Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Con gái Tướng Vĩnh nói thêm về cuộc gặp: Thành Ủy Hà Nội nắn gân tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Nguyễn Nguyên Bình
Bài ghi nhanh của Đại tá Nguyễn Đăng Quang mới đăng vừa qua đã phản ánh được khá đầy đủ ngắn gọn những nội dung chính của cuộc ‘trao đổi’ với đoàn khách do ông Trần Trọng Dực- Chủ nhiệm UB kiểm tra Thành ủy HN- dẫn đầu ở nhà cụ Nguyễn Trọng Vĩnh chiều 19- 11. Là người cũng được trực tiếp dự nghe, tôi xin viết thêm đôi điều cùng bạn đọc.
Bài anh Quang có nói: Cụ Vĩnh mong đoàn ông Dực về kiểm tra giúp các đơn thư mà cụ đã gửi lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm, nhắc họ cố gắng đọc và nghiên cứu… Tôi xin nói thêm về chuyện ‘đơn thư’ này một chút: Sau buổi đó, tôi cũng về xem lại tập thư của cụ mà tôi lưu giữ được. Thì thấy: ra là từ năm 2004 cụ đã bắt đầu viết thư gửi lãnh đạo Đảng để đóng góp ý kiến. Có điều đáng nói là việc viết đó có thể chia làm hai ‘giai đoạn’ khác nhau: thời gian đầu từ năm 2004 đến khoảng năm 2009, tất cả thư cụ đều gửi qua đường bưu điện, có lần là hàng trăm bức tới ông TBT, Bộ Chính trị và từng ủy viên TU (từ khóa 9 đến khóa 10). Lúc đó cụ còn nhiều hi vọng vào thiện chí, lương tâm và trí tuệ của các vị lãnh đạo. Cuối mỗi bức thư cụ đều trân trọng kính gửi các “đồng chí” “Lời chào cộng sản”.

Giai đoạn đó nay còn lưu được là 22 lá thư, tính ra có thể đến 4000 lượt gửi (cụ đã tạo bao nhiêu công ăn việc làm cho nhân viên Bưu điện?). Cụ đã mỏi mắt chờ các đồng chí của mình ai đó có một chút lương tâm tình cảm trách nhiệm để đáp lại “Lời chào cộng sản” của cụ. Nhưng, biệt vô âm tín! (thật công bằng mà nói, có một trường hợp hi hữu, dịp nào tôi sẽ nói riêng về việc hi hữu này). Dường như tất cả ý kiến tâm huyết của cụ đều không mảy may lay động được trái tim khối óc của các đồng chí đang ngồi trên những chiếc ghế cao chót vót trên đầu nhân dân?
Chính vì vậy, cho đến năm 2010, cụ buộc phải phát biểu ý kiến theo cách khác: từ đó, kể cả thư cho lãnh đạo hay các ý kiến về tình hình đất nước, cụ đều đưa lên mạng Internet để nói vơi đông đảo đồng bào mình. Trong các bài viết hay ‘thư ngỏ’ đưa lên “lề dân” cũng chỉ có 2 nội dung chính: một là vạch rõ âm mưu thâm độc của lãnh đạo Tàu khựa, hai là kiến nghị một số biện pháp khả thi để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn tụt hậu. Và từ khi chuyển sang giai đoạn 2, cụ thôi không gửi “Lời chào cộng sản” nữa, cụ chỉ chào một cách xã giao theo đúng phép lịch sự.
Ấy vậy mà ông Dực và tùy tùng lại cứ khăng khăng gán cho cụ cái “tội” tán phát những điều sai trái làm hại uy tín của Đảng!
Cả buổi ngồi nghe ông Dực thuyết giáo và răn đe cụ Vĩnh, tôi nhận ra, ông Dực rất thiếu thông tin, tin từ ‘lề dân’ thì ông không thèm đọc đã đành, mà tin từ bên ‘lề đảng’ ông cũng rất ít thu nạp. Cụ Vĩnh hỏi ông tại sao báo chí lề đảng lại sợ Việt Tân đến thế, lúc nào cũng bị Việt Tân ám ảnh và luôn vu cáo đổ riệt cho người biểu tình chống TQ và kí kiến nghị góp ý cho Đảng là ‘tiếp tay cho Viêt Tân’? Ông Dực vội vàng trả lời là không có chuyện đó. Chúng tôi ngồi bức xúc quá phải thay nhau nhắc ông xem lại các chương trình truyền hình nhà nước và bài ở báo Sài Gòn giải phóng xem bà Phương Nga, ông Tân Vinh đã nói thế nào? Ông Dực nói ông chưa xem những cái đó (Trời ơi, nghe ông ta nói vậy, tôi phải bỏ ra ngoài vì sợ mình không kiềm chế được, lại tỏ thái độ bất nhã với ông quan khá là to của Đảng) và tôi cũng thấy, ngay cả văn bản Thư ngỏ 61, ông cũng chưa đọc kĩ, chỉ xem qua loa rồi vội vã đến giáo huấn cụ Vĩnh, vì tinh thầnvăn bản một đằng, ông ‘trao đổi’ một nẻo. Viết ra đây thì dài quá, tôi còn giữ cuốn băng ghi lại những lý lẽ của ông, bạn đọc quan tâm, tôi xin cung cấp. Có chi tiết buồn cười là khi mở đầu cuộc trao đổi, ông Dực nói cụ Vĩnh đã từng là Đại Sứ quán VN ở TQ , cụ Vĩnh bật cười, ngắt lời ông, cụ xin đính chính giùm ông, rằng cụ là Đại sứ chứ không phải là Đại sứ quán, quán tức là cái nhà, ông nên nói cho chuẩn đi. Cụ đã góp ý như thế mà ông Dực vẫn không chịu nghe, suốt từ lúc đó đến cuối buổi, ông vẫn ngoan cố gọi cụ là Đại sứ quán đến hai ba lần nữa!
Về lý lẽ, nhất là đi vào những vấn đề cụ thể, đoàn ông Dực xem ra bị bí với bên cụ Vĩnh nên cuối cùng họ giở bài ‘lấy số lượng áp đặt’. Họ nói: nhóm ký thư ngỏ của các cụ chỉ có 61 người, còn toàn Đảng ba triệu sáu Đảng viên là đồng tình với đường lối của trung ương, Bộ Chính trị. Tất nhiên cụ Vĩnh không chấp nhận cách nói đó. Theo cụ, đến lúc này, muốn biết có bao nhiêu Đảng viên còn đồng tình đi theo con đường XHCN (mà như TBT Phú Trọng cũng còn chưa biết hàng trăm năm nữa có tới đích hay không)…thì tốt nhất là phải thông qua trưng cầu ý kiến một cách công khai trung thực thì mới kết luận được, chứ cứ nói một cách võ đoán như các vị thì ai người ta chịu.
Thưa bạn đọc, tới đây tôi xin nhắn ông Trần Trọng Dực và các ‘đồng chí’ của ông: mời các ông nào trong các ông bà đã đến ‘thăm và trao đổi’ với vụ Vĩnh hôm đó mà biết vào mạng Internet, hãy cố gắng mà xem cho biết sơ sơ đã có bao nhiêu người (trong đó chắc chắn nhiều người là hoặc đã từng là đảng viên) phát biểu thế nào về những ý kiến của các ông?
Tôi cũng gửi lên đây hình ảnh tập thư dày dặn này, nó thể hiện lòng nhiệt huyết và tính kiên trì của cụ đối với việc xây dựng Đảng, đối với nhân dân, đất nước. Nếu ông thực sư muốn đối thoại nghiêm túc với cụ Vĩnh thì hãy hỏi cấp trên của ông xem họ để những lá thư đó ở đâu rồi xin phép đọc cho kĩ, và cũng nên nạp thêm thông tin từ cả hai lề để nâng cao nhận thức, tập cách nói năng sao cho chuẩn mực, cho chín chắn, sâu sắc, tăng thêm chút tính thuyết phục, chứ không nên tỏ ra hời hợt, hàm hồ, bộp chộp như vừa rồi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"