Binh
pháp Tôn Tử có dạy: “Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch
khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là kém hơn.” Tổng Thống
Obama không biết binh pháp Tôn Tử nên trong ba cuộc họp thượng đỉnh
APEC, ASEAN và G20 vừa qua, ông đã thua lớn. Tờ Fiscal Times hôm
17.11.2014 bình luận rằng chuyến đi tham dự hội nghị APEC và G20 của
Tổng thống Mỹ Barack Obama đem về nhiều thất bại hơn là chiến thắng.
Tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh trong hai ngày 10 và 11.11.2014, Chủ
Tịch Tập Cẩm Bình đã dùng tiến trình thành lập “Khu Vực Thương Mại Tự Do
Châu Á-Thái Bình Dương” (FTAAP) được 21 quốc gia thuộc APEC đồng thuận
để đẩy lui Hiệp Định TPP do Tổng Thống Obama cổ võ.
Tại hội nghị G20 trong hai ngày 14 và 15.11.2014, Tổng Thống Obama đã
dựa vào các biến cố đang xảy ra ở Ukraina để yêu cầu các nước Liên Hiệp
Âu Châu (EU) tăng cường các biện pháp cô lập Nga. Bên ngoài các nước EU
tỏ vẻ ủng hộ ông để khỏi mất lòng Mỹ, nhưng bên trong họ không muốn
hành động vì sợ phương hại đến quyền lợi kinh tế của các nước Âu Châu.
Tìm hiểu tiến trình của cuộc chiến giữa TPP và FTAAP sẽ giúp chúng ta
thấy rõ hơn việc bao vây Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự theo
chiến lược quay trục của Hoa Kỳ không phải là chuyện dễ. Đây là một vấn
đề khá phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giản dị hóa.
Con đường của APEC và của Mỹ
Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương (Asia-Pacific
Economic Cooperation, viết tắt là APEC) được thành lập vào tháng 11 năm
1989 với 12 thành viên sáng lập là Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc,
Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada
và Hoa Kỳ. Hiện nay, APEC đã có 21 thành viên, trong đó có cả Trung
Quốc và Đài Loan. Ngay từ đầu, các quốc gia trong APEC đã đồng ý phải
biến khu vực Á Châu – Thái Bình Dương thành một Khu Tự Do Mậu Dịch (Free
Trade Area – FTA) để cùng phát triển.
Các nhà lãnh đạo thuộc 21 nước APEC đã mở nhiều cuộc thảo luận để
hình thành “Khu Vực Mậu Dịch Tự Do Châu Á -Thái Bình Dương” (Free Trade
Area of the Asia-Pacific – FTAAP). Nhưng sau khi tuyên bố xoay trục về Á
Châu, Tổng Thống Obama và một số nước lại muốn hình thành một tổ chức
khác lúc đầu gọi là “Hiệp Ướcc Hợp Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái
Bình Dương” (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement),
sau đổi thành “Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific
Partnership, gọi tắt là TPP) với mục đích được nói là để bao vây kinh tế
Trung Quốc.
Dĩ nhiên Trung Quốc không ngồi yên. Trong khi Hoa Kỳ yểm trợ hình
thành Hiệp Định TPP, Trung Quốc yễm trợ hành thành Hiệp Ước FTAAP. Vì
Hoa Kỳ đặt ra những điều kiện gia nhập TPP rất khó khăn nhằm phá vỡ chế
độ bảo hộ mậu dịch của các nước tham gia TPP để hàng Mỹ có thể cạnh
tranh dễ dàng hơn, nên gặp nhiều sự bất đồng. FTAAP trái lại đã đưa ra
những điều kiện mềm dẻo hơn, nên ít gặp rắc rối hơn. Để chuẩn bị cho
việc thành lập FTAAP, các bộ trưởng APEC đã thống nhất triển khai
“nghiên cứu chiến lược chung” trong hai năm tới dựa trên đề xuất của
Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình các bộ trưởng trước năm
2016.
Trong Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC 22 tại Bắc Kinh vừa qua, Chủ Tịch Tập
Cẩm Binh tuyên bố: “Chúng tôi phải mạnh mẽ thúc đẩy Khu Vực Thương Mại
Tự Do Châu Á – Thái Bình Dương, thiết lập các mục tiêu, phương hướng và
lộ trình và biến điều mơ ước thành hiện thực càng sớm càng tốt.”
Trước tình trạng này, Tổng Thống Obama phải miễn cưỡng đổi giọng.
Nhưng liệu rồi TPP có thể được tiếp tục hình thành và phát triển không?
Những trở ngại TPP đang gặp phải
Ngày 12.11.2009, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu,
Hawaii, Tổng thống Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ tham gia Hiệp Định TPP “với
mục tiêu định hình một thỏa thuận khu vực rộng mở với tiêu chuẩn xứng
tầm một hiệp định thương mại của thế kỷ 21.” Ông nói rằng hiệp định này
với một số quốc gia mà kim ngạch mậu dịch thường niên với Hoa Kỳ hiện đã
trên dưới 200 tỉ đô la, sẽ có lợi cho tất cả các nước tham gia, bởi vì
hiệp định này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra công ăn việc làm.
Lúc đó các nhà lãnh đạo APEC cũng bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp Định TPP
sẽ giúp tạo công ăn việc làm, cải thiện mức sống, và xóa đói giảm nghèo
tại các quốc gia thành viên.
Cho đến nay có 12 nước đã đồng ý tham gia thảo luận TPP, đó Brunei,
Chile, New Zealand, Singapore, United States, Australia, Peru, Vietnam,
Malaysia, Mexico, Canada và Japan. Trung Quốc bị loại ra ngoài TPP.
Tuy nhiên, những điều kiện mà Hoa Kỳ đưa ra để gia nhập TPP khá rắc
rối, đó là các vấn đề đang được thảo luận sau đây: Cạnh tranh, Hải quan,
Hợp tác và Nâng cao năng lực, Cung cấp dịch vụ qua biên giới, Thương
mại điện tử, Môi trường, Dịch vụ tài chính, Mua sắm Chính phủ, Sở hữu
trí tuệ, Đầu tư, Lao động, Các vấn đề pháp lý, Tiếp cận thị trường hàng
hóa, Quy tắc xuất xứ, Các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động
và thực vật (SPS), Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), Viễn
thông, Di chuyển thể nhân, Các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chính quyền Obama đã đưa ra mục tiêu kết thúc đàm phán trước ngày
31.12.2013, nhưng sau 4 ngày họp tại Singapore, hôm 10/12/2013, 12 nước
liên quan đã ra về tay không. Chính sách trợ giá nông nghiệp gây bất
đồng sâu đậm giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Như vậy sau 5 năm và qua 19 cuộc
đàm phán, các nước tham gia Hiệp Định TPP vẫn chưa đạt được những sự
đồng thuận căn bản. Sự thất bại này phát xuất từ những nguyên nhân chính
sau đây:
(1) Các nước trong vùng lớn nhỏ và có mức độ phát triển không đều
nhau, nên có những vấn đề khác nhau, rất khó đi tới đồng thuận, chẳng
hạn như chế độ quốc doanh, trợ cấp xuất cảng, hải quan, cải thiện điều
kiện lao động, khả năng sản xuất, v.v. Nếu các nước nhỏ làm như Hoa Kỳ
muốn, giá thành sản phẩm tại nước của họ sẽ bị nâng cao, không còn cạnh
tranh được. Một nước có dân số đến 275 triệu là Indonesia vẫn chưa chịu
tham gia.
(2) Giữa các nước trong vùng đã có nhiều hiệp ước tự do mậu dịch và
đang giao thương với nhau một cách tối đẹp, như hiệp ước mậu dịch giữa
các nước ASEAN (AFTA), giữa ASEAN và Trung Quốc (CAFTA), giữa ASEAN,
Australia và New Zealand (AAnZFTA), giữa Trung Quốc và Australia, v.v.
Các điều kiện về tự do mậu dịch được ấn định trong các hiệp ước này
không quá khắt khe như các điều kiện mà Hoa Kỳ muốn áp đặt trong dự thảo
Hiệp Định TPP.
(3) Gọi là hiệp ước tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương, nhưng một
nước lớn nhất ở Thái Bình Dương là Trung Quốc lại bị loại ra, trong khi
Trung Quốc là nước đã gia nhập WTO ngày 11.12.2001, trở thành nước xuất
khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới, và đang có những giao
thương với các nước trong vùng, nhất là với Hoa Kỳ. Như vậy làm sao bao
vây Trung Quốc được?
Vì những lý do trên, các quốc gia trong vùng, với sự hỗ trợ của Trung
Quốc, đã quyết định hình thành một hiệp ước tự do mậu dịch khác có tấm
mức rộng lớn hơn Hiệp Ước TPP và phù hợp với tình hình trong khu vực
hơn, đó là “Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Châu Á – Thái Bình Dương” (Free Trade
Area of the Asia Pacific – FTAAP).
Theo tính toán, FTAAP nếu được thành lập sẽ là khu vực thương mại đối
trọng với TPP do Mỹ đang xúc tiến. FTAAP có sự hội tụ của hầu hết các
nền kinh tế năng động nhất Á Châu – Thái Bình Dương, và là khu vực đại
diện cho khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 55% GDP toàn cầu và 44%
thương mại thế giới.
Trong cuộc họp của Hội Đồng Hợp Tác Kinh Tế Thái Bình Dương (Pacific
Economic Corporation Council) tại Singapore từ 10 đến 11.2.2014, ông Lim
Hng Kiang, Bộ Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Singapore đã nói: “Chúng tôi
tin rằng một FTAAP phải được theo đuổi như một thỏa ước tự do mậu dịch
toàn diện bằng cách phát triển và xây dựng trên những sự quyết tâm đang
có trong vùng giữa các tổ chức khác nhau như ASEAN+3, ASEAN+6 và TPP.”
Một cuộc họp khác đã được tổ chức vào ngày 8.9.2014 tại Bắc Kinh để
quyết định về việc công bố chương trình thực hiện.
Phản ứng của các bên
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vừa qua, Thủ Tướng Lý Hiển
Long của Singapore nói rằng Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Á Châu Thái Bình
Dương (FTAAP) được Bắc Kinh ủng hộ, nó không phải là “một ý kiến của
Trung Quốc” và sẽ sinh lợi cho nhiều quốc gia khi nó được thành lập (it
is not “a Chinese idea” and would benefit many countries when it is
established).
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc là Vương Thụ Văn tuyên bố với
báo chí Trung Quốc hôm 11.11.2014 rằng Bắc Kinh muốn có những biện pháp
cụ thể nhân hội nghị APEC trong khuôn khổ thực hiện FTAAP với một lịch
trình và một kế hoạch thực hiện. Viên chức Trung Quốc này khẳng định sẽ
không có «xung đột hay cản trở».
Trong tuyên bố chung công bố ngày 11.11.2014, các quốc gia APEC
tuyên bố phê duyệt lộ trình sáng kiến thành lập FTAAP. Tuyên bố
nói: “Chúng tôi nhất trí APEC sẽ có những đóng góp quan trọng
và có ý nghĩa hơn với vai trò là nền tảng nhằm đưa FTAAP từ
tầm nhìn trở thành hiện thực.”
Bắc Kinh ca ngợi nỗ lực này. Ông Tập Cẩm Bình tuyên bố. “Động
thái lịch sử này đánh dấu lần ra mắt chính thức của lộ
trình FTAAP”
Nhưng tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời một
viên chức Trung Quốc giấu tên, nói rằng đây là một thỏa hiệp của Bắc
Kinh. Ông nói: «Mỹ muốn ngăn cản FTAAP, và xúc tiến TPP trong thời gian
hội nghị APEC. Điều này thực sự phiền phức cho chúng tôi».
Trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị APEC 22, Tổng Thống Obama đã đổi giọng. Ông nói:
“Chúng ta thấy chuyến đi này là một cơ hội quan trọng để xác định một
lịch trình hướng đến tương lai đối với mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc
trong hai năm tới, và bảo đảm là mối quan hệ Mỹ-Trung được xác định chủ
yếu bằng sự hợp tác ngày càng nhiều và có chất lượng cao hơn về những
thách thức trong vùng và toàn cầu, trong khi cũng thận trọng xử lý những
bất đồng giữa hai nước.”
Tổng thống nhấn mạnh: “Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung
Quốc thịnh vượng, hòa bình và ổn định. Nếu Trung Quốc và Mỹ có thể làm
việc với nhau, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả thế giới.”
Việt Nam xem ra vẫn thích TPP vì tin rằng nếu gia nhập vào TPP Việt
Nam sẽ bán được nhiều hàng hóa cho Mỹ hơn, trong khi số hàng nhập cảng
của Mỹ vào Việt Nam sẽ không nhiều vì giá hàng Mỹ vẫn cao và sức mua của
Việt Nam rất giới hạn. Cán cân thương mại thặng dư của Việt Nam sẽ tăng
lên.
Các cơ quan truyền thông của người Việt đấu tranh ở hải ngoại gần như
không nói gì đến cuộc chiến giữa TPP và FTAAP, chỉ có ông Nguyễn Xuân
Nghĩa đề cập vấn đề này trên đài RFA ngày 12.11.2014. Điều này rất dễ
hiểu: Các cơ quan truyền thông chống cộng chỉ được loan các tin “ta
thắng địch thua”, nếu loan các tin ngược lại sẽ bị coi là tay sai cộng
sản hay đặc công cộng sản nằm vùng. Đa số người Việt đấu tranh trong
cũng như ngoài nước vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ dùng chiếc đũa thần TPP để
bao vây kinh tế Trung Quốc và dọa Hà Nội rằng phải “thực thi dân chủ và
nhân quyền” mới được cho vào TPP!
Ngày 21.11.2014
© Lữ Giang
© Đàn Chim Việt