Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

McDonald's, Ukraine và Việt Nam

Đoàn Hưng Quốc
Công ty thức ăn nhanh McDonald's mở nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 02-2014. McDonald's vốn được xem như biểu tượng của nước Mỹ nên làm nảy sinh ra ba giai thoại thú vị liên quan đến trào lưu toàn cầu hoá, chính sách tiền tệ và đầu tư địa ốc (!) tuy hài hước nhưng lại trở thành đề tài tranh luận của không ít học giả quốc tế – nay xin được kể lại để đọc giả trong và ngoài nước nghe chơi.
Giai thoại thứ nhất do nhà bình luận nổi tiếng Thomas Friedman [1] của tờ New York Times đề xuất vào năm 1996 rằng không hề có chiến tranh giữa hai nước cùng có nhà hàng McDonald's [2]. Giả thuyết tiếu lâm này dựa trên quan sát rằng công ty McDonald's đầu tư thường vào giai đoạn nền kinh tế của một quốc gia tiến vào bước ngoặc toàn cầu hoá, mở cánh cửa thương mại với thế giới và xây dựng được tầng lớp trung lưu – nên nước này sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại hơn là lợi ích khi sanh sự với các lân bang. Luận cứ Friedman đứng vững gần 10 năm cho đến 2008 khi Nga tấn công vào Georgia, rồi nay lại bị nước Nga phá hỏng lần nữa khi tiến chiếm vùng đất Crimea của Ukraine vào năm 2014 (cả ba quốc gia đều có nhà hàng McDonald's). Thì ra toàn cầu hoá là mô hình do Hoa Kỳ dựng ra, các nước lớn như Nga nhờ vào đó phát triển đến mức độ hùng mạnh thì lại sanh thêm tham vọng bành trướng nên không ngần ngại vi phạm ra ngoài biên giới. Câu hỏi đặt ra là nay cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có McDonald's nhưng liệu Hoa Lục có sẽ tấn công biên giới và biển đảo VN khi nền kinh tế đã trưởng thành nên không còn sợ bị thế giới phong tỏa?

Giai thoại thứ nhì do tuần báo The Economist đưa ra vào năm 1986 khi dùng giá bán chiếc bánh Big Mac của nhà hàng McDonald's trên nhiều quốc gia để định giá trị đồng tiền của nước này so với đô-la Mỹ [3]. Tiêu chuẩn đưa ra dựa trên giá thành của Big Mac gần như giống nhau trên khắp thế giới, nhưng giá bán chênh lệch là do nhà nước ép giá đồng bạc trong nước. Nghe có vẻ khôi hài nhưng kết quả số liệu lại không xa thực tế, và nếu dựa trên giá bán Big Mac thì tiền Việt Nam hiện bị hạ 38% (tức 1 USD đáng lẽ chỉ đổi 12975 VND thay vì 21090 VND như hiện nay) tức là dân chúng phải chịu thiệt hại cho nhà nước cứu vãn nền kinh tế, ngân hàng và các công ty quốc doanh.
Giai thoại cuối cùng – nhưng người viết chỉ nghe kể lại mà không có nguồn dẫn giải – khi nhà sáng lập McDonald's thuyết trình tại Đại học Harvard đã hỏi các sinh viên rằng đầu tư chính của công ty nhắm vào thị trường nào? Mọi người đều bỡ ngỡ trước câu hỏi lạ lùng này cho đến khi một sinh viên dè dặt trả lời rằng mục tiêu ắt hẳn bán thức ăn nhanh. Nhà sáng lập lắc đầu và cho biết thành công của công ty McDonald's chính trong ngành ĐỊA ỐC! Thật vậy, nếu độc giả để ý quan sát thì các nhà hàng McDonald's đều có mặt nơi những khu đất giá trị nhất trên khắp các thị tứ toàn cầu.
Nay nghe đồn công ty McDonald's sẽ mở hàng trăm cửa tiệm tại Việt Nam thì việc chọn con rể của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Giám đốc Điều hành chắc hẳn sẽ tạo nhiều thuận lợi khi mua bán đất đai. Kính chúc gia đình Thủ Tướng ngày thêm giàu sang phú quý.
***
[1] Ký giả Thomas Friedman được trao giải Pulitzer vào năm 1982, 1984 và 2002. Ông cũng là tác giả của hai quyển sách nổi tiếng là The World is Flat (Thế giới phẳng) và The Lexus and the Olive Tree (Xe Lexus và cây Ô-liu)
Đ.H.Q.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"