Sáng ngày 25/11/2014, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam chúng tôi tổ
chức lễ Kỷ niệm một năm thành lập tại Nhà thờ Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế
Sài Gòn.
Chị em chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp Đại diện các tôn giáo và
các tổ chức xã hội dân sự đến chia sẻ niềm vui ngày họp mặt của chị em
chúng tôi.
Sự tham dự của quý vị sau đây là niềm vinh dự lớn cho chị em chúng
tôi: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Hòa thượng Thích Không Tánh, Thượng tọa
Thích Thiện Minh, Mục sư Huỳnh Thúc Khải, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Mục
sự Nguyễn Mạnh Hùng, Thạc sĩ Phạm Bá Hải, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Ký giả
Trương Minh Đức… cùng nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo từ miền Tây.
Nhiều thành viên Hội PNNQVN từ khắp ba miền đã đến họp mặt, trong đó
có những người khách mời phụ nữ, mà đối với chúng tôi, rất đặc biệt như
vợ và con gái mục sư Nguyễn Công Chính từ Gia Lai, cô Trần Thị Thu mẹ em
Đỗ Văn Bình (em Bình bị công an Hòa Vang đến chết đầu năm nay) từ Quảng
Nam, dân oan Lê Thị Kim Thu từ Đồng Nai…
Đây cũng là dịp để các đại diện tổ chức xã hội dân sự họp mặt để chia
sẻ kinh nghiệm đấu tranh và bước đầu phác thảo chương trình hành động
cho năm 2015.
Chúng tôi rất vui mừng nhận được lời cổ cũ của bác sĩ Nguyễn Đan Quế,
Hòa thượng Thích Không Tánh, Thượng tọa Thích Thiện Minh, mục sư Huỳnh
Thúc Khải và đại diện Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Sóc từ Vĩnh Long.
Xin chân thành cám ơn quý bằng hữu đã có mặt để ngày kỷ niệm của chị em chúng tôi tràn đầy niềm vui.
Nhân dịp này, xin chia sẻ với quý vị Hành trình một năm nhìn lại của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam trong năm 2014
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam : Một năm nhìn lại
Ngày 25 tháng 11 hằng năm được Liên Hiệp quốc chọn làm ngày Quốc tế
chống bạo hành phụ nữ. Đúng ngày đó năm 2013, một tổ chức xã hội dân sự
mới ra đời tại Việt Nam: Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Đó có thể là
một ngày bình thường với rất nhiều người, nhưng là một ngày đặc biệt với
chị em chúng tôi – những người phụ nữ bảo vệ Nhân quyền đã tham gia
sáng lập hội này.
Thưa quý vị, mặc dù chúng tôi có một khởi đầu vô cùng khó khăn cả về
nhân sự lãnh đạo, tài chính, kỹ thuật tổ chức lẫn sự đàn áp liên tục
của chính quyền, nhưng từ ngày hôm ấy, chúng tôi có thể tự hào là Hội
phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam lấy việc bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm làm
tôn chỉ hoạt động của mình.
Sống trong xã hội độc tài nơi không có xã hội dân sự thực sự và nền
luật pháp chỉ là đồ chơi trong tay giới cầm quyền và là cái còng số 8
trên cổ tay những người bất đồng chính kiến, chúng tôi không được dạy về
xã hội dân sự, không có điều kiện để trải nghiệm môi trường của sự hợp
tác tự do và tự nguyện. Chúng tôi, những người nữ bất đồng chính kiến,
nữ blogger, vợ hoặc con gái của những tù nhân lương tâm… hoàn toàn không
được trang bị những kiến thức và kinh nghiệm cơ bản để ngồi cùng nhau
trong một tổ chức xã hội công dân bảo vệ Nhân quyền. Chúng tôi chẳng có
ưu thắng gì ngoài một tấm lòng dành cho những nạn nhân bị chà đạp phẩm
giá và tự do, những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc
biệt là những tù nhân lương tâm và gia đình họ.
Một năm là thời gian đủ dài để một tổ chức xã hội công dân nhiều kinh
nghiệm đạt được những thành quả đáng chú ý, nhưng là quá ngắn để một tổ
chức vừa mới ra đời, trong hoàn cảnh trù dập của chính quyền cộng sản
Việt Nam, để lại một dấu ấn nào đó nổi bật. Khắp Việt Nam đầy rẫy tiếng
oán than của những con người yếu đuối bị chà đạp, đầy rẫy những vụ án
oan ức, đầy rẫy những tình cảnh bi thương của những người phụ nữ và trẻ
em không có nổi một bữa cơm no. Và quả tình, chúng tôi cảm thấy xấu hổ
vì một năm qua chúng tôi đã làm được rất ít, rất ít cho đồng bào của
mình.
Khắp sáu tỉnh miền Tây, nơi nào cũng có những người Phật giáo Hòa Hảo
bị chính quyền đàn áp quyền tự do tôn giáo. Họ không có nổi chút tự do
làm những điều rất đỗi bình thường: tổ chức lễ giỗ cho người khai sáng
nền đạo của họ. Có biết bao nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị kết án
nặng nề vì sự dũng cảm kháng cự bất bạo động với nhà cầm quyền độc tài
để giữ lấy cơ hội tự do thờ phượng cho bản thân và gia đình. Nhiều người
trong số họ bị giam giữ hơn cả thập niên mà không có bản án cụ thể. Và
thậm chí, khi họ được trả tự do khỏi nhà tù cũng không thể có được một
tờ giấy ra trại như những tù nhân bình thường khác. Chúng tôi đã đến với
vài người trong số họ, chỉ vài người thôi. Và còn biết bao nhiêu người
khác phải chịu cảnh đánh đập, bắt giam thường xuyên mà không ai biết
tới. Chúng tôi đã đến với gia đình bà Nguyễn Thị Thu tự thiêu năm 2001
và gia đình tu sĩ Út Hòa Lạc tự thiêu năm 2005 và gần chục gia đình
khác… Nhưng vẫn còn bao nhiêu người khác nữa…
Chúng tôi đã theo dõi ngay từ đầu vụ án “gây rối trật tự công cộng”
của hai dân oan Cần Thơ là bà Nguyễn Thị Tuyền và Nguyễn Thị Ánh Nguyệt;
sát cánh cùng gia đình họ trong những ngày khó khăn nhất. Chúng tôi đã
gặp gỡ và chia sẻ với dân oan Dương Nội và dân oan khắp ba miền Bắc
Trung Nam. Những gì chúng tôi làm cũng không có gì hơn ngoài sự chia sẻ
miếng cơm và cốc nước trong những ngày tháng dài bà con dân oan đi khiếu
kiện chính quyền đã cướp đất của nông dân cả nước.
Chúng tôi đã tìm đến những làng xã xa xôi ở tỉnh Phú Yên, có những
nơi nằm trong hóc núi, để thăm viếng gia đình các tù nhân tôn giáo trong
vụ án Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một nhóm tôn giáo có hơn hai
mươi người bị kết án nặng nề, người lãnh đạo là ông Phan Văn Thu bị kết
án chung thân trong trong sự thờ ơ của công luận. Chúng tôi chia sẻ sự
đồng cảm với nỗi oan ức thấu trời của họ: bị tịch thu tiền bạc do đạo
hữu quyên góp, bị mất cơ sở du lịch Đá Bia mà họ phải mất nhiều thời
gian, mồ hôi và nước mắt để xây dưng, và mất tất cả kinh sách trong đó
có tác phẩm triết tôn giáo tự nghiên cứu dựa trên nền tảng Phật lý;
không những thế, họ còn phải chịu các bản án tù hầu hết là trên mười
năm. Chúng tôi đã viết báo cáo đưa trường hợp này đến bà Katherine
Lawson, viên chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách tôn giáo, trong chuyến
thăm Việt Nam của bà. Chúng tôi đã đến thăm tận nhà bà Võ Thị Thanh Thúy
vợ của ông Phan Văn Thu để tìm hiểu tình hình. Nhưng cho đến lúc này,
chúng tôi chỉ có thể làm được đến thế.
Chúng tôi đã đến thăm vợ và con nhỏ của mục sư Nguyễn Công Chính. Mục
sư Chính là một trong người nhà hoạt động cho tự do tôn giáo và nhân
quyền lâu năm trong cộng đồng những người theo các hệ phái Tin Lành tại
gia, đặc biệt là những người sắc tộc thiểu số ở Gia Lai và Kon Tum. Ông
từng bị trù dập nhiều năm trước khi bị bỏ tù và bị kết án 11 năm tù
giam. Ở vùng xa xôi của Cao nguyên Trung phần này, người sắc tộc không
được tổ chức ngay cả một lễ Giáng sinh đơn giản nhất, điều mà đối với
nhiều người Kinh và người ở thành phố là chuyện bình thường. Họ bị theo
dõi, xua đuổi, đánh đập, bắt bớ và bỏ tù trong sự thiếu thông tin hoàn
toàn của công luận. Chúng tôi đã đến thăm nhà và tặng quà gia đình ông
Rơ Châm Hm Rek, một thầy truyền đạo Tin Lành, người từng bị bắt cóc và
bỏ tù trong chín năm mà gia đình không có tin tức; khi người ta thả ông
về thì ông đã bị liệt nửa người, nói không thành tiếng; dù trước đây ông
thông thạo cả tiếng mẹ đẻ của mình và tiếng Việt. Nhưng chúng tôi chưa
làm được gì nhiều hơn thế.
Nhân quyền là giá trị phổ quát của nhân loại nhưng vẫn còn quá nhiều
nơi trên thế giới, nó bị từ chối và chủ thể nắm giữ nó trở thành nạn
nhân của sự sỉ nhục, dùi cui và ngục tù. Bởi vậy, mặc dầu con người đã
văn minh và tiến bộ đến độ có thể lên vũ trụ để thám hiểm không gian và
những hành tinh xa xôi, nhưng chính trên mặt đất này, con người vẫn còn
dùng đủ mọi thủ đoạn để chà đạp nhau. Chừng nào con người còn rên rỉ vì
đau khổ do những tập đoàn cai trị, những phe nhóm phiến quân, những hành
xử tàn ác của gia tộc… mang lại; những tổ chức xã hội công dân bảo vệ
nhân quyền vẫn tiếp tục nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm của mình. Và Hội
Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam chúng tôi hy vọng góp một tay trong sứ mạng
toàn cầu này.
Con đường xây dựng xã hội dân sự và dân chủ cho đất nước là một con
đường dài ở phía trước và tổ chức chúng tôi vẫn đang trong những ngày
tháng chập chững làm việc và trưởng thành. Chúng tôi mong mỏi nhận được
sự trợ giúp của quý bằng hữu người Việt khắp nơi trên thế giới và được
cộng đồng đón nhận với thiện chí và sự tin tưởng. Một năm khó khăn đã
trôi qua. Nhưng với tình hình đàn áp và bạo hành của nhà cầm quyền đối
với các nhà hoạt động xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam, chúng tôi
không muốn đưa ra bất cứ dự đoán nào về sự an toàn của các thành viên
Hội chúng tôi, đặc biệt là các thành viên Ban điều hành Hội. Chúng tôi
chỉ có thể tiếp tục nỗ lực trong tâm tình yêu thương dành cho những
người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và
các nhà hoạt động nữ của chúng ta.
Ban điều hành Hội PNNQVN