Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Văn hóa xe máy ở Việt Nam

Cao Huy Huân
Nghe nhỏ bạn nói ở Ý xe máy chỉ dùng để đi giao báo và cho nhân viên làm vệ sinh đường phố di chuyển cho thuận tiện. Chẳng biết đúng hay sai nhưng ở những nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan thì xe máy cũng chỉ để dùng cho nhân viên giao hàng. Sỡ dĩ như vậy là vì, do hình dáng nhỏ gọn và khả năng di chuyển nhanh chóng, phương tiện này được ưa chuộng để đi đến mọi ngõ ngách của thành phố. Thế nhưng xe máy không phải là phương tiện phổ biến ở các quốc gia này. Người Nhật, người Hàn và người Đài Loan sản xuất xe máy không phải để bán cho dân của họ. Họ sản xuất để bán cho các thị trường gắn bó truyền thống với xe máy và xem xe máy là phương tiện di chuyển chính ở châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam.
Đa số những người mới đến Việt Nam lần đầu đều sẽ ngạc nhiên vì đất nước này có nhiều xe máy quá. Và sẽ xuất hiện trong đầu một câu hỏi là tại sao người dân ở đây lại sử dụng nhiều xe máy đến như vậy. Câu trả lời nhanh nhất cho câu hỏi này là vì xe máy tiện lợi và thích hợp. Sở dĩ nói xe máy tiện lợi là vì như đã nói ở trên, hình dáng và cách thức vận hành của loại xe này rất nhanh gọn và thích hợp với những con phố nhiều ngõ nhiều ngách ở Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là văn hóa lề đường. Nét văn hóa này trải dài từ miền quê cho đến thành phố. Do đó, xe máy càng được xem là lựa chọn tối ưu cho nét văn hóa lề đường này. Còn khi nói xe máy thích hợp với dân Việt là bởi số đông dân Việt chẳng thể mua nổi một chiếc ô tô cho chính mình. Thuế quan dành cho việc mua sắm ô tô ở Việt Nam rất cao, làm cho giá thành một chiếc xe đội lên gấp 3 lần so với giá gốc. Sắp tới đây Việt Nam mới bắt đầu dỡ bỏ từ từ thuế ô tô nhưng cũng theo lộ trình dài hạn. Hệ thống phương tiện công cộng thì nghèo nàn, chỉ vài ba chiếc xe buýt nhập khẩu xe cũ từ những nước khác. Chưa kể là những chiếc xe ấy có cái kiểu đón và trả khách rất thiếu an toàn, cùng với cách di chuyển rất mất trật tự. Thử hỏi, nếu không chọn lựa xe máy thì còn chọn lựa gì hơn?

Tiến sĩ Alan Phan từ Hoa Kỳ hướng góc nhìn về vùng Đông Nam Á và so sánh sự khác biệt. Trong khi đa số các quốc gia ở Đông Nam Á đều sử dụng xe máy nhiều (nhiều nhất là Việt Nam) thì quốc gia mới mở cửa là Myanmar lại không nhận thấy xe máy là thứ phương tiện an toàn và mang lại lợi ích cho dân họ. Người Myanmar kiên quyết nói không với xe máy, chắc có lẽ họ đã nhìn thấy những điều kinh khủng do xe máy gây ra cho giao thông của Việt Nam. Xe máy là thứ phương tiện “chụp giựt” theo lời của ông Alan, và bất cứ người nước ngoài nào đến Việt Nam đều phải “ngạc nhiên và kinh hãi” về thứ phương tiện chụp giựt đó. Sở dĩ nói xe máy là thứ phương tiện chụp giựt là do tính tiện lợi của nó làm cho người điều khiển có thể bất chấp mọi thứ để leo lên lề mà đi, băng ẩu qua đường, vượt đèn đỏ, tấp vào lề đường một cách bất chợt… Mọi thứ dường như quá hỗn loạn với xe máy. Nét văn hóa xe máy còn thể hiện ở các cô các chị cứ chiều chiều phóng xe máy đi ăn hàng, cứ thế mà ngồi trên xe dựng sát lề mà nhâm nhi, thậm chí có khi còn vừa một tay lái xe một tay cầm thức ăn. Văn hóa xe máy còn thể hiện ở các anh, chạy xe hàng hai hàng ba, đua xe lạng lách, rồi đến cả cắt đầu xe ô tô bằng xe máy. Văn hóa này chắc chỉ có ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Thực sự có thể nói giao thông cũng thể hiện một nét văn hóa mà mỗi nơi đều có sự khác biệt. Ví dụ như ở Mỹ người ta lái xe bên phải, trong khi ở Nhật, họ lại lái xe bên trái. Chưa kể là mỗi bang ở Mỹ lại có một quy định riêng về lái xe, và vì thế mỗi bang cũng có một loại giấy phép lái xe riêng. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng có văn hóa giao thông riêng. Và cái kiểu giao thông đó gọi là manh múng, chụp giựt và gây hoảng sợ. Cái kiểu giao thông đi lại bằng xe máy, nên cứ thế mặc định là “ôi dào, đã có xe máy rồi, đi nhanh ấy mà, phóng một vèo là tới, cần chi mà phải sửa soạn vội”, và thế là chúng ta cứ chần chừ cho đến gần đến giờ hẹn mới phóng xe đi, vừa không an toàn, vừa thể hiện suy nghĩ tùy tiện, không chu đáo. Rồi còn cái kiểu khi kẹt xe thì người này chen người kia, ai cũng muốn đi nhanh nên biến cả đường phố thành một mớ hỗn độn. Nếu như ở các nơi khác, luật giao thông đặt ra là để người tham gia giao thông đi cho trật tự và an toàn, thì ở Việt Nam cũng thế thôi. Nhưng khác nhau là ở chỗ người tham gia giao thông các nước khác tuân theo luật lệ giao thông một cách có ý thức, còn ở Việt Nam thì người tham gia giao thông ít có ý thức hơn, chủ yếu là để đối phó với cảnh sát giao thông. Vui một cái là người ta hay đổ lỗi cho cảnh sát giao thông Việt Nam hay ăn hối lộ tiền của người tham gia giao thông, rồi có người nói rằng vì do nhà nước trả lương cho cảnh sát giao thông ít quá, họ đành ra gác đường để kiếm chút cháo. Tôi thì nghĩ theo kiểu khác. Do cái máu kém ý thức của dân Việt ra cả. Nếu chúng ta có ý thức tuân thủ luật giao thông và nắm vững luật thì chẳng có anh công an giao thông nào ăn được một đồng của chúng ta. Do dân Việt ý thức kém, nên trả lương cho công an giao thông ít cũng là cách giúp họ siêng năng ra ngoài canh gác cho những người ý thức kém đi đứng cho đàng hoàng hơn.
Có lần cô tôi nói, đi xe máy là da thịt bọc khung kim loại, còn đi ô tô thì kim loại bọc da thịt. Tôi bật cười khi nghe cách so sánh như vậy. Đáng buồn là ở Việt Nam chẳng có nhiều điều kiện để đi cái xe kim loại bọc da thịt cho nó an toàn. Đôi khi tôi ước gì Sài Gòn giống như Washington DC, có hệ thống phương tiện công cộng phục vụ tối ưu cho người dân di chuyển an toàn và thuận tiện. Tôi ước gì Sài Gòn là Washington DC, Bình Dương và Biên Hòa là những thành phố vệ tinh cũng giống như các thành phố của Virginia. Chỉ cần xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nối tuyến xuyên giữa các thành phố thì từ nay chẳng cần phóng xe máy đi từ Bình Dương đến Sài Gòn và ngược lại, vừa sợ mưa nắng, vừa chẳng an toàn.
Nói cho cùng, đổ lỗi cho chiếc xe máy là không đúng, phải đổ lỗi cho văn hóa giao thông manh múng do người điều khiển phương tiện giao thông kia, và cũng phải đổ lỗi cho hệ thống hạ tầng giao thông quá kém cỏi. Trong một nền kinh tế, hệ thống giao thông chẳng khác nào huyết mạch để hàng hóa lưu thông nhanh chóng và thuận tiện. Giao thông yếu kém thì chẳng khác nào cơ thể kinh tế đang khỏe mạnh chẳng còn sức sống. Mỗi ngày chỉ tính riêng Sài Gòn và khu vực Đông Nam Bộ, hàng trăm vụ kẹt xe vào các giờ cao điểm đã làm thiệt hại biết bao nhiêu thứ: thời gian, tiền bạc, ô nhiễm môi trường…thậm chí tính mạng của bệnh nhân trên các xe cấp cứu. Kẹt xe quả thật là thảm họa của nền kinh tế, nhưng nguyên nhân chính của kẹt xe không phải do dân số đông mà là hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, trong đó có văn hóa xe máy manh múng. Thay vì bỏ tiền ra biến các vùng đồng bằng cung cấp lương thực cho nhân dân thành các cánh đồng sân golf mướt mắt, tại sao không dùng số tiền đó đầu tư cho giao thông công chánh?
Nói đi phải nói lại, cái văn hóa xe máy manh múng và tùy tiện dù cho gây thiệt hại cho dân Việt rất nhiều, nhưng cũng trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất nước này. Cũng giống như cà phê phin Việt Nam phải uống lề đường mới ngon, thì tới Việt Nam rảo quanh phố phường bằng xe máy mới thú. Ấy chẳng vậy mà cặp diễn viên vàng của Hollywood là Angelina Jolie và Brad Pitt khi đến Việt Nam lần đầu đã phóng vù vù trên xe máy dạo phố Sài Gòn đó ư? Và còn nhiều anh Tây cô Tàu cũng tập xe máy để hòa vào thứ văn hóa ồn ào và đông đúc này. Sài Gòn, Hà Nội đang xây dựng hệ thống tàu điện cả trên mặt đất, dưới lòng đất và cả trên cao. Hy vọng trong tương lai hệ thống huyết mạch này sẽ giúp cải thiện tình trạng giao thông kinh hoàng ở các đô thị lớn của Việt Nam. Người Việt Nam rồi sẽ văn minh hơn giống như câu nói của hai vị giám đốc của chương trình phương tiện giao thông đô thị Dario Hidalgo và Madhav Pai của Embarq – một chương trình sáng kiến về giao thông vận tải bền vững và phát triển đô thị của Viện Tài Nguyên Thế Giới: “Một quốc gia phát triển là khi người giàu sử dụng hệ thống phương tiện công cộng.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"