Hiệu Minh
Chẳng hiểu sao ngành Giáo dục gần đây lại dính chuyện xương. Từ vụ “Canh gà Thọ Xương”
đến vụ bỏ phiếu tín nhiệm trong QH, Bộ trưởng ngành đứng gần cuối bảng.
Mới hôm qua lại dính chuyện nhặt xương khác. Tuy nhiên, có vài bài học
từ vụ “nhặt xương” này.
Tin cho hay, chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV3 tối 19/11 phát câu chuyện “Nhặt xương cho thầy” đã làm dư luận nổi sóng. Nhiều người cho rằng, hình ảnh người thầy/cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đoạn phim hoạt hình này.
Do dư luận lên án, Bộ 4T đã phạt VTV3 và nhà đài đã phải xin lỗi khán giả và các thầy cô giáo.
Phim hoạt hình ngắn 3 phút 20 giây kể về một gia đinh tiếp đãi thầy.
Theo thói quen giữ ý của người Việt (nhất là người Bắc), người thầy đã
giả vờ từ chối món ăn chủ gắp vào bát vì “ông ăn uống đạm bạc quen rồi”.
Gia chủ tưởng thật nên không mời nữa, nhưng thầy lại ấm ức, đây giả vờ
mà người ta tưởng thật.
Ông thầy tìm cách ăn cơm riêng với trò. Trong bữa đó, thầy ăn hết
phần cá thịt, phần xương thì bỏ vào bát trò. Lúc thầy trò chia tay, trò
chúc thầy thọ 100 tuổi còn mình sẽ thọ 101 tuổi, “để thu gom xương cho
thầy “. Chuyện chỉ có thế. Trong các chuyện châm biếm, thầy tham hơn cô
Tôi xem qua, thấy hoạt hình buồn cười, kỹ thuật rất non, hình chạy
giật cục, chỉ có lời thoại giọng miền Nam, có nhiều tứ đáng để ý một
chút. Tác giả cũng có ý tốt cho ngành Giáo dục và nhiều ngành khác nữa,
muốn người đứng ở vị trí cao cao tránh những ông thầy tham ăn như Thanh
tra TVT, hoặc đạo đức giả “để tôi ăn rau”, “thức ăn ngon cho trẻ”, “ăn
vụng xong chùi mép – (dọn xương)”.
Ý 100 tuổi (100 năm) cũng là ghê răng, lấy từ ý của bác Tổng. Nghĩ
thấy thương cho người cầm bút, đạo diễn…VN, viết cũng thậm thụt như buôn
ma phiến. Chả hiểu tôi đoán thế có đúng không.
Ở đây có vài bài học “nhặt xương” cho hang Cua
1. Đối với một đất nước có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự
vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, việc
đưa lên VTV có hàng chục triệu người xem vào giờ vàng, đúng vào ngày
vàng (tối 19/11) trước 20-11, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, sự
bức xúc của người đứng trên giảng đường và bạn đọc là điều dễ hiểu.
2. Phạt báo chí và truyền hình phải dựa trên luật, phạm hay không
phạm. Nếu chỉ là qui định chung chung “Vi phạm thuần phong mỹ tục…”, thì
có thể phat bất kỳ ai, nếu muốn. Chỉ vì dư luận mà phạt tiền nhà đài,
là không công bằng. Thượng tôn pháp luật không thể dựa vào bức xúc trong
nhân dân. Quản lý kiểu “gom xương” để phạt này là không nên,
3. Nếu được mời và muốn ăn, hãy ngồi vào mâm, dùng cơm cùng gia
đình. Nếu từ chối thì đừng mong người ta mời tiếp. Kiểu õng ẹo, giả vờ
không muốn ăn, nhưng mắt vẫn nhìn đĩa thịt, phong bì lấp lánh, là hủ
nho, nên tránh. Đối nội, đối ngoại cũng thế. Hãy bỏ thói đạo đức giả.
Mời mà không ăn thì xương cũng chẳng còn mà gắp.
4. Các thầy cô cũng nên lưu ý đến đạo đức nghề nghiệp, không bày
“dạy thêm học thêm”, nếu thấy không cần thiết. Làm kinh tế trong giáo
dục phổ thông phải tránh tuyệt đối. Tâm hồn trẻ thơ bị bôi đen từ bé,
lớn lên khó mà gột rửa. Ra đời, nếu giữ những trọng trách thì thảm họa
quốc gia là khó tránh. Thầy cô tiếp tục các tiểu xảo để kiếm thêm, học
trò và cả xã hội sẽ “nhặt xương” cho tương lai.
5. Nhà nước cần có chính sách sao cho người thầy cô đủ thu nhập, đủ
sống, như chế độ lương bổng, hưu trí, bảo hiểm … để họ chuyên tâm vào
nghề nghiệp cao quí của mình. Ngày lễ tết, 20-11, thường nghe phụ huynh
bàn nhau một cách thực tế hơn “đừng tặng hoa, hãy gửi cho cô phong bì,
vì bó hoa 500.000 cuối cùng sẽ vứt đi, nếu phong bì, cô có tiền đi chợ”.
Nghèo mãi thì thầy lẫn trò và xã hội dễ “nhặt xương” để sống.
6. Bộ Giáo dục nên cố gắng cải thiện hình ảnh. Trong 50 vị cao cao,
vừa được QH bỏ phiếu tín nhiệm, hai ngành trồng người (GD) và cứu người
(Y tế) đứng cuối bảng. Nếu tiếp tục quản lý và chiến lược giáo dục như
hiện nay, thế hệ tương lai sẽ “nhặt xương” cho sự tụt hậu đó.