Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Vì sao bỏ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn?

Nguyễn Vạn Phú

Vì sao bỏ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn?

Tại một hội thảo về dự án Luật Hộ tịch sáng nay, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, nhiều giấy tờ sẽ được cắt giảm, các loại giấy như khai sinh, chứng nhận kết hôn... sẽ không còn.
Báo tường thuật vậy không biết có chính xác không. Nếu chính xác thì phải nói mấy ông ở Bộ Tư pháp, nơi soạn thảo cái này không biết phân biệt được giữa trách nhiệm của nhà nước với công dân và việc cải tiến cách quản lý trong nội bộ bộ máy hành chính.
Gom hết tất cả thông tin của công dân vào sổ bộ hộ tịch để dễ quản lý là chuyện của nhà nước, không liên quan gì trực tiếp đến công dân và gom như thế không có nghĩa bỏ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn rồi xem đó như một bước tiến lớn trong quản lý!!!
Trong khi quy trình thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn vẫn như cũ chỉ khác là không cấp giấy khai sinh hay giấy chứng nhận kết hôn thì rõ ràng nhà nước tạo ra những khó khăn mới cho người dân chứ cải tiến cái gì. Không lẽ khi nào cần chứng nhận, dân phải chạy đi xin trích lục từ cái sổ bộ hộ tịch đó?

Cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn là nhiệm vụ của nhà nước, nhận giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn để sử dụng cho cá nhân là quyền của công dân – sao lại bỏ? Bởi nếu tất cả quan hệ của công dân là chỉ với nhà nước thì họ chỉ cần dãy số để nhà nước định danh họ là ai cũng đủ rồi. Nhưng công dân còn quan hệ với công dân, sao lại tước bỏ họ cái quyền có những giấy tờ chứng nhận họ là ai, quan hệ hôn nhân của họ như thế nào?

Bộ Giáo dục là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ

Trong văn bản số 694/BGDĐT-GDMN (ngày 18-2-2014), Bộ nói rất dứt khoát “Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”. Đó là vì Bộ quan sát thấy “tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ dưới hình thức dạy thêm có thu học phí”.
Đúng 1 tháng sau, Bộ ban hành văn bản khác (1303/BGDĐT-GDMN), lần này thì nói ngược lại “Ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ...”
Cái này là Bộ chịu khó vẽ đường cho hưu chạy: dạy thêm thì không được còn cho trẻ làm quen với ngoại ngữ thì được. Mới thấy sức ép vận động của những nơi đang tổ chức cho trẻ “làm quen” với ngoại ngữ nó mạnh như thế nào. Đến trẻ mầm non mà cũng cho phép người lớn nhảy vào kinh doanh thì không hy vọng gì ở nền giáo dục này nữa.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"