Alan Phan
Ba thứ không thể che đậy về lâu dài: mặt trời, mặt trăng và sự thật (Kinh Phật)
Tôi còn nhớ những ngày đầu thập niên 1980’s khi đang làm việc cho
một ngân hàng đầu tư cỡ trung ở Wall Street. Công ty cho tôi 2 anh phụ
tá trẻ, vừa được tuyển mộ sau khi tốt nghiệp đại học. Một anh người gốc
Việt, tháo vát, chăm chỉ, đúng hẹn, thông minh. Tôi rất thích anh, nên
một hôm, khi công ty tìm hẹn được đối tác của một phi vụ M&A quan
trọng, tôi chọn anh đi theo nhóm “chào hàng” của tôi. Anh từ chối và đề
nghị để anh Mỹ trắng Daniel thay vào vị trí.
Tôi quá bực nên mắng mỏ anh đủ điều về cơ hội để toả sáng trong công
ty mà tôi đã ưu ái dành cho anh. Anh rụt rè giải thích là Daniel sẽ tạo
ấn tượng tốt hơn với khách hàng và anh sợ nhận lãnh những thử thách quá
lớn. Tôi giận thêm,” Em tốt nghiệp Wharton, thứ hạng cao, kỹ năng
tốt…Thằng Daniel hơn em chỗ nào?” “Làm sao mình sánh được với mấy người
Âu Mỹ?”
Sau lần chửi rủa đó, có lẽ anh giận tôi, nên xin công ty thuyên
chuyển qua phòng vụ khác. Nhưng sau này, tôi biết là anh đã lấy lại được
cái tự tin và bản tính xuất sắc của cá nhân, khi nghe anh đã trở thành
một sao sáng tại một ngân hàng đầu tư lớn.
Không chỉ riêng người Việt, phần lớn người Á Đông và nhiều dân tộc
khác, cái mặc cảm thua kém, lệ thuộc người Âu Mỹ vẫn tiềm tàng khắp nơi
khắp lúc. Tôi nhớ khi đại diện cho GE Capital ở Đông Nam Á, vào khoảng
cuối 1980’s, tôi không sao lấy được cuộc hẹn với một ngài Bộ Trưởng của
Mã Lai sau vài tháng cố gắng. Tuy nhiên, khi GE gởi cho tôi một người
phụ tá trẻ từ Mỹ, thư ký tôi dùng tên “Anglo Saxon” của anh ta và lấy
được hẹn ngay ngày hôm sau.
Hiện nay, những dân tộc coi mình ngang cơ với người Âu Mỹ như
Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…đã tạo ra được những quốc gia có thể cạnh
tranh hữu hiệu với Âu Mỹ trên trận chiến kinh tế, tài chánh toàn cầu. Họ
đã vứt bỏ những mặc cảm của lịch sử, sẵn sàng minh bạch so sánh những
điểm mạnh yếu…để lên kế hoạch cho dân tộc và quốc gia đạt những mục tiêu
cao xa và đáng kính.
Điều kiện tiên quyết: phải nhận rõ thực tại của mình, hiểu khoảng
cách với các nước phát triển về tư duy, kiến thức và kỹ năng cũng như
biết tìm giải pháp để thâu ngắn khoảng cách thua kém này trong thời gian
nhanh nhất.
Nói cách khác, chính phủ và người dân phải can đảm điều nghiên những
số liệu, dữ kiện…nhiều khi rất bất tiện và xấu hổ, trong một không gian
hoàn toàn tự do, để rút ra những bài học quý giá trong tiến trình xây
dựng, thực hiện. Trên hết, phài trung thực và khoa học. Tôi luôn đòi hỏi
mình và đối tác phải làm báo cáo SWOT
(strength-weakness-opportunities-threats) theo định kỳ để so sánh tiến
bộ của mình với mọi đối thủ. Đây là kim chỉ nam của hành trình để biết
mình “đúng hướng” trong mục tiêu. Dĩ nhiên, trên hết, phài trung thực và
khoa học.
Tại những quốc gia mới hội nhập như Trung Quốc hay Việt Nam, theo
thói quen, kiến thức của xã hội dường như phải định hướng và bóp méo để
tránh cho chính phủ và người dân những “bất tiện” đến từ sĩ diện hảo và
nhu cầu lợi ích nhóm. Chính phủ thì chỉ biết “tuyên vận”, kiểm duyệt mọi
góc nhìn trái chiều và đặt bộ máy truyền thông dưới gọng kềm chặt chẽ.
Phần lớn người dân thì không muốn biết những vấn nạn phức tạp của quốc
gia; họ chăm chú vào nhu cầu cá nhân và gia đình với cách quản trị kiến
thức hời hợt, dễ tính…như thể thao, scandals và cướp-hiếp-giết.
Liên minh này tối kỵ những so sánh khoa học bằng con số; họ thích
nói về “tự hào dân tộc”, về “văn hoá truyến thống”, về “lịch sử oanh
liệt”, về “chỉ số hạnh phúc”…Câu nói ấn tượng nhất là “cái xứ mình nó
thế”. Những so sánh với các quốc gia khác về thu nhập thực sự mỗi người
dân, về chỉ số ô nhiễm môi trường, về bộ máy y tế, giáo dục, về kỹ năng
lao động, về nợ công hay chất lượng quan chức …là điều ai cũng dị ứng,
ngay cả cấm kỵ.
Bài “Bất Động Sản và Kinh Tế Thị Trường” (1) tuần rồi của tôi tạo ra
một dư luận khá hào hứng vì tôi dám đụng chạm đến cái “tự hào của dân
tộc” khi so sánh Việt Nam với Mỹ.
Trong bài viết, tôi chỉ nói về một căn nhà trung bình của Mỹ (4
phòng ngủ 2 phòng tắm khoảng 400 mét vuông kể cả đất vườn) trong một
thành phố trung bình (Cleveland, Buffalo, Lake Forrest), có giá trung
bình (từ 70 đến 120 ngàn đô la). Nếu so sánh với một căn nhà cùng diện
tích và cấu trúc tại một thành phố trung bình ở Việt Nam (có lẽ như Tiền
Giang, Quảng Nam, Bắc Ninh?), giá tại Việt Nam sẽ cao gấp 2 lần. Trong
khi đó, thu nhập trung bình của một người Mỹ gấp 40 lần thu nhập trung
bình của người Việt (80 ngàn đô mỗi năm so với 2 ngàn đô). Tôi không hề
đụng chạm gì đến môi trường sinh sống, tự do dân chủ hay đẳng cấp văn
hoá văn minh giữa hai nước và hai dân tộc.
Qua góc nhìn tài chánh, quan điểm của tôi là tiền thì đâu cũng là tiền
dù tỷ giá đô la có lên xuống, nhưng trị giá của một căn nhà tương đương
không thay đổi. Khi chúng ta sử dụng chiếc xe Toyota Camry, dù ta mua
có 20 ngàn đô la tại Mỹ và 60 ngàn đô la tại Việt Nam, chiếc Camry vẫn
là chiếc Camry.
Tương tự, bài viết “Những con số biết nói” của Blog Việt Nam Văn
Hiến (2) là một so sánh làm nhiều người khó chịu và tức tối. Bộ máy
tuyên vận thích nói về chiến thắng ở Biển Đông, về chuyện các nhà đầu tư
quốc tế đang xếp hàng xin mua nợ xấu của VMAC, về chuyện BDS sẽ khởi
sắc vào thời điểm cuối năm, về nền kinh tế vĩ mô đang hồi phục nhanh
chóng (tôi không nhớ là chính phủ báo cho biết là nó bị bệnh từ lúc
nào?).
Tóm lại, những con số trình bày qua SWOT của quốc gia là những sự
thật rất bất tiện cho bộ máy quan chức. Do đó, họ phải uốn nắn những
thống kê chính thức cho đẹp, phải tránh nói về những con số của các tổ
chức quốc tế, và phân tâm người dân cùng các ông Tây ba lô bằng những
viễn tượng huy hoàng của một đất nước có dân số vàng đầy tiềm năng.
Nếu có ai thắc mắc thì câu trả lời chuẩn là “so sánh với Âu Mỹ là
khập khễnh. Làm sao mình bằng họ được?”. Nếu Nhật Bản giữ thái độ này 70
năm trước khi thua trận thế chiến, nếu Singapore an phận với định mệnh
của một nhược tiểu chỉ có 1,5 triệu dân khi độc lập…thì thế hệ 9X của họ
sẽ không thể ngẩng cao đầu với thế giới. Nói cho cùng, thực chất của sĩ
diện là cái sĩ diện ngầm của tự tin và hành động.
Tuy nhiên, chém gió cho ngày tháng đỡ tẻ nhạt vậy thôi. Lúc này, khi
rảnh rỗi, ngồi đọc tin tức về Việt Nam, tôi hay ngáp dài, thay vì cười
hề hề…(chọc cho các dư luận viên ném đá cũng là một hình thức giải trí
rẻ tiền). Chuyện phiếu tín nhiệm quốc hội, chuyện “nếm phân” của ông Bộ
Trưởng, chuyện sân bay Long Thành, chuyện tái chin qua lại rồi cấu trúc
cơ chế, chuyện bong bóng chứng khoán, chuyện chữ vàng chữ tốt với TQ,
chuyện tuổi tác của một cầu thủ đá bóng, chuyện thật giả của chiếc xách
tay của một siêu mẫu….bắt đầu buồn chán như một phim tình thơ mộng trở thành một hài kịch vô duyên…mà không chịu chấm dứt.
Không phải chỉ ông già Alan, cả 90 triệu người đang bị lưu đày trên quê hương của họ.
Alan Phan