Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Buồn vui đời thuyền nhân

Theo Nhân Quyền và Tự Do blog
Buồn vui đời thuyền nhân
Lâm Hoàng Mạnh
Tặng mợ và các con.


Qua hồi ký của Lâm Hoàng Mạnh   “Buồn vui đời thuyền nhân”

Trăn trở và Ước mong

Lâm Hoàng Mạnh là một thuyền nhân và tập hồi ký Buồn Vui Đời Thuyền Nhân kể về cảnh ngộ mà bản thân người viết đã trải. Do đó, tác phẩm chỉ ghi lại một phần hình ảnh cực nhỏ của khu rừng có tên Thuyền Nhân mà Michelle Tauriac từng than dài trong tác phẩm Viet Nam Le Dossier Noir Du Communism: “Biết đến bao giờ người ta mới hiểu hết những bất hạnh đã xẩy ra quanh danh từ đó.” Nhà văn Pháp Michelle Tauriac thông thạo tiếng Việt, sống nhiều năm tại Việt Nam, từng gặp gỡ nhiều thành phần xã hội từ các cấp lãnh đạo hai miền đến người vơ vất trên vỉa hè các thành phố, người lưu lạc tại các vùng đất xa xôi ở trời Tây nên có cả một kho dữ liệu so với số vốn thực tế trong giới hạn bản thân của Lâm Hoàng Mạnh. Với tầm mức đó, Michelle Tauriac vẫn cất tiếng than như vậy thì không thể đòi hỏi Lâm Hoàng Mạnh phải lấp biển vá trời để vẽ lại mọi nét vui buồn của hàng triệu thuyền nhân.
Nhưng Lâm Hoàng Mạnh có ưu thế trải nghiệm thực tế  Việt Nam, kể cả chịu dập vùi giữa biển cả để không chỉ cất lên tiếng nói chứng nhân mà còn là tiếng nói nạn nhân. Vì thế, qua Buồn Vui Đời Thuyền Nhân, ngưởi đọc không chỉ tới với các cảnh đời lưu lạc mà còn nhiều lần đối diện với đời sống Việt Nam — cũng chính là lời minh giải trực tiếp một phần nguồn cội đưa đến tấn thảm kịch thuyền nhân không riêng trong lịch sử Việt Nam mà là lịch sử chung của nhân loại. Tác phẩm của Lâm Hoàng Mạnh đã đưa người đọc về với nhiều cảnh sống mà chỉ người từng sống tại Việt Nam mới tin nổi là chuyện thực. Chẳng hạn chuyện rất nhỏ xẩy ra tại các cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh:
“… Ở thị xã Thái Bình, cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh rất khang trang. Một Chủ Nhật hè năm 1963, sau khi dạo chơi, hai thằng chúng tôi rẽ vào, mua mỗi thằng một tô phở 5 hào.
Tôi vừa bưng ra đặt xuống bàn, một lỏi tỳ khoảng 6 hay 7 tuổi nhổ ngay bãi nước bọt vào bát phở.
Tát nó à? Nó bé quá, không nỡ. Thôi, xin biếu bố trẻ.
Thằng bạn tôi, số phận chẳng hơn gì.
Vừa lấy thìa húp tí nước dùng, ba ngón tay đen ngòm, toàn đất cát thò ngay vào, bốc luôn miếng thịt bò trong bát, bỏ mồm.
Cũng đành đứng dậy, thôi nhường bố trẻ luôn.
Chiêu này diễn lại đều đều, các chị các cô phục vụ đuổi không xuể vì chúng khá đông…
Cửa hàng ăn phố Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Định cũng có lũ lỏi tỳ kiếm ăn… Chúng tụ tập trước cửa, mỗi đứa một cái vung nồi đất, vừa làm bát xin ăn vừa chơi trò xoay vung coi vung nồi đứa nào xoay lâu nhất…Khách mua bát phở, hai đứa kèm hai bên, chìa hai vung nồi, “anh ơi, chú ơi, ông ơi, chị ơi… cho cháu xin một tí, nước không cũng được.”
Làm thế, bố ai nuốt nổi. Thôi nhường cho mấy bố trẻ.
Kiếp trước chắc nợ các bố, vừa bảnh mắt đã bị ám.”
Thực tế khó tin này đã là chuyện bình thường và phổ biến vì toàn xã hội bị kiểm soát nghiệt ngã về cả chuyện ăn uống hàng ngày của mọi người với tên gọi chế độ tem phiếu.
“Nếu tôi nhớ không nhầm, chế độ tem phiếu bắt đầu từ 1959 hay 1960. Hè năm ấy, bọn học sinh Hải Phòng chúng tôi được thành phố trưng dụng đi làm sổ gạo …
Mỗi ngày đi làm, ủy ban hành chính phường trả công 6 hào, ăn bữa cơm trưa tập thể mất 5 hào, còn dư 1 hào chỉ đủ mua 1 que kem hay 2 bát nước chè xanh. Lương mạt hạng, mặt mũi vẫn phải vui và tươi roi rói. Không đi có mà ăn đất! Đừng có mơ vào đại học hay trung cấp chuyên nghiệp. Lý lịch sẽ ghi : Có tư tưởng và hành động chống đối chủ nghĩa xã hội! Đời mờ! Đời tàn liền!”
Lâm Hoàng Mạnh kể lại chế độ tem phiếu chia người dân làm ba loại tuyệt đối tuân theo các tiêu chuẩn quy định.
Loại 1 gồm cán bộ, viên chức có tiêu chuẩn mua mỗi năm 5 mét vải, mỗi tháng từ 13 ký rưỡi gạo tới 25 ký và từ nửa ký thịt tới 2 ký rưỡi tuỳ chức vụ.
Loại 2 gồm người dân tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng …  có tiêu chuẩn mua đồng đều mỗi năm 4 mét vải, mỗi tháng 13 ký rưỡi gạo và 100 gram thịt.
Tiêu chuẩn dành cho cán bộ cao cấp được giữ kín, còn nông dân và người dân tại các thị trấn được xếp vào loại 3  không có tiêu chuẩn, kể cả trẻ em.
Tất cả những người này là con số không tròn trĩnh.
Họ bị coi như công dân hạng 2 trong xã hội ……
Nhiệm vụ và quyền hạn của họ cũng như toàn dân Việt Nam, có thể tóm tắt trong 7 chữ vàng: Đóng thuế – Đi lính – Câm cái mồm!
Không tem phiếu, kể cả phiếu vải — động vật nên không cần quần áo?!….
Mỗi xã có một cửa hàng Hợp Tác Xã Nông Nghiệp …  chẳng có mặt hàng gì quý giá, chỉ có : cày, cuốc, mai, thuổng, bát đĩa loại phế phẩm, vài phong thuốc lào hạng bét. Thuốc lào Tiên Lãng, Hải Phòng không đến lượt. Đôi khi có nước mắm loại khắm và mặn chát, thỉnh thoảng có cá khô … mua về muối nhiều hơn cá vì nhân viên bán hàng trộn thêm muối để ăn cắp cá …
Năm 1967, chúng tôi sang giảng cho lớp y sĩ xã, thấy các em ăn 1 phần cơm 3 phần sắn khô, có hôm ăn ngô răng ngựa — loại ngô dành cho gia súc, bung lên nở to gần bằng ngón tay cái — với canh rau muống nấu muối …”
Với cảnh sống đó, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện khắp nơi những đám trẻ nhỏ 5, 7 tuổi đã có mọi mánh khoé trộm cắp để kiếm miếng ăn. Thực ra, người lớn cũng không thể giữ nếp sống bình thường và ngay các thành phần được ưu đãi như giáo viên, bác sĩ … cũng phải tìm đủ cách kiếm thêm tiền để có thể mua chui một số thực phẩm:
“Thị xã tôi, Hoà Bình, thời ấy có 4 nghề kiếm tiền:
1– Vào rừng chặt gỗ, bương, nứa, cây chít (làm chổi quét), kiếm củi…
2 – Trồng rau, nuôi lợn.
3 – Đan cót.
4 – Cạo nứa.
Chủ nhật, đàn ông, thanh niên vào rừng như chảy hội. Đàn bà ở nhà lột cật nứa, bện chổi chít. Trẻ con đan cót. Ngày thường, hết giờ làm việc, cơm xong cả nhà làm cật lực cho đến khuya. Bốn nghề thật vất vả, nhưng vào rừng chặt gỗ, cạo tinh nứa, theo tôi, khốn khổ nhất …
Tiếng dao cạo vào tinh nứa, két két, ghê tai, sợ lắm, răng như muốn rụng. Đàn ông phải khỏe, dai sức mới làm nổi nghề này. Người ngả về phía trước, hai tay cầm lưỡi dao nghiêng 35-40 độ, kéo cật lực về phía sau, tinh nứa mới bong ra từng phoi xanh xanh cuộn tròn rơi xuống đất. Giống hệt anh thợ bào gỗ. Mùa hè, may-ô quần đùi, “của quý” trong quần các bố cứ lắc lư, lên xuống, ngang dọc theo nhịp kéo dao. Có anh bác sĩ, gia đình ở quê Thái Bình, lương gửi về nuôi vợ con, cũng tham gia hội cạo nứa. Trông thấy anh cạo, có người đùa, phong chức trưởng khoa Đầu Gật Gù, Dái Lắc Lư…”
Sự ngột ngạt không chỉ ở mức cùng cực của đời sống áo cơm mà trùm phủ đời sống tinh thần và tình cảm mọi người, ngay giữa các đồng nghiệp trong cùng một cơ quan:
“Năm 2004, chúng tôi về Việt Nam … nhân tiện lên thăm anh em bệnh viện cũ … Bác sĩ Đinh Tất Thắng, đồng nghiệp cũ mời chúng tôi bữa cơm mừng tái ngộ sau một phần tư thế kỷ xa cách.
Trong buổi hàn huyên, Thắng cười, kể:
– Anh chị còn nhớ y tá Tiêm không?
– Nhớ chứ. Cô Tiêm, phòng Đón Tiếp khu Đa Khoa, gần nhà mình chứ gì?
– Phải. Hè 1980, công đoàn tổ chức lợp nhà giúp Tiêm, trong lúc rỡ mái, em nhặt được túi vải buộc kỹ lắm, giấu ở xà ngang. Mọi người tán “Chết nhá, phen này giàu to.” Ai cũng tưởng quỹ đen giấu chồng, ai ngờ, sổ tay của y tá Tiêm theo dõi gia đình anh chị năm 1978, 1979. Cuốn sổ ghi, ai đến chơi, ngày giờ, cả biển số xe đạp. Anh chị biết không, có cả biển số xe đạp của em và bác sĩ Đắc…
Thắng cười, tiếp:
– Hồi anh chị đi Hong Kong, cả bệnh viện đồn ầm, anh là gián điệp nhị trùng của Mỹ – Trung Quốc nằm vùng. Cô Tuyển bên Nhà Trẻ, cô Thoan bên Kế Toán, cô Lan bên Dược kể nhiều đêm trước đó đã nấp trong bụi chuối sau nhà, rình anh chị bị muỗi đốt quá chừng vẫn phải ngồi im không dám động đậy, sợ lộ.”
Cùng với chuyện nghe qua lời kể đó là chuyện đã xẩy ra với bản thân mà Lâm Hoàng Mạnh còn nhớ cả ngày giờ :
Sáng sớm ngày 9 tháng 4 năm 1979, phòng tổ chức mời vợ tôi lên. Cuộc gặp mặt gồm Bùi Đình Phảng, bí thư đảng ủy, Nguyễn Đình Mão, phó bí thư kiêm bệnh viện phó, Nguyễn Gia Hòa, đảng ủy viên, trưởng phòng Tổ Chức Hành Chính cùng một số nhân viên …
Sau vài lời rào đón, Nguyễn Đình Mão bảo vợ tôi :
– Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra chiến sự, Chúng ta đang chống quân bá quyền, bành trướng Trung Quốc. Chị là người Việt, nhưng chồng chị là người Hoa. Chúng tôi đang giải quyết anh ấy nghỉ chế độ mất sức. Còn chị muốn tiếp tục công tác, chị phải làm đơn ly dị và trả lại 3 cháu cho anh ấy, nộp cho chúng tôi.
Vợ tôi bàng hoàng … Thấy vợ tôi im lặng, trưởng phòng tổ chức Nguyễn Gia Hòa an ủi:
– Chúng tôi muốn giúp đỡ, cho chị lối thoát chứ không có ý gì khác.
Huỳnh Như Thùy, nhân viên phòng tổ chức, nhắc:
Chị nghĩ kỹ đi, đừng để mất cơ hội. Viết xong nộp cho tôi.
Khó mường tượng nổi mức mở rộng cỡ đó về trách vụ của một cơ quan công quyền, cũng khó mường tượng nổi mức băng giá con tim của những người vẫn hàng ngày quần tụ bên nhau, và càng khó mường tượng nổi tính đạo lý của hành động cắt đứt tình vợ chồng, xoá bỏ tình mẹ con… để có thể gọi đó là cơ hội may mắn, lối thoát an lành.
Tôi bỗng nhớ tới một cô gái thuyền nhân Việt Nam đã có 30 năm định cư tại Đức qua nhắc nhở của tạp chí Del Spiegel nhân dịp kỷ niệm ngày các thuyền nhân Việt Nam xuất hiện tại đất nước này — ngày 3 tháng 12 năm 1978.
Vào một ngày tháng 10 năm 1978, cô gái vừa tròn 18 tuổi phải gạt nước mắt rời cha mẹ, rời thành phố Sài Gòn bước lên chiếc thuyền cũ nát không biết sẽ đưa mình tới đâu. Dù vậy, nếu không kể nỗi buồn gia đình chia lìa do cha mẹ phải hy sinh ở lại thì cô gái vẫn gặp nhiều may mắn. Trước hết, cô may mắn ra đi trong tư thế hợp pháp do có gốc người Hoa và cha mẹ gom nổi số vàng 60 lượng theo đòi hỏi để cô có bốn anh chị em cùng đi. May mắn hơn là vào lúc con thuyền bị nghiêng ngả giữa biển cả lại gặp một con tàu tỵ nạn lớn hơn. Nhờ thế anh chị em cô thoát chết và tìm được một góc trú ẩn, dù thêm số người từ con thuyền nhỏ, con tàu phải chở tới 2054 người. May mắn lớn nhất là khi hơn hai ngàn thuyền nhân trở thành tù nhân trong căn nhà tù nổi ngoài cảng Kelang Mã Lai đang chờ chết do đói khát và đã chịu đựng quá dài cảnh ban ngày nắng như đổ lửa, ban đêm lạnh buốt thấu xương thì cảnh ngộ của họ được loan truyền qua nửa địa cầu. Một chính khách Đức đã vận động chính quyền gấp rút chấp thuận đưa họ tới Đức định cư, đồng thời gấp rút chuyển cho họ các điều kiện tối thiểu để duy trì hơi thở.
Do đó, 7 giờ sáng ngày 3-12-1978, cô gái có mặt trong số 163 thuyền nhân Việt Nam đầu tiên bay tới Hanover. Khi cô run rẩy đặt chân xuống sân bay Langenhagen giữa cái lạnh mùa Đông, nhân viên tiếp cứu choàng lên vai cô tấm mền dạ cũ màu nâu của Hội Hồng Thập Tự Đức có in 3 chữ DRK. Tấm mền mỏng sờn cũ này kể từ ngày 3-12-1978 trở thành vật bất ly thân của cô và có thể sẽ ở bên cô tới phút cuối đời. Vì cho tới năm 2008, khi kỷ niệm 30 năm định cư tại Đức với cuộc sống vững vàng và đang bước qua tuổi về chiều, cô vẫn không rời tấm mền đã thực sự mòn cũ. Cô không bao giờ giải thích, nhưng tôi nghĩ tới làn hơi ấm từ tấm mền thấm vào cơ thể cô và cảm giác bình an dấy lên giữa phút giây đầu tiên đối diện với cuộc sống chan chứa yêu thương. Có lẽ suốt 45 ngày dài quằn quại thoi thóp vì nắng mưa đói khát trên biển cả lạnh lùng, cô đã triền miên ước có một phút giây êm ả nồng đượm tình người. Ao ước đó trở thành hiện thực khi một bàn tay xa lạ choàng lên vai cô tấm mền sờn cũ. Tấm mền với làn hơi ấm đã là biểu tượng cụ thể của tình người nên cô không dám từ bỏ. Bởi thực tế đã cho cô thấy cuộc sống tàn khốc ra sao khi tình người vắng thiếu.
Tự nhiên tôi gặp lại cảm giác từng có khi đón nhận vòng tay, nụ cười của bằng hữu, của người thân vào những lần tôi rời khỏi nhà tù. Kể cả khi đặt hai bàn chân trần trên mặt đường nhựa nóng cháy, tôi vẫn thấy toàn thân mát dịu với một cảm giác êm ả tuyệt vời trùm phủ. Những lúc đó, tôi không thể nào lên tiếng, chỉ có nổi nụ cười lặng lẽ trước mọi cử chỉ, mọi lời chia vui, trong khi một ý nghĩ luôn hiện đến là đoá hoa tình người đang toả hương cực độ và trấn áp hết thẩy mọi lo buồn, mọi hiểm hoạ vẫn hiện diện đầy rẫy khắp nơi. Từ đây, một ước mong và một nỗi ray rứt đã hiện hình để trở thành gánh nặng triền miên. Tôi ước mong có thể kéo dài được thời gian toả hương cực độ của những đoá hoa kia, đồng thời không thể ngừng thắc mắc về những cảnh sống cay nghiệt đang tiếp diễn. Quyết định không bỏ tấm mền cũ của cô gái khiến tôi nghĩ cô cũng có cùng ước mong tôi đã có và lập tức khơi dậy thắc mắc đã trở thành gánh nặng của tôi.
Đã nhiều đêm, tôi không chợp mắt nổi vì tấm bia tại Jakarta tưởng niệm các nạn nhân vùi thây giữa biển cả bị đục vỡ. Tấm bia không còn là tấm bia mà hiện ra trong hình vóc một con người với phần bia bị đục vỡ trở thành cặp mắt mở lớn hướng về phía trước trống rỗng mịt mù. Cặp mắt như hố thẳm với cái nhìn khẩn nài đau đớn từ một chiều sâu vô tận đặt tôi vào giữa vùng âm vang thảm thiết của những tiếng gào tuyệt vọng. Tôi không dập xoá nổi âm vang những lời cuối trong một lá thư tuyệt mệnh gửi cho người chị gái : “Chị thương, hôm nay em đã bị từ chối tư cách tỵ nạn chính trị. Rạng sáng mai, em sẽ treo cổ tự tử để thoát mọi đau khổ. Nhưng lúc nào em cũng sẽ ở bên cạnh chị để che chở cho chị và các cháu.” Người viết là Nguyễn Văn Hai 27 tuổi, treo cổ tại Trại Cấm Whitehead Hong Kong đêm 16 tháng 2 năm 1990.
Âm vang những lời cuối ấy trở thành dòng suối cuồn cuộn dồn lên không biết bao nhiêu cái tên, bao nhiêu nấc nghẹn, bao nhiêu con người đột ngột hiện ra … Đây là Lâm Văn Hoàng với hình vóc còn chưa hết nét trẻ thơ vì chỉ vừa 22 tuổi. Cái hình vóc ấy đã từ đỉnh cao một vách đá trại Pulau Bidong, Mã Lai lao thẳng xuống biển khơi vào tháng 1-1991. Ngọn sóng cuốn trôi thân xác chàng trai lại bùng lên ngọn lửa cuồng loạn thiêu đốt những thân xác quằn quại với những cái tên Trịnh Thị Kim Hương, Lưu Thị Hồng Hạnh … Kim Hương 28 tuổi tự thiêu tại Trại Galang, Nam Dương ngày 30-8-1991. Hồng Hạnh 16 tuổi tự thiêu tháng 2-1993 với chi tiết “không có ai là thân thích” nên Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ không cho hưởng quy chế tỵ nạn. Ngay cạnh trường hợp Hồng Hạnh là trường hợp Hoàng Thị Thu Cúc hoàn toàn trái ngược. Thu Cúc có cha bị chết trong trại tù, gia đình bị tịch thu nhà cửa, cưỡng bách đi Khu Kinh Tế Mới nên 5 anh chị em phải tìm đường vượt biên. Các chi tiết cụ thể đó vẫn bị gạt bỏ khiến Thu Cúc đã tự treo cổ tại trại Sikiew Thái Lan tháng 12-1992 khi vừa 26 tuổi.
Cảm giác đến với tôi vào những đêm khuya đối diện tấm bia bị đục vỡ luôn là cảm giác ngộp thở. Vì dòng suối âm vang cuồn cuộn khiến tôi bị vây nghẹt giữa không biết bao nhiêu cái tên, bao nhiêu tiếng gọi cất lên từ nhiều địa phương Thái Lan, Mã Lai qua Nam Dương đến Hong Kong … Tôi không thể nhớ hết những cái tên, những trường hợp xẩy ra, nhưng luôn dừng lại với mấy lời cuối của người thanh niên 25 tuổi tên Nguyễn Ngọc Dũng. Ngày 3-5-1993, Nguyễn Ngọc Dũng tới trước văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ trại Sungei Mã Lai tự tay đâm mũi dao nhọn vào giữa trái tim mình và gục chết bên dòng chữ : “Tôi chết đi không phải vì tuyệt vọng mà vì muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho nhiều người khác.” Nguyễn Ngọc Dũng tự huỷ mình để tạo một tiếng gào kêu gọi sự cảm thông với cảnh ngộ bị đoạ đày của đồng loại trong cảnh sống vắng thiếu tình người.
Lời kêu gào vẫn cất lên, nhưng được đáp ứng ra sao?
Ngày 22-8-2007, tại đại hội Cựu Chiến Binh Mỹ ở Kansas Missouri, tổng thống Bush nhắc đến cuộc chiến Việt Nam qua một câu tóm gọn: “Bất kể bạn ở vị thế nào trong cuộc tranh luận thì cái di sản Việt Nam đã hỉển lộ vẫn chính là cái giá phải trả cho cuộc triệt thoái quân đội Mỹ bởi hàng triệu người vô tội mà những nỗi thống khổ của họ đã tạo thêm cho ngôn ngữ chúng ta các từ mới như “thuyền nhân”, “trại cải tạo” và những “cánh đồng chết”…. ([1])
Phát biểu ngắn gọn gợi nhắc thực tế Việt Nam sau ngày 30-4-1975 cũng bày tỏ nỗi tiếc xót về hậu quả một hành động sai lầm di hoạ cho những con người nhỏ bé vô tội, và ý muốn cảnh báo về một sai lầm tương tự. Dù là người xa lạ, ông Bush cho thấy không hoàn toàn vô cảm trước những thống khổ mà người dân Việt Nam gánh chịu quanh hai tiếng “thuyền nhân” — bao gồm cảnh ngộ buộc mọi người phải rời bỏ quê hương và những thảm nạn trên biển cả mênh mông luôn chứa đầy tai hoạ bão táp, hải tặc và cả thái độ lạnh lùng của những người ngoại cuộc nhẫn tâm…
Nhưng sự bày tỏ một chút tình đồng loại ấy đã lập tức bị phản bác bởi những người đang ở vị thế quyết định số phận mọi con dân Việt Nam. Ngay sau ngày 22-8 cho tới cuối tháng 9-2007, báo chí Việt Nam liên tiếp phổ biến nhiều bài viết và phát biểu chê bai ông Bush sai lầm và xuyên tạc. Trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 31-8-2007, tướng Nguyễn Đình Ước viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam phát biểu “nạn thuyền nhân là chuyện có thật” nhưng nguyên nhân vì “sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề mà Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận về kinh tế.” Viên tướng này diễn tả xã hội Việt Nam hoàn toàn tốt đẹp, không có chuyện bức chế bất kỳ ai, không có nỗi thống khổ nào và khẳng định nạn thuyền nhân là “âm mưu hậu chiến của Mỹ ”, bởi sau khi cấm vận gây khó khăn kinh tế cho Việt Nam, “họ lại kích động, đưa ra viễn cảnh thiên đường ở bên ngoài gây nên tình trạng có một bộ phận người Việt Nam bỏ đất nước ra đi. Không ít người đã thiệt mạng trên biển do bị chìm thuyền, bị bọn đưa người vượt biên trái phép lừa gạt giết chết. Đó đúng là một thảm cảnh nhưng là hệ quả do những chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài.”
Nguyễn Đình Ước và những cây bút cuồng nhiệt đả kích lời phát biểu của ông Bush đã cho thấy họ không hề động tâm trước sự việc xẩy ra cho chính đồng bào của mình mà ngược lại còn kết buộc các nạn nhân tự chuốc tai hoạ bởi nghe lời ngoại nhân kích động, bỏ đất nước ra đi. Nếu cứ giả dụ những người này nói đúng thì phải biện giải ra sao về lý do Việt Nam viện dẫn để đòi phá bỏ tấm bia tưởng niệm tại Jakarta, khi tờ Jakarta Post ngày 20-6-2005 loan báo Chủ Tịch CSVN Trần Đức Lương yêu cầu Nam Dương “khẩn cấp đập tượng đài” trên vì “nó xúc phạm tới Việt Nam.” Tấm bia xúc phạm Việt Nam như thế nào khi chính quyền Việt Nam khẳng định các nạn nhân chết thảm chỉ vì “chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài?” Vả lại, bày tỏ tình cảm xót thương nhớ tiếc những người cùng huyết mạch đã khuất có thể là hành vi gây tổn hại uy danh dân tộc chăng?
Mọi nguyên tắc đạo lý trên trái đất này đều không chứng minh cho kiểu suy diễn đó, nhất là khi hết thẩy người đã khuất đều là nạn nhân vô tội đáng thương, trong số có không ít trẻ thơ và những người vợ, người mẹ chân yếu tay mềm. Bằng cách nhìn nào thì cũng phải khẳng định tấm bia đó chỉ gợi nhắc tội ác của những kẻ đã biến hàng loạt người vô tội thành nạn nhân trong tấn thảm kịch thuyền nhân, và bất kể là ai, nếu còn mang trái tim con người sẽ không bao giờ tránh khỏi xót xa trước cảnh tượng ngọn lửa điên cuồng trùm phủ thân hình nhỏ nhoi yếu đuối của một cô bé mới 16 tuổi như ngọn lửa hoả thiêu thân xác cô bé có tên Lưu Thị Hồng Hạnh.
Bỏ qua mọi lý lẽ để chỉ nhìn vào thực tế xảy ra quanh hai tiếng “thuyền nhân” sẽ không thể quên trường hợp con thuyền mắc cạn tại một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa và trường hợp chấm dứt binh nghiệp của một hạm trưởng hải quân Mỹ.
Theo Washington Post ngày 29-03-1989, hạm trưởng hải vận hạm USS Dubuque cho biết sẽ rời Hải Quân sau 26 năm phục vụ, dù ước nguyện của ông là được sống trọn đời với biển cả. Ông phải chọn điều này vì ngày 24-02-1989, toà án quân sự Mỹ đã tuyên xử ông thiếu xót trách nhiệm và ông tin rằng bản án thực sự chấm dứt binh nghiệp của ông. Trên thực tế, ông bị ngưng chức hạm trưởng, bị truy tố ra toà từ ngày 27-08-1988, và các phiên xử kéo dài 2 tuần lễ khởi từ trung tuần tháng 2-1989 đã kết thúc với bản án trên. Lý do là ngày 9-06-1988, hải vận hạm USS Dubuque gặp một thuyền tỵ nạn Việt Nam lênh đênh giữa biển. Các thuyền nhân cho biết thuyền bị hư máy trôi giạt đã 18 ngày khiến có hơn 20 người bị chết. Còn lại trên thuyền lúc đó có 83 người gồm nhiều phụ nữ, trẻ em, hết thẩy đều kiệt sức. Nhưng lời khẩn cầu hải vận hạm USS Dubuque cứu vớt bị từ chối. Vị hạm trưởng chỉ hạ lệnh chuyển qua con thuyền một số thực phẩm và nước uống đủ dùng mấy ngày rồi tiếp tục ra đi, bỏ mặc con thuyền bập bềnh tại chỗ.
19 ngày sau, ngày 28-06-1988, con thuyền được một tàu đánh cá Phillipines cứu đưa vào bờ thì đã có thêm 31 người bị chết và số người sống sót kể lại phải qua những ngày khủng khiếp là duy trì hơi thở bằng cách nhai nuốt chính thân xác các bạn đồng thuyền đã chết. Tin về cảnh ngộ 52 thuyền nhân sống sót loan truyền khắp mặt báo chí và Bộ Quốc Phòng Mỹ tức khắc ra lệnh truy tố vị hạm trưởng.
Trước toà, vị hạm trưởng viện lý do cần hoàn tất nhiệm vụ nên không dám bỏ thời gian cho việc tiếp cứu. Nhưng quan điểm của toà là không có lý do nào biện giải cho hành vi làm ngơ trước cảnh lâm nguy của đồng loại.
Bản án đã khẳng định vị thế tột cùng của tình người và gợi nhắc một trường hợp từng xẩy ra 10 năm trước đó. Một ngày tháng 4-1979, con tàu là chiếc ghe đi biển mà ngư dân gọi là “3 lốc đầu bạc” chở 130 thuyền nhân rời đảo Hòn Tre ngoài khơi Nha Trang vượt Biển Đông. Sau ba ngày êm ả, một cơn bão bất ngờ ập tới giữa đêm. Cơn bão khiến con tàu điên đảo quay cuồng, sau đó hoàn toàn mất phương hướng. Giữa lúc nguy cấp, người trên tàu bỗng thấy có ánh đèn loé lên từ một khoảng không xa. Tài công lập tức hướng về phía đó với hy vọng là một hòn đảo Philippines.
Không may, con tàu mắc kẹt đá ngầm lúc tới cách hòn đảo chỉ hơn trăm thước. Lâm cảnh vô phương tiến thoái, một nhóm người quyết định lội vào đảo tìm sự tiếp cứu. Vừa đặt được chân lên bãi cát, nhóm người bỗng nghe tiếng loa phóng thanh bằng tiếng Việt ra lệnh : “Tất cả đứng lại!”
Cả nhóm chết sững đứng im, nhưng thầm an ủi nhau nếu bị bắt trở về đất liền thì dù phải đi tù vẫn bình yên, khỏi vùi xác giữa biển cả. Ý nghĩ đó không thành thực tế. Vì nhóm người đứng thẳng hàng với hai tay đưa lên trời đã lập tức trở thành những tấm bia cho hàng loạt đạn từ trong bờ xối xả bắn tới. Gần 20 mạng người gục ngã trong chớp mắt, chỉ còn ba người thoát chạy trở lại được con tàu.
Do mắc kẹt đá ngầm, con tàu không thể nhúc nhích nên đành đưa hết đàn bà trẻ nít lên mui, hướng vào đảo quỳ khóc xin tha mạng. Cảnh tượng đó diễn ra lúc trời đã rạng sáng giúp mọi người thấy rõ trên đảo nhiều toán bộ đội tới lui nhộn nhịp và vợ con họ đứng chen lấn nhìn ra con tàu.
Đám đàn bà trẻ nít trên tàu la khóc lớn hơn xin cứu giúp. Nhưng đó cũng là lúc mà đủ loại súng nối nhau nhả đạn vào đám đàn bà trẻ nít đang uốn mình cúi lạy trên mui tàu…
Các chi tiết về giây phút cuối cùng của con tàu do một nhân chứng sống sót kể lại :
– “Chúa ơi cứu con với !”
Tiếng thét đau đớn, hãi hùng của người phụ nữ nằm sát cạnh tôi, cùng lúc với một dòng nước ấm văng vào mặt khiến tôi phải lấy tay vuốt mặt và bàng hoàng nhận ra toàn là máu. Máu nóng đã ập vào mặt tôi từ người phụ nữ bên cạnh. Tôi ngẩng đầu lên một chút để nhìn. Người phụ nữ oằn oại với vết thương bên đùi vỡ toác, máu tuôn xối xả …
Đạn vẫn tiếp tục nổ, tiếng la hét, kêu gào của những người bị trúng đạn quyện thành một thứ âm thanh hỗn loạn đến rợn người … Trước mặt tôi, chung quanh tôi, máu thịt văng tung tóe, thây người nằm la liệt … Thần kinh tôi tê cứng vì sợ hãi khiến tôi muốn khụy xuống, nhưng bản năng sống còn thúc tôi phóng xuống biển vừa lúc một cơn sóng chụp tới cuốn tôi rời xa con tàu.”
Kẻ may mắn được sóng cuốn đi, sau đó được xô tới bên một chiếc thuyền câu cũng đang dật dờ trên mặt biển:
“Thoạt đầu, tôi cứ tưởng bộ đội hạ quyết tâm đuổi tận, giết tuyệt nên không dám bơi lại gần. Nhưng nhìn kỹ, tôi nhận ra chiếc thuyền hoàn toàn im lặng, không có sự di động của bất cứ người nào trên thuyền. Tôi hơi vững tâm, cố bơi lại gần. Nắm được be thuyền và leo lên thì tôi thấy có người trên thuyền, nhưng mọi người đang nằm ở tư thế ẩn nấp. Thấy tôi leo lên, họ sụp lạy, xin tha mạng. Tôi không có thời giờ giải thích gì cả, bật ngửa ra nằm bất động …
Sau khi đã hoàn hồn và hỏi chuyện nhau, tôi mới vỡ ra họ cũng trôi giạt vào đây và cũng bị bắn. Thuyền của họ xuất phát từ Phước Tỉnh, Bà Rịa, có 13 người gồm 11 người đàn ông và 2 đứa trẻ, bé chị 9 tuổi, cậu em 6 tuổi. Cha của hai em bé này đã bị bắn vỡ đầu nằm chết ở mũi thuyền, một thanh niên khác bị bắn nát phần vai hai bên, đang nằm thoi thóp dưới hầm máy.”
Con thuyền là một thuyền câu dài vỏn vẹn 6 thước, rộng 2 thước cứ dật dờ trôi nhưng tiếp đó đã nhận thêm 4 người khác thoát chết từ con tàu bị mắc cạn để ấp ủ 16 mạng người, sau khi anh thanh niên bị thương trút hơi thở cuối. Điều kỳ lạ là 16 người trong số có hai đứa trẻ đều còn thoi thóp tới ngày thứ 30 lênh đênh trên biển khi được một tàu buôn Nhật Bản phát hiện. Vị thuyền trưởng người Đại Hàn từng được nhắc nhở sẽ bị đuổi việc nếu vớt người vượt biên. Nhưng trước chiếc thuyền câu nhỏ với 16 túi da bọc xương đang hấp hối, ông đã chọn chấp nhận mọi hậu quả, lệnh cho thủy thủ đưa họ lên thuyền cấp cứu rồi chở họ tới cảng Okinawa.
Hơn 30 ngày trước, hai con thuyền chở 143 người lúc này chỉ còn vỏn vẹn 16 người. Nỗi gian khổ của họ được báo chí Nhật Bản và quốc tế kể lại nhiều ngày kèm theo hình ảnh những con người chỉ là những bộ xương với hộp sọ nhô cao.
Hành động quay lưng không cứu người lâm nạn của vị hạm trưởng hải vận hạm USS Dubuque gây ra cái chết cho 31 người đã khiến Bộ Quốc Phòng Mỹ lập tức quyết định đưa ra toà xét xử ngay sau khi báo chí loan tin. Trong khi đó, những kẻ nhẫn tâm tàn sát 120 mạng người vô tội gồm nhiều phụ nữ và trẻ thơ đang khốn đốn giữa sóng gió cho tới nay hơn 30 năm sau vẫn hoàn toàn thoải mái.
Không biết bao nhiêu thắc mắc đã được đưa ra nhưng đều rơi vào hư vô. Nhưng, những thắc mắc đó chắc chắn vẫn sẽ vang lên mỗi khi có ai nhắc đến hai tiếng “thuyền nhân” để gom lại thành một thắc mắc cuối cùng : Những kẻ đã ra lệnh bắn giết người ra đi và những kẻ thản nhiên thi hành lệnh bắn giết đó còn có thể gọi là con người được không?
Trong Buồn Vui Đời Thuyền Nhân, Lâm Hoàng Mạnh lập lại cùng thắc mắc khi kể về một tai hoạ tương tự đe doạ con thuyền trên đó có gia đình anh:
“Trưa ngày 18-6-1979, vợ con tôi cũng như nhiều phụ nữ và trẻ con khác say sóng, nôn mửa, nằm bệt dưới khoang. Tôi đang loay hoay lau chùi dọn dẹp, lấy thuốc chống say cho vợ con, bỗng nhiên nghe tiếng loa phóng thanh oang oang:
– Không được vi phạm hải phận của chúng tôi.
Tất cả mọi người choàng tỉnh. Tôi vội lên sạp thuyền xem sự thể ra sao. Một tàu chiến hải quân Trung Quốc đang dần dần áp sát thuyền chúng tôi. Trên boong tàu, thủy thủ Trung Quốc trong quân phục hải quân, lăm lăm tiểu liên, một dàn đại liên, đại bác chĩa nòng vào thuyền. Một sĩ quan tay cầm loa phóng thanh nói bằng hai thứ tiếng Việt và Quảng rất rành rọt:
– Yêu cầu thuyền không được xâm phạm hải phận chúng tôi. Phải rời ngay hải phận, không sẽ bị tiêu diệt.
Tôi không thể tin được tai mình.
Đây là đồng bào, đồng chí của tổ quốc Trung Hoa vĩ đại của chúng tôi ư?
Mới ngày 15-6 khi chưa rời bến Máy Chai, chúng tôi vẫn được chính quyền Đặng Tiểu Bình trên đài phát thanh Bắc Kinh khoác cho chiếc áo “Hoa kiều yêu nước” với biết bao mỹ từ tươi đẹp, kêu gọi hồi hương. Giờ đây thuyền chúng tôi mới mấp mé hải phận “tổ quốc vĩ đại, thân yêu”, chính hải quân của Đặng Tiểu Bình đe dọa nổ súng, tiêu diệt nếu thuyền không rời xa lãnh hải.
Hơn 200 người trên thuyền là người dân vô tội, đàn bà trẻ con, không tấc sắt trong tay.
Khi tàu hải quân Trung Quốc áp sát, chúng tôi già trẻ lớn bé hơn 200 người đứng lố nhố trên sàn thuyền. Tất cả đăm đăm nhìn bọn họ. Những mũi súng máy của lính hải quân chĩa thẳng vào chúng tôi như sẵn sàng nhả đạn.
Trước khi ra đi, chúng tôi thường nghe BBC Việt ngữ, anh Đỗ Văn đưa tin, rất nhiều thuyền tỵ nạn gặp tàu nước ngoài đuợc cứu trợ, đưa đến nơi an toàn. Không ngờ, thuyền chúng tôi gặp tàu hải quân Trung Quốc, họ không cứu giúp lại tìm cách đẩy chúng tôi ra xa hơn giữa trùng dương nguy hiểm.
Họ là ai? Họ chính là người Trung Quốc, là đồng bào, trong huyết quản họ và chúng tôi có chung dòng máu Trung Hoa. Sao họ tàn ác đến như vậy?
Họ là người hay loài mãnh thú?”
Thắc mắc mà Lâm Hoàng Mạnh lập lại có lẽ không còn cần trả lời. Nhưng từ đây lại dấy lên một thắc mắc rất cần được trả lời: Tại sao loài mãnh thú có thể tồn tại lâu như vậy ở vị thế đè đầu cưỡi cổ con người?
Tôi không tin có một loài thú nào dù hung dữ tới đâu lại đủ sức khống chế một cộng đồng dân tộc từng đạp bằng mọi hiểm hoạ gian nguy cùng cực để tồn tại suốt hơn bốn ngàn năm. Quá trình đó đã biểu hiện cụ thể một ý chí bất khuất và truyền thống bảo toàn các giá trị tất yếu của cuộc sống gọi là cuộc sống con người. Ý chí và truyền thống đó chắc chắn không bao giờ tàn lụi. Vậy do đâu cả một cộng đồng dân tộc đã phải khoanh tay gục đầu trước nanh vuốt của chỉ một bày ác thú?
Hàng loạt dấu hỏi quay cuồng với hàng loạt giải đáp nhưng mỗi giải đáp lại khơi thêm nỗi hoang mang ngờ vực khiến trước mắt tôi bỗng hiển hiện một rừng dấu hỏi nhảy múa điên loạn và chập chờn chuyển hoá thành đủ thứ hình thù. Dù chưa từng vượt biển, chưa từng đặt chân đến một hòn đảo nào, tôi bỗng thấy mình đang đứng giữa quần đảo Trường Sa và những dấu hỏi mịt mù đã biến thành một đám người say mê nhả đạn với nét mặt hả hê trước những thân hình nạn nhân gục ngã. Rồi tôi lại nghe vẳng lên giọng kể trĩu nặng ưu tư của Lâm Hoàng Mạnh về vài cảnh sống của một số thuyền nhân khi đã rời xa hẳn những con thuyền:
“Chuyện ly hôn của người Việt trở thành đề tài nóng bỏng. Tôi quen một số gia đình cũng bị hút vào vòng xoáy này. Đến chơi, khi hỏi chuyện thật hư, có gia đình, không những không ngượng, cô vợ còn cười tươi, bảo “quanh đây ai cũng đều thế cả, chỉ có gia đình anh chị chưa làm thôi. Em á, không những làm, em còn xúi người ta. Tội gì không làm, chết ai đâu? Đây này, chúng em ra tòa ly dị. Có giấy ly hôn hẳn hoi, ông xã lấy cớ thăm con, vẫn ngủ ở nhà đấy chứ. Chỉ khi nào council cho người đến kiểm tra mới“tạm sơ tán” thôi…
Đấy, ông xã nhà này vẫn đi làm đều, chỉ phải đóng thêm chút thuế, theo diện độc thân, còn em và tụi trẻ bây giờ khỏe re, lĩnh tiền trợ cấp single parent cao, tiền nhà khỏi phải đóng, các cháu được miễn phí bữa trưa. Sướng chưa! Anh chị còn chần chừ gì nữa mà không làm….”
Tôi ngán ngẩm ra về và từ đó ít giao lưu. Chỉ vì một chút lợi ích vật chất, họ đã cắt luôn dây thần kinh xấu hổ, làm những điều không thể chấp nhận đối với lương tâm, đạo đức của người bình thường …”
Lâm Hoàng Mạnh không chỉ ưu tư trước cảnh sống này mà còn đưa người đọc tới nhiều vùng đất Việt Nam cũng như Anh quốc cùng nỗi trăn trở về khoảng thời gian tồn tại khó biết ra sao của những câu ca dao đã có hàng ngàn năm tuổi như:
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con …
Tôi không còn theo kịp mức chuyển hoá của khu rừng dấu hỏi nữa, dù vẫn tin chắc ý chí bất khuất và truyền thống bảo toàn các giá trị tất yếu của cuộc sống con người chẳng bao giờ rời xa tim óc mọi người Việt Nam ở bất kỳ nơi đâu. Mọi nguyên do thống khổ dẫn tới hai chữ “thuyền nhân”, mọi tai ương thảm nạn khắc hoạ thành hai chữ đó có thể ghi dấu mãi một đoạn đường ngập tràn những não bộ tối tăm, những con tim dã thú, nhưng trong diễn trình lịch sử, mọi đoạn đường luôn chỉ là một bước thăng trầm không thể kéo dài mãi mãi.
Tôi bỗng nhớ tới giọng ca từng là thần tượng một thời của lớp tuổi chúng tôi từ thập niên 1950, nữ ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri. Nana Mouskouri cuốn hút không chỉ do giọng ca mà còn qua nhiều lời ca vẫn thường bất ngờ vẳng lại :
Quand tu chantes je chante avec toi, liberté
Dans la joie ou les larmes je t’aime
Les chansons de l’espoir ont ton nom et ta voix
La chemin de l’histoire nous conduira vers toi
Liberté, liberté …
Tôi rời những trang hồi ký của Lâm Hoàng Mạnh trong ước mong được nghe lời ca trên vang dội mọi nẻo đường Việt Nam qua một dàn đồng ca, dù dư âm giọng ca của Nana Mouskouri vẫn ngọt ngào quyến rũ.
Virginia May 20, 2011.
© UYÊN THAO___________________________________________________
BUỒN VUI ĐỜI THUYỀN NHÂN
Hồi ký của Lâm Hoàng Mạnh
Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản.
Phát hành tháng 7/2011.
Sách dày 340 trang – Giá 20USD.
Địa chỉ liên lạc;
TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653
Falls Church – VA 22044
([1]) … Whatever your position is on that debate, one unmistakable legacy of Vietnam is that the price of America’s withdrawal was paid by millions of innocent citizens whose agonies would add to our vocabulary new terms like “boat people,” “re-education camps,” and “killing fields.”
     
 (NQ&TD sẽ đăng dần cuốn sách Buồn vui đời thuyền nhân của tác giả Lâm Hoàng Mạnh. Cảm ơn tác giả đã cho phép phổ biến cuốn sách này)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"