Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Lan man những chuyện buồn!!!

Nguyễn Minh Đào
Tháng trước, tôi cùng một số bạn bè về đồi Ô Tà Sóc, núi Dài – một địa danh lịch sử trong vùng căn cứ kháng chiến Bảy Núi năm xưa, dự lể giổ lần thứ 43 người đồng đội chúng tôi là anh Trần Nhất Quyết, đại đội trưởng Đại đội trợ chiến 385 thuộc Tỉnh đội An Giang, anh trúng đạn hy sinh cách tôi vài bước khi di chuyển dưới tầm hỏa lực quân Sài Gòn. Sự hy sinh của anh, cùng sự hy sinh những đồng chí, đồng bào tôi chứng kiến trong các cuộc chiến đã qua, để lại ký ức đau buồn trong tôi khó phai!
Ngẫm chuyện xưa, tôi tự hỏi trong thế kỷ trước trên thế giới có nước nào như nước ta sao lắm kẻ thù, hết Tây đến Mỹ từ phương trời xa cũng tìm đến đánh gây đau thương, tang tóc cả hai miền đất nước, rồi người “đồng chí” láng giềng “vĩ đại” phương Bắc “như môi với răng” và người “đồng chí” bé tí ở phương Nam sát nách ta cũng kiếm chuyện đánh ta vỡ đầu sức trán, mà “chiến tranh đâu phải trò đùa” – lời một bài hát – người dân nước ta thích có chiến tranh?!

Sau các cuộc chiến thãm khốc, gần bốn mươi năm xây dựng, với thời gian nầy hoặc ngắn hơn, những nước và vùng lãnh thổ như Nhật, Hàn quốc, Đài Loan…từng đi qua chiến tranh như ta đã thành những “con rồng”, “con hổ” còn ta thì “hai bước tiến một bước lùi”, con đường đi lên công nghiệp hóa chông chênh, đất nước như con thuyền đi trong giông bão…!
Vụ khai trừ đảng ông Tống Văn Công, kết án tù Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào mới đây, cũng như những vụ trấn áp người bất đồng chính kiến tương tự khác, tôi nghĩ Đảng không cần nặng tay như vậy chỉ thêm thù bớt bạn, chuốc thêm oán hận trong lòng người, tích tụ thêm mâu thuẫn xã hội, làm suy giảm thêm uy tín Đảng và tiềm ẩn nguy cơ khó lường cho chế độ! Ngày xưa, Đảng tồn tại và trưởng thành trong lòng dân, ngày nay Đảng tiếp tục tồn tại và phát triển cũng chỉ trong lòng dân mà thôi…!
Chuyện ông Trần Văn Truyền và ông Ngô Văn Khánh – hai quan chức cấp cao cơ quan tổng Thanh tra Chánh phủ có tài sản lớn bị công luận phanh phui, nghi ngờ sự liêm khiết của hai ông không phải không có căn cứ, nhưng đâu phải chỉ hai ông? Còn những cán bộ, quan chức khác giàu có bất thường như hai ông hoặc hơn, đâu khó nhận ra đang sống nhan nhản khắp nơi thì sao…?
Báo Người cao tuổi số mới đây có bài và ảnh “Vườn phố thường vụ” ở thành phố Bến Tre, nêu đích danh một loạt quan chức cấp cao sở hữu những khu đất rộng mặt tiền xây biệt thự đồ sộ, trong đó có căn nhà nhiều tầng của ông Trần Công Ngữ, cựu phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre được hóa giá 180 triệu đồng, ông bán thu lợi 7 tỷ đồng, mà đâu chỉ có ông Ngữ ở Bến Tre… ? Với cơ chế, chánh sách “ưu đãi người có công” bất bình đẳng như thế, là mảnh đất tốt ươm mầm nẩy sinh tệ nạn đặc quyền, đặc lợi và tham nhũng, làm tha hóa đạo đức, lối sống không ít cán bộ, quan chức!
Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường việc phân hóa giàu nghèo trong xã hội không tránh khỏi, nhưng phân hóa đến mức “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” không thể chấp nhận. Nhìn hình ảnh những cụ già lưng còng chống gậy ăn xin, hay ngồi bán mớ rau tạp nhặt nhạnh đâu đó mõi mắt trông người đến mua, những em bé oằn lưng cổng gạch thuê; hay cảnh lật cầu treo chết người, những chiếc cầu hư mục, gập gềnh, cảnh cô giáo và học sinh “chui vào túi ny long” qua suối đến trường… tương phản với hình ảnh những kẻ giàu có, cuộc sống xa hoa, hợm hĩnh và cảnh “đô thị phồn hoa – ngựa xe như nước…”, người có chút lòng nhân không thể không đau buồn, tức giận!
Chúng ta nói nhiều về “xóa đói giảm nghèo”, thu hẹp “khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền”, thực hiện “công bằng xã hội”… Nhưng làm như “vá múc thêm”, không dành nguồn lực đầu tư thích ứng, có hiệu quả thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước hết lòng chăm lo người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong khi đổ tiền của vô “thùng không đáy” vỗ béo những kẻ quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước bất tài, ăn hại và tạo cơ hội bọn tham nhũng đục khoét làm giàu! Tôi nghe người ta tự mãn khoe khoang “thành tích xóa đói giảm nghèo” ở nước ta, nhưng khi nhìn thấy tình cảnh khốn khổ của người dân khắp nơi và được biết tết Giáp Ngọ rồi cả nước có tới 11 tỉnh xin gạo Trung ương cứu đói cho dân, không biết phải nói sao đây?
Mấy ngày nay, báo Tuổi Trẻ đăng bài vợ nguyên bí thư xã giết người quỵt nợ, một nam sinh giết bạn tống tiền ném xác dưới sông, cha ruột đánh con trai chấn thương sọ não đến chết… Đất nước nầy có bao giờ tội ác giết người kinh hoàng xãy ra liên miên như vậy, tôi nghe có nhà báo gọi “tội ác lên ngôi”! Đau đớn nhất là tội ác cha mẹ giết con, con giết cha mẹ, vợ chồng, anh em chém giết nhau… Ôi! luân thường đạo lý dân tộc ta nay còn đâu? Các tổ chức Đảng, chánh quyền, đoàn thể, các viện – trường nghiên cứu khoa học xã hội… làm gì trước thực trạng đau lòng này, chẳng lẽ chỉ chờ các cơ quan pháp luật trừng phạt kẻ thủ ác sao?
Đang viết bài nầy lòng buồn nặng trĩu, nhận email bạn tôi gởi bài có tựa đề “Giữa người với người” trên báo Thanh niên điện tử trang tin Yahoo đăng lại, của một phóng viên theo chân công an phường X bắt gái mại dâm đứng đường đem về đồn có cả bé gái 16 tuổi, thiếu phụ 45 tuổi và… cụ bà 70 tuổi! Phóng viên viết: “… Các công an lấy cung bắt em gái chụm tay đặt phần ngón lên bàn. Rút thắt lưng, chập đôi lại, vừa hỏi gằn từng câu vừa quật thẳng cánh xuống các đầu móng tay sơn đỏ. Chỉ chốc lát, nước mắt cô gái giàn giụa lem luốc hết khuôn mặt phấn son, tóc rũ ra, người giật lên sau mỗi lần chiếc thắt lưng quật xuống. Còn thiếu phụ nọ không ngồi trên ghế mà ôm đầu ngồi dí xuống sàn. Người hỏi cung rất thành thạo túm từng nhúm tóc bên thái dương chị ta giật mạnh. Không khai. Anh ta thẳng chân đá mạnh vào hạ bộ chị nọ. Hết cú này đến cú khác. Mỗi cú đá, chị ta gập mình lại rên rỉ, nước mắt lấp lánh trên mặt. Tôi run hết cả người, quên hết mình đang ở đâu, quên hết mình đang làm gì. Đang đứng trong một nhóm công an bên ngoài, tôi nhao lên. Thì người đồng nghiệp tôi giữ chặt lại và nói thầm: "Đừng". Tôi cảm thấy ruột gan trào ra ngoài. Tôi cảm thấy muốn nôn ọe. Lát sau, anh đội trưởng mời tôi ra uống trà. Anh xin lỗi tôi, hỏi tôi có làm sao không, rồi giải thích: "Không làm thế, những người này không khai ra bọn tú bà. Họ bị bắt rất nhiều lần rồi, đưa lên trại hết thời hạn lại quay về, ra đường đứng tiếp. Nhiều khi cứ vài tháng lại bắt lên trại một lần. Công an đi bắt quá nhiều lần, quen mặt hết trơn, biết cả gia cảnh. Nhưng nếu không khui ra được đường dây (đường dây tổ chức bán dâm - NV) thì dù biết rõ ràng (họ được chăn dắt) cũng không thể làm gì hơn. Bắt vô trung tâm một tuần, có người lên bảo lãnh là nó được ra. Như con nhỏ này. Đi đứng đường tiếp, có lúc thấy anh em còn cười. Anh em cảm thấy công việc của mình như bắt cóc bỏ dĩa, hết sức mệt mỏi. Nhưng không làm thì không được…"
Đọc xong bài nầy tôi ngồi thẫn thờ! Bài viết phản ánh sự thật đau lòng của những phụ nữ làm nghề “bán trôn nuôi miệng”, mà chẳng lẽ trời sinh họ ra để làm nghề nầy sao?! và bài viết tố cáo sự tàn bạo, vô cảm trước nổi đau đồng loại của một cơ quan công quyền cơ sở. Tệ nạn mại dâm nước ta dù bất hợp pháp nhưng có lẽ đứng vào hàng “số dách” thế giới, chẳng những trong nước, mà còn đi nước ngoài bán cái “vốn tự có” nuôi thân. Tôi không bênh vực phụ nữ làm nghề mại dâm, thiên hạ xem họ là thành phần “cặn bã xã hội”, nhưng tôi thấy họ chỉ “bán cái của họ có” đâu ăn cắp của ai, họ còn tử tế hơn kẻ ăn trên ngồi trốc nhờ ăn cấp của dân, của nước!
Và, báo Tuổi Trẻ điện tử mới đây có bài cho biết: Cả nước mỗi năm 100 ngàn phụ nữ lấy chồng nước ngoài và con số nầy tiếp tục tăng hàng năm! Vì cuộc sống khó khăn, họ tìm chồng nước ngoài để đổi đời, ta nên có cái nhìn rộng lượng, cảm thông họ! Nhưng xem hình ảnh trên báo SGTT.VN nhiều phụ nử tập trung trong phòng khỏa thân cho những người đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan… săm soi lựa chọn như mua hàng ngoài chợ, tôi cảm thấy nhục nhã, đau lòng, tự ái dân tộc bị xúc phạm nặng nề! Ôi! người phụ nử Việt Nam một thời “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đãm đang” vì sao ngày nay ra nông nỗi, đến bao giờ thãm trạng nầy chấm dứt!?
Đến đây, tôi định đặt dấu chấm hết bài viết, nhưng đọc báo Tuổi Trẻ ngày 21/3 có bài “Không yên tâm với dự án bôxit” tôi không thể bỏ qua, nên viết thêm chuyện nầy. Theo ông Hồ Uy Liêm, nguyên phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỷ thuật Việt Nam: “Dựa trên số liệu Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) cung cấp và giá thị trường thế giới cuối năm 2009, các nhà khoa học lúc bấy giờ tính ra mức lỗ có thể lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Số liệu mới nhất trong năm 2014 do chính TKV cung cấp cũng xác nhận điều này. Đáng tiếc là ý kiến của chúng tôi lúc bấy giờ không được lắng nghe…”. Vẫn trên số báo nầy, ông Tô Văn Trường trong mục Thời sự & Suy nghĩ viết: “Thực tế lỗ lã của dự án nầy là điều có thể thấy trước và không làm ai ngạc nhiên…”. Cuối bài ông viết: “Dù được bao cấp, ưu đãi rất nhiều nhưng tính bằng cách nào chúng tôi cũng chỉ thấy dự án bôxit lỗ, chưa kể rất nhiều rủi ro khó lường khác về chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội và môi trường. Cảnh báo trên, đến nay nhìn lại càng được thực tế chứng minh là chính xác”.
Chưa từng thấy dự án kinh tế nào ở nước ta gây “náo động dư luận” trong nước kéo dài nhiều năm như dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học, nhà báo, học giả, giới trí thức nói chung và những bậc “công thần” của đất nước, kể cả cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đến người dân bình thường bày tõ ý kiến và ký kiến nghị hàng ngàn người yêu cầu Chánh phủ đình chỉ dự án vì những tác hại, rủi ro khó lường nhiều mặt như ý kiến ông Tô Văn Trường nói trên, nhưng bất chấp tất cả, dự án vẫn triển khai thực hiện ngày nay ra cớ sự, tương lai rồi sẽ ra sao…?!
Rồi đây, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang được xúc tiến, khi tai họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô cũ ngày xưa và nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật mới đây cảnh báo, khiến cho một số nước công nghiệp ở Châu Âu từng sử dụng năng lượng điện hạt nhân từ lâu, người ta còn tính đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân để tránh hiểm họa cho đất nước họ. Còn ta, chưa từng biết điện hạt nhân là gì, lại “đâm đầu cấm cổ” lao vào, mặc cho ai can ngăn!
N.M.Đ
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-3-14

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"