Tuấn Khanh
Bà Ruby Holt, một người vừa kỷ niệm tuổi 101 của mình ở bang
Tennessee, Mỹ. Suốt cuộc đời của bà chỉ quẩn quanh ở ngôi nhà của mình
và nơi làm việc. Sống bằng nghề thu hoạch bông vải, thanh bạch và cần
mẫn, bà Ruby Holt đã nuôi lớn 4 đứa con của mình nhưng chưa bao giờ có
dư dả để có được một chuyến đi xa khỏi nơi trú ngụ.
Trước ngày kỷ niệm bà 101 tuổi, khi được hỏi về một ước muốn cuối
đời, bà Ruby Holt im lặng một lúc rồi nói bà chỉ muốn được nhìn thấy
biển. Suốt cuộc đời quẩn quanh với cánh đồng và những rặng núi xa xa, bà
Ruby Holt chỉ thấy biển qua truyền hình, qua tạp chí… “Người ta nói
biển đẹp lắm, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội đi đến”, bà Ruby Holt nói
với vẻ ngại ngùng, chất phác.
Cùng với gia đình, bà Ruby Holt được đưa đi đến bãi biển ở Vịnh
Mexico. Hình ảnh cụ bà sống qua một thế kỷ lần đầu tiên nhìn thấy, chạm
chân vào cát và nước biển đã làm cho nhiều người xúc động đến rơi nước
mắt. Như một đứa trẻ, bà Ruby Holt dè dặt nhúng chân vào một làn nước
biển và mỉm cười. “Lạnh há”, bà Ruby móm mém nói.
Thật khó mà diễn tả được cảm nhận của con người khi đứng trước biển,
cảm nhận sự vĩ đại của thiên nhiên, cảm nhận được sự nhỏ bé của mình.
Nhưng với bà Ruby Holt thì cảm giác đó có lẽ còn nhiều hơn nữa vì trước
khi vào cõi vô định, bà lại chứng kiến điều thật lớn lao trong cảm giác
và ước muốn của mình – một ước muốn lương thiện. Cô đơn ngồi trước biển,
sẽ khó có ai hơn bà Ruby khi cảm nhận sự phù du của cuộc sống, sự vô
nghĩa của cuộc sống của con người, dù có sống được đến trăm năm.
Người ta kể lại rằng bà Ruby Holt ngồi im lặng rất lâu trước biển.
Bà nhìn về cuối chân trời, nơi không có gì nơi đó, ngoài những làn sóng
dịu dàng đuổi nhau đến bờ cát nơi bà ngồi. Những cánh chim bay thoáng
qua bầu trời và ánh nắng chiều toả lan trên nét mặt răn reo của bà, như
muốn sưởi ấm cho bà trong một ngày gió lạnh.
Điều làm cho rất nhiều người im lặng, nghĩ về mình, khi chứng kiến
bà cụ 100 tuổi ngồi trước biển, như một cuộc từ giã đầy ý nghĩa với địa
cầu. Người phụ nữ đó đã suốt trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, chưa biết
đến bất kỳ một điều xa xỉ nào. Ấy thế khi chọn điều ước cuối, người phụ
nữ đó lại chọn một điều bình dị khó ngờ. Tâm hồn của một người lương
thiện sáng như một ánh cầu vồng, thanh thản đối diện trước đoạn đường
cuối cuộc đời bằng nắng và gió, và sóng biển. Tất cả những điều đó không
thể diễn tả hết bằng âm nhạc hay thi ca, mà chỉ bằng sự yêu mến và cảm
nhận cuộc sống này.
Trong những câu chuyện biết được trong cùng một thời gian, còn có
việc ông tổng thanh tra Trần Văn Truyền ở Việt Nam bị phát hiện có một
khối tài sản khổng lồ. Nhiều ngôi nhà và đất đai của một viên chức nhà
nước, mà theo lương chính thức công bố th oong taì chỉ có thu nhập vài
chục triệu đồng một năm. Khối tài sản lớn đến mức nếu chiếu theo thu
nhập công khai đó, nhiều thế hệ dòng họ của ông Trần Văn Truyền có làm
cật lực thì chỉ mới mong có được một phần.
Khác với bà cụ 100 tuổi Ruby Holt, ông Truyền không nhìn thấy cánh
đồng, không nhìn thấy cuộc đời của mình với sóng biển hay nắng, mà cái
nhìn của ông chỉ hướng về nhà, xe, tiền của… nhưng quan trọng hơn, đó là
của cải không thuộc về mình. Ông Truyền chỉ nhìn thấy những thứ nơi
giam hãm cái nhìn con người ông vào những góc tù ngục nhất trong trái
tim.
Bà Ruby Holt suốt cuộc đời, chưa thấy ai nói rằng bà tuyên bố mình
là người lương thiện. Nhưng ông Truyền thì có. Trong cuộc chiến được
giao phó trách nhiêm chống lại những kẻ bòn rút, cắn xé tài nguyên quốc
gia, thụ hưởng cả từng đồng xu lẻ tiền thuế của dân nghèo Việt Nam, ông
Truyền có tuyên bố nhiều lần mình là người tốt, là người sẽ không khoan
nhượng với những kẻ xấu.
Có bao nhiêu người Việt nghèo khó và lương thiện trên đất nước này
chưa bao giờ có thể đi xa khỏi nơi mình ở, chưa bao giờ thấy cái gì khác
hơn ngoài mái tranh và ruộng vườn bấp bênh của mình? Và có bao nhiêu
những người như ông Truyền, với cuộc sống không còn nhìn thấy gì ngoài
dối trá, danh lợi và cưỡng bức tài nguyên của mảnh đất mình sinh ra?
Khác bà Ruby Holt và những người Việt quẩn quanh ở quê nhà của mình, ông
Trần Văn Truyền ắt đã đi nhiều nơi, đã từng ngồi ở những resort thượng
hạng. Nhưng ngay khi đối diện với biển và tương lai, chắc ông Truyền
cũng đã không còn đủ sự lương thiện để nghĩ về sự nhỏ nhoi vô minh đời
mình, ngoài từ việc mơ cất thêm những mái lầu cao, và những con số để
lừa gạt mọi người?
Tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người như ông Truyền đọc được những
dòng này và suy nghĩ cho phần mình? Ai trong số họ sẽ một lần ngồi trước
biển như cụ bà Ruby Holt, im lặng và nghĩ suy bằng mầm lương thiện sót
lại?