Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Đại biểu cho ai?

Dương Đình Giao
Nhìn những bức ảnh chụp các đại biểu quốc hội đang ngon giấc giữa hội trường chẳng ai không thấy buồn cười. Rồi lại còn được biết các đại biểu đọc nguyên xi lời phát biểu soạn sẵn của người khác, bấm nút cũng bằng ngón tay của người khác, và tha hồ vắng mặt có lúc tới 20% thì quả là không thể chỉ buồn cười được nữa.
Chắc cũng thấy cảnh ấy là khó coi, hôm nay thấy những người có trách nhiệm đưa ra biện pháp sẽ tiến hành cấp thẻ thông minh cho mỗi vị để tiện việc kiểm soát, hy vọng những tấn hài kịch ấy sẽ giảm bớt, giữ cho cái cơ quan quyền lực cao nhất ấy của nước ta đỡ phần nhem nhếch. Biết được điều này thì không chỉ buồn cười mà thêm xót. Xót tiền dân. Mỗi vị đã một máy tính xách tay (tất nhiên là loại “xịn”), giờ lại thẻ thông minh, rồi còn những thứ gì nữa, có giời mà biết! Không biết trong số 20 triệu tiền nợ công mà mỗi con dân nước Việt đang phải gánh chịu hiện nay có bao nhiêu trong đó để chi phí cho các đại biểu từ phụ cấp hàng tháng đến tiền máy bay, ô tô đi lại, ăn ở một năm hai kỳ và để vận hành cái cơ quan vẫn được gọi là “dân cử” này?

Nhưng dù có cách nào cũng chẳng thể khiến bức tranh bớt phần hài hước, khiến các vị có những hành xử đúng là những đại biểu của dân. Bởi vì:
1. Nào các vị có đại biểu cho ai! 5 năm một lần, những người có tên ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc hiệp thương để lựa chọn chứ không phải do dân được giới thiệu. Và thế nào thì được “hiệp thương” thì ai cũng hiểu. Cũng đôi khi có những người muốn đem tài sức gánh vác việc nước nhưng bằng cách này hay cách khác, rồi họ cũng phải tự rút lui. Cái người dám mở miệng nói rằng “Tôi chưa thấy nước nào tự ứng cử dễ như ở Việt Nam” chắc là một sản phẩm thiểu năng trí tuệ do Tạo hóa lỡ kế hoạch? Đã từ lâu, các vị đã được coi là những người “đảng cử dân bầu”.
Đến khi bầu cử, người dân có đi bầu thật, và năm nào, ở bất cứ một đơn vị bầu cử nào dù ở những vùng “đèo heo hút gió” hay giữa “biển khơi muôn trùng” cũng toàn là gần 100% số cử tri đi bỏ phiếu cả. Nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Có thể gần 100% số phiếu đã bỏ vào hòm, chứ số người không biết được bao nhiêu? Cảnh mỗi gia đình cử một đại diện mang cả nắm thẻ cử tri đi bỏ phiếu cho tất cả mọi thành viên, rồi nhờ hàng xóm đi bỏ phiếu hộ, … không phải là hiện tượng hiếm thấy. Việc bị các tổ trưởng dân phố đến tận nhà thúc giục không chỉ một lần, rồi nỗi sợ phiền phức khi có việc cần tới chính quyền sở tại khiến rất nhiều người đã không lạ gì màn hài kịch bầu cử vẫn cứ phải tỏ ra nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ càng sớm càng tốt. Không ít người đã phản ứng bằng cách gạch chéo vào lá phiếu in tên người ứng cử (để phủ nhận tất cả) hoặc cầm nguyên lá phiếu bỏ vào thùng (để tự làm lá phiếu của mình trở nên không hợp lệ). Rất nhiều người chẳng cần để thời gian tìm hiểu lý lịch ứng cử viên (vì đã biết họ là những người như thế nào, càng biết giá trị của lá phiếu ) nên gạch tên một cách tùy tiện. Rồi khi kiểm phiếu, từng khu vực bầu cử có thể chính xác, nhưng khi cộng kết quả từ nhiều nơi lại, thật giả ra sao, thật là “u u minh minh”.
Cho nên, các đại biểu chắc chắn rất ít người xứng đáng được coi là “đại biểu của dân”.
2. Đa số đại biểu quốc hội đều coi làm việc này là thực hiện một nhiệm vụ do đảng giao (hầu hết các đại biểu đều là đảng viên); số ít các đại biểu ngoài đảng cũng thừa hiểu, nhờ đảng họ mới có thể ngồi ở đây mỗi năm hai lần, được “ăn nằm trò chuyện” với các vị tai to mặt lớn để gia tăng độ tin cậy với các bạn hàng, để dễ bề thâm nhập vào các dự án trăm nghìn tỷ và chí ít cũng là để vênh vang với họ hàng bè bạn, hàng xóm láng giềng. Mà đã nhờ đảng thì phải làm đảng được hài lòng. Vì “đảng cử dân bầu” nên có mặt hay vắng mặt, nói “giăng” hay nói “cuội”, bấm nút bằng cái ngón tay nào, … thì mọi sự cũng đã an bài, đâu cần quan tâm vì tất cả “đã có đảng lo”! Cho nên, không lạ gì khi tuyệt đại bộ phận các ý kiến đều nhất trí với các báo cáo hoặc phát biểu của những người đứng đầu.
3. Theo tôi biết, ở nhiều nước, người ở trong các cơ quan hành pháp không tham gia vào các cơ quan lập pháp để đảm bảo tính độc lập. Có như vậy, tiếng nói của quốc hội mới đảm bảo vô tư và có hiệu lực. Nhưng quốc hội ở ta cũng như nhiều cơ quan khác thường tuân theo nguyên tắc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Cơ quan lập pháp nhưng có quá nhiều người trong bộ máy hành pháp ở trung ương và địa phương (để hạn chế việc “mất đoàn kết”). (Hội đồng nhân dân các cấp cũng trong tình trạng tương tự nên đang được xem xét có nên tồn tại hay chỉ “xót tiền dân”). Chưa kể tính độc lập bị xâm hại (mà ai cũng biết), thời gian một kỳ họp dài hàng tháng khiến công việc hành pháp bị trở ngại. Một Bộ trưởng, một Chủ tịch tỉnh sao có thể vắng mặt dài ngày như vậy nếu muốn guồng máy mình đứng đầu không trì trệ. Tất nhiên họ phải vắng mặt ở nơi sự có mặt chưa hẳn đã có ý nghĩa để trở về với những việc cấp bách thực sự cần họ có mặt. Hơn nữa, những cuộc họp hành, bàn thảo ở những nơi ấy mới có thể “ra vấn đề” trong khi ngày hai buổi nói thì ít, nghe thì nhiều diễn ra chán ngắt!
4. May là trong số đại biểu quốc hội cũng có dù rất ít đại biểu ý thức được trách nhiệm với cử tri, thường thẳng thắn nói những điều ích nước lợi dân, đi ngược lại với lợi quyền của những nhóm lợi ích. Cho dù chắc các vị thừa hiểu “trung ngôn nghịch nhĩ”, những lời nói thẳng ấy có thể khiến cái ghế đại biểu lung lay, nhưng cám ơn các vị vì chính họ đã khiến những kỳ họp quốc hội của ta còn đôi chút thu hút được sự chú ý của công luận.
Sao ta không nghĩ: ngủ, vắng mặt liên tiếp trong các phiên họp chưa chắc đã là tỏ sự lười biếng, trễ nải trong thi hành phận sự mà có thể cũng là một phản ứng trước việc bị biến thành các “nghị gật” thời hiện đại của những người chưa thật đủ dũng khí?
Nhưng dù là do nguyên nhân gì, những hiện tượng này cũng chỉ có thể được chấm dứt một khi quốc hội của ta được lựa chọn và vận hành theo cách thông thường của thế giới văn minh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"