Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

An toàn?

Nguyễn Văn Tuấn
Một trong những lí do mà các quan chức VN cấm không cho ông Trần Quốc Hải thử nghiệm chiếc trực thăng do ông ấy chế tạo là an toàn. Họ nói nếu máy bay cháy thì ai chịu trách nhiệm. Người ta còn so sánh các nguyên tắc an toàn ở nước ngoài như Mĩ và Âu châu! Lí do an toàn không phải là không có lí của nó, nhưng nó có cái gì đó ngụy biện, và thiếu tính thuyết phục.
Ở nước ngoài, tiêu chuẩn an toàn rất quan trọng, vì Nhà nước có trách nhiệm với công dân, và Nhà nước sẽ "lãnh đủ" nếu tai nạn xảy ra. Chẳng hạn như một chiếc tàu đi biển thì phải đăng kí với nhà chức trách và họ kiểm tra các thiết bị an toàn trước khi cho phép ra khơi, vì nếu chẳng may tai nạn (như thất lạc trên biển) xảy ra thì Nhà nước phải huy động các phương tiện cứu chữa rất tốn kém. Đó là chưa kể các công ti bảo hiểm phải đền bù, và các công ti này rất chặt chẽ trong việc điều tra sự việc dẫn đến tai nạn. Do đó, các nhà chức trách ở các nước phương Tây đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao.

Còn ở VN thì Nhà nước đâu có lo gì cho sự an toàn của người dân. Thậm chí Nhà nước còn không có khả năng chữa cháy ngay trong các đô thị lớn. Khi tàu du khách bị chìm trên sông Sài Gòn mà lực lượng cứu hộ có làm được gì đáng kể đâu; tất cả đều do người dân tự xoay xở và tương trợ với nhau. Ở VN, khi tai nạn xảy ra thì người dân lãnh đủ, chứ cũng chẳng có hãng bảo hiểm nào lo, hay có hãng bảo hiểm lo thì cũng chẳng thấm vào đâu. Thành ra, khi Nhà nước viện dẫn lí do an toàn để cấm người khác thử nghiệm sản phẩm của họ thì nghe hơi … trái tai. Họ (nhà chức trách) có thể làm đúng trên nguyên tắc, nhưng họ không có tư cách để cấm.
Thật ra, nếu viện dẫn lí do an toàn đúng chuẩn mực quốc tế thì có nhiều máy bay quân sự ở VN sẽ không được cất cánh. Dựa vào tiêu chuẩn an toàn đường thuỷ mà người phương Tây dùng thì rất nhiều tàu bè ở VN sẽ không có mặt trên sông hay ra biển lớn. Tương tự, rất nhiều xe sẽ không được xuống đường, vì thiếu an toàn. Rất nhiều lab sinh học ở VN sẽ phải đóng cửa. Rất nhiều phương pháp phẫu thuật phải bị cấm. Rất nhiều hàng hoá đang bày bán phải bị tịch thu vì thiếu vệ sinh. Vân vân và vân vân. Thế nhưng trong thực tế máy bay vẫn cất cánh, tàu bè vẫn ra khơi, xe cộ vẫn chạy trên đường phố, những lab vẫn hoạt động bình thường, phẫu thuật mới vẫn được thử nghiệm, hàng hoá và thực phẩm vẫn được bày bán thoải mái. Vấn đề, dĩ nhiên, không phải là an toàn tuyệt đối, bởi vì không có cái gì là tuyệt đối cả. Vấn đề là cái nguyên lí phòng ngừa (precautionary principle) được hiểu và ứng dụng ra sao.
Ở các nước như Úc, dù tiêu chuẩn an toàn rất cao, nhưng người dân vẫn có quyền chế tạo trực thăng và bay thử, mà họ có cần đến Bộ Quốc phòng hay các chuyên gia nào đến kiểm tra đâu. Họ có thể dùng trực thăng để rải phân hay thuốc trừ sâu. Họ thích làm thế là vì họ là dân tài tử. Cũng chẳng có quan chức quốc phòng nào lại rổi hơi đi cấm người dân sáng chế. Thật ra, ở bên Tàu, bên Phi châu, và nhiều nơi khác [mà tôi chưa biết hết] người dân cũng chế tạo trực thăng như ông Trần Quốc Hải và họ cũng thử nghiệm bay, nhưng chẳng ai lại lấy những tiêu chuẩn an toàn ra để cấm họ bay. Chắc chắn họ (chính quyền) không điên rồ đến độ cấm người dân đừng sáng chế.
Tiêu chuẩn dành cho dân tài tử phải khác với tiêu chuẩn dành cho hàng hoá thương mại. Một chiếc trực thăng do dân tài tử làm ra chỉ dùng cho anh ta trước hết, và cũng chỉ là một sản phẩm rất cá nhân, vì anh ta chẳng bán cho ai, chẳng dùng nó để chở ai. Nhưng một chiếc máy bay do hãng Boeing làm ra thì khác vì nó sẽ được bán ra cho nhiều nơi trên thế giới, và phải chuyên chở hàng triệu khách, nên tiêu chuẩn an toàn phải rất rất cao. Tôi nghĩ chẳng ai dùng tiêu chuẩn an toàn dành cho Boeing để áp dụng cho dân tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải.
Do đó, tôi nghĩ lấy lí do an toàn để cấm người ta thử nghiệm sản phẩm mang tính cá nhân là thiếu tính thuyết phục. Điều quan trọng nhất là cần phải khuyến khích những người tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải. Khuyến khích họ sáng chế. Khi sản phẩm của họ được kiểm định và đánh giá đâu đó, thì nên hỗ trợ họ đăng kí bằng sáng chế. Nên nhớ rằng sáng kiến làm ra cái nấp hộp thuốc cũng có thể đăng kí bằng sáng chế. Một đất nước 90 triệu người chẳng có bằng sáng chế nào lại đi cấm người dân sáng chế thì thật là trái khuấy. Không dám mạo hiểm và chỉ thu mình trong cái ao tù an toàn thì sẽ suốt đời chẳng làm được gì, chẳng đóng góp gì cho nhân loại. Tôi nghĩ nếu lấy lí do an toàn thì chắc kĩ thuật nội soi chẳng bao giờ ra đời. Lấy lí do an toàn để cấm người ta mạo hiểm là một hành động rất phản tiến bộ.
TB: Có người nói những sản phẩm của cha con ông TQH "có gì đâu". Họ nói các cơ xưởng của quân đội làm được hết, và các thợ bình thường của VN cũng làm được như cha con ông TQH làm. Đọc lí luận kiểu này tôi chỉ biết phì cười. Chợt nhớ đến câu chuyện mà các thầy tôi lúc trước hay kể về việc xin tiền làm nghiên cứu. Họ nói rằng các cơ quan tài trợ RẤT GHÉT kiểu nói "Cho tôi tiền đi, rồi tôi làm cho các ông xem". Họ sẽ nói đó là thái độ "trust me", rất có hại cho khoa học. Họ sẽ nói: "Anh về làm cho tôi xem đi, rồi hãy lại đây xin tiền. Đừng bao giờ nói rằng anh SẼ làm được, trong khi anh chưa có gì để chứng minh rằng anh ĐÃ làm được".

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"