Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Xin đừng vùi dập tài năng bóng đá của Công Phượng

Châu Văn Thi
Dư luận tuần qua xôn xao về thông tin tuổi thật của Công Phượng – Thủ quân và cầu thủ xuất sắc hàng đầu của bóng đá U-19 Việt Nam được nêu ra trong chương trình Chuyển động 24h. Nhiều ý kiến trái chiều đã được nêu ra nhằm biện hộ cho đài VTV hay bênh vực cho Công Phượng, nhưng đứng trước một sự việc như thế này ta cần phải có cái nhìn khách quan nhiều chiều.
Tại sao lại là Công Phượng?
Nhiều người yêu mến tài năng của Công Phượng đã đặt ra câu hỏi này khi chương trình Chuyển động 24h phát sóng liên tiếp các bản tin về điều tra tuổi thật của em. Câu hỏi này xuất phát từ người hâm mộ em là điều dễ hiểu vì trong năm 2014, đội U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai đã làm mưa làm gió ở nhiều đấu trường trong nước và khu vực. Công Phượng là thủ quân của đội bóng xuất sắc đó, những pha xử lý bóng của em đã khiến cho nhiều trái tim yêu bóng đá phải “tan chảy”.
cong_phuong_1.jpg
Cầu thủ Công Phượng- U19 Việt Nam

Nếu là một cầu thủ khác ít nổi hơn sẽ khó cho một chương trình nào đó bỏ công sức nhiều hơn để đi điều tra, hay là các phản hồi trái chiều của người xem lại nhiều đến như vậy. Người ta đã đặt vào em quá nhiều sự yêu mến mà quên rằng không chỉ trong bóng đá mà nhiều mặt trong đời sống đều đề cao sự trung thực. Có lẽ sự dối trá đã thành nếp sống, nếp nghĩ của một số người để biện minh cho sự gian lận về tuổi tác trong bóng đá.
Có người còn nói rằng: Xã hội còn đầy sự tham nhũng, bất công đầy rẫy, sao VTV không đi điều tra mà chỉ chằm chằm vào em. Nói ra câu này mà người ta quên rằng xã hội có sự phân công lao động rõ ràng, anh điều tra gian lận trong thể thao không có nghĩa là anh phải đi điều tra luôn những vụ án tham nhũng của cán bộ nhà nước. Phải minh bạch từ cái nhỏ nhất mới mong thay đổi xã hội được.
Nhưng những phóng sự của Chuyển động 24h lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công bố những tài liệu về đời tư cá nhân của Công Phượng khi chưa được sự đồng ý của em. Tất cả phơi bày trên truyền hình , trên Internet mà một người như em không thể phản kháng.
Các điều luật về bảo vệ bí mật đời tư của Quốc tế và Việt Nam
* Ðiều 12 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nêu rõ:
Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.
tuyen_ngon_quoc_te_nhan_quyen_0.jpg
* Điều 17 của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị:
1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.
2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
* Điều 38 Bộ luật dân sự 2005-Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Điều 21 Hiến pháp nước Việt Nam sửa đổi bổ sung:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luậtthư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
* Điều 125. Bộ luật Hình sự năm 1999-Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác:
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu có gian lận tuổi, lỗi của ai?
* Theo QUY ĐỊNH VỀ KỶ LUẬT CỦA LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) ngày 22 tháng 1 năm 2014 của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Khoản 2 Điều 52. Giả mạo và làm sai lệch tài liệu, hồ sơ:
d) Các đối tượng gian lận không được tham dự các giải do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật.
Nhưng phải cần xác định lại là lỗi có phải là do Công Phượng hay không? Một mình cậu bé ở miền quê này không thể nào thực hiện hành vi làm sai lệch hồ sơ, làm Giấy khai sinh giả, hay đánh mất những hồ sơ gốc về hộ tịch của các cơ quan nhà nước như vậy. Lỗi nếu có là của các cấp lãnh đạo của Nghệ An đã cố tình làm giả lệch hồ sơ để kiếm thành tích, với căn bệnh đã ăn sâu vào não trạng của một số người.
Cơ quan tư pháp của Nghệ An không cần phải làm một việc rất buồn cười là về quê của em để xác nhận tờ giấy khai sinh không số, không má là hợp lệ, là đúng tuổi thật của em. Việc Công Phượng học từ lớp 1- lớp 12 có hàng trăm người bạn, hàng chục thầy cô giáo, chẳng lẽ trong số này không có ai có thể đứng ra để xác nhận đúng là em học đúng trường, đúng lớp, đúng năm?
Xin đừng vùi dập tài năng bóng đá của em
Tài năng của em được coi là hiếm có trong giai đoạn hiện nay, đã lâu rồi những người hâm mộ bóng đá không được mãn nhãn với những trận cầu của bóng đá VN, thì Công Phượng và đội bóng của mình nổi lên như một hiện tượng. Có người hâm mộ em đến nỗi đã so sánh những đường bóng thành bàn của em với cầu thủ Messi. Việc làm trong sạch bóng đá là cần thiếtt nhưng nếu như lỗi không thuộc về em thì VFF cũng không có quyền cấm em thi đấu bóng đá, hoặc quyền tẩy chay VFF sẽ là của người hâm mộ và các đội bóng khác.
Còn nhớ năm xưa cậu bé Trần Thế Vọng của phố núi Gia Lai xuất sắc ở lứa tuổi nhi đồng, nhưng sau đó người ta không còn thấy em đá bóng nữa. Các nhà báo tâm huyết đã cất công đi tìm em, để rồi sau đó cay đắng phát hiện em đang là một người bốc vác ở bến xe. Và tên thật của em không phải là Trần Thế Vọng, mà là Nguyễn Minh Thành sinh năm 1985. Người lớn đã cố tình làm giả mạo hồ sơ cho em, để kiếm thành tích nhưng sau đó họ lại lo sợ và tìm mọi cách đẩy em ra khỏi bóng đá. Các nhà báo này lại cất công đem em về đội bóng Hoàng Anh Gia Lai để tập luyện, nhưng ít lâu sao em lại qua đời vì tai nạn giao thông.
9044_14dabongjpg.jpg
Trần Thế Vọng năm xưa
Những âm mưu tính toán của người lớn đã vô tình đẩy các em ra khỏi đam mê của mình và gián tiếp đẩy nền bóng đá nước nhà thêm lụn bại như bức tranh ảm đạm của đất nước? Công Phượng không nên và không bao giờ là Trần Thế Vọng thứ hai. Mọi người nên trả em về với tuổi thật của mình và chính người hâm mộ hãy cho em được sống đúng với niềm đam mê của mình.
Có một câu nói nổi tiếng là ”Nếu cả thế giới này quay lưng lại với em, tôi sẽ quay lưng lại với thế giới”, tôi xin được nói lại là: “Nếu cả liên đoàn bóng đá VN (VFF) quay lưng lại với em, thì chúng tôi-những người hâm mộ sẽ quay lưng lại với VFF”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"