Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Hợp tác gì, đấu tranh gì ?

Người Buôn Gió

Vừa rồi trả lời đại biểu quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam đã ngắn gọn khái quát tình trạng quan hệ với TQ trong 6 câu.

- Vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Có lẽ đây là lần đầu tiên quan điểm này được công khai phát biểu từ một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của chế độCHXHCN Việt Nam.

Thực ra thì đường lối này đã có từ lâu, ít nhất nó cũng bắt đầu từ những năm đầu nhiệm kỳ TBT Nông Đức Mạnh cho đến nay. Người về hưu hay những cán bộ trung cấp trở xuống thường được giải thích bằng những luận điệu rủ rỉ như chân tình, thổ lộ rằng.

- Mình ở cạnh nước lớn, địa thế trời sinh đã thế, phải khéo léo thôi. Tìm hướng đi nào thấy hài hoà, có lợi nhất thì làm.

Còn với người dân, lời giải thích khỏi cần rủ rỉ.

- Đã có đảng và nhà nước lo, không được manh động để thế lực thù địch xúi dục, phá hoại an ninh trật tự.

Chiến lược VHTVĐT này có phải là hướng đi hài hoà và có lợi nhất mà ĐCSVN phát minh ra không. Theo như họ, những người CSVN nói có vẻ như chính họ đã nghĩ ra một hướng đi sáng tạo như vậy.

Có khả năng chính TQ vạch ra như vậy, và ĐCSVN bị lừa hay đành nghiến răng giả vờ không biết để làm theo và tự khen rằng mình nghĩ ra. Khả năng lớn nhất là một số cán bộ cấp cao bị mua chuộc, và đã làm như phát minh ra đường lối VHTVĐT hữu hiệu này để hô hào, thúc đẩy toàn Đảng, toàn Dân đi theo. Những người còn lại không nhận biết hoặc có nhận biết nhưng không biết làm cách nào tốt hơn, đành chấp nhận phương án này.

Và vậy nghiễm nhiên một ý đồ của TQ được biến thành một sáng kiến của ĐCSVN, khiến toàn Dân toàn Đảng hí hửng thi hành.

Tại sao TQ phải bày cho VN trò đấy. Đơn giản khi chúng ta đánh con, chúng ta thường chú ý tới việc đánh và nhét vào tai nó những mệnh lệnh, những lời răn kèm roi để nó nghe theo. Ít khi chúng ta vừa đánh vừa vừa bắt nó không được khóc.  Giải thích phức tạp hơn là nhà cầm quyền TQ thủ đoạn sâu xa. E rằng nếu xâm chiếm, chèn ép VN một cách quyết liệt mà không để VN có cách phản kháng nào đó nhằm xoa dịu lòng dân. Sẽ dẫn đến bất trắc là bùng nổ tức giận, không kiểm soát được. Khiến sự việc đi theo một cách không lường trước được thì hậu quả là mục đích của TQ có khi trắng tay, hoặc có được cũng tổn thất nhiều.

Cái hướng để VN có thể xả được bức xúc là tạo cho VN một khoảng trống , đó là '' đấu tranh trên mặt ngoại giao ''

Chúng ta thường thấy, trên mặt ngoại giao, VN sẵn sàng lên án ngay lập tức hành động nào của TQ bằng những lời lẽ trăm lần như một của phát ngôn viên BNG. Những lời phát ngôn nhanh chóng, chúng được soạn sẵn, không cần phải đợi Bộ Chính Trị duyệt. Việc đã được lập trình sẵn, cứ khi việc xảy ra thì cứ thế mà nói. Những người phát ngôn thậm chí chưa được là uỷ viên trung ương.

Về các phương diện khác như quân sự, kinh tế, văn hoá, lãnh đạo , quản lý xã hội thì càng có chuyện TQ hành động thù nghich,  thì VN lại càng gắn bó với TQ hơn. Điển hình mới nhất là Uỷ viên  BCT Phùng Quang Thanh dẫn đoàn tướng lĩnh BQP sang thăm TQ khi mà TQ đang tiến hành những động thái thù nghịch ngoài biển đảo Việt Nam.

Khái quát thời gian qua sẽ nhận thấy chiến lược VHTVĐT là

- Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao - nói mồm, lấy hình ảnh.
- Hợp tác toàn bộ trên các hoạt động trọng yếu - người thật, việc thật.
- Đấu tranh trên cương vị hàm từ uỷ viên trung ương trở xuống - số ít
- Hợp tác từ uỷ viên trung ương trở lên -số nhiều.

Nhìn vào những điểm tổng kết trên, chắc khỏi cần phải đưa ra những dẫn chứng dài dòng mất công bạn đọc, chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam hợp tác với TQ nhiều hơn là đấu tranh.

Đó chính là những gì nằm trong tầm dự tính của người TQ.

 Tuy nhiên gần đây thì đã có một vài UVBCT có những phát biểu mạnh về hành vi gia tăng xâm chiếm biển đảo của VN, ví dụ như ông Nguyễn Tấn Dung, ông Trương Tấn Sang.  Việc đề bạt ông Phạm Bình Minh lên chức phó thủ tướng là mục đích cải thiện vị trí đấu tranh trên mặt ngoại giao. Những điều đó đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ. Cần thiết phải đưa ông Phạm Bình Minh vào BCT. Có nghia đặt cuộc đấu tranh ngoại giao có đúng tầm quan trọng của nó. Đây không phải là câu chuyện cá nhân ông Phạm Bình Minh, mà là câu chuyện về Bộ Ngoại Giao phải có một vị trí trong BCT như BCA, BQP. Không thể để một loạt các uỷ viên BCT cảm giác như chả hoạt động gì như Nguyễn Thiện Nhân, Ngô Quang Dụ, Lê Hồng Anh, Nguyễn Kim Ngân, Đinh Thế Huynh....ngồi gà gật chiếm chỗ vị trí đấu tranh quan trọng và duy nhất với TQ trong cái gọi là thiêng liêng nhất như '' chủ quyền, lãnh thổ ''.

Nhìn theo góc độ nào đó, thì 6 chữ VHTVĐT mà ông Nguyễn Tấn Dũng nói là sự đáng mừng. Ông Dũng nói sổ toẹt ra cái chiến lược mà hơn chục năm nay Đảng, Công An, Quân Đội, Tuyên Huấn đang làm cho nhân dân biết. Qua đó để  tự người ta thấy việc hợp tác, đấu tranh có mang lại được lợi ích gì. Một khi đã nói trắng phớ ra thế, đương nhiên việc đấu tranh sẽ được chú ý hơn, cũng như việc hợp tác bị để ý hơn.

Để việc đấu tranh ngoại giao với TQ có kết quả, việc đưa ông Phạm Bình Minh vào BCT là cấp bách. Cũng như để hỗ trợ Bộ Ngoại Giao đấu tranh có kết quả, được quốc tế quan tâm, việc hỗ trợ không có gì tốt hơn là cải thiện nhân quyền, tự do tôn giáo, ngôn luận. Một việc thiết thực nhất ngay trước mắt là thả tự do cho Lê Quốc Quân một tù nhân người Công Giáo, Ba Sàm Nguyễn Hữu vinh một đại diện cho tự do ngôn luận, Bùi Thị Minh Hằng đại diện cho quyền con người.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"