Truyện ngắn của Khuất Đẩu
Ngôi chùa ấy lợp tranh. Như thế đủ biết chùa nghèo lắm. Chùa lại nằm giữa một xóm còn nghèo thảm hại hơn. Những mái tranh xiêu vẹo, những tấm tôn rỉ sét, những tấm bạt cũ kỹ. Một mớ xệch xạc nằm chênh vênh cạnh một con đập đắp bằng lá. Cứ như một đám rác lều bều để lại bên bờ sau những cơn lụt.
Nhưng chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ. Tượng lớn to bằng trái bầu. Tượng nhỏ như trái chuối. Đen thui như bới từ trong đống than ra. Dễ chừng có đến hàng trăm tượng. Trước ngày Phật Đản, một chú tiểu nhỏ như cây tăm xỉa răng, lùa hết các tượng trong một cái thúng đem xuống sông tắm rửa. Chú dùng rơm kỳ cọ như các bà rửa xoong nồi. Vì thế có nhiều tượng sứt môi, gãy mũi. Sư cụ biết vậy nhưng cũng chẳng dám quở mắng. Chú chỉ là một đứa bé mà cha mẹ ép tới chùa để bớt đi một miệng ăn, chứ không phải nhất tâm thành chánh quả. Nhỡ chú buồn bỏ đi thì biết cậy nhờ ai trà nước, thỉnh chuông.
Có mỗi câu kinh học mãi cũng không thuộc, lại mắt nhắm mắt mở, nên tiếng chuông của chú cứ cà gật, cà gật. Mặc dù ở bên sông nhưng nó không đủ sức ngân nga để làm sực tỉnh một nhà thơ như chùa Hàn Sơn ở bên Tàu. Dù vậy có tiếng chuông vẫn hơn. Chùa mà không có tiếng chuông sao gọi là chùa.
Nhưng đó là những đêm về sáng, còn đầu hôm công phu chỉ mỗi mình sư cụ. Tuổi già sức yếu, cụ chỉ tụng có mỗi một bài kinh. Hơi thở ngắn, tay lại run nên người ta chỉ nghe thấy tiếng è è cùng tiếng mõ khành khạch như tiếng thở của một người bị bệnh hen và tiếng nấc của một người mắc chứng nấc cụt nằm cạnh nhau trong một đêm khó ngủ. Nhưng dẫu sao, đó cũng là những âm thanh dễ chịu giữa những tiếng ầm ĩ vợ chửi chồng, cha mắng con, tiếng cãi cọ của đám bầu cua cá cọp, tiếng hú hí cười cợt của đám đĩ rạc bị công an rượt đuổi ở thành phố đã trôi dạt tới đây.
Nhiều người ái ngại, lên tiếng chê trách. Ban hộ tự đâu, mà để chùa xơ xác như thời mạt pháp vậy? Nhưng chỉ dăm bà già ốm yếu, nghểnh ngảng đến chùa nhiều khi quên mất đường về nhà, thì đào đâu ra ban hộ tự! Người ta cũng chẳng mấy khi mời sư cụ đến nhà tụng kinh cầu siêu gia đạo hay cầu hồn. Mà nếu có, cụ cũng chỉ uống chén nước trà rồi về chứ không hề nhận một đồng công đức. Chùa như thế nghèo là phải lắm.
Sư cụ, gầy nhom như một con muỗi đói. Nói thế hơi hỗn, nhưng trông cụ gần như cái xác ve, chẳng có một hột máu nào. Ấy là bởi cụ thường nằm ngủ gối đầu lên một cái trống tum. Mà trống bị bể, cụ lại kiêng sát sinh nên bao nhiêu rệp của cả xóm đều kéo tới. Đương nhiên chúng không phải đến để nghe kinh, mà để hút máu cụ cho đến phễnh bụng ra rồi chui vào trống ngủ. Chúng càng béo tốt thì cụ lại càng gầy ốm.
Một hôm thằng bé nghịch lấy cây gõ lên mặt trống. Trống không kêu. Gõ nhiều lần cũng chỉ nghe cành cạch. Nó bực mình ném xuống đất. Trống vỡ toang. Một đám rệp căng tròn như đậu đen văng ra khắp chùa. Nếu đếm được, dám đến cả triệu con.
Dù phải hốt hoảng trốn chạy, nhưng rồi đâu cũng vào đó, không còn trống thì chúng lại chui vào kẹt ván, vào vạt giường, vào áo quần, ngay cả chiếc áo cà sa treo trên vách. Chúng vẫn cứ nhởn nhơ ăn, ngủ, rồi sinh sôi nảy nở cái giống nòi mà không hiểu thượng đế sinh ra làm gì khi đã có cái giống thượng đẳng là loài người.
Chùa nghèo chẳng ai buồn biết tới. Sư cụ ốm cũng chẳng ai hay. Nhưng cái sự vụ mà tôi sắp kể ra đây xứng đáng được coi như tiếng nổ giữa trời quang. Một tiếng nổ hất tung mọi sự và đổi thay biết bao số phận.
Đó là một buổi tối cuối tháng giêng khi cái máu ăn chơi của người mình, càng nghèo lại càng chơi, vẫn còn hừng hực: những quán cóc vẫn không ngớt dô dô, mùi thịt nướng (chẳng cần biết thịt gì, hễ cứ nướng là thơm) vẫn cứ bay ngào ngạt và các ả bán thịt người đắt khách đến nỗi không cần phải ra chào mời tận ngoài đường. Một buổi tối như thế trên quê hương tôi, khiến sư cụ nằm trên chiếc võng rách lơ mơ muốn ngủ mà không ngủ được.
Đương nhiên là vì rệp cắn. Mà cũng đương nhiên vì cái đạo hạnh của cụ chưa đủ đức độ cảm hóa cái cõi ta bà nhỏ bé kia. Cửa chùa vẫn cứ rộng mở nên bao nhiêu âm thanh và mùi vị cứ như nước lụt tràn vào. Chuông thì rè, mõ thì bể. Mà dẫu cho không rè, không bể, dẫu có hàng chục cái chuông, mõ, kể cả trống, cũng không át nổi cái cơn cuồng say của cả xóm. Chỉ có cây đũa thần mang phép nước, tục gọi là cây gậy của công an, mới mong có thể dẹp yên được.
Thì đúng là cầu được ước thấy, vì ngay lúc đó sư cụ nghe tiếng tu huýt, cùng tiếng chân chạy rầm rập, tiếng hô bắt lấy nó, tiếng tru tréo không phải tui đâu, tui đâu có làm đĩ, tiếng van xin nịnh nọt, thôi mà sếp, tha cho em lần này… Và chỉ đúng một khắc, tất cả đã trở lại cái trật tự đìu hiu, cái buồn muôn thủa của xóm nghèo. Lại nghe tiếng nước chảy rì rầm qua đập, tiếng giã bột bún thình thịch, tiếng các bà vợ chì chiêt chồng con. Chỉ thiếu có tiếng chuông, vì chú tiểu nhỏ mãi mê chạy theo coi đám con gái quần áo sáng ngời, bị công an còng tay dẫn đi.
Đó là nghe.
Còn thấy, thì Giời Phật ơi, có cái gì trăng trắng lao vào chùa, như một cái gối ôm bị ai quẳng vào chánh điện, nơi có đến hàng trăm tượng Phật sắp hàng ba trên bệ nhìn xuống. Ừ, thì cứ cho là cái gối ôm đi, nhưng là một cái gối ôm có tay dường như đã nhăm nhe từ trước, nên giống như một con cò mổ ruồi, nó phóng tới đúng chóc chiếc áo cà sa đang treo trên vách; rồi loáng một cái, nó cuộn tròn vào mình, nằm phủ phục trước bệ thờ như lúc sư cụ đảnh lễ.
Sư cụ ốm nhom có cảm giác thân mình bỗng dưng nặng như đá. Chiếc võng cọt kẹt rít lên, như sắp đứt phựt. Hả cái miệng không răng nhưng vẫn còn lưỡi, sư cụ muốn la to lên mà la không được (người ta bảo lúc ấy sư cụ sợ quá thụt mất lưỡi). Chiếc áo một năm chỉ có mấy lần giặt (sợ rách), dù cho âm ỉ mùi mồ hôi, mùi cáu ghét, có cả mùi rệp vẫn là chiếc áo thanh khiết không hề chung chạ, chỉ mặc khi tụng kinh gõ mõ, sao lại có thể khoát lên cái trăng trắng nhất định là không sạch đó! Nếu quát lên được cụ đã quát: “cái con đàn bà dơ dáy kia, mi có trả cái áo lại không thì bảo!” Nhưng nếu nó cởi ra trả, thì… cụ lại ú ớ như bị mộc đè, cái trăng trắng kia mà phơi ra lồ lộ, không chừng hàng trăm tượng trên bệ sẽ nổ bung hết cả hai con mắt!
Đang lưỡng lự chưa biết tính sao thì ngoài cửa có một vị mặc đồ công an cầm roi điện ngoái cổ nhìn vào, tưởng là sư cụ đang quì mọp, cất tiếng “mô Phật!” một cách diễu cợt, rồi bỏ đi.
Đợi cho kẻ săn đuổi đi khá xa, cái trăng trắng ngồi bật dậy lao ra khỏi chánh điện. Trước khi lẫn mình vào bóng đêm đã không quên ném trả lại chiếc áo và nói: “con xin thầy thông cảm!”
Phải một lúc lâu sư cụ mới đứng lên được. Cái lưng đau sẵn cọng với chiếc áo trên mình ả khiến cụ cảm thấy đau lịm cả người. Chiếc áo mà cụ giữ gìn cung kính là thế, giờ đang nằm hớ hênh một nửa vắt lên bệ thờ một nửa thòng xuống đất. Chao ôi! sao mà giống cái bộ da cáo của con hồ Nguyệt Cô quá! Đến nước này thì liệu có dám khoát lên mình mà đứng trước Phật đài?! Nó đã phủ lên cái gì trăng trắng đó rồi thì chính nó cũng đâu dám chường mặt ra trước cặp mắt của hàng trăm vị bồ tát.
Cụ run rẩy đặt mấy ngón tay lên lớp vải vàng ố vì đã quá cũ. Thường thì nó nhạt nhạt, lạnh lạnh. Nhưng giờ, như nó vừa được hơ lửa, nóng đến bỏng tay. Áo nóng hay tay mình nóng? Cụ ngơ ngác tự hỏi. Nó đã được cái gì trăng trắng cuộn tròn vào mình, khít rịt từ đỉnh đầu cho đến gót chân, đã từng nghe máu chạy dưới da, từng hít cái hơi son phấn nồng nàn, nó nóng là phải. Đó là cái mùi của tội lỗi. Còn mình? Mình cũng có tội chứ không à? Sao không nhào tớí mà ngăn nó laị? Cùng lắm thì cứ đè nó ra mà lột, đến tuổi này thì còn sợ gì cái trăng trắng đó nữa! Nhưng như thế thì ác quá! Nó sẽ bị công an lôi đi đưa vào những trại giáo dưỡng như nhà tù. Con nó ai nuôi, cha mẹ nó ai săn sóc?! Giá như hôm nay có đức Phật, chắc ngài cũng để cho nó mượn áo mà thôi. Có phải vì thế mà chiếc áo trở nên ô uế đâu. Khi hành đạo chính ngài đã nhặt nhạnh từng miếng vải vụn trên đường đi, kết thành một tấm vảỉ lớn quấn quanh mình. Chẳng thịt da nào là có tội. Cũng chẳng quần áo nào là đáng khinh. Không chừng chiếc áo vừa rồi đã làm nên ơn phước vì cứu được một người. Như thế cũng là công đức.
Sư cụ bình tĩnh nhặt lên, vuốt lại cho thẳng thóm, ướm thử lên ngực, ngần ngừ một lúc rồi treo lại trên vách.
Ngay sau đó, cái tin con điếm mượn áo cà sa để che cái ba vạn chín nghìn đã lan xa nhanh hơn cả điện. Người từ trên phố ùn ùn kéo tới. Kẻ thì đòi xé xác con đĩ đó ra vì làm ô uế cửa Phật, kẻ thì hí hửng muốn nhìn tận mặt con nhỏ chịu chơi dám đùa dai với sư cụ. Người ta xông vào chùa tranh nhau: sờ, ngửi, hít rồi khạc, nhổ, khiến chiếc áo được kết bằng trăm miếng vải vụn rớt rơi thành nhiều mảnh. Nhiều kẻ đòi đem đốt hoặc thả trôi sông, nhưng cũng nhiều người đòi giữ lại. Có kẻ muốn mua với giá lên đến bạc triệu.
Thôi thì mạnh ai nấy nói, la hét, cười cợt, vung tay, múa chân cứ như phát rồ. Sư cụ ngồi co ro trong góc, ngơ ngác, sợ hãi. Một người được xưng tụng là đại gia bổng chen vào, xốc áo sư cụ lên như xách một con nhái.
“Giữ chùa mà thế này à? Tôi xin hỏi bà con: để làm trụ trì hay nên thôi?”
"Thôi! Thôi!" Người ta gào lên. "Đuổi lão ra khỏi chùa, đồ sư hổ mang!"
Nhưng cũng có kẻ bênh vực: «tại con đĩ đó chớ đâu phải tại thầy».
Kẻ khác lại nói: «chung qui là tại công an. Bắt bớ loạn cả lên. Hết chiến dịch lại thả ra chứ bài trừ được cái gì».
Kẻ khác lại nói: «chung qui là tại công an. Bắt bớ loạn cả lên. Hết chiến dịch lại thả ra chứ bài trừ được cái gì».
Có kẻ xỏ lá: «biết đâu là cái cơ duyên, không chừng con đĩ đó sẽ cạo đầu đi tu. Cái áo cà sa đó hãy để dành cho nó!»
Ngay lập tức, người ta lập ra ban hộ tự. Trưởng ban là ngài đại gia nhà đất, phó ban là một nữ doanh nhân kinh doanh vàng bạc. Hai mươi mốt vị, có người đang mặc áo ngủ, có người đang mặc quần lửng, có người đang mặc áo không dây, có người đang mặc quần xệ rốn đứng thành hai hàng mà ánh điện của nhà chùa yếu quá soi không rõ mặt. Nhưng trông cũng bừng bừng khí thế như ủy ban cách mạng lâm thời vừa được chọn sau một cuộc đảo chính. Các vị hứa sẽ mở cuộc lạc quyên để vận động xây chùa.
« Chùa phải ra chùa, đại gia trưởng ban nói, bước đầu tôi xin cúng dường một tỷ ».
Tiếng hoan hô như sấm dậy.
Đúng như lời hứa, chỉ trong vòng nửa năm thôi, trên nền đất của ngôi chùa cũ đã bị phá hủy, lễ khai kinh mừng đặt viên đá đầu tiên được cử hành dưới sự chứng giám của các vị đại sư mặc y vàng rực rỡ.
Và cũng chỉ hai năm sau, ngôi chùa mới đồ sộ với những mái ngói cong như đuôi rồng, với lầu chuông gác trống đứng uy nghi soi bóng xuống dòng sông.
Và cũng chỉ hai năm sau, ngôi chùa mới đồ sộ với những mái ngói cong như đuôi rồng, với lầu chuông gác trống đứng uy nghi soi bóng xuống dòng sông.
Giữa chánh điện là một tượng Phật thếp vàng cao đến 2 thước. Hào quang bằng điện tỏa ra sáng ngời, vun vút lao đi như tên bắn. Hòa thượng trụ trì là một tiến sĩ Phật học từng du học ở Tích Lan. Ngài lúc nào cũng tinh tươm, áo cà sa bằng lụa tơ tằm vàng rực, hai tay chắp trước ngực như búp sen non, nhỏ nhẹ, dịu dàng giữa đám đệ tử kỉnh Phật chuộng tăng, đa phần là nữ, lúc nào cũng lượn lờ những mong được ngài sai bảo.
Sư cụ bị tước y bát, cho hoàn tục. Các tượng Phật bằng gỗ cùng với chiếc áo trơ trẽn hơn một lần khoát lên mình con đàn bà ô uế bị rưới dầu đem đốt trên bờ đập, lúc này đã xây thành đập tràn kiên cố. Mùi gỗ mít, mùi vải mục, mùi con đĩ cọng với mùi dầu tạo thành một thứ mùi, nặng đến nỗi những người đứng xem phải bịt mũi mà vẫn cứ ho sặc sụa.
Cái xóm nhà lá đầy bọn đĩ điếm, ma cô, xì ke, bài bạc bị hốt đem đi kinh tế mới. Khoảng đất trống biến thành tiểu công viên với những cây dương trồng từng khóm cắt thành những chiếc thuyền và những cái tháp nhỏ nhiều tầng.
Thôi thì cũng đành một nhẽ, chùa đẹp như thế, tinh khiết như thế, nhất định là sẽ có Phật vàng.
Đời tốt biết bao!
Đạo đẹp biết bao!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô chiếc áo cà sa!
Đạo đẹp biết bao!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô chiếc áo cà sa!
25/3/2014