Nguyễn Văn Tuấn
Đọc những con số thống kê
rất ấn tượng và không ấn tượng. Việt Nam hiện đang có 838 "cơ quan báo
chí" với 1111 ấn phẩm (số liệu của Bộ 4T, tính đến ngày 26/12/2013).
Trong số này có 70 tờ báo điện tử, 19 tạp chí điện tử, 265 trang thông
tin điện tử. Đây là con số thoạt đầu nghe qua cũng ấn tượng.
Buồn cười một điều là khi giới quan sát nước ngoài phê bình VN không
có tự do báo chí, thì các quan chức giãy nảy lên phản bác. Cách họ làm
là đem mấy con số thống kê về số tờ báo ra để phản bác. Nhưng đó là kiểu
phản bác rất lạc đề. Người ta phê phán rằng anh không có tự do báo chí
(chứ người ta đâu có phê phán anh có ít tờ báo), nhưng anh lại nói "tôi
có nhiều tờ báo"! Nhưng trong thực tế thì hơn 800 tờ báo đó chỉ có 1 ông
tổng biên tập, và do đó tất cả đều cung cấp một thông tin có chọn lọc
và nói cùng một giọng điệu.
Điều không ấn tượng là con số phát hành. Tất cả những tờ báo có số
phát hành cao nhất đều là từ miền Nam (như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An
TPHCM, v.v.). Nhưng ngay cả những tờ này số phát hành cao nhất cũng chỉ
200 ngàn bản/ngày! Dân số VN là khoảng 90 triệu người, và trong số này
khoảng 77 triệu người (85%) biết đọc. Hãy cho là có 200 ngàn người đọc,
và có 5 tờ như thế thì cũng chỉ có khoảng 1 triệu người đọc báo giấy.
Như vậy, số người Việt không đọc báo giấy hàng ngày phải lên đến con số
99%!
Tôi nghĩ điều này chắc đúng. Kinh nghiệm của tôi ở dưới quê thì hầu
như không có báo giấy. Ở xã thì chắc chắn không có báo. Thị tứ cũng
không có báo giấy. Phải ra tận huyện mới có 1 sạp báo duy nhất, và cũng
chỉ bán báo cũ. Ra tỉnh (thành phố) thì cũng chỉ có khoảng 5 sạp báo, và
toàn là những tờ như báo loại "cướp giết hiếp" (như Công An, An Ninh
Thế Giới chẳng hạn). Do đó, có thể nói rằng người VN là cộng đồng rất mù
thông tin. Mù thông tin là điều kiện rất lí tưởng để bị những kẻ bất
lương lường gạt.