Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

'Tại, bởi, vì, do...'

Huy Phương

“Toét mắt là tại hướng đình.
Cả làng cùng toét đâu mình riêng em!”
Cả làng chúng nó ăn dơ, ở dáy, rửa mặt bằng cái nước cống chảy ra từ những đống phân, mà cứ đổ riệt cho nguyên nhân mắt toét là tại cái đình làng, xây không đúng hướng theo phong thủy nên mới ra cớ sự “cả làng cùng toét” này.

Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ ba từ trái) và Thủ Tướng Angela Merkel (thứ hai từ trái) cắt băng khánh thành một cơ sở y tế ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, đương kim bộ trưởng Bộ Y Tế CSVN, chính là loại “toét mắt” này. Vào bốn tháng đầu năm nay (2014) tại Việt Nam, hơn 7,000 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi, trong đó 108 trẻ em đã thiệt mạng; trong số này, có bốn em chết ngay sau khi chích ngừa. Bệnh sởi không phải là một bệnh hiểm nghèo và thuốc chủng bệnh này không phải là một thứ thuốc chưa được ai phát minh.
Vậy thì lỗi tại ai? Xin nghe nhân vật “mắt toét” đứng đầu Bộ Y Tế giải thích: Tại, bởi, vì, do:
- Tại dân không chịu chích thuốc ngừa (đổ cho tại tuyên truyền, vận động kém).
- Bởi bệnh viện quá tải (thiếu ngân sách, nhưng không thiếu tiền xây khu dưỡng nghỉ, xây khu ăn chơi, xây nhà cố tổ).

- Vì thiếu vệ sinh, khiến lây lan trong dân chúng.
- Do ông trời, là cấp lãnh đạo thời tiết. Theo sách vở thì nguyên nhân mắc bệnh sởi là do thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho virus bệnh sởi phát triển.
Đúng là “không phải tại chúng mình,” như tên một bài hát cũ, không phải tại anh, cũng không phải tại em, mà tại ông trời!
Cùng với những bê bối tệ hại trong ngành y tế, dư luận đòi hỏi người đứng đầu ngành có trách nhiệm phải từ chức, chỉ trong ba ngày, các blogger và Facebooker nhận được hơn 5,198 chữ ký đòi bộ trưởng Y Tế từ chức, nhưng bà cho rằng mình không thể từ chức trong lúc đang phải giành giật sự sống cho các em.
Loại “mắt toét’ như bộ trưởng Y Tế hiện nay có rất nhiều ở Việt Nam, vụ nổi tiếng và buồn cười nhất là vụ cầu treo ở Lai Châu. Đáng lẽ giám đốc công trình xây cầu treo vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khi đứt dây cáp làm ít nhất tám người chết, khoảng 30 người bị thương nặng, phải đem ra tử hình, thì Thiếu Tướng Trần Duân, giám đốc công an tỉnh Lai Châu, bỗng dưng nhảy ra cứu chúa, cho rằng nguyên nhân gây sập cầu treo là “tại, bởi, vì, do” quá tải khi “đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh.”
Trong địa hạt văn hóa, trong tình hình sách lậu, sao chép, dốt nát như cuốn “Tự Điển Tiếng Việt,” thì bà Mai Thị Hương, trưởng phòng Quản Lý Xuất Bản của Cục Xuất Bản, cho biết mỗi năm cục tiếp nhận từ 28,000 tới 30,000 đầu sách phát hành, đó là chưa kể các xuất bản phẩm văn hóa, nên “tại, bởi, vì, do” Phòng Quản Lý Xuất Bản chỉ có 10 người, mà làm nhiều việc nên không thể đọc kiểm duyệt hết các cuốn sách có trên thị trường.
Một Hương “mắt toét” khác là Lan Hương, nhà xuất bản Lao Động, trong vụ “hề Công Lý mặc quần lót” thì đổ tội cho “tại, bởi, vì, do” cái tên phụ trách vẽ bìa vô danh nào đó tắc trách, chỉ đơn giản tìm kiếm hình trên Internet, chỉ nhận ra cái “cán cân công lý” mà “không nhận ra tấm hình ghép ảnh diễn viên Công Lý nên dẫn đến sai phạm như đã thấy.” Bà này còn bào chữa thêm “một vài đại lý kiểm hàng không kỹ nên có sót một ít,” thật ra người đại lý kiểm hàng chỉ nhận cho đủ số để bán thu tiền, còn bầy đoàn của nhà xuất bản Lao Động đều có mắt như mù.
Phía “mắt toét” bên kinh tế thì cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam đặc biệt từ 2008 đến nay, mặc dù đã triển khai nhiều chính sách ứng phó nhưng kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, lạm phát cao, nhập siêu, lãi suất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp, tỷ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng... “tại, bởi, vì, do” “khủng hoảng nợ công bên Châu Âu!”
Đập thủy điện Đăk Mek 3 ở Kon Tum bị vỡ một khoảng lớn, chỉ vì một chiếc xe ben đụng! Người ta tìm thấy thân đập thủy điện chỉ được xây bằng toàn đất, cát, đá và cốt sắt mong manh chỉ bằng chiếc đũa!
“Mắt toét” Sở Xây Dựng Kon Tum đổ lỗi cho “việc thi công đập của nhà đầu tư khác với hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn. Tại thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn cũng chưa được chủ đầu tư trả lời chính thức về việc thi công theo hồ sơ thiết kế nào!” Với các quy định cũng như nghị định do chính phủ ban hành hiện hành cho việc xây dựng các công trình “xây đập thủy điện vừa hay nhỏ cũng như xây nhà,” chủ đầu tư có quyền chỉ định đơn vị tư vấn, giám sát, thi công; đơn vị nhà nước không có quyền tham gia.
Nếu đập thủy điện vỡ, chết dân, thì nhà nước, tức chính phủ, tức đảng xin...đứng ngoài cuộc.
Ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, khi biện minh cho những yếu kém, tắc trách của ngành giao thông, đã đưa ví dụ ngay nhà máy Toyota rất hiện đại cũng có lúc phải thu hồi hàng triệu xe. Ông không biết rằng vì tôn trọng quyền lợi của khách hàng và nhận sai sót của mình, mỗi lần thu hồi xe để sửa chữa, hãng sản xuất xe phải tốn kém hàng tỷ bạc. Gặp trường hợp này liệu các loại “mắt toét” của ông có dám làm không, hay “lẫn như trạch” hát bài “tại, bởi, vì, do” và cuối cùng là phủi tay, chấm hết, ai chết mặc ai.
Đường hầm rỉ nước, xa lộ mới khánh thành đã lún thấp, cầu xe qua cán bể lòi ra “xi măng cốt tre,” công trình xây dựng trên cao để vật liệu rơi xuống đè chết dân, đầy tớ nhân dân không cần trách nhiệm. Họ sống bằng “chi phí bôi trơn,” có làm có ăn chứ không phải vì lương tâm trách nhiệm!
Ông John Isbell, cộng tác viên cao cấp của Cambridge Systematics, một nhà cung cấp dịch vụ quốc tế, cho rằng, “Tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của ngành vận tải Việt Nam.” Hiện nay chi phí “bôi trơn” của ngành này là 8%, cao gấp hai lần Ấn Độ.
Cứ tưởng tượng, chi phí đầu tư cho phi trường Long Thành khoảng $8 tỷ thì “chi phí bôi trơn” là bao nhiêu? Con số là $648 triệu sẽ vào túi ai?
Người ta nhận địa vị, bổng lộc, ân huệ của phe đảng, nhưng trách nhiệm đối với dân, với quê hương, tương lai của đất nước là không, kiểu “sống chế mặc bây, tiền thầy bỏ túi!” Bản chất đổ trách nhiệm cho người khác trong chế độ này không gì rõ bằng câu thơ của Bút Tre: “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta.”
Ngay như thực trạng về sự suy thoái đạo đức của Việt Nam hiện nay, người ta cũng nêu lý do “tại, bởi, vì, do:” “Nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nền văn hóa phương Tây, tiếp cận với nền kinh tế thị trường nên sẽ có nhiều mặt tiêu cực tác động đến đạo đức, tư duy và lối sống của nhân dân.” Vậy thì các nước phương Tây này chắc phải suy thoái đạo đức, thối tha gấp nghìn lần Việt Nam.
Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội hỗn loạn, vô đạo đức, băng hoại, suy đồi, tham nhũng, trộm cắp, mại dâm, giết người, xì ke ma túy... đáng lẽ những người lãnh đạo hôm nay phải nhận trách nhiệm về đảng khi không còn có thể, sau 40 năm, đổ cho “tại, bởi, vì, do” tàn dư của Mỹ Ngụy nữa, thì một loại “mắt toét cao cấp” là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đổ tội cho một cái đình khác, đó là: “Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện 'diễn biến hòa bình,' hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá gây mất ổn định chính trị, xã hội.”
Bây giờ không phải “cả làng cùng toét” mà là cả nước “toét mắt.” Chắc phải xoay “hướng Ba Đình” đi thôi. Xoay không được thì đập bỏ nó đi. Và bây giờ chúng ta phải hiểu “tại, bởi, vì, do” ở đâu, ở cái số phận nghiệt ngã của đất nước Việt Nam phải chịu nạn suốt hơn nửa thế kỷ này với bao nhiêu chết chóc, lầm than và bây giờ là băng hoại, vô đạo, bất nhân.
Không có can đảm chỉ mặt, đặt tên, không có can đảm cắt đi cái khối ung nhọt đó, thì không thể nào khá lên cho bằng chị, bằng em được.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"