Trích facebook Lê Công Định
Tôi nghĩ ai trong đời cũng đều có một người thầy mình quý trọng nhất.
Trong học trình từ lúc niên thiếu đến tận bây giờ, tôi may mắn gặp
nhiều người thầy xuất sắc, song dấu ấn lớn để lại trên sự nghiệp của tôi
có lẽ là từ Tiến sĩ Võ Phúc Tùng. Tôi gặp thầy khi đã tốt nghiệp cử
nhân luật ở trường Đại học Pháp lý Hà Nội, nhưng kiến thức lãnh hội nơi
đó luôn làm tôi ngờ vực, bởi các thầy cô đứng lớp hầu hết chỉ vừa tốt
nghiệp cử nhân, mà kiến thức của họ chỉ loay hoay như gà mắc tóc trong
những quan niệm luật pháp học từ các trường luật Liên Sô và các nước
XHCN Đông Âu mà thôi.
Thực tế đã minh chứng các quan niệm luật pháp được xây dựng trên chủ
thuyết Marx-Lenin chỉ còn tìm thấy ngày nay ở sọt rác lịch sử, bởi chúng
không chỉ lầm lạc mà còn sáo rỗng. Đáng thương cho những trường luật
nào trên trái đất này vẫn còn ngày đêm gõ mõ tụng mớ kinh mụ mị đó. Bởi
thế, mỗi khi nghe nói ai là “tiến sĩ luật XHCN”, tôi đều tránh bàn về
học thuật với họ, vì không muốn báng bổ công trình học hành của mình.
Thầy Võ Phúc Tùng hoàn thành chương trình cử nhân, cao học và tiến sĩ
môn tư pháp tại Đại học Luật khoa Sài Gòn. Thầy là người cuối cùng được
trao văn bằng Tiến sĩ tại Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 22/4/1975, khi
ngoài cửa ngỏ Sài Gòn quân đội đang chuẩn bị trận đánh tử thủ. Do chương
trình nghiên cứu bậc tiến sĩ của thầy vừa công phu vừa kéo dài, nên
thầy đã được bổ nhiệm làm giảng sư trong nhiều năm trước đó tại các Đại
học Luật khoa Sài Gòn, Đại học Luật khoa Cần Thơ và Học viện Quốc gia
Hành chánh.
Đề tài luận án tiến sĩ luật của Tiến sĩ Võ Phúc Tùng là “Les droits
de la personne humaine sur son corps” (Quyền của con người trên thân thể
của mình), được viết và đệ trình bằng tiếng Pháp trước một hội đồng
giám khảo gồm các vị giáo sư luật trứ danh của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là
một đề tài rất khó trong lĩnh vực tư pháp (droit privé). Điều làm tôi
kinh ngạc là mãi đến tháng 11/1993 tại Pháp mới có một luận án tiến sĩ
luật khác được viết hoàn tất và đệ trình bởi một học giả Pháp là bà Irma
Arnoux, với tựa đề hoàn toàn tương tự bản luận án của Tiến sĩ Võ Phúc
Tùng, là “Les droits de l’être humain sur son corps” (trong tiếng Pháp,
“la personne humaine” và “l’être humain” đồng nghĩa với nhau).
Cả hai học giả đều xác định, phân tích và giải quyết thành công những
vấn đề pháp lý tương tự nhau, nhưng thầy tôi đi trước bà Arnoux hơn 18
năm. Nói như vậy để thấy rằng, nền luật pháp và hệ thống học thuật làm
nền tảng cho nó tại miền Nam Việt Nam trước 1975 đã rất phát triển và
hoàn toàn có thể sánh vai với bất kỳ hệ thống luật pháp Tây phương hiện
đại nào đương thời. Tiếc thay, sau gần 40 năm kể từ ngày đó, ở Việt Nam
bây giờ người ta vẫn cứ loay hoay với bao chương trình “cải cách tư
pháp”, mà vẫn chưa thấy cách nào để cải!
Sau năm 1975, trường luật Sài Gòn bị giải tán, thầy tôi trở thành
giảng viên môn Pháp văn kinh tế tại Đại học Kinh tế TPHCM cho đến năm
1984. Do chán ngán với lối giảng dạy tại đại học Việt Nam bấy giờ, thầy
tôi bỏ dạy ra ngoài sửa đồng hồ kiếm sống và nuôi đàn con thơ sau này
đều thành đạt. Nhắc lại chuyện bi hài ấy, thầy thường nói với tôi: “Học
đến bậc tiến sĩ ngày xưa khó khăn như vậy mà tôi còn thành công, huống
chi làm những việc tay chân lặt vặt để sống qua ngày!” Câu nói đó là bài
học tôi mang theo đến tận hôm nay.
Vài năm sau, thầy chuyển sang dạy kèm Pháp văn tại tư gia. Nhờ vậy,
năm 1991 tôi có cơ duyên gặp và theo học thầy môn Pháp văn. Dù tôi đã
học tiếng Pháp từ nhỏ và có chút căn bản vững vàng, thầy Tùng vẫn yêu
cầu tôi học lại từ đầu với quyển sách “Cours de langue et de
civilisation francaises” của tác giả Mauger. Từ quyển sách căn bản đó,
thầy chuyển dần sang những sách văn chương Pháp thế kỷ 18 và 19. Chính
thầy đã mở ra cho tôi bầu trời văn chương Pháp tuyệt đẹp mà tôi vẫn còn
giữ thói quen đọc đến ngày nay.
Cũng từ năm 1991 tôi theo học văn bằng cử nhân thứ hai tại Khoa Luật
của Đại học Tổng hợp, nơi Tiến Sĩ Võ Phúc Tùng được mời giảng các môn
luật căn bản và nâng cao. Năm 1994, thầy bắt đầu dạy riêng cho tôi tại
nhà các môn luật học vốn được giảng tại ban cử nhân của các trường luật
Pháp. Thầy trò dạy và học với nhau bằng tiếng Pháp. Chính quãng thời
gian này đã ghi đậm dấu ấn của thầy trên con đường học thuật của tôi.
Nhờ đó mà khi sang Pháp học chương trình cao học luật tại Đại học
Panthéon-Assas (Paris 2) vào năm 1998 tôi đã không gặp bất kỳ trở ngại
nào.
Ngày đến chào từ biệt thầy Võ Phúc Tùng để đi Pháp học, thầy dặn tôi
nhớ ghi danh các khóa giảng về triết học ở Paris, vì triết lý là nền
tảng của luật pháp. Thầy bảo, “nếu chỉ làm luật sư kiếm tiền, anh không
cần học triết, nhưng tôi biết anh muốn thay đổi hệ thống luật pháp này,
nên tôi khuyên anh phải học thêm triết học ở Tây phương, vì nền tảng
triết học sai lầm sẽ làm sụp đổ tòa lâu đài pháp lý.” Lời dạy đó của
thầy mãi mãi tôi không được phép quên. Thầy còn nói, “anh là người học
trò tôi ưng ý và tự hào nhất, mai này anh thành công, tôi sẽ được người
đời nhớ vì “danh sư xuất cao đồ”, ráng mà giúp nước!” Tôi xin thầy tấm
hình, trong đó Giáo sư Vũ Văn Mẫu khoác trên người thầy tôi áo mão của
vị tiến sĩ mới khi thầy vừa nhận văn bằng Tiến sĩ luật năm 1975. Tôi
giải thích, “con sẽ nhìn hình thầy mà làm gương để cố gắng học hành nơi
xứ người.”
Chuyện như mới vừa hôm qua song đã tròn 16 năm, từ ngày 20/11/1998.
Dù về sau tôi có dịp gặp gỡ và học với nhiều vị giáo sư danh tiếng ở các
đại học Pháp và Mỹ, song thầy Võ Phúc Tùng vẫn mãi là bậc thầy tôi tôn
kính nhất, vì thầy đã mở ra cho tôi nhiều chân trời phía trước.
Lê Công Định
Xin chép lại status của anh Vương Quế Phương khi anh ấy đọc cảm nghĩ của tôi về thầy Võ Phúc Tùng đêm qua. Những gì anh Phương viết trùng hợp với một số thông tin về lý do thật sự vì sao tôi bị bắt năm 2009, mà vào một lúc thuận tiện tôi sẽ kể ra để hầu chuyện các bạn.
Status của bạn Vương Quế Phương:
“Tuyệt!
Hãy để các nhà làm luật xhcn được trau dồi thêm. Không phải đơn giản
mà rất nhiều đại biểu Quốc hội có trình độ luật học đã thể hiện sự
ngưỡng mộ cá nhân đối với anh Lê Công Định ngay cả khi nghe tin anh bị
công an bắt năm 2009.
Tôi vẫn nhớ năm ấy đến Quốc hội báo cáo các thông tin liên quan đến
việc đón một đoàn Liên minh Châu Âu, các đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp
ở đó có cả Phó Chủ tich Quốc hội Uông Chu Lưu đã quan tâm hỏi về việc
vì sao bắt anh Lê Công Định.
Cán bộ phụ trách khu vực của Bộ Ngoại giao là anh Nguyễn Hoàng Long, nay là Đại sứ Việt Nam tại Ý nói:
Cán bộ phụ trách khu vực của Bộ Ngoại giao là anh Nguyễn Hoàng Long, nay là Đại sứ Việt Nam tại Ý nói:
- Thủ tướng gọi a Định là … địch rồi.
Anh Định có quyền tự hào vì ngay cả Thủ tướng đương nhiệm còn xem anh
là đối thủ. Xưa ông ấy có thể bỏ tù người đời như vậy. Nay liệu có thể
tiếp tục làm điều tương tự?
Sau này Đại sứ nhiều nước, nhiều đoàn ngoại giao hỏi phía Việt Nam về
việc vì sao lạ vậy? Thường ở các nước, việc ra lệnh bắt phải do nhánh
tư pháp, hoặc Tòa án hoặc Viện Kiểm sát ra lệnh, không như ở Việt Nam,
Thủ tướng, người đứng đầu ngành hành pháp làm việc này. Đúng ra ông ấy
không có quyền mới phải.
Lúc đó tôi không biết nhiều về anh Định, chính sự quan tâm của chính
quyền và các đại sứ, tôi đã để tâm. Thật may mắn vì tên của tôi đang nằm
trong friendlist của anh.
Trong tất cả các nhân vật của thế giới tự do, anh Định là người được
nhiều chính khách trong ngoài nước tây ta mến mộ nhất và cá nhân tôi đã
trở thành một người hâm mộ, những mong anh có ngày là đại biểu Quốc hội
của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tôi có dịp đến tiếp xúc trong
công việc.”
Vương Quế Phương
Hà Nội 21/11/2014
Hà Nội 21/11/2014