Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Việt Nam độc lập từ khi nào

Nguyễn Gia Định
Nhật báo Điện tín loan tin Việt Nam độc lập. (Ảnh: Wikipedia)
“Bởi người Việt Nam am hiểu lịch sử dân tộc đều biết ngày 11-3-1945 Bảo Đại ký đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, ra tuyên bố này khác,… là do sức ép của phát-xít Nhật, qua đó chấp nhận thay thế thế lực ngoại xâm đô hộ này (Pháp) bằng thế lực ngoại xâm đô hộ khác (phát-xít Nhật)”.
Trong bài viết “Sự tráo trở của một người từng là… luật sư!”, báo Nhân Dân đã có đoạn viết như trên, và cho rằng cựu luật sư Lê Công Định đã “tự chứng tỏ anh ta hoặc là người rất kém hiểu biết lịch sử, hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử để phủ nhận một sự kiện, một giá trị quan trọng của đất nước Việt Nam”.
Sự kiện “giá trị quan trọng” mà báo Nhân Dân muốn nói đến là ngày 02-09-1945 với sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”.

TƯ CÁCH ĐỂ ĐỘC LẬP

Theo tài liệu của ông Lê Xuân Khoa, nguyên Phó viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, tiến sĩ triết học, sau khi lật đổ chính quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương (9-3-1945), Nhật duy trì hoàng đế Bảo Đại và hứa hẹn sẽ để cho Việt Nam được độc lập.
Bảo Đại cũng không ngờ rằng Nhật lại để ông tiếp tục làm vua thay vì đưa Hoàng thân Cường Để về nước cầm quyền. Ông đã hỏi Đại sứ Marc Masayuki Yokohama về chuyện này và nói: “Tôi gắn bó với dân tộc tôi chứ không phải ngai vàng”.
Ngày 11-3-1945, Hoàng đế Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để chứng kiến việc tuyên bố Việt Nam độc lập. Cùng đi với Yokoyama là tổng lãnh sự Konagaya Akira và lãnh sự Watanabe Taizo. Bản tuyên cáo có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ mật Viện là Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Phúc Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt, và Trương Như Đính.
Ngày 12-3-1945, Hoàng đế Bảo Đại lại triệu tập Đại sứ Yokoyama Masayuki và trao cho ông bản tuyên cáo. Kể từ ngày hôm sau 13-3-1945, báo giới khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đồng loạt loan tin Việt Nam độc lập.
Với Dụ số 1 ra ngày 17-3, Hoàng đế nêu khẩu hiệu “Dân vi quý” (Hán-Việt: 民爲貴; lấy dân làm quý) làm phương châm trị quốc. Ông giải tán nội các cũ, các Thượng thư đồng loạt từ chức. Nhà sử học Trần Trọng Kim được Hoàng đế vời ra Huế trao nhiệm vụ thành lập tân nội các, trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam. Sau đó, vào ngày 18-8-1945, Hoàng đế Bảo Đại tái xác nhận nền độc lập của Việt Nam một lần nữa.
Bảo Đại từng thúc giục ông Trần Trọng Kim: “Trước kia, người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước”.
Trần Trọng Kim thành lập chính phủ trong tình trạng độc lập nửa vời vì chưa được trao trả trọn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, nhưng như lời nhận định nêu trên của Bảo Đại, đây là một cơ hội để cho Việt Nam có thể chuẩn bị đầy đủ khả năng nhận lãnh hay đòi hỏi độc lập hoàn toàn.
Nếu không nắm lấy cơ hội này, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng bị quân phiệt Nhật thay thế Pháp cai trị một cách khắt khe trong những điều kiện của chiến tranh chống quân đội đồng minh.

TỪ CHỐI NHẬT…

Trước tình thế rối ren của Cách mạng Tháng Tám, Thủ tướng Trần Trọng Kim được quân đội Nhật cho biết họ “còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân đội đồng minh đến thay”, nhưng ông đã từ chối yêu cầu Nhật bảo vệ chính phủ và muốn duy trì trật tự vì muốn tránh đổ máu và rối loạn.
Trước đó, trong chuyến đi ra Hà Nội để điều đình với Tổng tư lệnh Nhật Tsuchihashi Yuitsu để lấy lại Nam Kỳ và các cơ sở chủ quyền còn lại, Trần Trọng Kim đã tìm hiểu kỹ lưỡng về Mặt trận Việt Minh đang gây thanh thế ở miền Bắc.
Ông nhận định rằng “Đảng Việt Minh cộng sản có tổ chức rất chu mật và theo đúng phương pháp khoa học. Trong khi ông Hồ Chí Minh ở bên Tàu để chờ đợi thời cơ, ở trong nước đâu đâu cũng có cán bộ ngấm ngầm hành động và tuyên truyền rất khôn khéo”.
“Họ lợi dụng lòng ái quốc của dân chúng mà tuyên truyền Việt Minh không phải là đảng cộng sản, chỉ là một mặt trận gồm tất cả các đảng phái có chung mục tiêu giành lại độc lập cho nước nhà, vậy nên từ Bắc chí Nam ở đâu cũng có người theo…”
“Đảng viên cộng sản lại biết giữ kỷ luật rất nghiêm và rất chịu khó làm việc. Xem như hội truyền bá quốc ngữ khi mới lập thành ở Hà Nội là có ngay những người cộng sản vào hội rồi, và những người nhận việc đi dạy học rất chăm, không quản công lao gì cả. Một tổ chức có kỉ luật và chịu khó làm việc như thế, làm gì mà không mạnh”.
So sánh một lực lượng cách mạng đã hoạt động lâu năm có ảnh hưởng trong quần chúng và đang có thời cơ với một chính phủ trí thức yêu nước nhưng mới ra đời được bốn tháng, chưa có đủ quyền hành, chưa kịp có quân đội, Trần Trọng Kim đã quyết định đúng khi ông không nhờ quân đội Nhật can thiệp, một quân đội lúc đó đã mất hết tinh thần đang chờ bị tước khí giới và giam giữ.
Chính phủ Trần Trọng Kim mang tiếng là thân Nhật, nhưng thật ra chỉ là lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp để nắm lấy quyền cai trị nhằm dần dần phục hồi độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Đó là phương cách thực tế và khôn ngoan nhất mà bất cứ một chính trị gia sáng suốt nào, kể cả Hồ Chí Minh, cũng sẽ chọn lựa vào lúc đó.
Khoảng tháng 6-1945, khi Thủ tướng Trần Trọng Kim gặp Tổng tư lệnh Tsuchihashi để yêu cầu Nhật dứt khoát trả lại ba tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ đất Nam Kỳ cho Việt Nam.
Ông đã nói: “Quân đội Nhật đã đánh quân đội Pháp và công nhiên hứa hẹn trả quyền tự chủ cho nước Việt Nam. Bởi vậy tôi không quản tuổi già và sự khó khăn của hoàn cảnh mà đứng ra lập chính phủ. Tôi làm việc một lòng giúp nước tôi, cũng như các ông lo việc giúp nước Nhật… Nếu các ông cho tôi là người làm việc cho nước Nhật, việc ấy không phải là phận sự của tôi, tôi sẵn lòng xin lui”.
Chỉ tiếc rằng vài tháng sau, lúc gần đạt được mục tiêu thì Chính phủ Trần Trọng Kim phải ra đi.

LỊCH SỬ VINH DANH

Trong thời gian quá ngắn phục vụ đất nước, Chính phủ Trần Trọng Kim không mắc phải sai lầm nào đáng bị chỉ trích, trái lại, đã thực hiện được nhiều thành tích đáng kể nhất là việc lấy lại được miền Nam và ba nhượng địa quan trọng ở miền Bắc, hoàn thành được việc thống nhất đất nước như đã nói trên.
Tất cả những điều đó cho thấy Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là “bù nhìn” của Nhật và nền độc lập của Việt Nam, dù chưa hoàn toàn, vẫn là một thực tại chứ không phải “bánh vẽ”, nhất là so với những điều kiện của một “quốc gia tự do” và viễn tưởng thống nhất mơ hồ như trong Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ký kết với Cao uỷ Bollaert.
Có thể thấy rằng lập luận của cựu luật sư Lê Công Định, không phải thiếu căn cứ, hay cảm tính:
“Với cách đọc sử không lệ thuộc vào ý thức hệ, từ lâu tôi đã bác bỏ lối tường thuật và nhận định lịch sử theo hướng bóp méo vì mục đích chính trị như vậy. Cho nên, nếu gọi đó là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn có thể đồng ý, nhưng nếu áp đặt đấy là ngày độc lập thì dứt khoát không đúng, bởi với tôi chỉ có thể là ngày 11-3-1945 khi vua Bảo Đại tuyên cáo Việt Nam độc lập mà thôi”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"