Châu Văn Thi, Alex Trương
Ngày 22/11/2014 vừa qua tại Manila, đoàn nhà báo độc lập của Việt Nam
có dịp tham dự Hội thảo về Báo chí điều tra được tổ chức lần đầu tiên ở
Châu Á. Đến tham dự buổi hội thảo có khoảng 300 phóng viên đến từ 25
quốc gia trong khu vực. Phát biểu khai mạc hội thảo bởi ông David Kaplan
- Giám đốc điều hành Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu và bà Malou
Mangaha – Giám đốc điều hành Trung tâm Báo chí Điều tra Philippines đã
có bài phát biểu với mọi người. Ông David Kaplan khẳng định các nhà báo
không hề cô đơn, đã có nhiều tổ chức phi chính phủ lên tiếng yêu cầu các
chính phủ bảo vệ nhà báo của mình.
Ông David Kaplan - Giám đốc điều hành Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu
Tôn vinh vai trò và đóng góp của những nhà báo điều tra cho sự minh bạch và dân chủ của xã hội
Bà Sheila Coronel, đồng sáng lập Trung tâm Báo chí Điều tra
Philippine, đã có phần chia sẻ về công việc của bà cùng các đồng nghiệp
Philippines và những nhà báo điều tra đến từ các nước khác ở châu Á. Mặc
dù phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu và nhiều mối nguy hiểm khác,
các nhà báo trên khắp châu Á đã và đang đem ra ánh sáng những vết đen
tham nhũng và nhiều vấn nạn khác. Nhờ sự trợ giúp của luật pháp, không
gian tự do và công nghệ, ngày nay các nhà báo tiếp tục thực hiện vai trò
là quyền lực thứ 4, lực lượng giám sát của xã hội.
Hướng dẫn sử dụng các công cụ bảo mật kỹ thuật số
Trong thời đại kỹ thuật số, tiện ích cũng đi kèm với những nguy cơ
tiềm ẩn có thể xảy đến cho an toàn thông tin cá nhân. Buổi hướng dẫn
được dẫn dắt bởi 2 chuyên gia bảo mật Smari McCarthy và Bobby Soriano
giúp các nhà báo trang bị cho mình những công cụ và kỹ thuật cần thiết
để tác nghiệp bằng thiết bị kỹ thuật số trong mức độ rủi ro thấp nhất.
Những gì mà 2 chuyên gia này đem đến cho các nhà báo độc lập Việt Nam
là rất hữu ích. Những công cụ dùng để duyệt web ẩn danh khiến cho các
chính phủ khó lòng theo dõi ta đang truy cập trang web nào và từ đâu.
Sử dụng Truyền thông xã hội trong báo chí điều tra
Nhà báo Paul Myers đến từ đài BBC chia sẻ cách tận dụng các kênh
truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Linkedln và tương tác với
người dùng trên các mạng xã hội để thu thập thông tin trong quá trình
điều tra để viết bài cũng như lắng nghe ý kiến dư luận sau khi bài viết
được đăng.
Thắp nến tưởng niệm các nhà báo đã bị sát hại trên khắp thế giới và
tôn vinh Ngày Quốc tế chấm dứt các tội ác không bị trừng phạt
Tối ngày 23/11/2014, chúng tôi đã tham dự một buổi thắp nến ngoài
trời để kỷ niệm ngày Quốc tế Chấm dứt các tội ác không bị trừng phạt.
Cũng ngày này cách đây 5 năm 32 nhà báo và 26 dân thường đã bị sát hại ở
tỉnh Minguigdanao, đảo Mindanao, miền Nam Philippines. Vụ án đã làm
rúng động toàn thế giới về mức độ tàn ác, nó còn khiến cho công chúng
thất vọng khi có những ý kiến cho rằng quá trình xét xử có thể kéo dài
cả trăm năm. (Theo Luật Khoa)
* Sáng ngày 24/11/2014 chúng tôi được tham dự cuộc thảo luận mở:
Tương lai của Báo chí Điều tra châu Á
Các nhà báo và học giả làm việc trong lĩnh vực báo chí đến từ các
nước Nepal, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan làm chủ tọa cho buổi
thảo luận toàn thể. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Báo chí điều tra ở
châu Á trong thế kỷ 21 sẽ có diện mạo như thế nào? Với sự phát triển
vượt trội của Internet và công nghệ, sự tham gia ngày càng đậm nét của
những người dân làm báo và khi mà các chính phủ ngày càng cởi mở hơn,
những yếu tố đó sẽ có tác động ra sao đến báo chí nói chung và báo chí
phóng sự - điều tra nói riêng?
Buổi thảo luận cũng đề cập đến các quốc gia vẫn còn thiếu dân chủ và
cân nhắc khả năng liệu chính phủ các nước này cuối cùng sẽ phải trở nên
minh bạch như một xu thế tất yếu hay không?
Đáng chú ý, Phó tổng biên tập tờ Asahi Shimbun của Nhật, ông Tomohisa
Yamaguchi bày tỏ mong muốn của các nhà báo Nhật muốn hợp tác cùng những
đồng nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Tomohisa Yamaguchi, Phó tổng biên tập tờ Asahi Shimbun của Nhật,
Các chính quyền độc tài câu kết với giới tài phiệt lũng đoạn thị trường
Ba nhà báo dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra chủ nghĩa thân
hữu giữa chính quyền và giới kinh doanh đến từ Philippines, Indonesia
và Mỹ trình bày cách thức các nhà nước “mafia” và chính quyền tham nhũng
đã câu kết trục lợi với giới tài phiệt mà không bị truy cứu trách
nhiệm. Phiên làm việc cũng hướng dẫn người tham dự cách các nhà báo đi
vào những mảng tối này và đem ra ánh sáng sự thật. Các ví dụ minh họa từ
thực tế của chính quyền độc tài thời Suharto ở Indonesia và chính quyền
đương nhiệm của tổng thống Nga Putin.
Tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án báo chí điều tra
Trong bối cảnh báo chí chính thống đang chật vật về mặt doanh thu từ
sự thịnh hành của các trang báo mạng, các nhà báo làm ở mảng phóng sự -
điều tra cũng theo đó bị ảnh hưởng đáng kể, bởi đây thường là mảng bị
cắt giảm ngân sách đầu tiên. Đối với các nhà báo và phóng viên độc lập,
khó khăn về tài chính còn nan giải hơn gấp bội. Hiểu được trở ngại đó,
phiên làm việc được chủ trì bởi 3 nhà báo đến từ Nepal, Hong Kong và
Malaysia đã chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cách tìm đến các nhà tài
trợ tiềm năng từ một số tổ chức NGO quốc tế cũng như các mạnh thường
quân trong xã hội.
Cuối cùng là tiệc chia tay và kết thúc hội thảo. Hội thảo Báo chí
điều tra lần này thực sự là một nơi gặp gỡ lý tưởng cho các nhà báo đến
từ khắp các nước ở châu Á, chúng tôi đã được làm quen với những người
bạn đến từ Nhật, Miến Điện, Hàn Quốc, Lào... Tâm tình và kể cho họ nghe
những khó khăn mà những nhà báo độc lập đến từ Việt Nam phải gặp phải,
những đồng nghiệp từ Nhật còn hứa sẽ liên hệ với chúng tôi để viết nhiều
hơn về những dự án ODA mà Nhật đang viện trợ cho Việt Nam nhưng không
hiệu quả do tham nhũng, trình độ kém...