Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Sao chỉ mình tôi?

Sự thật về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền được phơi bày khiến nhiều người hi vọng sẽ tiếp tục lộ ra nhiều sự thật khác, để ông Truyền khỏi thắc mắc: “Sao chỉ mình tôi?”.
biet thu tran van truyen
Căn biệt thự tại Bến Tre – một trong những tài sản hoành tráng của ông Truyền – Ảnh: Ngọc Tài
Dư luận rất hoan nghênh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng công bố công khai kết luận sai phạm của ông Trần Văn Truyền – nguyên tổng Thanh tra Chính phủ.
Đây là một bản kết luận rõ ràng, trong đó có nêu biện pháp xử lý cụ thể đối với ông Trần Văn Truyền và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Qua kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thể hiểu ngay mức độ sai phạm, tính chất sai phạm của ông Trần Văn Truyền.
Điều đáng nói nhất, ông Truyền là một trong các vị “bao công”, đứng đầu một cơ quan chống tham nhũng, người có quyền lực kiểm soát tài sản của cán bộ nhưng lại gian dối hết lượt này tới lượt khác để liên tục được cấp nhà, cấp đất.

Đó là chưa kể việc ông Truyền còn cố bám lấy nhà công vụ, chỉ chịu nhả ra khi thấy không thể “ôm” nổi.
Cần nhớ rằng đối với một cán bộ bình thường, nếu ai may mắn được cấp nhà hoặc đất dù chỉ một lần thôi cũng đủ để coi đây là “ân huệ” lớn tới mức nằm mơ không thấy.
Vậy mà ông Truyền vẫn dễ dàng lách qua cửa hẹp, nhiều lần được cấp nhà, cấp đất cho bản thân cũng như con cái ở những nơi “đắc địa”. Ông Truyền quả là biết phát huy cái ân, cái uy của một vị “bao công” trong việc… thu vén cá nhân.
Ai cũng biết xin được cấp nhà, cấp đất là cả một câu chuyện dài, đầy những thủ tục phức tạp nhiêu khê, phải qua đủ loại tầng nấc xét duyệt mà chưa chắc “giấc mộng đã thành”.
Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là tại sao ông Truyền lại làm được cái việc “con voi chui lọt lỗ kim”. Phải chăng là cơ quan chức năng quá hớ hênh? Hay bị cái bóng của ông Truyền trùm lên mà mờ mắt?
Qua vụ việc của ông Truyền, có một vị đại biểu Quốc hội nói: “Còn bao nhiêu ông Truyền nữa?”. Đúng là đang có một bộ phận cán bộ có nhiều nhà cao cửa rộng không kém ông Truyền, trong đó có những người bị báo chí nêu đích danh về khối tài sản “khủng”.
Tìm ra sự thật về nhà đất của một quan chức không phải là chuyện đơn giản, nó được bao phủ bởi hàng loạt những lớp che chắn, nhưng quyết tâm thì dẫu là cái kim cũng phải lòi ra.
Dư luận tin chắc Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phơi bày được sự thật về ông Truyền thì sẽ phơi bày được các sự thật khác còn ẩn trong vùng tối khuất tất. Làm được việc này là có lợi cho Đảng, cho dân, nhất là đừng để ông Truyền thắc mắc: “Sao chỉ mình tôi?”.
Bài học cần rút ra trong vụ ông Truyền là công tác kê khai tài sản chưa ổn. Hằng năm, dù là cán bộ hay một đảng viên thường đều phải thực hiện kê khai tài sản, nhưng công tác xác minh thì hầu như không thực hiện, việc công khai bản kê khai tài sản cũng còn rất hạn hẹp.
Đây là lỗ hổng để ông Truyền thoát qua “cửa tử” bằng bản kê khai tài sản “hươu vượn”, mãi đến khi báo chí lên tiếng, Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc thì mới vỡ lẽ rằng ông “bao công” này có rất nhiều nhà.
Từ câu chuyện của ông Truyền, một vấn đề lớn được đặt ra, đó là phải bịt kín lỗ hổng trong kê khai tài sản để hạn chế xảy ra những trường hợp tương tự như ông Truyền.
Lê Thanh Tâm (TTO)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"