Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Điếu Cày nên hành động

Nguyễn Ngọc Già
 
Những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi - Triết gia Térence (190-159 B.C).
Đa nguyên là gì?

Một trong những bản chất căn bản của con người là tính tư hữu của cá nhân trên mọi lĩnh vực. Đó là nguồn cội của đa nguyên, nhưng thuở hồng hoang, con người chưa phát hiện bản chất vốn có sẵn do tạo hóa ban tặng. Cùng với đà phát triển, từ đó loài người dần định hình và xác nhận tính đa nguyên, rồi tạo ra một hệ thống học thuật liên quan.

Đa nguyên nghĩa là chấp nhận tính đa dạng, muôn mặt, mọi sắc thái của con người. Trong chính trị, đa nguyên nghĩa là xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin phổ quát. Đa nguyên, nói một cách giản dị, không vì tôn quan điểm của mình mà đè bẹp quan điểm của người khác, dù dưới bất kỳ hình thức hay cương vị nào. Vì lẽ đó, điều 19 khoản 1 trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự & chính trị" (ICCPR) nói rõ:



Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

CSVN từ nhận định sai lầm cơ bản và gần như không hiểu biết gì về "tính đa nguyên", nên họ đã đi ngược lại quy luật tiến hóa của xã hội loài người, bằng cách bóp chết nó hay ít nhất "định hướng" theo chuẩn "đơn nguyên" của họ. Thực tế đã chứng minh rất nhiều [1].

Tuy nhiên, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào về (vũ trụ và) con người cũng đều có ngoại lệ. Chính vì lẽ đó, mới xuất hiện những từ ngữ: anh hùng, phi thường, vĩ đại v.v... [2] để tôn vinh và ghi ơn những Con Người, biết gạt bỏ những tư hữu cá nhân bình thường để mưu cầu lợi ích cho dân tộc, quê hương và cho cả nhân loại.

Suy nghĩ từ buổi "gặp gỡ đồng hương"

Ngày 24/11/2014, Bản tin Hoa Thịnh Đốn (thuộc đài SBTN?) đã tổ chức buổi "gặp gỡ đồng hương" giữa blogger Điếu Cày và người Việt hải ngoại (NVHN) tại vùng Hoa Thịnh Đốn [3]. Buổi "nói chuyện" diễn ra trong 1 giờ 36 phút.

Sau lễ chào cờ, ông Võ Thành Nhân cho biết, mục đích "buổi gặp gỡ" là để người Việt trong và ngoài nước cảm thông, san sẻ và hợp lực để giải thể chế độ CS sao cho hiệu quả. Sau khi kết thúc, sẽ có một tiệc trà nhằm để mọi người quây quần hàn huyên tâm sự thêm.

Sau khoảng 10 phút đầu "cuộc nói chuyện", tinh thần "đồng hương" dần bị xao lãng và chuyển qua những tình tiết gây căng thẳng, lẽ ra không đáng có.

Vài vị cao niên là cựu quân nhân thuộc quân lực VNCH, thay vì đặt câu hỏi, họ dùng 2 phút (theo quy định) để giải bày phần lớn những tâm tư và cảm xúc trước... Điếu Cày - một tù nhân lương tâm vừa đến Mỹ - sau khi bị CSVN tống khứ - được 1 tháng (!) Điều này có nghĩa Khách thể (các vị cựu quân nhân) và Chủ thể (Điếu Cày) đã so le trong cuộc "nói chuyện".  

Nói cách khác, Khách thể đã chọn lầm Chủ thể để giải bày thông qua những lời chỉ trích. Bởi Điếu Cày sinh năm 1952, ông buộc phải nhập ngũ 1970, khi 18 tuổi, dù muốn hay không. Điếu Cày cũng chưa bao giờ là đảng viên ĐCSVN và chỉ là một anh bộ đội quèn.

Những năm tháng đó, rất nhiều gia đình miền Bắc, phải hứng chịu mọi ngược đãi man rợ từ CS, nếu như gia đình có con trai mà không "đăng lính". "Một người làm cả họ chịu" là vậy [4]. Ngay cả hiện nay, chế độ gọi là "nghĩa vụ quân sự", đông đảo bạn đọc cũng nhận thấy, không có mấy thanh niên nào "khí thế lên đường thi hành nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ quốc" - như CS luôn rêu rao. Hiện nay, giới công an (nhấn mạnh công an quèn như CSGT) muốn lấy vợ lấy chồng cũng vẫn còn phải xin phép "đảng" như cách đây nhiều chục năm về trước. Có ai không thấy "ớn lạnh" về tính "sắt máu" của CS?

Nói chi tiết như trên để thấy, việc lên án và mạt sát nặng nề sẽ dễ dàng nhận đồng thuận phần lớn, một khi, trước mặt các vị cựu quân nhân quân lực VNCH là những người CS đã và/hoặc đang giữ cương vị lớn, quan trọng, chi phối, điều khiển toàn bộ nhân lực, tài lực, vật lực trong cuộc cưỡng chiếm quốc gia VNCH, hoặc những "người thừa kế" chính thức với cương vị cấp cao (ví dụ 16 ông (bà) trong Bộ Chính trị đương thời) từ cuộc cưỡng chiếm đầy tráo trở, lật lọng khởi từ hiệp định Paris 1973 với "chiến thắng" phi chính nghĩa, vô nhân đạo cùng hành xử đê hèn đối với quân - cán - chính VNCH thông qua nhiều hình thức trả thù và đày đọa.

Do đó, có thể hiểu được và hoàn toàn cảm thông được những giải bày đầy uất ức với tâm trạng giằng xé, ngập tràn nỗi niềm của các vị cựu quân nhân quân lực VNCH. Đó là một tâm lý bình thường trong một sinh lý bình thường của con người, như triết gia Térence đã phát hiện và công nhận từ trước khi Chúa ra đời. Hình ảnh chất chứa oan trái nhiều năm và chỉ chờ cơ hội tuôn trào ra là điều dễ nhận thấy trong Khách thể nói trên. Chỉ duy, tâm trạng đó không được kiểm soát (self-control) - đây cũng là điều bình thường nốt.

Mục đích chính của nhà tổ chức đã nói rõ, đó là cuộc "gặp gỡ đồng hương" với mục tiêu rõ ràng, đồng thời được ghi hình và truyền rộng rãi, tức đã mang tính chất công luận, không còn ý nghĩa "đồng hương" tâm sự riêng hay chê trách lẫn nhau (những điều không đại diện phổ quát). Ý kiến này, tôi nêu lên không có nghĩa cần giấu giếm hay gạt bỏ những lời chỉ trích, lên án, mạt sát CSVN, nhưng xin nhấn mạnh, Khách thể đã:

- Không đúng về đối tượng.
- Không đúng trong bối cảnh và hoàn cảnh.
- Không đúng mục đích nhà tổ chức đề ra.
- Không quan tâm đến tính đa nguyên.


Tuy nhiên, bà Kim Oanh (người phụ nữ mặc áo dài tím) rất tinh tế và nhạy bén khi đến lượt phát biểu, bà nhắc đi nhắc lại, bà đến với tư cách cá nhân không đại diện cho ai, như nhắn gởi tế nhị cho các vị cựu quân nhân VNCH và hành động khoác scarf biểu tượng Cờ Vàng lên cổ Điếu Cày, cùng những lời nói đặc trưng cho tính bao dung và độ lượng của Phụ Nữ Việt Nam, đã xua bớt đi không khí căng thẳng. Phải công nhận, Phụ Nữ Việt Nam thật tuyệt vời trong nhiều tình huống giữa "cánh đàn ông" với nhau. Xin bày tỏ lòng cảm kích và hoan hô bà Kim Oanh với nghĩa cử giản dị.

Điếu Cày cần cân nhắc?


Trong bài "Từ blogger Điếu Cày đến Hoa Kỳ phần 1", tác giả viết bài đã đề nghị độc giả chấm điểm Điếu Cày, nhằm giúp anh khắc phục những khuyết - nhược điểm và để bình thường hóa con người anh, đó chính là xóa dần những nghi ngờ chính đáng [5] trong cộng đồng NVHN, cũng nhằm nắn lại những luận điệu bóp méo của những người tấn công vô căn cứ, không chỉ riêng Điếu Cày.

Qua "buổi gặp gỡ đồng hương", tôi xin phép đưa ra vài nhận định về những điểm anh Điếu Cày cần cải thiện, bằng tinh thần xây dựng và luôn ủng hộ anh cũng như ủng hộ các TNLT khác [6]

1. Những cuộc phỏng vấn, hội luận, tọa đàm v.v... diễn ra khá dày đặc, so với 1 tháng, khi Điếu Cày đến Mỹ. Đối với một người tù kiên cường trong chế độ CS, nhất định về sức khỏe cần dành thời gian chữa bệnh và tịnh dưỡng, tập thể dục nhẹ hợp lý. Do đó, có vẻ các cơ quan truyền thông quốc tế "quá nhiệt tình" khi "khai thác" Điếu Cày?

2. Từ ý trên, dẫn đến, nội dung từ các tổ chức truyền thông xoay quanh Điếu Cày gần như lặp đi lặp lại: quan điểm & nhìn nhận của cá nhân, vai trò cá nhân trong đấu tranh hiện nay, mục tiêu, hay xoay quanh CLBNBTD và về... "vụ lá cờ". Có thể nói, những ai quan tâm cũng sẽ thấy quanh đi quẩn lại, chủ đề chỉ gói gọn như thế.

3. Anh Điếu Cày, vì thế cũng chưa hợp lý hóa thời gian 1 tháng ít ỏi vừa qua. Tôi trộm nghĩ, có vẻ vì đáp lại lòng thương mến của đông đảo quần chúng, anh khó nói lời từ chối? Nói cách khác, anh đã làm việc hơi quá sức đối với sức khỏe. Có vẻ như anh bị "trôi" đi theo nhu cầu? Vì thế, sự chuẩn bị xuất hiện trước công chúng về nội dung trình bày, cho thấy chưa đủ chiều sâu và nhạt dần cho những lần xuất hiện về sau.

4. Một điều nữa, dù là hình thức, nhưng khá quan trọng: Kỹ năng như một diễn giả trước công chúng, có lẽ anh chưa bao giờ được cung cấp kỹ thuật đó và cũng do đó  nó dễ bị mài mòn dần qua nội dung không mới, cũng như dễ gây cảm giác nhàm cho giới quan sát và đông đảo độc giả. Mặc dù, với nhận xét cá nhân, tôi thấy Điếu Cày có năng khiếu trở thành diễn giả và hùng biện. Tuy nhiên, trong nghệ thuật trình bày, còn những chỗ anh cần được giúp đỡ, đặc biệt không nên đưa ra những câu chữ không sát nghĩa (như vụ lá cờ trong hội luận lần đầu tiên với SBTN) và một số kỹ năng khác (lợi thế của Điếu Cày là chiều cao lý tưởng, giọng nói ấm và khá rõ, nhưng dáng đi cần chỉnh sửa một chút, cách phát âm cần tròn chữ hơn, cách ngồi và diễn đạt cũng như nét mặt biểu lộ cảm xúc cần biết tiết chế v.v...)

5. Sự thiếu hụt thông tin không tránh khỏi trong gần 7 năm qua - một yếu tố khách quan. Điếu Cày không thể "ngốn" lượng thông tin ngồn ngộn như thế chỉ 1 tháng vỏn vẹn (đặc biệt chỉ riêng 2 tác phẩm Bên Thắng Cuộc và Đèn Cù, Điếu Cày cũng đủ ná thở). Với sự biến chuyển quá nhanh về tìnhh hình VN và thế giới trong hơn 6 năm Điếu Cày đi tù, để tiếp nhận lượng thông tin của cả thời gian dài, một cách có hệ thống và phân loại chúng theo chủ đề, chẳng là việc dễ dàng chút nào. Có lẽ Điếu Cày cần một nhóm bạn (tôi nghĩ là khoảng 2 - 3 người theo dõi sát tình hình VN và thế giới trên mọi lĩnh vực) để giúp anh có thể nắm vững lại tình hình diễn biến gần 7 năm qua.

6. Việc Điếu Cày nhận lời viết blog cho RFA, có vẻ chưa phải là việc cấp thiết? Bởi người viết blog và facebook (đề tài chính trị - xã hội - biển đảo - nhân quyền v.v...) đã tăng trưởng rất nhanh trong suốt 6 năm qua. Nó đã khác quá xa so với 7 năm trước và có vẻ Điếu Cày không cần chú mục nhiều lắm với tư cách chỉ là một blogger? (Đừng tính chuyện cạnh tranh với tui à nha! hê hê hê!).

7. Quan điểm xuyên suốt của Điếu Cày: Truyền Thông & sử dụng nó kết nối trong ngoài nước để đưa sự thật tiếp cận ngày càng nhiều và nhanh đến dân trong nước. Suy cho cùng, khi dùng "Truyền Thông" như thế, nó chỉ là phương tiện, dù là phương tiện quan trọng nhất, đó không phải cứu cánh của Điếu Cày. Vai trò, khả năng và vị trí của anh đã khác quá nhiều, để đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo người dân trong và ngoài nước. Mục tiêu của anh đặt ra phải lớn lao hơn, hữu hiệu hơn và thiết thực hơn theo kỳ vọng của đông đảo quần chúng trong và ngoài nước với tình hình hiện nay.

8. Và còn nhiều điều khác, không tiện trình bày công khai...

Kết

Tôi biết vài lĩnh vực, nhưng khổ nỗi cái nào cũng một chút. Âm nhạc? Một chút. Kinh doanh BĐS? Một chút. Kế toán- thống kê? Một chút. Quản trị nguồn nhân lực (human resource management)? Một chút. Xem Tử vi? Một chút. Năng khiếu viết (chửi CS)? Một chút v.v... Nên đời tôi mới ra một chút...xà bần như ngày nay.

Do đó, tôi nghĩ với một chút xà bần này, chỉ mong góp... một chút, làm cái nền cho những cá nhân/nhóm bạn/phong trào/hội đoàn/đảng phái liên kết rồi đi đến đoàn kết để làm cách mạng GIẢI PHÓNG DÂN TỘC x TỰ DO DÂN CHỦ thành công. Thành công đó, tất nhiên có "một chút xà bần" này hưởng. Ít nhất, tôi có thể hít thở không khí tự do dân chủ khi thoát đời nô lệ.

Hy vọng đông đảo độc giả, cả các vị cựu quân nhân quân lực VNCH và anh Điếu Cày đọc xong cùng cười (nhưng không xòa) mà nhận ra sự ý nhị phía sau những con chữ.

Nguyễn Ngọc Già
_______________


[1] Ví dụ về "tính đa nguyên" bị bóp chết trong lĩnh vực âm nhạc: Đông đảo người yêu chuộng âm nhạc nhận thấy, sau 1975, các ca sĩ hầu như hát cùng một kiểu phát âm (vocal), một giọng [đại đa số là tenor (nam), soprano (nữ)], một cách trình diễn, một âm sắc na ná như nhau mà người xem bình thường, khi không nhìn mặt, không thể phân biệt được người này với người kia.

[1] Ví dụ về "tính đa nguyên" bị bóp chết trong tiêu chuẩn nhan sắc phụ nữ VN: dạo này các cô gái Việt trong nước, hình như "chuẩn đẹp" phải: mặt V-line, mũi S-line? Do vậy, các người đẹp không khác những mannequin di động. Hãy nhìn các hoa hậu VN những năm sau này, ngày càng "nhạt nhòa" về nhan sắc và tri thức cũng không tạo ra được một bước chuyển nào khá hơn, kể cả vốn liếng Anh ngữ. Vì thế, mơ về một Hoa hậu Hoàn Vũ hay Miss World là cô gái VN, hãy còn quá xa vời.

Đưa ví dụ về âm nhạc, sắc đẹp nhằm mục đích để dễ dàng nhận được đồng tình từ đông đảo độc giả, bởi lĩnh vực ngỡ như xa xôi với tính đa nguyên - vốn tưởng chỉ tác động trên lĩnh vực chính trị (khô như ngói).

[2] Những từ ngữ mà người CS vốn dĩ lạm dụng và bóp méo quá nhiều và quá lâu, đến nỗi ngày nay những từ ngữ đáng trân trọng đó trở nên lố bịch, hay được nhắc đến trong những thể loại trào phúng, chấm biếm nhiều hơn là ngược lại chứng thực cho một cá nhân hay một nhóm người/hội đoàn/đảng phái/phong trào nào đó. Nó cũng là bi kịch cho chữ nghĩa Việt Nam! Vì chính những từ ngữ này bị mai một theo năm tháng, như một "chứng tích" cho tính chất suy đồi về đạo đức và vong bản về văn hóa của CSVN.

[3] http://www.youtube.com/watch?v=IiGam3ktvhw

[4] Hai người cậu trốn ngoại tôi đi tập kết, sau 75 vô Sài Gòn đã kể cho tôi nghe, sự thật là như vậy. Những lời lòe mị như trong "phim ảnh, sách báo" chỉ là mị dân. Thậm chí, sau 1975, cả thời gian dài, dù không phải bộ đội hay công an, chỉ cần làm trong "nhà nước", muốn kết hôn cũng phải "xin phép" tổ chức. Nhiều người ở SG sẽ làm chứng cho tôi, khi trong hôn lễ, chủ hôn hay có câu: "Được phép (hay được sự đồng ý)  của tổ chức và gia đình, hôm nay chúng tôi...". Một thời điêu linh và đần độn đến man di mọi rợ của CS vẫn vương vãi trong ngành CA hiện nay!!!

[5] Nghi ngờ chính đáng là phương tiện khoa học cần thiết trong nghiên cứu và đấu tranh chính trị (cả lĩnh vực khoa học khác, nên các khoa học gia mới sáng chế ra các loại phép thử trong các lĩnh vực, để xác nhận tính chính xác hay chính đáng môn khoa học mà họ đang nghiên cứu), đặc biệt đối với thói bịp bợm của CS. Chỉ hy vọng độc giả quan tâm đến tính chất "NGHI NGỜ CÓ CĂN CỨ" và phân tích, nhận định theo logic học. Đó cũng là một thuộc tính của đa nguyên.

[6] Điều này không có nghĩa, cá nhân tôi (xin nhấn mạnh cá nhân tôi) nhìn tất cả những người ở tù hiện nay hay sống đời lưu vong đều là TNLT hoặc bất đồng chính kiến.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"