Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Cuộc thanh lọc mới trong lĩnh vực ngân hàng?

Trần Vinh Dự
Câu chuyện sở hữu một ngân hàng ở Việt Nam để rút ruột (bằng cách cho các doanh nghiệp của mình vay hoặc làm các giao dịch đặc biệt khác) là câu chuyện ai cũng biết từ nhiều năm nay. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng không thể quản trị rủi ro tín dụng tốt (vì các khoản vay này đều là khoản vay chỉ định) dẫn tới nợ xấu tăng cao.
Tuy ai cũng biết, nhưng về mặt quản lý nhà nước, Việt Nam vẫn không có các động thái quyết liệt để giảm bớt hiện trạng và ngăn chặn các thủ đoạn mới. Trường hợp bê bối ở Ngân hàng Xây dựng (trước đây gọi là Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) là trường hợp điển hình. Đây là một ngân hàng nằm trong nhóm những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt vào cuối năm 2012. Nói là kiểm soát đặc biệt, nhưng chính các cơ quan quản lý lại để Tập đoàn Thiên Thanh bơm tiền vào và kiểm soát toàn diện ngân hàng này.
Nhìn bề ngoài, việc Thiên Thanh bơm tiền vào để tăng vốn của TrustBank từ 3000 tỷ lên 7500 tỷ có vẻ như tốt. Thế nhưng do kiểm soát toàn diện, Thiên Thanh ngay sau đó đã rút ruột ngân hàng này. Thông tin “vỉa hè” chưa được kiểm chứng cho biết số tiền rút ruột lên tới xấp xỉ 1 tỷ USD. Thông tin chính thức mới chỉ nhỏ giọt, nhưng cũng cho thấy dấu hiệu rút ruột. Thí dụ ban lãnh đạo ngân hàng này (đến từ Tập đoàn Thiên Thanh) đã ký hợp đồng thuê trụ sở và “ứng trước” cho bên cho thuê số tiền lên tới 1021 tỷ Đồng (trong khi giá thuê là 3,15 tỷ Đồng/tháng). Nếu số tiền thực sự bị rút ruột (và nay đã biến mất) là xấp xỉ 1 tỷ USD thì không những ngân hàng này đương nhiên bị phá sản mà hệ quả của nó với những người gửi tiền là hết sức khủng khiếp.

Gần đây hơn, mới hồi cuối tháng 10, vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (và Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group) cũng dính líu tới chuyện này. Theo báo chí trong nước, ông Thắm bị khởi tố với tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 Bộ luật Hình sự” và đang bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra. Thông tin cụ thể về các vi phạm (nếu có) của ông Thắm chưa được công bố, nhưng chắc chắn sẽ liên quan đến việc “rút ruột” ngân hàng.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, vụ việc tại Ngân hàng Nông nghiệp được phanh phui. Cơ quan điều tra đã phát hiện hàng loạt các vụ vi phạm. Thí dụ vụ thất thoát ở Agribank – chi nhánh Nam Hà Nội (thiệt hại 3900 tỷ Đồng) hoặc một vụ việc rất nhỏ (nhưng đặc biệt trắng trợn) của lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính II – ALC II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp là nâng khống giá thiết bị lặn từ 100 triệu Đồng lên 130 tỷ Đồng (tăng 1300 lần) để rút ruột tiền nhà nước.
Vụ việc ở AgriBank hay ở TrustBank chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nói không quá thì rút ruột diễn ra ở hầu hết các ngân hàng VN hiện nay. Đại gia rút ruột theo kiểu đại gia (thí dụ cho công ty sân sau vay), lãnh đạo ngân hàng quốc doanh rút ruột theo kiểu vừa đại gia vừa tham nhũng (cho vay “bậy” để lấy phần trăm, đồng thời cho công ty sân sau vay). Vấn đề nghiêm trọng ở đây là những chuyện “ai cũng biết” này không được chấn chỉnh, hoặc nếu có làm thì làm cho có, không đến đầu đến đũa.
Và như vậy, câu chuyện liên quan đến quản lý nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (SBV) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SEC). Rõ ràng đây là các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý các tổ chức này. Việc dùng đến cơ quan điều tra của Bộ Công an chỉ là trường hợp hãn hữu cuối cùng. Còn lại, việc của SBV và SEC là việc hàng ngày, hàng giờ. Nếu năng lực của các cơ quan này kém, hoặc lực lượng quá mỏng không thể giám sát hết, thì phải bổ sung nhân sự và năng lực. Nếu có dấu hiệu “nhúng chàm” thì cũng phải thanh lọc ngay. Nếu để như tình trạng hiện nay (xét về mặt giám sát) thì chuyện yếu kém của hệ thống ngân hàng chắc chắn không có lối thoát và hệ quả của nó là kéo lùi sự phát triển của cả nước và là nơi ươm mầm các bất ổn kinh tế, chính trị, các cuộc khủng hoảng lớn, và thứ đạo đức kinh doanh tồi bại trong cộng đồng ngân hàng và doanh nghiệp.
Điểm thú vị trong toàn bộ câu chuyện về xử lý các vụ vi phạm ngân hàng là dư luận và tâm lý các nhà đầu tư đã ổn định hơn trước rất nhiều. Thí dụ cách đây 2 năm, khi ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải (Ngân hàng ACB) bị bắt, thị trường chứng khoán đã bị một phen chao đảo lớn, thể hiện tâm lý bất an và dao động giữ dội của các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế. Còn lần này, sau hàng loạt các vụ bắt giữ, từ Ngân hàng Nông nghiệp, đến Ngân hàng Xây dựng, và Ngân hàng Đại dương, tâm lý các nhà đầu tư vẫn rất ổn định. Có vẻ như họ đã “quen” với việc này và không còn bị rơi vào tình huống bất ngờ như hồi cuối năm 2012.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"