cử tri sẽ tắt ti-vi, không đọc báo, không để ý đến sinh hoạt của quốc hội nữa, mặc dù báo chí có hâm nóng thế nào đi nữa. Ông đánh giá việc đó thế nào?
Trả lời: Tôi cho rằng vấn đề không phải ở chỗ không ai chịu trách nhiệm trọn vẹn khuyết điểm, hiện tượng đó là tất yếu, bởi vì xã hội của chúng ta không có sự phân chia quyền lực một cách độc lập mà chỉ có sự phân công nội bộ. Sự đùn đẩy trách nhiệm như vậy là do môi trường chính trị, do hệ thống pháp luật, do hệ thống chính sách của chúng ta không đủ cơ sở khoa học để quy trách nhiệm chứ không hoàn toàn là do khuyết điểm hoặc tính cách của các thành viên chính phủ. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm hiện nay là hiện tượng thiếu khiêm tốn của một số thành viên chính phủ. Những thái độ được thể hiện trên diễn đàn Quốc hội phản ánh tình trạng thiếu khiêm tốn có chất lượng bản năng. Thiếu khiêm tốn thì không cầu thị, mà không cầu thị thì không thể hiểu nhân dân, hiểu cuộc sống được. Cho nên nhân dân phản ứng về những câu trả lời thế nào thì tôi không biết, nhưng sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận khuyết điểm thì dư luận thay đổi thái độ ngay. Vì vậy, nếu cần phải rút kinh nghiệm đối với các thành viên của chính phủ khi trả lời chất vấn thì có lẽ vấn đề khiêm tốn là số một. Khiêm tốn là hệ quả của việc anh nhận thức được quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Tóm lại, chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hoá chính trị làm nền tảng để các nhà chính trị giữ những cương vị kép ở Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hành động.
Trích trong sách "Đối thoại với tương lai"


Ông Nguyễn Trần Bạt đã khéo léo chỉ ra rất rõ điều sai lầm trầm trọng của thể chế chính trị/pháp quyền của xã hội VN là Đảng, Đảng đã đứng trên cả Quốc Hội do đó không có gì gọi là tam qưyền phân lập. Những đại biểu có lương tâm đại diện cho tiếng nói của dân không ai đọc bài này mà không hiểu, vấn để là họ có dũng cảm để biểu dương tiếng nói của của cơ quan Lập pháp là hơn hẳn của Đảng hay không thôi.
Cho nên ý kiến đòi hỏi sự tách bạch chức năng của người đại biểu hay đảng viên như ông Bạt cũng không giải quyết được gì nếu chữ Đảng còn đi trước và trong hội nghị Quốc Hội còn những kiểu mở đầu "ơn Đảng" trong các bài tham luận.
Cái vòi bạch tuộc của đảng CS đã ăn sâu vào trí não con người VN, tiếc thay!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"