Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Vượt suối bằng túi nilon: Sao tôi thấy dửng dưng!

Hoàng Xuân
Dân Luận: Khi đọc báo - nhất là báo chí Việt Nam - độc giả cần tự đặt câu hỏi cho mình về tính trung thực của nội dung bài viết. Loạt bài dưới đây do Dân Luận chọn đăng giúp bạn lật ngược vấn đề đối với một sự kiện nóng mà báo Tuổi Trẻ đưa lên gần đây, đó là video clip "vượt suối đến trường bằng túi nilon".
Phải chăng một số người trong chúng ta dễ chọn cách thỏa hiệp với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó? Hay do còn nhiều nguyên nhân khác?
LTS: Xung quanh câu chuyện vượt suối bằng túi nilon gây chấn động mấy ngày qua, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Hoàng Xuân, để độc giả cùng thảo luận.
Hôm nay tôi thấy tôi dửng dưng. Bao nhiêu người thảng thốt trước cái clip đưa người vào bao nilon bơi qua suối. Có những bạn bè của tôi ngay tức khắc đòi lập hội, trích từ lợi nhuận kinh doanh quyên góp lấy tiền xây cầu cho họ. Bao nhiêu cảm thán ngập tràn mạng xã hội, mà sao tôi thản nhiên?
Vì sao hôm nay tôi dửng dưng? Thậm chí tôi đã viết xuống vài dòng để tự phân tích tâm trạng của mình nhưng không hoàn thành được. Ô, tôi sợ chứ, tôi sợ mình vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, mà không phải là nỗi đau giấu kín, nó phô bày lồ lộ kia, nó được nhắc đi nhắc lại bằng những cái stt nhảy liên tục trên Facebook, nó lan tràn từ Việt Nam sang nước ngoài. Tô đậm. Xoáy vào. Hành động.


Qua suối bằng cách chui vào túi nilon. Ảnh cắt từ clip của Tuổi trẻ

Vậy mà sao tôi lại dửng dưng?

Gần hết một ngày tôi mới giải đáp được nỗi day dứt của mình. Xem lại bài báo, tôi thấy chi tiết dòng nước chảy băng băng nhưng một anh thanh niên vẫn vừa bơi vừa đẩy được bao nilon chứa người ngồi trong đó qua suối, nghĩa là thực ra sức nước không xiết lắm.
Tôi thấy xứ đó là miền rừng, nghĩa là nhiều gỗ, tre và lạt. Tôi thấy những người đàn ông khỏe mạnh: người thì đẩy bao nilon có cô giáo, người thì ngày nào cũng đẩy bao nilon có con mình ở trong. Tôi thấy mùa cạn họ có chiếc cầu, nhưng mùa lũ thì theo họ, chỉ còn dùng cách này.
Còn đây là điều tôi không thấy: tôi không thấy sự nỗ lực thay đổi hoàn cảnh.
Chúng tôi đi công tác ở vùng núi, hay phải qua sông suối. Tôi thấy người dân thường dùng mảng để qua sông. Mảng ghép to rộng hoặc nhỏ vừa vài người, vài chiếc xe, tùy cỡ. Họ buộc một sợi dây thép lớn ngang qua sông hoặc suối, người chở mảng bám dọc sợi dây đó lần qua sông. Ít người hoặc sông êm thì một người kéo. Đông người, nước xiết thì hai người kéo, hành khách cũng kéo giùm. Mảng nhỏ, suối cạn thì dùng sào chống hoặc chèo.
Cách đây mười mấy năm, chúng tôi đã cả người cả xe qua sông Công, con sông nổi tiếng trong bài hát Huyền thoại hồ núi Cốc bằng cách đó. Sông ở miền núi nhưng khá rộng, nước xanh đen, bóng núi âm u, chiếc mảng qua sông như trôi vào cổ tích. Mới đây, những lần lên vùng Đồng Nai thượng, vô khu vực lõi vườn quốc gia Cát Tiên ở Lâm Đồng, chúng tôi cũng đi bằng xe máy và qua suối bằng mảng.
Dòng suối dữ mà một người vẫn vừa một tay bơi, một tay đẩy bao nilon có người ngồi trong. Vậy chiếc mảng có làm được điều đó một cách an toàn hơn không?
pontoon.jpg
Một mảng kéo bằng cáp qua suối, rất đơn giản và chi phí cũng không cao, tại sao dân làng không làm một cái như thế này mà phải cho người vào túi nylon?
Tôi nhớ đến bài báo cách đây ít ngày, cũng về một cây cầu treo qua suối, cũng ở miền rừng, mà khi vài thanh gỗ nẹp bên thành cầu bị long ra, người dân không kiếm được ít đinh để đóng lại mà dùng dây lạt, thậm chí dây thun buộc tạm. Tôi nhìn tấm ảnh của bài báo đó: người dân chở nông sản bằng xe máy, lễ mễ vượt qua cầu. Chi tiết trong bài nói người dân qua lại buôn bán trên chiếc cầu này rất nhiều, trẻ con đi học hàng ngày.
Ô, có cả xe máy chở nông sản đi bán mà chẳng lẽ không mua được cái đinh đóng lại thanh nẹp thành cầu? Chẳng lẽ trên miền rừng mênh mông không kiếm được thanh gỗ nào đóng lại ván cầu? Chẳng lẽ hàng ngày những người lớn chở hàng hóa chạy trên đó không thấy chiếc cầu nguy hiểm? Chẳng lẽ khi lấy dây thun buộc lại thanh cầu rồi thì họ yên tâm hàng ngày cho con cái đi học?
Tôi băn khoăn lắm. Có phải xứ ấy nghèo đói (nhưng trẻ con ham học) đến mức bất chấp nguy hiểm, chúng vẫn một mực đến trường? Hay những mối lạt sơ sài lại ngoài ý tác giả mà vô tình bộc lộ sự thờ ơ, ỷ lại của chính những người đang hàng ngày nhờ chiếc cầu ấy?
handoperatedcableferryriverwyebetweeneastandwestsymondsyat3.jpg
Sáng kiến của chúng ta chỉ dừng lại ở bỏ người vào túi nilon sao?
Phải chăng một số người trong chúng ta dễ chọn cách thỏa hiệp với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó?
Phải chăng một số người trong chúng ta thích chờ đợi ân phước hơn là tự cứu cuộc sống của mình?
Phải chăng do hàng ngày đọc được quá nhiều thông tin về sự bất an nên tôi đã chai sạn?
Hay do còn nhiều nguyên nhân khác? Do từng tập đơn thư khiếu kiện đòi đất cao ngất gửi về tòa soạn, cái nào cũng đẫm nước mắt và sự oan khổ, nhưng mặc dù vậy cái nào cũng bày tỏ sự tin tưởng, hy vọng? Có những người đi kêu cầu từ khi còn con gái, giờ đã thành bà ngoại vẫn còn kêu cầu.
Do những thông tin quan chức "vi hành" được đưa tin long trọng vang rền? Do những vụ án oan khốc? Do những con số tham nhũng ngày càng "vươn lên tầm cao mới"? Do những chính sách khiến người dân hoang mang? Do những hỗn loạn của xã hội níu vào từ học đường đến tận chốn tâm linh?
Do sự nghi ngờ cao độ trong mọi ứng xử để bảo vệ chính ta cái đã? Do tôi nghĩ chính quyền phải dùng đồng tiền người dân đóng vào để bắc chiếc cầu nơi người ta nhét người vào túi nilon đẩy qua suối, chứ không phải từ những đồng tiền bạn tôi chày mặt buôn bán trích ra quyên góp?
Do tôi mong đợi một ứng xử mạnh mẽ và làm chủ từ những người đang mặc kệ và kêu xin? Do tôi rạch ròi phân định việc làm nào là từ thiện và việc làm nào phải là trách nhiệm của nhà nước? Do tôi thấy niềm tin của mình ngày một ngày chỉ còn vun lên quanh chính tôi thôi?
Tôi sợ.
Hoàng Xuân
* * *

Chui túi nilong vượt suối: Đâu là tính chân thật của clip?

Ngày 17/3/2014, báo Tuổi trẻ đăng phóng sự “Chui túi nilon để… qua suối”. Phóng sự và clip đi kèm đã nói về những cô trò bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã phải băng rừng, vượt suối để đến với trường với lớp. Clip do cô giáo Tòng Thị Minh (giáo viên mẫu giáo đang dạy ở điểm trường Sam Lang) cung cấp đã lan truyền rất nhanh và gây xúc động mạnh trong cộng đồng.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã vào cuộc, Bộ trưởng Đinh La Thăng (ngài nói là làm) đã ra lệnh triển khai xây cầu treo để phục vụ người dân đi lại và cô trò qua sông. Tuổi trẻ đã thành công, thầy cô và học trò bản Sam Lang hẳn sẽ rất vui mừng.
Nhưng bình tĩnh, chúng ta hãy xem kỹ clip.

Cầu suối Nậm Pồ có 4 nhịp vào mùa cạn
Đây là cây cầu Nậm Pồ vào mùa cạn. Mùa nước lũ cầu được rút đi và thầy trò phải vượt lũ dữ bằng cách chui vào bao nilong.
Theo quan sát của ofviet: Chiếc cầu này có 4 trụ, mỗi trụ cách nhau tầm khoảng 4 đến 5m. Các trụ cầu hình như được bao bằng liếp tre nứa (cốt trụ cầu là gì thì chúng tôi không rõ). Chiều dài cầu ước chừng 20 tới 25m.
Vậy mùa nước lũ suối Nậm Pồ rộng bao nhiêu, nước lũ hung tợn thế nào? Những bức hình dưới đây sẽ cho các bạn thấy rõ hơn.

Chuẩn bị vượt suối
Đây là hình ảnh người đàn ông chuẩn bị cho cô bé vượt suối bằng cách chui vào túi nilong. Bạn hãy thử so sánh hình ảnh cây cầu mùa cạn với hình ảnh con suối mùa nước lũ? Độ rộng của suối Nậm Pô trong bức hình là bao?
Hình ảnh dưới đây sẽ giúp các bạn rõ hơn.

Sáu bước chân ra giữa dòng suối
Đây là hình ảnh người đàn ông đưa một bé nam vượt suối trong bao nilong.
Tại thời điểm này ofviet nhận thấy người đàn ông bước đi tổng cộng bẩy bước. Trong đó thời điểm gần bờ anh ta bước một bước ngang, sau đó tiến 6 bước. Với 6 bước tiến người đàn ông đi được tầm 2.4m và anh ta đã ra tới giữa suối, nước ngập ngang thân.
Trong clip gốc minh họa cho bài viết ”Chui túi nilong để…qua suối đăng trên Tuổi trẻ online ngày 17/3 cho thấy: Thời điểm người phụ nữ bắt đầu chui vào túi nilong buộc túi cho đến khi sang tới bờ bên kia tất cả chỉ có 34s.
Clip gốc xem tại đây

Sải bơi đầu tiên
Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị (như để cô gái ngồi yên trong bao, buộc bao nilong), người đàn ông đã thực hiện những sải bơi đầu tiên tại thời điểm 9s11 (clip do cô giáo Tòng Thị Minh cung cấp cho Tuổi trẻ).

Đến bờ rồi
Đến thời điểm 34s12 trong clip, sau câu: “Đến bờ rồi…!” chuyến vượt suối đã hoàn thành an toàn tốt đẹp.
Tổng cộng vượt suối Nậm Pô hung dữ mùa nước lũ hết đúng 24s, theo đúng clip gốc. Điều đáng tiếc là Tuổi trẻ online đã biên tập lại clip, thời gian vượt suối đã được nâng lên 40s, nhưng tôi nghĩ rằng họ không thể nâng lên 2p, hay 2p30s cho việc vượt suối???
Có thể các bạn sẽ quan sát kỹ hơn clip và rút ra những điều hữu ích.
Như vậy, vượt suối Nậm Pô hung dữ mùa lũ mất đúng 24s, và chỉ 6 bước chân là ra tới giữa suối.
Và con suối rộng như vậy còn nó hung dữ thế nào?
Trong clip của báo Tuổi trẻ online dù đã được biên tập lại thì vẫn còn có hình những đứa trẻ mặc quần cộc ướt sũng, chạy chơi trên bờ, hình ảnh người phụ nữ vừa gỡ cái cần câu của mình. Và hình ảnh được cắt từ clip gốc dưới đây sẽ cho thấy sự hung dữ của con suối Nậm Pô mùa nước lũ?
Đùa với suối dữ?
Clip gốc cho thấy tại thời điểm những người đàn ông khiêng chiếc xe máy này qua có ít nhất hai người đang bơi ùm ùm phía bên kia suối. Và hình ảnh khiêng xe máy qua suối cũng cho ta biết độ sâu thực tế của con suối này.
Hiển nhiên là ba người đàn ông này không thể bơi khi cùng nhau san sẻ gánh nặng của một chiếc xe máy nặng gần trăm kg trên lưng. Họ không bơi mà là họ lội, độ sâu thực tế của suối Nậm Pô: chưa ngập quá cằm những người đàn ông trong hình.
Tức là suối Nậm Pô hung dữ mùa lũ chỉ sâu chỉ tầm 1.45 m đến 1.55m.
Vâng 6 bước chân ra đến giữa suối, vượt suối bằng bao nilong hết đúng 24s và độ sâu của suối trên dưới 1.5m quả thực là quá nguy hiểm.
Theo Tuổi trẻ online thì cô giáo Tòng Thị Minh cho biết: Vượt suối thế này bình thường như cân đường hộp sữa: “Ôi chuyện bình thường mà, chúng em chỉ có cách đó qua suối thôi chứ chả cây cầu nào chịu được lũ rừng cả”.
Như vậy chúng ta sẽ suy nghĩ gì đây? Con suối rộng không quá 5m (chỉ 6 bước chân là ra tới giữa suối), độ sâu tầm 1.5m; giữa núi rừng với những người đàn ông bơi lội giỏi, nhiệt tình sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình và… người khác để vượt suối rốt lại đã không chịu làm một cây cầu, bằng tre, bạch đàn hay bất cứ cây rừng nào có thể.
Vượt một con suối như vậy có rất nhiều sự lựa chọn cho cả cô, thầy, trò và những người người dân. Chui bao nilong phó mặc số phận của mình cho người khác không hẳn là điều tốt nhất. Có hay chăng để cô giáo vào túi nilong kéo qua suối chỉ là một trò đùa mạo hiểm mang tính trêu chọc của mấy anh trai bản?
Đảng và nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt tới vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, những chương trình hỗ trợ sự phát triển của các huyện vùng cao là không thiếu. Ngài Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đi thị sát không ít nơi, những gì tốt nhất cho sự phát triển của biên giới hải đảo, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả người dân đang làm.
Một clip của Tuổi trẻ sẽ đem lại những hiệu ứng gì, người dân sẽ nghĩ sao? Tính chân thật của clip này đến đâu?
Điều đáng suy nghĩ là Tuổi trẻ cho xuất bản bài phóng sự kèm clip: “chui vào túi nilong để… qua suối” đúng vào sự vụ NSUT Chánh Tính nợ 10 tỷ, có nguy cơ mất nhà và đang xin cộng động giúp đỡ để giữ lại ngôi biệt thự của mình. Hẳn đây cũng là một sự kiện truyền thông tạo hiệu ứng ghê gớm!
Ofviet hi vọng có một cuộc điều tra rõ ràng và xác thực về địa điểm quay clip kể cả phương tiện quay để làm rõ hơn tình hình thực tế và biết đâu cũng có thể giúp chúng ta xây dựng một cây cầu với kinh phí thấp nhất và an toàn nhất có thể.
Hiện tại thì ofviet cùng những người bạn đang khảo sát địa điểm thích hợp nhất để có thể tiến hành clip rievew – trải nghiệm thực tế việc chui túi nilong vượt suối trong 24s. Chúng tôi hi vọng clip trải nghiệm này sẽ có thể ra mắt độc giả sớm nhất.
Ps? Để đảm bảo sự trung thực của hình ảnh, toàn bộ ảnh được sử dụng trong bài viết được ofviet cắt từ clip gốc.
Nguồn: Việt Nam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"