Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Cứu nạn

Sáng sớm đọc cái blog Cứu nạn kiểu Sar mà không khỏi cười ra nước mắt. 
Cứ đặt vị trí vào những ngư dân trôi nổi 50 tiếng trên biển và sự tắc trách của kể cả hải quân và không quân VN mới thấy hết nỗi thống khổ của người dân phải è cổ nuôi một cái hệ thống chính quyền như thế.

Cứ thả mấy ông tắc trách ấy ra biển với một cái phao cho trôi cỡ 25 tiếng thôi làm hình phạt cho họ, để xem họ trôi đi đâu cho biết :-)

Đổi tên Quốc hiệu

Đổi tên Quốc hiệu, trả tự do tất cả tù nhân VNCH – Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ kiến nghị để Hòa giải Dân Tộc
Có lẽ chỉ có dân mới mong thế, chứ chính quyền thì không, vì cho tới nay chưa có ông nào trong chính quyên viết một cái đơn như thế này, có ông nào nói một điều gì đó nghe rất có tâm chỉ khi ông về hưu hay là nói xong thì ông về trời nên cho tới bây giờ Hoà giải chỉ là chuyện trong mơ.:-)
Có lẽ lá đơn của ông phải được truyền đi lấy chữ ký của dân để xem ý dân ra sao, may ra cái chính quyền tư nhận do dân vì dân đó mới (sáng mắt) hiểu lòng dân ?
Nhưng mà lẽ ra trong kiến nghị này ông Tiến Sĩ nên đi đầu trong cái việc chỉ ghi Việt Nam và bỏ những chữ linh tinh CHXHCN cùng những chữ trừ Độc Lập, Tự Do và Hạnh phúc thì có phải là hay không? Tiếc quá!!!


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————————————–
Hà Nội ngày 30/8/2010
KIẾN NGHỊ
TRẢ TỰ DO CHO TẤT CẢ TÙ NHÂN CỰU QUÂN NHÂN
VÀ VIÊN CHỨC CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HOÀ,
LẤY “VIỆT NAM” LÀM QUỐC HIỆU ĐỂ HÒA GIẢI DÂN TỘC

Kính gửi: Quốc Hội Việt Nam
Tôi là Cù Huy Hà Vũ, Công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, hộ khẩu thường trú tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, xin gửi tới Quốc Hội lời chào kính trọng và căn cứ Điều 53 Hiến pháp, kiến nghị với Quốc Hội như sau:
Có Hai Sự thật về chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975:
Sự thật thứ nhất – Đó là cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước để Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã giành được cách đây 65 năm, ngày 2/9/1945, được toàn vẹn.
Thực vậy, Hồ Chí Minh đã nói: “Nuớc Việt Nam là Một, Dân tộc Việt Nam là Một – Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song Chân lý đó không bao giờ thay đổi”.




Một buổi họp của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ngồi cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa, dãy phải), Bộ trưởng Cù Huy Cận (đầu, dãy trái).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 29/4/2010 tôi cũng đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia, để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay Độc lập dân tộc phải gắn liền với Thống nhất lãnh thổ quốc gia, Thống nhất đất nước – Hệ tư tưởng mà tôi gọi là Chủ nghĩa Nhất thể Việt (Vietnamunism)”.

Sự thật thứ hai – Dù là tất yếu để Non – Sông Việt Nam liền một giải, để Độc lập Dân tộc được toàn vẹn thì đó vẫn là một cuộc Nội chiến, một cuộc chiến tranh Huynh – Đệ tương tàn giữa những người Việt Nam.
Vì vậy, một khi chiến tranh chấm dứt thì xoá bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hoà giải này – tôi khẳng định vĩ đại không kém cuộc chiến vừa kết thúc nhằm thống nhất đất nước –những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ Chung – Tổ Quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại xum họp Một Nhà!
Cũng chỉ có thế, những thành công ngoạn mục mới có thể đến với người Việt Nam thời hậu chiến! Và trong trường hợp đó người Mỹ hẳn là tấm gương tốt để người Việt noi theo.
Thực vậy, sở dĩ Hoa Kỳ trở thành cường quốc số Một thế giới cho dù mới hơn 300 năm tồn tại – chưa bằng 1/10 chiều dài lịch sử của ngưòi Việt – là vì người Mỹ trước hết biết xoá bỏ hận thù dân tộc, quân đội Miền Bắc thắng trận trong cuộc Nội chiến kết thúc vào năm 1865 biết bồng súng chào những người lính Miền Nam đã hạ vũ khí!

Biên lai bưu điện chuyển phát Kiến nghị
Trên thực tế, chính Hồ Chí Minh, chứ không phải ai khác, là lãnh tụ Việt Nam đầu tiên tiếp thu bài học Hòa giải dân tộc ấy của người Mỹ khi bổ nhiệm Cựu Hoàng Bảo Đại nay là công dân Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Công hòa chỉ ít ngày sau khi Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận tiếp nhận sự thoái vị của vị Hoàng Đế Việt Nam cuối cùng vào ngày này, 30/8, cách đây 65 năm tại Ngọ Môn – Kinh thành Huế, tạo nên sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người Việt Nam đối với chính thể Cộng hòa.
Trớ trêu thay, ban lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh chẳng những đã không học tập tấm gương Hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà ngược lại, còn khoét sâu vết thương của Dân tộc bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!
Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.
Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn!
Nhưng Tổ Quốc Việt Nam không thể không quyết Sinh và vì vậy, Hoà giải Dân tộc hay là Chết!
Vả lại, không có lý gì 35 năm trôi qua kể từ 30/4/1975, hai thế hệ người Việt đã sinh ra trong hòa bình lại tiếp tục được nuôi dưỡng và sống trong thù hận của quá khứ chiến tranh!
Bởi những lẽ trên, nhân Kỷ niệm lần thứ 65 Ngày Độc lập 2/9 và hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thủ đô Thăng Long – Hà Nội, tôi – Cù Huy Hà Vũ – nhân danh con trai Nhà thơ Huy Cận, Bộ trưởng thành viên Chính phủ khai sáng nền Cộng hòa và nhân danh cá nhân, kiến nghị Quốc Hội khẩn cấp thực hiện Hòa giải Dân tộc bằng:
1. Đại xá tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hoà theo Khoản 10 Điều 84 Hiến pháp (Quốc Hội quyết định đại xá).
2. Lấy “Việt Nam” làm Quốc Hiệu thay cho “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1 Điều 84 Hiến pháp (Quốc Hội làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp).
Cũng là để khẳng định một lần nữa Chân lý: Dân tộc Việt Nam chỉ có Một! Nước Việt Nam chỉ có Một!
Trân trọng và đề nghị Quốc Hội sớm hồi âm.

NGƯỜI KIẾN NGHỊ
ĐT: 0904350187
Email: havulaw@yahoo.com Tiến sĩ Luật CÙ HUY HÀ VŨ

GS Phạm Minh Hoàng

Vừa qua VN bắt giữ giáo sư Phạm Minh Hoàng bị cáo buộc ông là đảng viên đảng Việt Tân, và sau đây là một bài viết trong những bài viết của ông trên blog có tên Phan Kiến Quốc, mà em ông đã xác nhận. Thiết tưởng post lại để lỡ mai kia blog ông bị xoá thì người ta không hiểu ông viết gì mà bị bắt.

Xóa bỏ hận thù : tại sao không?

 
Một trong những điều người ta cảm nhận được trên truyền thông trong hai tuần đổ lại đây là những bài viết kêu gọi sự hòa hợp, xóa bỏ hận thù. Dễ có đến hơn chục bài, thậm chí còn có cả những cuộc giao lưu giữa những người có tiếng tăm trong xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta đang bước sang năm thứ 35 ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước.

Chủ đề này đã nhiều lần được đưa lên báo, đã nhiều cuộc hội thảo, đã có nhiều phát biểu nhưng hình như nó vẫn còn nguyên vẹn, nếu không báo chí và truyền thông chẳng có hàng loạt bài “bức xúc” như vậy. Nhưng sau khi đọc những bài viết này thì những trăn trở trong tôi chẳng những không bớt mà còn nổi sóng hơn.

Cái thắc mắc trước tiên là các bài viết hầu như đều bắt đầu bằng điệp ngữ “Không có kẻ thắng người thua nhưng cả dân tộc Việt Nam thắng”, nhưng tất cả các bài viết đều xuất phát từ “kẻ thắng”, họa hoằn lắm thì cũng thấy ông Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Nguyễn Hữu Có, nhưng những nhân vật này từ lâu cũng chẳng còn ở phía “kẻ thua”. Điều đó có nghĩa rằng ngay trong lúc đi tìm sự hòa hợp, chúng ta vẫn chỉ đi tìm từ phía “kẻ thắng” (tạm gọi là như thế cho dễ hiểu), nên khó mà tìm ra sự đồng thuận.

Khi đọc các bài viết, tôi thấy tât cả hình như vẫn đóng khung - cả về hình thức lẫn nội dung – và chẳng có một cái gì mới để giải quyết một vấn đề xưa cũ từ 35 năm. Tôi có thể ví chúng như một bài luận cấp 2 gồm 3 phần, nhập đề, thân bài và kết luận:

- Nhập đề : Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc…(Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết)

- Thân bài : Tuy nhiên sự nghiệp đặt ra sau khi thống nhất giang san là thống nhất lòng người dường như vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn. Bằng chứng là chúng ta vẫn phải nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Phải chăng 35 năm là một thời gian quá dài cho hòa giải và hòa hợp dân tộc (phỏng vấn cựu đại sứ Võ Văn Sung)
hay
Sự mất mát, đau khổ ở cả hai phía, trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian...Chúng ta đã giành được độc lập nhưng đất nước còn nghèo, còn thua kém nhiều nước xung quanh. Về mặt dân tộc, họ không có gì nổi trội hơn dân tộc Việt Nam cả nhưng họ lại hơn chúng ta về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. (phỏng vấn Cựu phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)

- Kết luận : Bởi vậy, phải làm thế nào để xây dựng và phát triển một nước Việt Nam phồn vinh và vững mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trước mắt là tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đó là mục tiêu mà với mọi người Việt Nam yêu nước ai cũng thấy day dứt. .(phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Bình)

Thú thật, cũng là một giảng viên đại học nhưng tôi không đủ can đảm đọc hết chục bài viết nhưng có cùng một nội dung sáo mòn kiểu này. Hoàn toàn không có một cái gì mới và cụ thể để giải quyết vấn đề cực kỳ cấp bách như vấn đế hòa hợp, xóa bỏ hận thù. Đó là chưa kể đến văn phong của một vài vị đi ngược lại nội dung bài viết, chẳng hạn như trong bài phỏng vấn ông Võ Văn Sung, ông đã viết :”thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền và thực hiện tử thủ như ở Xuân Lộc…” hoặc lời phát biểu của ông Nguyễn Trọng Huấn, người đã tiếp quản miền Nam năm 75 trong cuộc giao lưu do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức :“chúng tôi phải cải tạo các anh (…) vì rằng đó chỉ là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.”

Trở lại vấn đề hòa hợp, xóa bỏ hận thù, chắc chắn chúng ta không thể không đề cập đến nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Và cũng chính vì nội dung này tôi đã có dịp tham dự một buổi hội thảo tại Sàigòn vào tháng 7/2006 do Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, tại đây tôi đã ghi nhận được hai phát biểu khá lý thú. Phát biểu thứ nhất : Theo ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật có nhiều đóng góp xuất sắc về công nghệ) thì ông đã tham dự "gần một trăm" cuộc hội thảo về chính sách thu hút việt kiều. Điều đó cho thấy rằng đảng đã không tập hợp thêm được nhân tố mới và nghị định 36 không tạo được chuyển biến. Phát biểu thứ hai từ ông Bùi Kiến Thành, một việt kiều Mỹ, đã có kinh nghiệm về tài chánh ngay từ thời chế độ VNCH và hiện đang là cố vấn tài chính cho chính phủ Việt Nam. Ông Thành nói :”sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh, hố chia rẽ giữa hai chiến tuyến chưa được dẹp bỏ. Trên báo đài, trên các phương tiện truyền thông, các diễn văn chính thức người ta vẫn hô hào xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ hậu quả chiến tranh... nhưng tất cả chỉ là những hô hào suông.” Rõ là bài toán nan giải.

Gần đây báo chí hay trích lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết :”Tôi mong bà con, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Đó không chỉ là lời nói và ý kiến của tôi mà là tâm nguyện của cả dân tộc Việt Nam, là ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Tôi cực kỳ ngạc nhiên khi đọc những giòng này hoa mỹ này, đơn thuần là vì nó xuất phát từ một người lãnh đạo đất nước. Ông Triết được bầu ra (tạm gọi là như thế) để quản lý, vậy thì nếu đó là ý Đảng và Nhà Nước thì ông cứ làm bằng cách ban hành các biện pháp cần thiết thay vì cứ kêu gọi chung chung như thế. Nhân dân đang dài cổ trông chờ những biện pháp chứ không phải những ước mơ. Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý mà cứ “huấn dụ” bằng nghị quyết hoặc bằng những từ hoa mỹ thì người dân (vốn chỉ…làm chủ) còn biết phương nào để vái ?

Trong cái tận cùng bế tắc của những “bài luận cấp 2” thì bất ngờ vớ được một bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thân trên Phụ Nữ ngày 30/4/2010 với tựa đề “Từ vòng tay của mẹ”. Ông Thân viết :”Có lẽ vấn đề mấu chốt ở chỗ chúng ta rất dễ thống nhất với nhau, hòa hợp với nhau trên chủ trương, lời nói, nhưng cả hai phía lại khá khó khăn và thiếu những thay đổi phù hợp trong việc làm, trong từng chi tiết nhỏ như cách tiến hành một ngày kỷ niệm, thậm chí một cách xưng hô chẳng hạn.”.

Tôi xin được phép khai triển ý kiến tác giả, nếu không đúng xin nhà văn và mọi người bỏ qua :

1. Cách tiến hành một ngày kỷ niệm. Cho dù đứng về phe nào đi nữa thì ngày 30/4 đúng là một ngày kỷ niệm, ngày chấm dứt chiến tranh. Nhưng cái cung cách ăn mừng rầm rộ như vừa qua rõ ràng là không có lợi cho việc xóa bỏ hận thù. Trong suốt hai tuần cuối tháng tư, đài VTV3 trong mục thời sự liên tục phát sóng về những chiến thắng từ Buôn Ma Thuột cho đến Sàigòn. Tôi chắc chắn là sẽ chẳng có gia đình cán bộ, công viên chức, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nào có thể xem một cách vô tư mà không công chiếu thì các binh sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN) cũng sẽ bất mãn vì xương máu của họ bị lãng quên. Nhưng nếu tôi không lầm thì xương máu của các binh sĩ VNCH cũng là máu đỏ da vàng thì phải.

Thử nghĩ nếu có ngày “30/4 ngược”, nghĩa là xe tăng M-48 của VNCH húc đổ trụ sở Trung Ương Đảng và bắt sống Tổng bí thư Lê Duẩn và “bè lũ” (xin được mượn từ ngữ của nhà ngoại giao Võ Văn Sung), và trong suốt 35 năm sau đó bắt cả miền Bắc xem lại cảnh các binh sĩ của mình lũ lượt ra hàng lính miền Nam, thì chắc chắn là chúng ta sẽ lại cùng nhau ngồi tìm giải pháp cho vấn đề xóa bỏ hận thù như ngày hôm nay.

Vậy có thể nào chúng ta sẽ kỷ niệm ngày 30/4 một cách khác ? Đó sẽ là ngày tưởng niệm tất cả mọi người Việt không phân biệt phe phái đã nằm xuống sau 20 năm nồi da nấu thịt ? Còn gì đẹp hơn hình ảnh hai chiến sĩ QĐNDVN và VNCH trong sắc phục cùng thắp nén hương trước bàn thờ Tổ Quốc.

2. Cách xưng hô : Trong các phóng sự, mỗi khi đánh chiếm được một cơ quan, một tỉnh thành nào của chính phủ VNCH thì bây giờ người ta dùng những từ như "đánh chiếm sào huyệt của địch", "xóa tan hang ổ của ngụy quyền". Thiết nghĩ chữ "sào huyệt, hang ổ" chỉ nên dùng cho bọn cướp, cho súc vật, không nên dùng cho người, nhất nữa lại là những người mình đang kêu gọi cùng nhau xóa bỏ hiềm khích, cùng nhau sống chung. Cũng về cách xưng hô, các binh sĩ, sĩ quan VNCH thường được gọi là tên lính ngụy, tên tướng, tá ngụy kèm theo những tính từ có tính cách mạt sát, mạ lỵ... chẳng hạn tên tướng ngụy Nguyễn Khoa Nam,tên tướng ngụy Phạm Văn Phú, tên đại tá ngụy Hồ Ngọc Cẩn... Nếu ngày “30/4 ngược” xảy ra, nhân dân miền Bắc sẽ nghĩ sao khi suốt 35 được “rót vào tai” những từ “tên cộng nô” tiếp sau đó là các vị như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Đồng Sỹ Nguyên ? Những từ ngữ có tính cách thóa mạ này cũng nên bỏ.

Làm như thế có thực sự xóa bỏ hận thù ? Tôi nghĩ là cần nhưng chưa đủ. Đây là một vết thương nhức nhối đã kéo dài quá lâu nên không thể một sớm một chiều có thể biến mất, nhưng nếu không bắt đầu bây giờ thì chu kỳ 5 năm sau, kỷ niệm 40 năm chấm dứt chiến tranh, chúng ta lại phải đọc lại những “bài luận cấp 2” mà mọi người đã thuộc lòng.

Và đã làm là làm đến nơi đến chốn. Tất cả hai điều trên phải được luật hóa chứ không phải là những lời kêu gọi suông hoặc những nghị quyết không có giá trị pháp luật.

Để kết thúc, tôi xin lấy lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005 :”ngày 30/4/75 là ngày có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn, đó là một vết thương chung của dân tộc".

Phan-Kiến-Quốc

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Field medalist 2010

Mang tiếng là đi chơi chứ lúc nào có net là tôi cũng chạy vào đọc... báo. Đọc rồi đâm ra suy tư linh tinh, thay vì năm ngoái đi chơi là tôi ngồi gõ blog chuyện đi chơi của tôi, năm nay lại toàn nghĩ chuyện gì đâu ở một nơi xa chỗ tôi ở, xa cả chỗ tôi đi chơi.  Này nhé, chuyện sắp đại hội Đảng, dù nó chẳng ăn nhập gì tới tôi, và tôi cũng chả biết cái đại hội đó có làm gì cho mảnh đất cong cong hình chữ S với hai dấu chấm không?, nghĩ là chắc sắp cho nên mới có chuyện gia tăng làm sập mấy trang web "lề trái", hay blog.  Blog này thì chẳng lề trái lề phải, chỉ là cái blog ba phải nhưng cũng đâm lo lo lỡ bị sập rồi làm sao.  Thế là phải lo save lại.  Nhưng mà save mà bị lấy mất tên thì sao nhỉ, thì lúc đó lại chuyện sang Bến nước 12? Hay chỉ còn Bến nước. Ôi lo bò trắng răng. Tới lúc đó thì đóng luôn làm con tàu lang thang những bến nước chắc là vui hơn.
 Cả hai tuần nay đọc mấy tin về giáo sư Ngô Bảo Châu, nào là VN lo đón tiếp, nào là ông từ chối nhận nhà tặng, nào là Bổ đề cơ bản (tui mà hiểu là chết liền), người ta khen ông vừa có tài vừa có đức, hy vọng vây và hy vọng những màn đón tiếp không làm thui chột cái đức của GS. Tôi tin là ông Ngô Bảo Châu tuổi trẻ tài cao tài giỏi cũng như một số người VN khác đã đi trước ông và ông có cái may mắn hơn họ để có được sự thành công.  Nghĩ bụng tôi mà như ông cứ nhận cái nhà đó xong bán ngay cho vào quĩ giúp trẻ em nghèo hiếu học mà đọc ở đâu (quên mất rồi) là ông sắp lập.   Từ chối làm chi phụ lòng cái ông chủ "thấy sang bắt quàng làm họ" đó. Cái ông đó cũng chả biết có bao giờ giúp trẻ em nghèo hiếu học không? Hay có mà báo không đăng, để giờ báo chí rùm beng vì chuyện NBC (lúc đầu đọc tôi cứ tưởng họ nói tới đài truyền hình Mỹ NBC chứ, hi hi, dốt cỡ tôi làm sao được giải Fields cơ chứ)., và cái giải ấy cao quí ra sao thì tôi cũng không thể hình dung nổi, chỉ nội thấy nước người chỉ đăng một cái tin, còn nước Việt thì rầm rộ lên, báo nước Pháp nhận là người Pháp, báo nước Việt thì quên ông là người Pháp gốc Việt, báo thế giới có nói ông là người Việt hay không thì tôi không đọc được.  Cho thấy dân Việt mình vẫn chỉ trọng .. sĩ diện thì nhiều.  Khi người ta nghèo khó học hành khổ sở mấy ai nâng đỡ, đến khi người ta thành danh thì a vào vỗ tay. Rõ chán!!!  
Mà đọc bài báo Người Pháp “tiếc” Ngô Bảo Châu mới thấy khôi hài, các nhà nghiên cứu khoa học được giải thường có thu nhập 6000 Euro/ tháng trong khi VN chỉ có thể trả 5 triệu/tháng (thua một ngày lương của một chuyên viên kỹ thuật ở Mỹ), bảo là Pháp tiếc, chỉ không thấy nói Việt Nam có tiếc không?

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Titanic Việt Nam ......

Cô em gửi cho đọc câu chuyện sau, ai đó nghĩ ra cũng khá khôi hài cho bối cảnh của Việt Nam.

Chuyện kể rằng, ban đầu, đoàn làm phim Titanic định quay ở VN.

Image

Đêm. Đại dương đen ngòm. Bầu trời đầy sao. Trên chòi cao, người hoa tiêu của tàu Titanic chăm chú nhìn về phía trước. Bỗng anh hốt hoảng:

- Có một núi băng phía trước tàu khoảng 10 km.

Tin đó lập tức được gửi tới phòng hoa tiêu trưởng. Ông này bận dự lễ cắt băng khánh thành câu lạc bộ bida trên tàu. Nhận được tin, ông lắc đầu:

- Phải mang ra phường xác nhận xem núi băng đó thuộc về ai thì tôi mới có hướng giải quyết.

Một bức điện cấp tốc được gửi về phường xin xác nhận ngay, nhưng cô văn thư giữ con dấu lại nghỉ vì nhà có đám giỗ, còn chủ tịch phường thì hiện đang đi nghỉ mát theo lời mời của Ban quản lý dự án giải phóng mặt bằng.

- Núi băng còn cách tàu 5 km - Hoa tiêu lại báo xuống.

Tin được chuyển ngay xuống thuyền phó. Ông ta vội vã triệu tập một cuộc hội thảo với chủ đề Băng trôi - Thực trạng và giải pháp. Giấy mời hội thảo đề 3AM, nhưng 4AM vẫn chưa đủ số đại biểu vì chưa rõ là có tiền ăn sáng hay không, đồng thời nhân viên cũng báo cáo lại là một số đại biểu đang mải chơi tú Strip nên không thèm nhận giấy mời. Cuối cùng thì buổi hội thảo cũng vẫn được tổ chức lúc 4.30AM sau khi Chủ tọa tuyên bố có tiệc đứng sau buổi họp. Các tham luận đều không đưa ra hướng cụ thể gì, chỉ nhấn mạnh là cần phối hợp giải quyết nhịp nhàng và đây là trách nhiệm của tất cả các ban ngành. Cuối buổi, Chủ tọa kết luận dõng dạc:

- Cuộc họp hôm nay chúng ta đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu có giá trị cao về cả lý thuyết lẫn thực tế. Các ý kiến đã chỉ ra được tầm nguy hiểm của hiện tượng băng trôi và đưa ra một số giải pháp giải quyết. Các giải pháp tuy còn nhiều tính chất "trừu tượng" và đôi chỗ mâu thuẫn với nhau, nhưng thật khó để có thể kết luận ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Đây chính là tiền đề để chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một buổi Hội thảo nữa vào ngày này năm sau. Xin cám ơn quý vị và mời quý vị dùng tiệc. (Clap clap)

- Băng còn cách tàu 100m - hoa tiêu hét lên.

Tin này đến tai thuyền trưởng. Ông vội vã ra lệnh:

- Lái tàu, lùi lại.

- Dạ báo cáo anh, em chưa học lái tàu đi lùi ạ.

- Thế sao bảo có bằng lái tàu thủy???

- Dạ, thú thiệt là bằng này em... "mua" ạ.

- Hả???... RẦM!!!

Sườn tàu va vào núi băng. Nước ào ào chảy vào các phòng.

Trên giường ngủ, diễn viên nam do DiCaprio thủ vai thức dậy trước tiên. Anh lay những người xung quanh:

- Dậy mau lên, nước ngập.

Mọi người ngái ngủ ngó xuống rồi càu nhàu:

- Mưa thì nước ngập, có chi đâu.

- Nhưng mà ngập đến đầu gối rồi!

- Bực quá, khu phố tôi ở mỗi khi mưa dù là mưa nhỏ mà đều ngập đến bụng cơ, thế này nhằm nhò gì - Rồi họ ngủ tiếp.

Hốt hoảng, DiCaprio rút điện thoại di động gọi cho diễn viên nữ Kate Winslet để báo tin. Trong máy vang lên một giọng ngọt ngào: "Thuê báo quí khách vừa gọi hiện đang ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy, xin vui lòng liên lạc lại sau. The number you've called...".

Kêu trời vì thất vọng, DiCapio chạy ào lên phòng người yêu, kéo cô chạy lên bong.
Đôi tình nhân dìu nhau lên những bậc thang chật hẹp. Lúc này trong tàu đã nhốn nháo vô cùng.

Dòng người đang xô đẩy bỗng chựng lại.

- Kẹt xe.

DiCaprio cáu:

- Trong tàu thuỷ làm sau kẹt xe được?

Bà con giải thích:

- Được. Xe mấy ông thuỷ thủ nhập lậu giấu kỹ, bây giờ nước ngập ai cũng lôi ra nên kẹt cứng rồi.

Đôi uyên ương lao tới chỗ để xuồng cấp cứu. Còn rất nhiều chỗ trống. Hai người định nhảy xuống xuồng thì một nhân viên chặn lại:

- Yêu cầu anh chị mua vé.

- Chúng tôi mua vé tàu rồi mà? - Winslet kêu to.

- Vé tàu khác, vé xuồng khác - Anh nhân viên giải thích - Y như ở công viên, vé vào cửa đâu kèm vé trò chơi!

DiCaprio đành thò tay vào túi, rút ra tờ 100 USD. Người bán vé cầm lấy, điện thoại vào đất liền hỏi tỉ giá chính thức. Cô trực tổng đài cho biết là 8 giờ sáng mới có giá mới, còn nếu tính theo giá hôm qua thì DiCaprio bị thiệt 2 chục ngàn. Đang giằng co thì có một bà béo chạy lại đon đả:

- Anh giai để em đổi theo giá ngoài, vừa nhanh vừa cao hơn.

Tính ra theo cái "giá ngoài" đó thì DiCaprio chỉ bị thiệt có 18 ngàn mà thôi.

Đúng lúc nguy cấp thì điện tắt phụt. Thiên hạ la rầm trời đất. Thuyền trưởng chạy tới quay điện thoại hỏi lý do. Suốt tiếng đồng hồ máy bên kia cứ bận liên tục, cuối cùng thuyền trưởng phải cử thuyền phó xuống tận nơi thì được thông báo:

- Một con chuột chạy lụt mắc kẹt ở đường dây và đã bị nướng chín vàng khiến đường dây chập mạch. Phải tìm ngay một con mèo.

Lúc này mối nguy hiểm đã cận kề. Tàu Titanic kêu răng rắc như răng bà lão và gãy làm đôi. Tất cả tranh nhau xuống xuồng và tranh nhau phao cấp cứu. Lượng phao ít hơn lượng người nên đôi tình nhân chỉ được có một chiếc. Họ cứ nhường nhau, nước mắt đầm đìa rất cảm động. Âm nhạc nổi lên tha thiết. Hơn một ngàn rưởi hành khách sắp chết đuối vì thiếu phao. Tàu sắp chìm sâu xuống đại dương. Bỗng nhiên thuyền trưởng vụt nhớ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình. Ông cởi chiếc phao trên thân, đưa vào máy Photocopy nhanh chóng in ra hàng ngàn chiếc. Thế là hành khách ai cũng có đủ, thậm chí một người được dăm bảy loại phao. Một điều lạ là trên các loại phao này lại ghi chi chít những công thức toán học, các bài văn mẫu. Nhưng lúc nước sôi lửa bỏng thế này, có phao là tốt rồi nên cũng không ai để ý mà đều ôm phao nhảy ào xuống biển.

Titanic chìm xuống. Tất cả mọi người đều nổi lên. Pháo bông bắn rực trời. Trên nền trời đêm hiện lên dòng chữ: Tỷ lệ "nổi" đạt 100%. Caprio và Winslet ôm nhau hôn thắm thiết!

Bộ phim kết thúc.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Chính trị là gì?

Hôm nay net ở khách sạn mới hoạt động đỡ chút, vào đọc có bài này đã được đăng mấy hôm nay, nhưng thấy cần phổ biến rộng ra nên copy lại để dành ở đây. Nhân câu chuyện ở bàn ăn hôm nay, tai sao xứ tư bản chính phủ bỏ cả hàng tỷ tiền lo cho người nghèo và khiến họ trở nên ù lì ỷ lại, và người dân đi làm phải đóng thuế rất cao để cho nhà nước có tiền lo cho những người kém may mắn (hay lười biếng (?)).  Nhưng không ai có thể thay đổi được chính sách ấy dù thấy bất công cho những người lao động đóng thuế, chỉ vì ở xã hội tư bản, người giàu có, họ không chỉ nghĩ đến làm giàu cho bản thân họ, mà họ còn có trách nhiệm với cộng đồng của họ, cho nên luôn có những tổ chức từ thiện đóng góp từ những người giàu có và những người trí thức tranh đấu quyền lợi cho những người cùng khổ,  (mà trong đó có cả những người lười biếng), và dù cho những người giàu có có ích kỷ thì các định chế của xã hội cũng sẽ khiến cho họ phải đóng góp giúp đỡ những người bất hạnh hơn họ. Đó là một hình thức "cộng sản", anh chia xẻ bằng khả năng của anh, chứ không ai lột cướp của anh cả. 


Nguyễn Đại - Kém hiểu biết hay Thiếu trách nhiệm?


Nguyễn Đại 
 
Rất cảm ơn độc giả Nguyễn Đại đã gửi đến Dân Luận một bài viết rất sâu sắc trả lời câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải quan tâm đến chính trị?"

Dân Luận xin mạo muội bổ sung rằng tầng lớp có tiền cần quan tâm đến đời sống của tầng lớp thua kém hơn mình, không phải vì lương tâm hay lòng xót thương, mà còn vì chính lợi ích của bản thân. Cải tạo xã hội, nâng cao mức sống và đạo đức chung của xã hội, chính là để có một môi trường sống tốt hơn cho chính mình. 
 
 
Nói thật ra thì tôi cũng chẳng thích thú gì khi phải quan tâm đến Chính trị: Bực mình, cảm thấy bất lực, lo âu cho đất nước và tất nhiên, không thể tránh được những phiền toái! Thành ra đối với những người không quan tâm đến chính trị, tôi thấy cũng được, miễn sao sống đạo đức, lương thiện là tốt. Nhưng khi có những ý kiến như là:
- Mày quan tâm đến chuyện đó làm gì, mỗi người mỗi việc. Lo làm ăn chân chính(?!) - Chính trị chẳng liên quan gì đến tụi mình cả.
- Ôi, có nhúm người lên tiếng thì không giải quyết được gì đâu?
- Thằng cha Lê Công Định này khùng thật, vợ hoa hậu, nhà giàu vậy mà…
… thì lại là chuyện khác. Tưởng cũng phải có đôi lời.
Sáng sớm, chúng ta dắt xe ra đi làm, chẳng may hết xăng. Đổ xăng, thấy giá xăng cao quá. Chiều về đọc báo thấy giá dầu thế giới giảm nhưng giá xăng chưa giảm. Thưa, chính trị đấy ạ. Với cơ chế chính trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xăng dầu là ngành kinh doanh độc quyền, chúng ta chỉ có thể mua hay không mua chứ không được quyền chọn lựa. Nói chính xác hơn là chúng ta phải mua chứ không được quyền đắn đo.
Buổi trưa, chúng ta đi ăn cơm. Giới bình dân thì ăn cơm hộp từ 10.000-12.000 / hộp. Khá hơn thì ăn cơm văn phòng trên 20.000 / phần. Tự nhiên hôm nay cơm văn phòng đồng loạt tăng vọt lên 25.000/phần. Chủ quán giải thích là gạo tăng giá. Đọc báo thì thấy thông tin Việt Nam thiếu gạo(!). Vài hôm sau lại được tin Nhà Nước đã "nhanh chóng bác bỏ thông tin Việt Nam thiếu gạo". Chính trị đấy ạ! Ai tích trữ gạo? Ai tung tin thiếu gạo? Ai chịu trách nhiệm về việc này?
Chiều đi làm về, chúng ta bị kẹt xe. Trời Sài gòn oi bức mà chúng ta đứng hít khói, mồ hôi nhễ nhại. Quái! Càng tìm biện pháp lại càng kẹt xe. Từ ý thức người đi đường đến lô cốt nằm chình ình giữa đường. Nhà thầu nào thi công lô cốt bầy hầy thế nhỉ? Vai trò của Chủ đầu tư ở đâu? Đã vậy còn đám choai choai phóng nhanh vượt ẩu, còi hơi bấm loạn xạ chết cả trẻ em. Càng ban hành nghị định thì tai nạn giao thông càng tăng. Thị trưởng Bangkok, thủ đô Thái Lan, đã từng cam kết nếu không giải quyết kẹt xe trong vòng 6 tháng thì từ chức. Sao không có thị trưởng nào ở Việt Nam dám làm như ông ta? Ai bảo giữa chính trị và kẹt xe không có liên quan!
Vượt qua đám kẹt xe, về được đến nhà, chỉ mong có những giây phút nhẹ nhàng thì gặp khuôn mặt nhăn nhó của mẹ sắp nhỏ cùng với lời ca cẩm “tháng này tiền điện tăng, tiền nước tăng, ga tăng, ông làm ơn đưa thêm lương”. Sẵn bực mình vì kẹt xe, chúng ta gắt gỏng om cả nhà. Tối đến, khi đã cố gắng quên hết những rắc rối, nằm coi đá banh thì cúp điện. Mùa nóng, chồng cởi trần, vợ áo ngắn ngồi thở phì phò. Chắc chắn không ai trong chúng ta là không bị ảnh hưởng bởi cúp điện. Ôi bao nhiêu là lý do, quá tải, mực nước thấp không đủ chạy thủy điện v.v.. Nhưng giống xăng dầu, ta không mua điện Nhà Nước thì mua ở đâu. Ai dám bảo cúp điện không liên quan đến chính trị.
Có thể nói, chính trị liên quan đến chúng ta hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Một “quyết tâm chính trị” nào đấy đều ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Thế thì cái phát biểu “chính trị chẳng liên quan gì đến tụi mình cả” là một phát biểu rất thiếu hiểu biết. Nhưng với những người bạn của tôi, những người mà xét về nhiều mặt, chỉ hơn hoặc bằng chứ không thua tôi thì nói “thiếu hiểu biết” e rằng vô lý. Vậy phải hiểu như thế nào?
Thực tế, có những người không quan tâm đến giá xăng tăng 500 hay 1000 đồng / lít. Họ chẳng bận tâm chút nào khi phải trả thêm vài ngàn đồng cho một bữa cơm. Họ cũng không quan tâm đến mỗi tháng phải trả thêm vài trăm ngàn cho tiền điện tiền nước. Họ không quan tâm đến con cái phải đóng thêm học phí. Lý do là với thu nhập của họ, chuyện đó không thành vấn đề. Với những người này, chính trị “không liên quan” gì đến họ là có cơ sở. Hay nói chính xác, chính trị liên quan không đáng kể đến “cơm áo gạo tiền” của họ.
Nếu chúng ta cũng như họ, thì chúng ta không phải là kém hiểu biết mà chúng ta thiếu trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm với đại đa số dân chúng còn rất nghèo, còn thiếu ăn trên đất nước này.
Với một người gánh hàng rong thu nhập 30.000 đồng / ngày thì vì bữa ăn tăng thêm 2.000 là rất đáng quan tâm. Với cặp vợ chồng thu nhập 4.000.000 đồng / tháng thì tiền điện, tiền nước tăng thêm 500.000 là rất đáng kể. Và nếu 2 vợ chồng bán vé số để nuôi con ăn học, thì các khoản tiền trường, phụ thu, sổ vàng, sổ bạc là vô cùng lớn. Chính trị [có thể] “không liên quan gì” đến những người có thu nhập cao, nhưng rất liên quan đến tầng lớp bình dân. Ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý lớn của xã hội. Người có trình độ, có thu nhập cao thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính trị, ngược lại, người ít học, thu nhập thấp thì bị ảnh hưởng lớn bởi chính trị. Thế nhưng chỉ người có trình độ mới có điều kiện và khả năng quan tâm đến chính trị chứ không phải người ít học. Kết quả là người có trình độ và có trách nhiệm với xã hội thì phải quan tâm đến chính trị nhằm cải tiến chất lượng của xã hội để người ít học được hưởng lợi. Lúc này anh ta mới được gọi là người trí thức. Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, Anhbasg, Lê Công Định là những người như vậy. Họ có khùng đâu!
Một ý kiến khác là cho rằng quan tâm đến chính trị cũng chẳng giải quyết được gì vì chỉ có một nhúm người lên tiếng. Dạ thưa, không có cái nhúm người đó thì vĩnh viễn chẳng có một biển người đâu ạ! Có một người, sẽ có hai người. Từ hai người sẽ thành ba, bốn, mười người. Không có bạn Thanh, bạn Minh viết khẩu hiệu HS-TS-VN thì không có phong trào HS-TS-VN hiện nay, từ nhóm sinh viên Bình Dương đến gia đình “Nguyễn Hoàng Mão và các con” ở Thanh Xuân – Hà Nội… Cái nhúm người đó có giải quyết được gì không? Tôi cho là có. Dự án bauxite đã triển khai, nhưng ai dám khẳng định những ngày “làm việc” của vị giáo sư đáng kính Nguyễn Huệ Chi không góp phần làm cho nó thu hẹp về quy mô? Ai dám khẳng định lá thư kiến nghị khẩn cấp của Mẹ Nấm không góp phần dẫn tới việc cách chức Tô chủ tịch? Ai dám khẳng định những bài viết phản biện gay gắt không góp phần lấy lại công bằng cho nông dân trong vụ Vedan? Ai dám khẳng định bài thơ “dặn con học trả nợ” của Người Buôn Gió không góp phần vào việc Quốc hội bác dự án Đường cao tốc? Thay vì than thở rằng “chỉ có một nhúm người thì không giải quyết được gì” thì hãy tự nhủ rằng “đã có một nhúm người thì mình phải góp thêm một phần vào đó”.
Tất nhiên, vẫn còn đó bao nhiêu chuyện chưa cải thiện được, cho dù dân chúng đã nói hàng trăm, hàng ngàn lần. Điện lại rục rịch tăng giá cho “bằng giá khu vực”. Tình trạng giáo dục mỗi năm một tồi tệ: chạy trường, sổ đỏ, thi cử… Thế thì lại càng phải nói, càng phải phản biện nhiều hơn. Thái độ “thôi nói cũng chẳng giải quyết được gì” chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà thôi.
Thế nhưng, như đã nói ở trên, chẳng thà thiếu trách nhiệm, chẳng thà cứ im lặng, cứ ngồi mà hưởng lợi từ đấu tranh của người khác, chứ đừng tuyên bố những câu vô cảm và lạnh lùng.
Nếu không có được tinh thần thép của Lê Thị Công Nhân, không làm được như chị thì hãy dành cho chị sự ngưỡng mộ. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “luật sư gì không lo làm ăn…
Nếu không có được lòng trắc ẩn của Mẹ Nấm, không viết được như chị thì cứ cảm kích trước những gì chị viết. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “mày làm vậy để được gì?
Nếu không bức xúc như Người Buôn Gió, không làm được bài thơ “học đi con, học để trả nợ” như anh thì hãy đồng cảm với tâm tư của anh. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “viết vậy có giải quyết được gì đâu?
Nếu không có lòng dũng cảm của Lê Công Định, không tư duy được như anh thì hãy xót xa cho một nhân tài của đất nước. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “thằng cha này khùng thiệt…?
v.v... và v.v...
Không quan tâm đến chính trị ư? Chỉ có thể là kém hiểu biết, không thì là thiếu trách nhiệm. Nhưng xin đừng vô cảm!

Nguyễn Đại – 15 tháng 8 năm 2010
(Tặng Mẹ Nấm khi đọc tâm sự của chị)

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Lang thang

Những ngày đóng cửa blog là những ngày lang thang ở chốn này

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Hai ông Tổng, ông nào tội nặng hơn ?

Nơi tôi ở, khi một tổng giám đốc làm thiệt hại tài sản của công ty thì ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước toà, ông là người lãnh lương cao cho nên trách nhiệm cũng nặng nề nhất dù người dưới quyền của ông làm sai.

Do đó nhìn lại tiểu sử việc làm của hai ông tổng giám đốc sau đây, một ông làm thiệt hại tài sản của công, của dân vì điều hành tài sản quốc doanh. Còn một ông thì tự làm chủ công ty của ông ta, chả làm thiệt hại gì của ai. Chỉ là ông có sáng kiến mới, điều hành kinh tế khác với nhà nước cho nên ông mang bản án tù 16 năm.


Để xem ông cựu "tổng giám đốc" Vinashin rồi sẽ lãnh bản án gì? Toà có xử nhanh và gọn như toà đã xử ông Trần Huỳnh Duy Thức không? Hay lại kéo dài hàng vài năm như những vụ khác chẳng hạn PMU18 cho tốn thêm tiền của dân?


Ngày xưa những người tù miền Nam được đưa ra Bắc thì người dân được khuyến khích bởi chính quyền ném đá họ. Ngày nay không biết nhà nước có còn hành xử kiểu cho "quần chúng tự phát" xử cái ông cựu tổng làm mất tiền của dân không?


Nói thì phải tộì, lỗi chẳng phải là mình ông, đó là cả tập đoàn của ông, sao giờ này lại chỉ bắt mỗi mình ông Phan Thanh Bình chịu tội nhỉ, vì kinh tế của định hướng XHCN là do tập thể chứ có phải như tư bản thì một người chịu trách nhiệm đâu nhỉ?

Tiểu sử nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin

Ông Phạm Thanh Bình sinh năm 1953 ở Thới Bình, Cà Mau, Minh Hải (nay thuộc Cà Mau), được tuyển dụng ngày 14.5.1977, trình độ văn hoá 10/10, trình độ chuyên môn kỹ sư vỏ tàu.

Năm 1996, ông Phạm Thanh Bình giữ chức tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Năm 2006, ông Phạm Thanh Bình giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin.

Quá trình hoạt động của Vinashin:

Được thành lập năm 1996, đến năm 2003, Vinashin thí điểm chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và chuyển thành tập đoàn từ năm 2006.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 35%-40%, từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng, năng lực đóng tàu 1.000-3.000 tấn, đến năm 2009, Vinashin đã tăng vốn chủ sở hữu lên 8.000 tỷ đồng, đóng được tàu hàng trọng tải 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn. Năm 2009, Vinashin đã ký được đơn hàng đóng tàu trị giá khoảng 12 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ năm 2009, Vinashin bắt đầu thua lỗ. Tính đến tháng 6.2010, tổng tài sản của Vinashin có khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ phải trả lên đến 86.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người

Tiểu sử Trần Huỳnh Duy Thức:

Trần Huỳnh Duy Thức, sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, sống tại phường 13, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh [1]. Ông là một kỹ sư - doanh nhân Việt Nam, nguyên là Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI,

Năm 1989 ông tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994 ông cùng ông Lê Thăng Long thành lập Công ty tin học Duy Việt tại Hà Nội[3]

Tiếp đó, năm 2000 ông sáng lập nên Công ty dịch vụ điện thoại internet OCI, có thời kỳ công ty được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, có nhiều bước đột phá, mở rộng đầu tư sang các nước trong khu vực và sang cả Hoa Kỳ. Là một doanh nhân thành đạt tại Việt Nam, ông cũng nổi bật với các ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này. Năm 2005, ông cùng một số nhân vật như Lê Thăng Long lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Mũ bảo hiểm ở VN

Đọc tin này mà ớn quá, cha mẹ nào dám cho con ra ngoài đường nữa, con còn nhỏ thì sợ bị đi lạc, bị bắt cóc. Con lớn thì sợ bị dụ dỗ, nay thêm vụ bị bắn, bị bắt chỉ vì quên không đội mũ bảo hiểm.

Từ lâu tôi vẫn thắc mắc tại sao gọi là "mũ bảo hiểm", nó bảo hiểm cái gì mới được chứ, nó chỉ bảo vệ cho cái đầu, chứ chẳng bảo hiểm cái gì cả. Bảo hiểm thường hiểu là mình có nó để bảo vệ cho mình và được bồi thường khi gặp nguy hiểm.  Hay vì gọi không đúng nên những cặp tình nhân trẻ ở VN cứ hay quên đội. Hay cứ gọi bằng Helmet để khỏi lầm lẫn chuyện bảo vệ mí lị bảo hiểm.

Hoá ra mũ bảo hiểm không phải chỉ bảo vệ cho người ta ít bị nguy hiểm khi bị tai nạn mà còn bảo vệ cho đỡ bị bắt bị bắn. Còn cái vụ có mũ bảo hiểm có tốt thế nào thì còn phải kiểm tra qua nhiều lần thì mới biết được. Kỳ này các hãng sản xuất mũ bảo hiểm ở Việt Nam ngoài việc quảng cáo là hàng của hãng họ có phẩm chất tốt ra sao, còn có thể quảng cáo thêm là đội vào ra đường không bị bắn nhầm, không bị đưa vào ngồi trên ghế của sở cảnh sát rồi lăn ra chết vì có... dấu hiệu sức khỏe không bình thường.

Và cũng không hiểu tại sao VN lại có những người cảnh sát ăn mặc thường phục làm những công việc như thế? Họ là mật vụ? Việt Nam có những bất ổn gì đến nỗi phải cần đến những nhân viên mật vụ? Như thế rồi tạo ra cảnh con ông cháu cha vác súng bắn bậy rồi cũng tự cho quyền như cảnh sát hay do những người gây rối loạn rồi đổ thừa cho cảnh sát, cảnh sát có chịu được không? Hay là sắp sửa đây cảnh sát lại đổ thưà đó là do những thành phần "phản động" tạo nên rối loạn để bao che cho cảnh sát.


Có lẽ đã đến lúc nên đòi hỏi chính quyền nên làm rõ cung cách làm việc của họ để cho những người làm cha mẹ đỡ lo sợ.

Nuôi con cho lớn chỉ vì ra đường quên đội mũ mà bị chết hỏi cha mẹ nào không đau đớn? Bao nhiêu những bất công xã hội giải quyết thì chậm chạp, những ông lớn tham nhũng không thấy ai bắn nhầm cho họ một phát hay cho ngồi lên Ghế CA (công an).

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Thư ngỏ Trần Mạnh Hảo

KÍNH GỬI TRUNG TƯỚNG CÔNG AN NHÀ VĂN -HỌA SĨ - NHẠC SĨ -THI SĨ – KỊCH SĨ - NHIẾP ẢNH GIA - ĐIỆN ẢNH GIA HỮU ƯỚC

Thưa trung tướng công an Hữu Ước,

Lời đầu thư, tôi xin thay mặt ba mạng sống đang thoi thóp trong sợ hãi của gia đình tôi, kính chúc ông sức khỏe và vui tươi, phấn khởi để phụng sự ngành an ninh nước nhà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, dẹp tan cái chế độ tư bản dỏm đang thực thi trên quê hương ta mà chôn sống chúng nó như Marx, Engel dạy.

Thưa ông trung tướng,

Sau khi ông trung tướng ngồi chủ tịch đoàn lên diễn đàn Đại Hội Nhà Văn Việt Nam chiều 06-08-2010, lúc kết thúc đại hội, lớn tiếng kết án tôi (TMH) và nhà thơ Bùi Minh Quốc là Lý Tống quậy phá đại hội, khiến tôi đã sợ hãi đến co dúm người lại như một miếng giẻ rách.

Bởi ông Lý Tống, người đã dám cướp máy bay rải truyền đơn trên bầu trời Sài Gòn rồi nhảy dù xuống đất bị bắt…được tha do quốc tế bảo lãnh, ông anh hùng này lại cướp máy bay Thái Lan bay vào vùng trời Sài Gòn rải truyền đơn chống cộng… vốn dĩ là kẻ tử thù của chế độ cộng sản Việt Nam. Lần này, nếu Đảng ta tóm được ông Lý Tống, chắc sẽ xử ông tùng xẻo không tha…

Thế mà ông lại đứng giữa đại hội nhà văn vu cho tôi là Lý Tống, thì cầm bằng như ông đã thay mặt đảng ta, an ninh ta tuyên án tử hình tên Trần Mạnh Hảo ngỗ ngược dám chê ông không biết viết văn giữa đại hội vừa rồi.

Than ôi, tôi vốn là một kẻ sợ công an nhất nước Việt Nam. Hồi bé, công an đã bắt bố tôi là Trần Văn Hiền tới 12 lần, chỉ vì bố tôi hay làm thơ ca hò vè diễu cợt cán bộ xã huyện ức hiếp dân lành và tham ô lãng phí. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần đi học phải qua trụ sở công an xã, tôi đã co chân chạy như biến, đến nỗi nhiều bận ngã thâm tím mặt, lại còn sợ quá són cả ra quần không biết là bao nhiêu lần.

Cho đến hôm nay, nỗi sợ công an cộng sản Việt Nam của tôi còn tăng lên gấp bội. Đến nỗi giờ này, sau mấy chục năm lấy nhau, tôi vẫn chưa hết nghi ngờ vợ tôi có thể do công an gài vào giả vờ lấy tôi, cốt theo dõi tư tưởng tâm hồn tôi, điều tra xem tôi có phải là CIA cài vào chờ cơ hội xông ra lật đổ đảng ta hay không ? Bởi vì tôi thấy bà vợ tôi hay theo dõi tôi viết lách, rất đáng ngờ; có thể do tôi sợ công an quá xá mà nghi oan cho bà vợ suốt đời kiểm soát mình còn hơn cả công an chăng ? Tôi đã sống hèn hạ như kiếp con giun cái kiến của thân phận người dân Việt Nam để cốt yên thân. Đến nỗi, mỗi lần mở máy vi tính, cái tôi nhìn thấy trước nhất là một câu “ranh ngôn” tự viết : “ Kẻ mạnh là kẻ biết sợ !”

Sau khi ông trung tướng tuyên án tử hình tôi, tôi đã rét run lên mặc dù Hà Nội hôm ấy nóng trên 38 độ. Tôi bỏ cuộc đi thăm thú Hà thành, tranh thủ mua ít vải màn về để may áo tang cho cả nhà vì đảng ta đâu có thể để tên Lý Tống thứ hai này sống thêm mấy tháng…Tôi chuồn lẹ về Sài Gòn, hi vọng tìm cách giấu biến tin khủng khiếp này không cho vợ con biết.

Chiều 07-08-2010, từ Hà Nội bay về nhà, tôi đã thấy vợ con khóc như ri, khóc khản cả tiếng rằng sao ông dám cả gan bóp dái ngựa thế, chết là phải rồi ông ơi là ông ơi. Chỉ cần một ông công an phường bảo ông là Lý Tống, ông đã chết mất ngáp, đằng này chính mồm ông trung tướng công an phán như thế, chắc vài tuần nữa họ sẽ bắn ông ngay.

Mấy hôm nay, cả nhà tôi sợ quá không dám ngủ, không dám ăn, chỉ uống nước lã cầm hơi, ngồi chờ lính ông đến trói mang tôi đi. Cứ tình hình này, cả nhà tôi có thể chết vì quá sức sợ hãi mà đứt hết ruột gan.

Tôi xin cắn rơm cắn cỏ, van ông trung tướng quyền uy ngang trời hãy thương xót chúng tôi mà mở lượng hải hà, ban cho vợ con tôi một con đường sống, dù ông có bắn tôi ngay bây giờ.

Xin ông hãy tuyên bố trên báo công an của ông rằng : tên Trần Mạnh Hảo lúc trong đại hội đích thị là Lý Tống, nhưng ra ngoài nó sợ quá co vòi lại nên đã biến thành một tên Lê Công Định thứ hai. Đảng sẽ cho nó mươi năm tù để nó nếm đòn tự do dân chủ, tha mạng chó cho nó khỏi dựa cột, đặng để vợ con tên phản động này khỏi chết vì quá sợ hãi.

Nếu ông làm được vậy, là ông nhân đức nhất nước rồi, trời phật sẽ cho ông sống lâu trăm tuổi để ông bắt hết bọn Lý Tống đang có cơ mọc lên rào rào như mầm măng đầu mùa gặp mưa.

Tôi xin ông thêm một ân huệ nữa. Nếu ông có sai các cây bút công an hay các giáo sư tiến sĩ Mác –Lê dùng tên giả để “đánh” các bài báo phản động của tôi thì các ông hãy đánh một cách quân tử, đừng dùng lối tiểu nhân như các ông vẫn làm. Phê phán các bài viết của người ta mà không in bài viết ấy lên để người đọc kiểm chứng, lại cắt xén, xuyên tạc, bịa ra đời tư của người ta…như các ông vẫn làm với các nhà đối kháng thì quả là các ông không chính danh, không quân tử, không đàng hoàng tử tế.

Các ông có sức mạnh vô song của súng, của nhà tù, của chuyên chế vô sản, có sợ con ma nào mà phải phê bình phê bèo kiểu học phiệt, kiểu xiên xẹo, mèo mả gà đồng không xứng danh “ phương diện quốc gia” như thế ?

Một điều nhỏ nữa tôi xin góp ý với ông là sau khi ông kết án hai chúng tôi là Lý Tống, là ông đã nói một câu rất hớ, rất không xứng tầm lon trung tướng và không xứng tầm với một người đa tài “ bằng vạn Nguyễn Đình Thi”; ấy là khi ông phán : “ Tôi trung tướng công an nhà văn Hữu Uớc phê phán Hội nhà văn dám để mấy tên Lý Tống này lên diễn đàn đòi chủ quyền quốc gia, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa không đúng chỗ, đòi tự do dân chủ không đúng chỗ !”

Chính ra các ông nên đề một bảng cấm ở hội trường đại hội : ‘CẤM YÊU NƯỚC, CẤM ĐÒI CHỦ QUYỀN HOÀNG SA, TRƯỜNG SA” và thêm khẩu hiệu : “CẤM NÓI ĐẾN DÂN CHỦ TỰ DO” thì có phải là đẹp lòng đảng ta lắm lắm ru?

Tuyên bố như thế, có khác gì ông vu cho đảng cộng sản cầm quyền bán đất bán biển cho Trung Quốc ? Như vậy, liệu đảng ta còn khoái ông không? Tuy rằng thực chất vấn đề có thể đúng như ông nói, nhưng tuyên truyền thì phải nói ngược lại là đảng ta yêu nước ta, yêu tự do dân chủ nhất thế giới chứ ?

Mấy lời thô thiển của kẻ dân đen mạt hạng đang run sợ như cầy sấy, cắn rơm cắn cỏ van ông rủ lòng từ bi hải hà mà tha cho vợ con tôi khỏi phải chết vì quá sợ hãi, bằng cách ông “ hô biến” , biến chúng tôi từ Lý Tống thành Lê Công Định…

Cầu cho ông được khỏe mạnh để có thể vào trung ương khóa này mà nắm chức bộ trưởng công an như ông hằng mong ước..

Kính thư :

Kẻ hèn mọn tên là Trần Mạnh Hảo
Sài Gòn ngày 10-08-2010

T.M.H.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Khi kẻ thù bắt tay

Xem một đoạn phim tối qua khi hai kẻ thù bắt tay nhau để trừ khử kẻ thù chung, có một câu nói dịch đại khái như sau "Trong chính trị phải biết bắt tay kẻ giết cha mình, và phải biết cười với kẻ đã từng đâm mình sau lưng".
Ôi chao sao mà thấm thía, khi mấy hôm nay tin tức cứ loan rộn ràng là Mỹ sẽ giúp chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho Việt Nam, nồng ấm hơn với Việt Nam trong vấn đề quân sự ở Biển Đông. Ôi nghe mừng là đỡ bị anh Trung ăn hiếp, nhưng mà trình độ mù mờ cỡ như tôi thì, lo cứ lo.  Ai chằng biết anh Mỹ, cái gì có lợi thì làm, không có lợi thì lại bỏ rơi ngay thôi.  Chả tin được.  Đất nước VN còn nghèo còn trăm thứ phải lo cho trẻ con, nay xây nhà máy hạt nhân rồi lỡ không đủ chuyên viên cao cấp có năng lực, lỡ có làm sao lại giống như vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Liên Sô, gây nên một tai họa tệ hại nhất trong lịch sử.  Lỡ có gián điệp nước "lạ" tới từ Tây Nguyên làm nổ thì làm sao? Mảnh đất VN chỉ bé tí ti, lỡ có làm sao thì cả nước chạy đi đâu, khi ngoài biển Đông thì bị cấm ra, đâu như hồi xưa còn có thể vượt biển được.

Ôi thôi tôi cứ ngồi nghĩ vớ va vớ vẩn, chứ tôi tin là "đảng ta" đã nhận ra là không thể đi thẳng về phương Bắc mà phải đi hàng ngang giống con cua cho nó chắc ăn.  Có tới đích nào không thì chưa biết.  Lạng quạng lại xôi hỏng bỏng không, hay VN lại trở nên bãi chiến trường, một Mỵ Nương với hai chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh?  :-)

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Hội thì to văn chương thì nhỏ

Thi thoảng tôi cũng hay thích đọc "linh tinh" nên tôi cứ mua sách để đấy và đọc không... kịp vì thì giờ cứ đọc ở net :-). Cả mấy tuần qua nghe chuyện hội họp bầu bì Hội nhà văn VN. Xong lại đọc những bản tường trình kiểu như "Văn hoá vỗ tay" cho thấy một thực trạng không có văn hoá , rồi lại Ai cần nhà văn và tôi cũng đồng ý với blogger Thanh Chung về chuyện Hú viá khi nói về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cứ để cho cô có thì giờ quan sát thế sự nhân tình viết văn cho người đọc, lo chuyện to lớn của cái Hội NV thì có lẽ sẽ mất một nhà văn.

Hơn nữa, ngày nào VN còn cái hội NV (thật) to như thế thì chắc chuyện viết văn phụng sự xã hội sẽ là rất nhỏ, có lẽ chỉ khi nào không còn sự vỗ tay để người nghe phải thật chú ý trang trọng đến văn chương, ngày ấy VN mới có hy vọng có một nhà văn được giải Nobel.

Có ai biết cái danh sách hội nhà văn VN ở đâu, chỉ tôi để từ nay tôi chẳng mua sách của mấy ông/bà nhà văn này :-)

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Kịch bản dân oan xứ Việt

Hôm qua nói chuyện dân oan xứ Hàn, nghĩ bụng sao không có ai làm phim dân oan xứ Việt cho mình xem.  Hôm nay đọc, thì mới biết có rất nhiều kịch bản, chỉ chưa có "kinh phí" để thực hiện đó thôi. Cũng như hôm nọ lẩn thẩn nghĩ sao VN không chịu xây dựng một phim trường làm nơi cho các bộ phim được thực hiện ngay tại VN, đồng thời có thể làm nơi giải trí cho dân, cho khách du lịch, dĩ nhiên là có lợi nhuận, khỏi phải chạy sang Trung Quốc đóng phim Việt làm giàu cho thiên hạ, trong khi đó người ta chia nhau xẻ khu vực Tuyền Lâm để xây biệt thự, sân golf.  

Cứ nhìn tấm hình trong bài này thì mới thấy được mọi chuyện đều do Đảng tác động rồi mới tới nhà nước. Mà đảng CSVN vốn từ xưa vẫn hoạt động "bí mật", cho nên dân tới không gặp ai, không biết là ai cũng phải thôi.  Khổ các cụ cứ hỏi cho bằng được làm gì, cho mệt.  Các cụ chả hiểu nội quy của đảng viên tí nào cả.  Có lẽ chỉ ở VN mới có những tấm bảng kỳ cục như vậy, ở các nước khác chả bao giờ ghi thế vì các đảng luôn thay phiên nhau làm việc cho nên họ không thể để cho đảng này nhầm lẫn với đảng kia. Kể ra đảng CSVN hiện nay rất "chính danh" ghi rõ ràng cho dân biết là đảng cầm quyền chứ không phải chính phủ nào (dân chọn) cả. Do đó các cụ cứ yên chí có đi đâu cũng chả gặp ai, dù có hàng vạn nghị quyết chính phủ thì đảng còn sờ sờ ra đó làm sao giải quyết được vì đó là "chuyện ngoài nội bộ".





Tấn bi hài kịch “tiếp dân”: Người dân được gì qua việc Chính phủ quyết định đổi mới công tác tiếp dân

Post lại từ bvnpost on 04/08/2010
Cũng phải mấy lần người này mới ghi tên dưới mấy dòng chữ, và không đóng dấu gì cả. Xin số điện thoại của cơ quan tiếp dân, đáp không có.

Kính thưa Giáo sư NGUYỄN HUỆ CHI,

Chúng tôi là những người dân trình độ hiểu biết thấp kém, hằng ngày vẫn cố tìm đọc những bài viết của các bậc trí thức trên trang bô-xít Việt Nam, để học hỏi và mở mang kiến thức.

Hạnh phúc cho chúng tôi biết bao nhiêu kể từ ngày có một trang mạng đưa những tin tức cần thiết, trung thực; với những ý kiến nhận xét về các vấn đề của đất nước rất phù hợp lòng dân. Chúng tôi có cảm giác là từ nay người dân không còn phải sống với thân phận của kẻ thấp cổ bé miệng nữa. Nhiều chuyện muốn nói, nay đã được Giáo sư và các cộng sự của Ông nói giúp. Xin cho tôi thay mặt số bà con chung quanh tôi, gần đây vẫn liên tục theo dõi những bài viết trên mạng Bô-xít Việt Nam, gởi lời cảm ơn chân thành tới Ông và những tác giả có bài viết trên mạng.

Từ thực tế cuộc sống, chúng tôi cũng xin mạo muội viết ít dòng gởi cho trang mạng. Nếu được đăng để góp tiếng nói chung thì tốt. Còn không thì coi như chúng tôi cung cấp cho Ban biên tập một ít tư liệu để tham khảo.

Mong Giáo sư hiểu cho tâm trạng và tấm lòng của chúng tôi.

Kính chúc Giáo sư và các cộng sự luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho nhân dân và đất nước.

Trân trọng kính chào.

Những người đã đến nơi tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được nêu trong bài viết gửi kèm:

1. Thái văn Dậu, nông dân,85 tuổi,

2. Võ văn Tấn, nông dân, 78 tuổi.

3. Nguyễn Văn Lãnh, nông dân, 60 tuổi.

4. Thái Văn Thiện, nông dân, 56 tuổi.

5. Lê Văn Việt, nông dân , 62 tuổi.

6. Lê văn Hóa, nông dân, 52 tuổi.

7. Thái Văn Bì, nông dân, 56 tuổi,

8. Lê thành Nhơn, nông dân, 52 tuổi.

Chúng tôi cùng cư ngụ tại Phường Phú Mỹ và Phường Phú Tân, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Quyết định đổi mới công tác tiếp công dân lại không căn cứ vào nguyện vọng bức xúc của nhân dân, không phát xuất từ ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, hoặc từ yêu cầu của Quốc hội, là cơ quan đại diện chính thức của nhân dân cả nước. Quyết định số 858/QD-TTg của Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới công tác tiếp công dân.được ban hành căn cứ vào kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 307-TB/TU ngày 10-02-2010. Đã không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của dân, chắc chắn đề án nầy sẽ chẳng đáp ứng gì cho những yêu cầu bức xúc của người dân.Và không khéo, đây chỉ là một trong những đề án người ta vẽ ra để có cớ tiêu tiền tỷ của nhân dân và rốt cuộc làm cho người dân khổ thêm. Phải chăng cách đổi mới công tác tiếp công dân tốt nhất là dẹp bỏ đi những trụ sở tiếp dân mà hiện nay chỉ có tác dụng như những lô-cốt ngăn chặn người dân đến tiếp xúc với người có trách nhiệm trong chính quyền? Tại sao chính quyền của dân, do dân và vì dân mà người dân không được bén mảng đến trụ sở các cơ quan hành chánh? Cán bộ chính quyền ăn lương của dân, có trách nhiệm giải quyết công việc cho dân, thì phải trực tiếp tiếp xúc để nghe dân nói, dân yêu cầu mà giải quyết. Không được né tránh, không được đặt ra cơ quan này, cơ quan khác để làm thay!

****************

Báo chí đã đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định đổi mới công tác tiếp công dân. Nào là tiếp công dân phải gắn với việc giải quyết khiếu nại, phải tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong tiếp công dân, phải trang bị nối mạng để người dân có thể theo dõi kết quả giải quyết khiếu kiện, kiến nghị của mình…

Chúng tôi là những người bị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi và bồi thường đất trái pháp luật, và đã bị cưỡng chế lấy hết sạch tài sản, đất đai; đang thất nghiệp, không biết làm gì để sống. Chúng tôi đã vác đơn khiếu kiện khắp nơi nhưng chưa được ai trả lời một tiếng nào. Bốn lần kéo nhau đi Hà Nội, đưa đơn tận tay một số cán bộ như Ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Đức Thuận… Ăn chực nằm chờ hằng tháng trời để nhận được mấy tờ phiếu chuyển.

Sau mấy năm chờ đợi, chúng tôi mỗi người ký một lá đơn khiếu nại Ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công văn 295/CP-CN ngày 19-3-2003 để làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi bồi thường đất trái pháp luật của chúng tôi làm Khu Liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương. 12 gia đình liệt sỹ cũng ký chung một lá đơn tương tự, gởi cho Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào ngày 27-7-2009. Tiếp tục chờ đợi mãi, chẳng có hồi đáp gì. Chúng tôi lại ký đơn nhắc Thủ tướng trả lời đơn khiếu nại của chúng tôi đúng theo quy định của Luật tố cáo khiếu nại. Cũng im lặng.

Nay, nghe tin có Quyết định đổi mới công tác tiếp công dân, bà con cử 8 người, thay mặt cho gần 50 hộ dân đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh để yêu cầu Thủ tướng trả lời.

Ngày 19-7-2010, thức dậy từ 3 giờ sáng, đi qua bốn chặng xe, 8 người chúng tôi đã tới được trụ sở tiếp dân ở đường Hồ Ngọc [Học?] Lãm, quận Bình Tân. Ở đây đã có vài chục người, dân các tỉnh Long An, Bình Thuận, Đồng tháp, Tiền Giang… tự xé một tờ giấy để viết nội dung đăng ký xin tiếp, đưa vào trong và chờ đợi. Một lúc khá lâu, chúng tôi được gọi vào để trả lời: hôm nay đông quá, thứ Tư trở lại.

Chúng tôi yêu cầu cho giấy hẹn. Năm lần bảy lượt, người tiếp dân mới lấy một mảnh giấy nhỏ, ghi nguệch ngoạc mấy chữ. Chúng tôi yêu cầu ghi rõ họ tên, chức vụ người hẹn và đóng dấu vào. Cũng phải mấy lần người này mới ghi tên dưới mấy dòng chữ, và không đóng dấu gì cả. Xin số điện thoại của cơ quan tiếp dân, đáp không có.

Ra khỏi phòng, chúng tôi quan sát kỹ cái nơi tiếp dân của cơ quan lãnh đạo cao nhất nước.

Đây là nơi tiếp dân của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc Hội… mà không hề có lịch ghi trong tuần, ngày nào ai tiếp, tiếp ở đâu, cán bộ nào tiếp…

Ngoài cổng, tấm bảng của trụ sở cũng không ghi số điện thoại, cái phương tiện tối thiểu của bất cứ nơi nào cần giao dịch với công chúng. Từ tiệm hớt tóc, uốn tóc cho tới cửa hàng tạp hóa nhò, quán ăn nhỏ, người ta cũng ghi số điện thoại để tiện cho việc giao tiếp. Ở đây không có, mà hỏi cũng không cho.

Công nhân viên chức theo quy định, khi làm việc phải mang bảng tên, có mã số viên chức hẳn hoi. Ở đây, người tiếp dân không đeo bảng gì cả, trên bàn làm việc cũng không có bảng tên và chức vụ của anh ta.

Nhìn tờ giấy hẹn trên tay, chúng tôi ngao ngán cho cái kiểu tiếp dân ở trụ sở này. Đành phải lặn lội qua bốn chặng xe để về nhà. Mất một ngày trời, mất bao nhiêu tiền xe, để được một tờ giấy hẹn thua cả tờ giấy dùng để… đi vệ sinh.



Sáng thứ tư 21-7-2010, mọi người thức dậy sớm hơn để ra tỉnh kịp đi chuyến xe đầu tiên về thành phố. Cũng phải lặn lội qua bốn chặng xe, kẹt đường kẹt sá hằng mấy tiếng đồng hồ, mới đến được trụ sở tiềp công dân. Chờ đợi, đưa hồ sơ ra, xin gặp cán bộ tiếp dân.

Người hướng dẫn bảo: việc này, nếu muốn gặp Văn phòng Chính phủ thì phải trở lại vào ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, Văn phòng Chính phủ tiếp dân vào những ngày đó. Hôm nay không có. Còn Thanh tra chúng tôi chỉ tiếp dân, không giải quyết trả lời đơn đã gởi cho Thủ tướng và cũng không nhận đơn gởi cho Thủ tướng.

- Thế tại sao hôm thứ hai anh không hẹn chúng tôi vào thứ Ba, thứ Năm mà lại hẹn thứ Tư?

- Hôm đó đông người, tôi chỉ hẹn ngày trở lại chứ không biết là các anh cần gặp Văn phòng Chính phủ!

- Xin cho chúng tôi gặp cán bộ phụ trách trụ sở tiếp dân.

- Không có ở đây.

- Cho tôi biết tên và số điện thoại của ông ấy.

- Tôi không có.

Chúng tôi lại phải ra về để lại phải trở lên vào một hôm khác.

Sáng 27-7-2010, chúng tôi lại đi. Ông Thái văn Dậu 85 tuổi, đi hai lần đã mỏi mệt, hôm nay thay Ông Võ văn Tấn, 76 tuổi. Không quen xe cộ, trên đường ông ói lên ói xuống đến ngất xỉu. Chúng tôi cạo gió, cứu cấp cho ông, nhưng vẫn phải đi cho đến nơi kịp lúc. Cuối cùng, rồi cũng đến.

Cán bộ tiếp dân chỉ cho một người vào, mặc dù chúng tôi đăng ký 8 người cùng một vụ.

Khi tôi vừa ngồi xuống ghế, cán bộ hỏi:

- Anh tên gì, cho coi chứng minh nhân dân!

Sau khi nói tên và đưa CMND, tôi hỏi lại:

- Còn anh tên gì? (vì anh ta không đeo bảng tên, trên bàn cũng không có)

- Tên Dương.

- Xin nói rõ họ tên:

- Trần Bình Dương.

Tôi thoáng nghĩ: tên này láu cá thật; biết mình là dân tỉnh Bình Dương nên bịa ra cái tên Bình Dương. Chẳng lẽ lại phải hỏi giấy tờ của hắn. Tôi chưa kịp hỏi lại thì hắn tiếp:

- Anh đến đây có yêu cầu gì?

Tôi trình bày vắn tắt nội dung yêu cầu và đưa ra lá đơn gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với chữ ký của 45 hộ dân. Hắn xem và hỏi tôi một số việc, ghi ghi chép chép, rồi trả đơn, mời tôi về.

Tôi yêu cầu được gởi đơn để chuyển cho Thủ tướng, hắn trả lời:

- Ở đây chúng tôi chỉ có nhiệm vụ tiếp dân, ghi nhận và báo cáo. Anh muốn gởi đơn thì gởi trực tiếp cho Thủ tướng qua đường Bưu điện.

Tôi để lên bàn một xấp mấy chục giấy hồi báo của VEXPRESS và nói:

-Tôi đã gởi cả trăm đơn thư qua Bưu điện, thậm chí đã đưa tận tay ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng, nhưng không được trả lời nên hôm nay mới phải tới đây.

- Vậy thì anh gởi đơn cho Quốc hội!

- Tôi cũng đã gởi cho Quốc hội mấy chục lá đơn.

- Vậy thì anh kiện ra tòa án!

Tôi nghĩ đã đến lúc phải rời khỏi chỗ này, nên yêu cầu cho xin một biên bản tiếp công dân. Nói thế nào thì nói, hắn vẫn từ chối:

- Tôi chỉ có trách nhiệm tiếp dân và báo cáo về trên, không thể lập biên bản hay cấp biên nhận gì cả.

Tám người chúng tôi lại lặn lội mưa gió trở về. Ba lần đến trụ sở tiếp dân, chúng tôi đã thấy. Đổi mới công tác tiếp công dân là vậy đó. Giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài là vậy đó. Ức quá, tôi tìm cho bằng được Quyết định của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mà báo chí đã đưa tin.

Ngày 14-6-2010, quyết định số 858/QD-TTg của Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới công tác tiếp công dân. Quyết định này được ban hành căn cứ vào kết luận của Ban Bí thư tại thông báo số 307-TB/TU ngày 10-02-2010, có hiệu lực kể từ ngày ký. Nhưng về thời gian tiến độ thực hiện đề án,quyết định ghi:

“1. Kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ cho cơ quan tiếp công dân:

a)Trước ngày 30-12-2011 hoàn thành việc bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cho 100% cán bộ làm công tác tiếp công dân.

b) Trước ngày 30-6-2012 các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân;kiện toàn tổ chứ, bộ máy cơ quan tiếp công dân ở các bộ, ngành, địa phương.

2. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho trụ sở tiếp công dân.

Trước ngày 30-12-2011 hoàn thành việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tiếp công dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tiềp công dân của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp huyện”.

Chẳng hiểu nội dung kết luận của Ban Bi thư như thế nào, nhưng rõ ràng quyết định đổi mới này được ban hành không phải phát xuất từ các yêu cầu, nguyện vọng bức xúc của người dân, và cũng không phải từ yêu cầu của các đại biểu Quốc hội. Nên cứ tà tà mà làm, có sao đâu. Còn từ giờ tới cuối năm 2012, cứ tiếp tục coi dân như cỏ rác, đến cuối tháng 6-2012 mới phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân mà! Từ đây tới đó, cứ tiếp công dân theo cái kiểu hành dân là chính; kể cả có không làm hoặc làm ngược lại những điều quy định rõ ràng trong Nghị định của Chính phủ số 89/CP ngày 07-8-1997 ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân, cũng không sao!

Thực ra, những nơi tiếp dân từ trung ương tới địa phương được tổ chức như những điểm chốt chặn để không cho người dân đến các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh, Bộ, Chính phủ, Đảng, Quốc hội. Đã có trụ sở tiếp dân rồi thì mọi việc cần thiết, người dân cứ phải tới đó. Trụ sở Hội đồng Nhân dân, Trụ Sở UBND, Trụ sở cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội người dân không được quyền tới.

Nhưng những nơi tiếp dân thì chẳng ai có thẩm quyền và có trách nhiệm giải quyết những việc mà người dân cần, kể cả việc nhận để chuyển lại đơn cho Thủ tướng, cho Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Có nài nỉ lắm, họ cũng nhận, nhưng không có biên nhận giấy tờ gì cả, thế thì cũng như không.

Có lẽ cách đổi mới công tác tiếp dân tốt nhất là phải dẹp bỏ các trụ sở tiếp dân và các cơ quan hành chánh nhà nước phải trực tiếp tiếp nhận yêu cầu của người dân để giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Chính quyền 4 cấp này là của dân, do dân và vì dân mà!

NÔNG DÂN BÌNH DƯƠNG

"Dân Oan" xứ Hàn

Nước Hàn này hình như toàn làm phim "chơi xỏ" dân VN hay sao đó, có điều họ mô tả người dân Hàn đi trước VN cả hàng trăm năm khi người dân bị thế quyền tham ô cướp đất của họ cho bọn doanh nhân, người dân phẫn uất khi không còn gì để mât thì họ sẽ đoàn kết chống lại bọn tham quan và cường hào mà ngày nay gọi là doanh nhân (tham lam).
Xem mà thấy cảnh, nhà nước VN đuổi dân đi kinh tế mới khai khẩn, họ đổ mồ hôi khai khẩn xong xuôi thì mươi năm sau lại "quản lý" lại để giải toả bán cho người khác, thế có phải là cướp không?

Chả lẽ dân trí người Hàn xưa lại cao hơn người VN? Họ biết đứng lên đòi hỏi quyền lợi của họ, hay là quan lại Hàn thời xa xưa cũng còn lương tri hơn quan lại VN thời nay?

Bộ phim phụ đề tiếng Anh này cần để cho mấy ông quan tiến sĩ đầu tỉnh xem thì rất tốt, đâu cần phải tốn tiền thi lấy bằng "Mỹ" làm chi cho khổ sở cả tiền lẫn... tài.



The Reputable Family 12.5

Xem toàn bộ ở đây

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Đàm Vĩnh Hưng viết gì ?

Có một lá thư luân lưu trên net, gọi là Hãy đọc những gì Đàm Vĩnh Hưng viết, thư dài 14 trang, đọc thì không có gì gọi là do ĐVH viết mà là do một người nào đó ca ngợi Đàm Vĩnh Hưng và nói ra công tác chính của người ca sĩ này, chả biết thực hư ra sao, nhưng nếu đúng thì những người Việt ở Hải ngoại có lý do rất chính đáng để chống chính sách tuyên vận văn hoá của đảng CSVN, vì đảng điều hành công việc của nhà nước cho nên ở đây chỉ nhắc tới đảng, ở đây tôi không nghĩ người ta "chống ĐVH", mà người ta chỉ dùng ĐVH như một phương tiện để nói lên sự chống đối về tính cách giao lưu văn hoá một chiều của đảng CSVN.

"Và còn nhiều ân nhân nữa đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các cán bộ thông tin văn hoá trong màng lưới cách mạng giăng toả khắp nơi bằng công sức, tiền bạc và trí tuệ để chiến dịch văn hoá vận 3A sớm thành công tốt đẹp.
Nếu không có sự sát cánh của các nhà tổ chức để nối nhịp cầu, bất chấp hy sinh mọi thứ, sứ mệnh này sẽ còn cam go gian khổ biết bao nhiêu!
"

Đọc vài dòng ở trang 5,6, lá thư ca tụng Đàm Vĩnh Hưng là một chiến sĩ của CHXHCNVN.  Chả đâu vào đâu, lá thư có tính cách bôi nhọ ca sĩ ở hải ngoại và nêu lên vai trò của những nghệ sĩ trong nước cần phải là gì.

Lá thư chả biết ai viết, có vẻ như gây sự chia rẽ và khích động những người ở hải ngoại đâm ra ghét cái anh chàng ca sĩ này thì đúng hơn, chả làm được cái công việc là khen để cho người ta hâm mộ hơn mà ngược lại.  Đọc trang cuối nghe mà phát ớn.

Hôm qua tình cờ tôi nghe trên radio, thấy ai đó nói, ai muốn xem văn nghệ thì xin đi xem các văn nghệ sĩ ở hải ngoại, còn ai muốn xem nghệ sĩ ở trong nước thì cứ vui lòng mua vé về VN mà xem.  Tôi thấy cũng rất chí lý.  Vừa quảng cáo cho ca sĩ và hãng máy bay luôn :-).  Ăn cây nào rào cây ấy, xong chuyện. 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"