Trịnh Hữu Long
Ông Scott E. Flipse (phải) và ông Mark Kearney
với tập hồ sơ về blogger Anh Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy. Ảnh chụp
tại một văn phòng của Hạ viện Mỹ, ngày 14/11. Ông Scott E. Flipse làm
việc ở Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ từ năm 2003. Ông có
bằng tiến sĩ về lịch sử quan hệ quốc tế, cũng là một chuyên gia về chính
sách của Hoa Kỳ, đặc biệt ở Trung Quốc, Đông Nam Á, và Nam Á. Scott E.
Flipse cũng rất có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực nhân quyền, nhất là
tự do tôn giáo, và hiểu khá sâu về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Trong chuyến vận động cho blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và
Nguyễn Thị Minh Thúy tại Washington DC., nhà báo-blogger Đoan Trang đã
có cuộc trò chuyện với ông Scott E. Flipse, Giám đốc Truyền thông, Trung
tâm Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ. Ông
Scott E. Flipse đã có nhiều nhận xét thẳng thắn về quan điểm và thái độ
của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền và các quyền tự do.
Cuộc trò chuyện, diễn ra ngày 14/11, cũng có sự có mặt của ông Mark
Kearney, thành viên Tiểu ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ
viện Mỹ.
Đoan Trang (ĐT): Với tư cách những blogger Việt
Nam, chúng tôi thật sự muốn công luận chú ý đến vụ án Anh Ba Sàm, vì xét
nhiều khía cạnh, đây là một trường hợp rất đặc biệt, rất có ý nghĩa.
Trước hết, ông Nguyễn Hữu Vinh là một trong các blogger có ảnh hưởng ở
Việt Nam kể từ năm 2007. Các ông biết đấy, blog và mạng xã hội xuất hiện
tại Việt Nam từ năm 2005 với sự ra đời của Yahoo! 360°, và Anh Ba Sàm
bắt đầu làm blog vào năm 2007, cùng tháng, cùng năm với việc blogger
Điếu Cày thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Ba Sàm đã dịch nhiều bài báo tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến
trên blog của mình. Ông cũng đăng tải nhiều tài liệu về quan hệ
Việt-Trung, về chiến tranh biên giới, tranh chấp chủ quyền biển đảo,
chính trị quốc tế, v.v. Rất nhiều vấn đề khi đó còn bị coi là nhạy cảm
về chính trị ở Việt Nam. Tinh thần chung của trang blog Ba Sàm là Phá
Vòng Nô Lệ, và đó cũng là khẩu hiệu (slogan) của nó. Ông từng nhiều lần
thổ lộ rằng mơ ước duy nhất của ông là Việt Nam trở thành một nước dân
chủ tự do. Ông muốn làm điều đó bằng cách nâng cao nhận thức của cộng
đồng, bằng cách khai dân trí, làm cho người dân hiểu được về các giá trị
dân chủ, tự do. Một khi họ biết thế nào là quyền con người, quyền tự
do, nhà nước pháp quyền, họ sẽ tự biết cần phải làm gì – ông nghĩ như
vậy.
Cách tiếp cận của Anh Ba Sàm rất ôn hòa, phi bạo lực. Vì thế, tôi thật sự rất sửng sốt khi chính quyền bắt giữ ông ấy.
Scott E. Flipse: Theo bạn thì đâu là nguyên nhân
sâu xa khiến ông Vinh bị bắt? Vì ông ấy đã đăng tải những điều phức tạp?
Hay vì một lý do nào đó liên quan đến Trung Quốc? Hay còn lý do nào
khác nữa?
ĐT: Tôi nghĩ có nhiều lý do, mà trước hết, có thể
vì ông ấy rất có ảnh hưởng. Trang blog Ba Sàm đã gần như là một điểm tập
kết trên mạng cho những người biểu tình trong mùa hè 2011. Là một nhà
báo công dân, ông Vinh cũng tham gia nhiều sự kiện quan trọng: những vụ
cưỡng chế đất đai, những cuộc gặp mặt của các blogger ủng hộ dân chủ.
Thứ hai, có thể là do nguồn gốc gia đình. Sinh thời, cha của Nguyễn
Hữu Vinh từng là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Bản thân Nguyễn Hữu Vinh
là một sĩ quan an ninh trước khi ông ấy lập blog. Khi còn nhỏ, ông ấy
từng được gặp Hồ Chí Minh…
Scott E. Flipse: Bác Hồ?
ĐT: Vâng. Nói chung, kiểu người phản tỉnh như Anh
Ba Sàm thường bị an ninh và chính quyền Việt Nam rất ghét; họ coi những
người như ông ấy là “kẻ phản bội”. Và thứ ba, ông ấy có nhiều thông tin,
nhiều kinh nghiệm về chế độ. Bản thân Anh Ba Sàm vốn là công an cho tới
khi ông bỏ việc và thành lập một công ty riêng, đó là công ty thám tử
tư đầu tiên ở Việt Nam. Theo tôi biết thì tới 99% vụ việc mà họ nhận là
vợ theo dõi chồng ngoại tình và ngược lại (cười).
Scott E. Flipse: Haha, có khi ở Mỹ cũng thế đấy!
ĐT: Có lẽ thế. Đối với nhiều người trong giới nhà
báo và blogger chúng tôi thì ông ấy là một người bạn rất tốt. Nói đơn
giản thế này: Trang Ba Sàm là một nguồn cung cấp thông tin tổng hợp cho
chúng tôi. Và đôi khi, có những bài báo bị kiểm duyệt, không thể xuất
bản, thì tác giả của nó có thể gửi nó cho Ba Sàm đăng tải hoặc xử lý thế
nào đấy… Bằng cách đó, ông ấy đã đem đến rất nhiều thông tin cho cộng
đồng. Tôi cho rằng đó là một đóng góp lớn cho xã hội, và nó thể hiện
đúng niềm tin của ông ấy: Con đường duy nhất để Việt Nam chuyển hóa dân
chủ một cách ôn hòa, là phải thông qua giáo dục, khai dân trí, cho người
dân hiểu được về quyền của mình (human rights education).
Scott E. Flipse: Công an cho rằng đó là một tội ư?
ĐT: Họ nói “đây là một vụ án nghiêm trọng, có tổ
chức”. Thật ra, Ba Sàm bị buộc tội là đã đăng tải, tôi xin nhấn mạnh là
chỉ mới đăng tải thôi, 24 bài viết lên hai website mà họ cho là của ông
ấy. Quả thật, ngay cả điều đó có đúng sự thật đi chăng nữa thì 24 bài
viết cũng hết sức ôn hòa; nhiều bài chủ yếu kêu gọi một sự thay đổi từ
bên trong Đảng Cộng sản. Còn hơn cả ôn hòa nữa kia.
Scott E. Flipse: Để tôi kể bạn nghe chuyện này.
Cách đây ít lâu, tôi đã đến Việt Nam. Trong một buổi họp của chúng tôi
với Bộ Công an, một quan chức cấp cao của Bộ – ngồi đối diện tôi, ở phía
bên kia bàn – đã nói thế này: “Ở Việt Nam, người dân có thể phát biểu
bất cứ điều gì họ muốn, chỉ với một điều kiện là họ không được tập hợp
lại. Một khi họ tập hợp lại thì khi đó sẽ là một tội hình sự, liên quan
đến vấn đề an ninh”.
ĐT: Trời ơi, họ nói như thế với ông thật sao?
Scott E. Flipse: Đúng thế đấy.
ĐT: Nhưng đó rõ ràng là vi phạm quyền tự do hội họp…
Scott E. Flipse: Với họ, điều quan trọng không phải
là bạn nói gì, mà quan trọng là khi những điều bạn nói khiến cho mọi
người tập hợp lại, tổ chức lại; hoặc là khi bạn nói một điều gì đó, rồi
bạn gặp một người khác và các bạn quyết định phát biểu điều đó cùng
nhau. Đấy chính là khía cạnh tổ chức, và là cái mà chính quyền Việt Nam
không chấp nhận, chứ không phải là chuyện quan điểm của bạn. Bạn được tự
do nói, nhưng không được tự do tổ chức.
ĐT: Vậy trường hợp của Ba Sàm chắc là như thế. Vào
lúc cao điểm, trang mạng của ông ấy đạt tới hơn 200.000 lượt đọc một
ngày, cao hơn nhiều so với báo chí quốc doanh nói chung.
Scott E. Flipse: Hầu hết từ Việt Nam?
ĐT: Hơn 2/3 người đọc là từ Việt Nam. Ông biết
không, thật sự tôi rất muốn đánh động công luận về vụ việc này. Bắt
người vì Điều 258 quá dễ. Nhưng quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin
cần phải được bảo vệ. Nếu Anh Ba Sàm được bảo vệ, thì cũng có nghĩa là
các blogger khác sẽ được bảo vệ. Vậy mà ông ấy đã bị giam từ tháng 5 tới
nay, và bị từ chối nhiều quyền của người bị tạm giam, như quyền được
tiếp xúc với gia đình, quyền được thông tin…
Scott E. Flipse: Bao giờ thì họ xử ông Vinh?
ĐT: Tôi chẳng biết. Không một ai trong chúng tôi có thể tiếp xúc với ông ấy cả. Luật sư cũng rất khó khăn mới được gặp ông ấy.
Scott E. Flipse: Ông ấy bị giam ở đâu?
ĐT: Trại B14, ở ngoại thành Hà Nội. Đó cũng là một trại giam của công an.
Scott E. Flipse: (lắc đầu) Oh, no… Còn cô Minh Thúy, cô ấy cũng bị giam cùng nơi đó à?
ĐT: Tôi cũng không biết nữa. Chắc vậy, trong quá
trình điều tra, công an thẩm vấn cả hai và có lẽ họ sẽ để hai người ở
cùng trại cho tiện việc đi lại của họ.
Scott E. Flipse: Có thể chúng tôi sẽ liên hệ với
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đại sứ quán cũng rất nhiều việc, nhưng
chúng tôi hy vọng có thể coi đây là việc cần phải ưu tiên.
ĐT: Cảm ơn ông. Nhưng quả thật, chúng tôi muốn
nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi muốn một cơ chế bảo hiến, mặc dù tôi biết
chuyện này chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Nói thế nào nhỉ, chúng tôi
không chỉ muốn một yêu cầu “trả tự do ngay lập tức cho Anh Ba Sàm”. Mà
chúng tôi muốn luật pháp Việt Nam phải được sửa đổi, Bộ luật Hình sự và
các bộ luật quan trọng khác cần phải được cải tiến. Ông nghĩ liệu có
cách nào để chúng tôi thực hiện được những đòi hỏi đó không?
Scott E. Flipse: Bạn biết đấy, Bộ luật Hình sự Việt
Nam có rất nhiều điều luật cần xem xét lại. Điều 258, 79, 88, 89, cả 44
nữa… tất cả đều đã được thảo luận – một số thì do Mỹ đưa ra, một số thì
do EU đưa ra – trong các cuộc đàm phán song phương. Nhưng họ chưa thay
đổi gì cả.
Tôi có cảm giác là, hiện nay, cũng có một cơ hội nào đó, xét bối
cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tôi tin rằng quan hệ của Hoa Kỳ với
Việt Nam đang phần nào tiến triển hơn vì vấn đề Trung Quốc. Có lẽ sẽ có
một cơ hội nào đó chăng.
Tôi không biết chuyện cơ chế bảo hiến thì thế nào, nhưng tôi nghĩ
đến cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR. Tại các vòng UPR, tất cả các
vấn đề luật pháp đều đã được đưa ra rồi, nhưng Việt Nam đều nói đó là
việc của họ. Tôi vẫn tin rằng nước Mỹ có một số tác động đòn bẩy nào đấy
đối với Việt Nam, vì Việt Nam cần Mỹ trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Chúng ta sử dụng điều đó như thế nào để tạo sự thay đổi, mới là câu hỏi
đặt ra. Nói chung, nếu có được những quan chức cấp cao của Chính phủ
Hoa Kỳ, như Ngoại trưởng John Kerry chẳng hạn, lên tiếng, thì sẽ rất có
ích.
ĐT: Những blogger như chúng tôi đã nhiều lần muốn
vận động chính sách ngay trong nước. Tại sao lại không thể chứ? Đã đến
lúc phải làm gì đó. Nói thật với các ông, thật sự là một nỗi khổ tâm khi
lúc nào cũng phải tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong những
vấn đề mà đáng ra người Việt Nam, cả chính quyền lẫn người dân, phải
ngồi lại với nhau để giải quyết. Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì
nữa. Họ không nghe chúng tôi. Những tiếng nói của người dân đơn giản là
không bao giờ được chính quyền đếm xỉa đến.
Scott E. Flipse: Tôi hiểu. Tôi nhìn nhận thấy có
một sự bất an trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, vì chính
những điều các bạn đang làm: quyền tự do biểu đạt, tự do Internet, tự do
tôn giáo, vận động nhân quyền… Đó là những điều mà chính quyền coi là
mối đe dọa, bạn biết đấy, có những thể chế độc tài đã sụp đổ vì những
điều ấy. Họ sẽ nghĩ, “cách mạng ôn hòa” ư, hay là “lợi dụng các quyền tự
do dân chủ”? Trung Quốc cũng thế. (Scott E. Flipse là một chuyên gia về
Trung Quốc – PV). Bắc Kinh không thấy có mối đe dọa từ bên ngoài nào
cả. Tất cả các nguy cơ, các mối đe dọa, đều là từ bên trong hết. Và
chính quyền Việt Nam cũng suy nghĩ hệt như thế, mặc dù rõ ràng là Việt
Nam có một mối đe dọa lớn từ bên ngoài, là Trung Quốc trong vấn đề Biển
Đông.
Bạn thì nói đơn giản đó là quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin…
nhưng tôi tin đây là những vấn đề quan trọng nhất, những vấn đề sống còn
của chế độ. Không phải là chuyện quyền, hay tự do, hay điều tốt cho
người dân, mà đây là vấn đề an ninh. Chính quyền của các bạn nghĩ như
vậy. Đó là quan sát của tôi về chính quyền Việt Nam.
ĐT: Tôi hiểu điều đó. Cũng như tôi hiểu rằng, luôn
có một sự mâu thuẫn giữa quyền con người và an ninh quốc gia. Tiếc rằng
các chính thể độc tài luôn lợi dụng vấn đề an ninh quốc gia để chà đạp
quyền con người. Nói chung, cuộc đấu tranh vì các quyền tự do, dân chủ
còn dài lắm. Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên cho ông về các diễn biến
trong vụ án blogger Anh Ba Sàm.