Bùi Tín
Danh hài Công Lý ở trong nước có khá nhiều người hâm mộ. Những màn
Táo quân cuối năm của anh để lại nhiều ấn tượng khó quên, với những nét
chế giễu thói hư tật xấu của các ngành trên tinh thần xây dựng. Gần đây
bỗng thấy Công Lý xuất hiện khá kỳ lạ, trong bức ảnh lắp ghép trên bìa
một cuốn sách. Anh trần như nhộng, chỉ mặc chiếc quần nhỏ xíu, trên vai
gánh 2 bàn cân, đứng trên một quả cầu lửa như người làm xiếc. Cuốn sách
có tựa đề 'Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành' do nhà xuất bản
Lao Động - Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội in và phát
hành. Sách dày hơn trăm trang, phần đầu là toàn văn Bộ Luật Dân sự, gồm
có 7 phần, 36 chương, 777 điều, sau đó là văn bản hướng dẫn thi hành.
Đã có nhiều bài báo nêu lên và phê phán sự kiện kỳ lạ nói trên. Tại
sao lại lấy hình một nghệ sỹ hài làm hình tượng của Thần Công lý? Thông
thường Thần Công lý trong nền văn hóa cổ La Mã hay Hy Lạp là một nhà
hiền triết râu dài, nghiêm chỉnh, khoác áo chùng, cầm trên tay chiếc cân
Công lý, sao ở ta lại có ông thần trần như nhộng, chỉ mặc quần lót, lại
gánh trên vai 2 bàn cân như gánh 2 thùng nước, đứng trên trái đất bốc
lửa? Hay chỉ vì tên anh là Công Lý nên đặt anh ở bìa sách nói về pháp
luật? Theo mạng Dân Làm Báo ngày 14 tháng 11, khi được hỏi về chuyện
này, Công Lý bực mình cho biết không ai hỏi ý kiến hay xin phép anh, và
anh đòi nhà xuất bản phải xin lỗi.
Cục trưởng Cục Xuất bản Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Chu Văn Hà tuyên
bố với các nhà báo rằng sẽ “xử lý nghiêm” vụ bê bối này, coi là một “tai
nạn nghề nghiệp” đáng tiếc, và rằng hai ê-kíp thực hiện việc in cuốn
sách này sẽ bị kỷ luật. Mạng Dân Làm Báo cũng cho biết ông cầm đầu ngành
xuất bản cho biết đã thu hồi một số cuốn trong đợt in đầu gồm 1.000
cuốn phát hành trong tháng 7 và sẽ cố thu hồi cho hết. Ông còn nói thêm
rằng «đây là sai sót đáng tiếc, không cố ý, vì không thể có ai lại cố
tình vi phạm như thế».
Thế nhưng nhiều người lại nghĩ khác. Mạng Chân Trời Mới (17/11) có
bài cho rằng đây là một kiểu phê phán và chế giễu nền pháp lý bất công
phi lý ở nước ta, nơi vận dụng luật pháp tùy tiện cứ như trò hề. Đó có
thể là suy nghĩ rất chuẩn xác. Gần như chắc chắn là không có chuyện ngẫu
nhiên.
Ở Liên Xô và Đông Âu cũ, có cả một nền văn học ngầm phê phán và chống
lại ách cai trị độc đoán của chế độ dộc đảng phi dân chủ. Có cả những
sưu tầm viết tay và in những chuyện tiếu lâm vui nhộn và sâu sắc dưới
thời Cộng sản. Có cả những tranh biếm họa gây cười thâm thúy. Cũng có cả
nhiều trường hợp bài và tranh vẽ lọt lưới kiểm duyệt, được in công
khai, làm nhức đầu những kẻ chuyên bảo vệ chế độ, làm cho người dân được
thưởng thức những màn hài thâm trầm thích thú.
Ở Việt Nam cũng vậy. Đã có những công dân ngẫm nghĩ sâu sắc về tình
hình đảng CS ngồi xổm trên pháp luật, có 2 thước đo luật, một thước tàn
ác, bất nhân dành cho dân đen, một dơ cao đánh khẽ dành cho các quan
chức.Tiêu biểu là những vụ xử án công khai nhưng cấm cửa người dân và
nhà báo.
Rất có thể là có họa sỹ nào đó có tâm huyết và thông minh sáng tạo,
ngẫm nghĩ nhiều đêm ròng để vẽ nên hình bìa như thế. Thần Công lý ở đây
trần như nhộng, chỉ có chiếc quần lót bé tí, nói lên một nền pháp lý
rỗng tuyếch, luật lệ nghèo nàn thô sơ, man rợ, người công dân trơ trọi
bị bỏ mặc cho số phận, lại đứng trên quả cầu lửa đầy bất an và nguy
kịch. Có luật, có luật sư, nhưng luật sư không được coi trọng, bị bịt
mồm, luật có cũng như không, không là hề thì là gì? Mà trò hề lớn hơn cả
là người không hề phạm luật, chỉ căm thù bọn bành trướng, thì phải ngồi
tù năm này qua năm khác, trong khi đó kẻ phạm tội rõ ràng, như công an
đánh chết dân thì được xử nhẹ, kẻ bán nước cho ngoại bang thì vô tội, kẻ
móc túi, giật máy điện thoại tự động, trộm con chó, con vịt thì bị đánh
hội đồng thừa sống thiếu chết rồi vào tù, trong khi kẻ cướp ngày, chia
nhau hàng tỷ tỷ tiền của dân thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, có kẻ
còn chiếm vị trí đỉnh cao quyền lực, trong khi chỗ đứng của chúng phải
là ở trong nhà tù, thậm chí còn phải bị tử hình mới đúng.
Không phải là danh hề hay sao, khi người lãnh đạo đảng CS và người
lãnh đạo Quốc hội đều lo rằng đánh chuột tham nhũng e sợ vỡ bình quý,
trong khi chính luật lệ và tòa án được lập ra là để xét xử công bằng,
không để lọt kẻ gian, không lầm người ngay. Nói như vậy là đã đầu hàng
quốc nạn tham nhũng, tự thú nhận bất lực, tự mình từ bỏ trách nhiệm làm
Tổng bí thư, tự mình thoái vị khỏi chức chủ tịch Quốc hội.
Ngày đầu năm người đứng đầu chính phủ đã cam kết “thực thi dân chủ và
pháp quyền là 2 thành tựu song sinh của nền chính trị hiện đại”, vậy mà
người yêu nước và đòi tự do lập công đòan vẫn còn ngồi trong tù. Rõ
ràng câu nói chỉ là nói rồi để đấy, chẳng phải là một trò hề từ ngày đầu
năm đó hay sao?
Đảng CS lại quảng cáo rằng sắp tới đảng sẽ bàn sâu và ra nghị quyết
về “thực thi chế độ pháp trị, nghĩa là cai trị đất nước bằng luật pháp”,
trong khi vẵn kiên định chế độ một đảng, đặt Cương lĩnh đảng lên trên
Hiến pháp của đất nước; chính trò hề là ở đó. Vì vậy mà đã có nhiều công
dân không thể chịu nổi những trò cười ra nước mắt như thế nên họ nghĩ
ra nhiều kiểu cách đấu tranh, nhiều sáng tạo phản biện phê phán sâu cay,
như bìa cuốn sách nói trên.
Có thể phán đoán không sai là họ là một nhóm người, một tập thể, có ý
thức về công lý và pháp luật, có tâm huyết và trí tuệ, cùng nhau góp ý
và hình vẽ để thể hiện nguyện vọng công dân của mình, trình bày cho xã
hội thấy quan điểm đấu tranh không khoan nhượng của mình. Việc chính
quyền ra lệnh thu hồi chỉ là công cốc và sẽ phản tác dụng, sẽ chỉ là
quảng cáo không công thêm cho một cuộc đấu tranh thú vị. Hàng vài trăm
bìa sách còn tồn tại sẽ càng thêm quý hiếm, được bảo tồn để lưu niệm.
Thêm nữa hàng triệu triệu tấm hình bìa danh hề chế độ này đã và vẫn còn
được nhân bản, truyền đi dài dài trên các mạng, nói lên cái bi kịch
trung tâm của chế độ hiện hành là cưỡng bức luật pháp, coi khinh hiến
pháp và luật pháp, cho nên sẽ không thể tồn tại lâu bền.
Có thể họ sẽ tìm kiếm một số người họ cho là tội phạm để trả thù,
nhưng như thế họ lại chồng chất thêm tội ác, vì kẻ phạm lỗi nếu có chăng
chính là các quan chức đã xét và ký duyệt bản trình bày bìa sách trước
khi đưa in. Còn nếu như họ quyết tâm truy tố trả thù những người họ cho
là tội phạm, họ sẽ tự phơi bày một trò hề nữa trước toàn thế giới, và từ
đó phong thánh cho các chiến sỹ dân chủ kiên cường và bất khuất, bên
cạnh các nhà báo, nhà văn, luật gia, luật sư, nhà nông, nhà kinh doanh
vừa và nhỏ, có nhiều nhạc sỹ, còn có cả họa sỹ chuyên vẽ bìa sách đã có
cách đấu tranh độc đáo và thành công một cách xuất sắc.
Bìa sách danh hề pháp luật xuất hiện rất đúng lúc, chào mừng các
chiến sỹ dân chủ yêu nước chống bành trướng ngày càng đông, vui mừng rủ
nhau lên trại giam đón nhà báo Phạm Viết Đào được tự do, mở cuộc liên
hoan đầm ấm, còn đến bệnh viện đón nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc
giải phẫu ở Hà Nội đưa về nhà ở Hải Phòng, rồi đến viếng Cụ luật gia
Trần Lâm, trong khi cô Đỗ Thị Minh Hạnh được bà con hải ngoại tin yêu
đón tiếp ở Áo, Ba Lan, Pháp và nhà báo Điếu Cày được nhiệt tình hoan
nghênh khắp nơi anh đến trên đất Mỹ.
Có thể nói bìa sách danh hài luật pháp mang tầm sâu trí tuệ và sáng
tạo là một tiếng sét làm rung chuyển quyền lực ở vị trí cao nhất, nóc
nhà của chế độ, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, cảnh báo một chế độ chà đạp
pháp luật một cách tàn bạo nhất lại cứ muốn tỏ ra ta đây là luật pháp
công minh. Một trò hề trần trụi và lố bịch, không hơn không kém.