Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Công lý Việt Nam: Bi kịch của tài nguyên chung

Nguyễn Văn Thạnh
Theo bản năng, con người thường quan tâm đến những gì có quyền lợi sát sườn, gắn bó với mình như công việc, gia đình, tiền bạc và họ không hoặc ít quan tâm đến những vấn đề chung.
congly.jpg
Trong kinh tế học có một khái niệm là tài nguyên chung. Những nguồn lợi như không khí, nguồn nước, đồng cỏ, cánh rừng,… là những tài nguyên chung. Kinh tế học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng con người thường có hành vi lạm dụng tài nguyên chung. Người dân chỉ chăm chăm khai thác tối đa tài nguyên chung và không quan tâm, né tránh trách nhiệm trong việc đầu tư phục hồi nó. Ví dụ người dân sẽ cố gắng tìm cách khai thác tối đa gỗ trong rừng vì cây cối ở đây là của chung.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực xã hội, công lý là một loại tài nguyên chung. Ai cũng cần công lý nhưng không ai muốn bỏ thời gian công sức để bảo vệ, gia cố cho công lý. Nhiều người quen biết, khi tôi hỏi “bạn có quan tâm công lý không?” thì gần như nhận được câu trả lời là không.

Mùa mưa lũ năm ngoái, khi 19 thủy điện đồng loạt xả lũ, gây ra cơn đại hồng thủy làm nhiều người trắng tay, mất của cải-nhà cửa thậm chí là người thân. Những nạn dân này mất công lý và điều đau lòng là họ không có khả năng về tiền bạc, thời gian và sự hiểu biết luật pháp để đi đòi công lý cho mình.
Thấy được bi kịch này, tôi có lập ra cổng thông tin www.kienthuydien.org để kêu gọi xã hội chung tay kiện các thủy điện để mang lại công lý cho nạn dân. Tôi đã cất công ra Hà Nội để vận động sự ủng hộ. Tuy nhiên, đúng như tình trạng bị kịch của các tài nguyên chung, sự quan tâm của công chúng dành cho vấn đề này rất hạn chế. Phần lớn người dân thấy sự thiếu công lý của các nạn dân miền Trung không ảnh hưởng gì đến họ. Một vị có kinh nghiệm trong cuộc sống khuyên tôi hãy vô Sài Gòn vận động. Ông nói “người Sài Gòn có gốc miền Trung nhiều; có thể vì tình thân máu mủ quê hương mà họ ủng hộ vụ kiện chứ người dân ở đây họ không thấy vấn đề này quan trọng với họ”. Tôi thấy lời khuyên có phần phũ phàng nhưng đúng.
Dù khó khăn, ít sự ủng hộ, nhưng chúng tôi vẫn âm thầm và kiên trì gặp gỡ những người bị nạn, thu thập thông tin, thiết lập mạng lưới người dân ủng hộ vì chúng tôi biết rằng mùa mưa lũ sẽ đến và người dân nghèo khó nơi đây lại cần công lý.
Tôi cho rằng, những người đi tiên phong không chỉ cổ vũ cho công lý mà còn có sứ mệnh làm cho người dân hiểu được công lý là một loại tài nguyên chung, cần cho tất cả do vậy mọi người phải có trách nhiệm chung tay đóng góp.
Khi một người dân nghèo miền Trung mất công lý thì người dân cả nước có nguy cơ mất công lý. Bỡi lẽ những kẻ hưởng lợi từ việc bẻ cong công lý vẫn nhởn nhơ, không bị trừng phạt sẽ kích thích những kẻ khác làm theo. Có thể ở Hà Nội hay một nơi nào đó thấy những đại gia thủy điện ở miền Trung xả lũ mà không hờ hấn gì thì kẻ xấu sẽ âm thầm xả thải chất độc xuống đất hay phun khí độc lên trời để thu lợi bất chính.
Quá trình làm cho người dân hiểu về tài nguyên chung là quá trình khai dân trí. Ở những nước có dân trí cao, khi một người dân mất công lý, bị tòa xử oan là người dân xuống đường biểu tình phản đối bản án bất công.
Điều còn xa vời với nền dân trí Việt Nam hiện nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"