Có ý kiến nói Việt Nam đã phong quá nhiều tướng trong thời bình
Việt Nam đang bị lạm phát về tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp
trong các lực lượng vũ trang, từ công an tới quân đội, mặc dù quốc gia
hiện trong thời bình, theo một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt
Nam.
Việc phong tướng phải dành cho các vị trí trực tiếp và thực sự có
chức năng thống lãnh, chỉ huy chiến tranh, chiến đấu chống tội phạm, mà
không nên áp dụng cơ chế quan chức theo lối văn phòng, đáo hạn lại lên
chức.
Và không có chức năng, nhiệm vụ liên quan các lĩnh vực trên thì
không nên thăng tướng, theo luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm
Thường trực Văn phòng Quốc hội.
Bình luận với BBC hôm 20/3/2014, nhân dịp hai cơ quan là Bộ Quốc
phòng và Bộ Công an Việt Nam 'xin ý kiến' Chính phủ về hai dự luật sửa
đổi về sỹ quan thuộc hai ngành này, đặc biệt liên quan tới phong tướng
lĩnh cao cấp, ông Thuận nói:
"Việc phong tướng dĩ nhiên liên quan tới vấn đề quân số, các tổ chức
quân đội, nhưng nó cũng liên quan tới thành tích, chứ không chỉ tổ chức
mở rộng đến đâu thì tự nhiên phong lãnh đạo, phong tướng lãnh tới
đấy... Nó không hẳn gì đảm bảo cái tốt, mà chỉ tạo nặng nề cho bộ máy,
chi tiêu tốn phí tiền thuế của nhân dân.
"Còn việc tướng lĩnh, thì người ta cho rằng tướng lĩnh phải thông
qua chiến trận, thông qua thành tích, chứ không phải thông qua triển
khai bộ máy thì tự nhiên có tướng lĩnh."
Bình luận về việc người lãnh đạo ngành công an, Bộ trưởng Trần Đại
Quang đề xuất với chính phủ áp dụng thăng thêm hàm đại tướng với chức vụ
Thứ trưởng là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, với lý do người
chỉ đạo 'khi Bộ trưởng đi vắng' cần tới hàm vị này, đồng thời điều này
để 'phù hợp thực tiễn và tương quan với quân đội', luật sư Thuận nói
thêm:
"Bên công an có nhiều tướng quá, nhưng các vụ tham nhũng không thấy
phá, không thấy phát hiện, không thấy truy bức, tìm được người, tội phạm
thì phát triển ngày càng nhiều, thì hiện tượng đó cũng là không bình
thường,
"Còn người đó phải cần phong tướng thì mới làm việc này, việc kia
được, nhưng phong tướng lĩnh phải trên cơ sở là đấu tranh phòng chống
tội phạm, rồi phòng chống tham nhũng, thì đó là vấn đề nóng bỏng nhất ở
Việt Nam, về mặt công an vừa qua, thành tích chống tham nhũng thấy còn
mờ nhạt, rất là yếu."
'Phải sửa lại luật'
Cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nói:
"Người ta dựa vào mô hình tổ chức, ví dụ nó là một cục, một tổng
cục, một bộ phận tương đương như vụ, cục, thì đứng đầu, trong luật quy
định là tướng, cho nên đó là điều không bình thường...
Bộ Công an đề xuất quy định thêm một hàm Đại tướng dành cho Thứ trưởng thường trực
"Trong ngành công an, bây giờ phải sửa luật lại, phải quy định lại
là những người không phải là thực hành quyền thống lãnh, chỉ huy này
khác, đánh trận hay chống tội phạm hay chống tham nhũng, thì họ cũng là
những người cán bộ, công chức bình thường, bây giờ đeo quân hàm quan này
kia, cho nên rất không bình thường."
"Có đơn vị chúng tôi làm việc có tới hàng năm, sáu, bảy, chín, mười
đại tá... thì đó là một câu chuyện liên quan tới vấn đề cốt tử là phải
sửa luật sỹ quan quân đội nhân dân, và trong đó có sỹ quan của công an
có luật điều đó, tự nhiên họ dựa vào đó và họ phong và tạo nên điều mà
gọi là lạm phát tướng lĩnh, lạm phát sỹ quan."
Trong đề xuất sửa luật sỹ quan trong các lực lượng vũ trang hiện
nay, có điều luật cho thấy từ cấp đại tá để được thăng hàm lên cấp thiếu
tướng, phải có bốn năm thử thách, nhưng giữa các cấp tướng, không có
quy định về thời gian thử thách này.
Bình luận về điều này, cũng như khả năng có vai trò, quyền lực của
nhân dân trong việc giám sát các vụ thăng hàm cấp tướng và sỹ quan cao
cấp, luật sư Thuận nêu quan điểm:
"Bây giờ tướng lĩnh nhiều, tướng lĩnh không qua thử thách, mà tướng
lĩnh chỉ huy những người cầm vũ khí, thì điều đó phải đáng suy nghĩ lắm,
mà đòi hỏi phải công khai các tiêu chí thế này, thế khác...
"Cho nên pháp luật Việt Nam mù mờ, mà quyền lực, bộ máy giao cho
nhiều người, mà những người đó không qua đào tạo, không qua được thử
thách, mà không biết ý tâm của người đó như thế nào, mà nếu họ cầm súng,
họ có quyền lực trong tay, đôi khi nó không là điều tốt mà nó là tai
họa."
'Phong tướng làm gì?'
Đây không phải lần đầu tiên trong công luận đặt ra câu hỏi về khuynh
hướng được cho là lạm phát tướng tá ở Việt Nam, cũng như đặt câu hỏi về
tính hợp lý, căn cứ của việc thăng hàm với số lượng 'tràn lan' các sỹ
quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, cả quân đội, lẫn công an.
Bên lề một phiên họp Quốc hội vào ngày 28/10/2013, Tiến sỹ Đỗ Văn
Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam đã lên tiếng
với truyền thông trong nước và phần nào chỉ ra nguyên nhân.
"Đất nước mình còn khó khăn, tướng thì phải trận
mạc chứ nhà văn, nhà báo, giám đốc doanh nghiệp làm kinh tế thì phong
tướng làm gì? Theo tôi, những đối tượng đó đã có hình thức tôn vinh
khác" - TS Đỗ Văn Đương
Ông nói: "Ở Việc Nam, riêng lực lượng vũ trang thì đồng lương gắn với cấp hàm. Cho nên lãnh đạo cấp phó cũng phong tướng..."
"Những trường hợp trót phong rồi thì nên giữ nguyên trạng, tới đây
sửa Luật công an nhân dân, sĩ quan công an nhân dân và sĩ quan quân đội
nhân dân thì phải hạn chế lại.
"Khi những người hiện tại về hưu rồi vài năm tới mới bớt tướng đi
được. Đất nước mình còn khó khăn, tướng thì phải trận mạc chứ nhà văn,
nhà báo, giám đốc doanh nghiệp làm kinh tế thì phong tướng làm gì? Theo
tôi, những đối tượng đó đã có hình thức tôn vinh khác."
Tuy nhiên, có vẻ như giải pháp cho 'lạm phát tướng lãnh' không chỉ
liên quan tới 'hình thức tôn vinh khác', mà trên thực tế, tăng số lượng
và quy mô tướng lãnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội và công an, còn
liên quan tới chế độ chính sách và ngân sách do người dân đóng góp để
trả lương, bổng, phúc lợi cho các tướng lãnh này.
Trong một cuộc trao đổi với BBC từ trước, một chuyên gia về chính
sách công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận về cơ chế thăng hàm lâu
nay vẫn được thực hiện.
"Nếu ba năm một lần tăng lương như vậy, thì lương sẽ rất lớn, và cứ
đặc biệt tăng lương như thế," PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Bộ môn
Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển nói.
"Đặc biệt trong trường hợp thăng quân hàm hiện nay cũng như thế, số
sỹ quan cấp tá, cấp tướng rất nhiều, tất nhiên những ai được đảm nhiệm
những chức vụ nhất định như cục trưởng, cục phó, hoặc lãnh đạo cao hơn,
thứ trưởng hoặc các chức khác, thì người ta sẽ tiếp tục được duy trì."
"Nếu cứ tăng đều đặn cả về quân hàm và lương bổng như vậy, mà quân
hàm đi kèm theo chế độ lương bổng, sẽ gây một áp lực về lương rất lớn,"
ông Thọ nói với BBC.
Bên Trung Quốc, nước có mô hình thể chế giống Việt Nam nhưng
dân số đông hơn nhiều (1,3 tỷ), cho đến tháng 7/2011, toàn bộ
Quân Giải phóng chỉ có 191 vị tướng, theo Tân Hoa Xã.
Vấn đề 'tiêu chuẩn phong tướng' cũng được chính báo Quân đội Nhân dân ở Việt Nam nêu ra, gần nhất là trong tháng 2/2014.
Tuy nhiên, tờ báo không nói rõ hiện có bao nhiêu sỹ quan mang hàm cấp tướng tại ngũ ở Việt Nam.