Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Có thể nào chuyện "thắng bại" lại quan trọng đến thế sao?

Dương Hoài Linh
Có những câu nói, những quyết định vào những thời điểm lịch sử có thể thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Tiếc là Việt nam không có những con người đủ tầm để làm điều đó.
NƯỚC MỸ
Lịch sử ghi lại rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 149 năm, thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui.
Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với lá thư riêng ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với tướng tư lệnh miền Nam bại trận. Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.

VIỆT NAM
Ngày 30/4/1975 4 xe tăng và 6 lô cốt chỉ trong vòng 15 phút, tiểu đoàn xe tăng 1 (lữ đoàn 203) đã tiếp cận cổng Dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Xe tăng 843 lao vào húc cánh cổng phụ bên trái của dinh nhưng bị kẹt lại. Còn xe tăng 390 do Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình đem vào treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.
Ít phút sau, đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó trung đoàn 66 và hai đại đội bộ binh đã có mặt tại Dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các của chính quyền VNCH có mặt tại dinh lúc đó gồm: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phó thủ tướng Bùi Tường Huân, Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng Tài chính Lê Quang Trường, Thứ trưởng thông tin Nguyễn Văn Ba, Thứ trưởng quốc phòng Bùi Thế Dũng, Phụ tá tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Chánh văn phòng Phủ thủ tướng Vũ Trang Chiêm. Tại đây, ông Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi chờ cách mạng đến để bàn giao chính quyền". Ông Phạm Xuân Thệ tuyên bố: "Các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 11 giờ 45 phút 30 tháng 4 1975, ông Phạm Xuân Thệ và các sĩ quan dưới quyền đã đưa ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
"Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào".
Nếu so sánh với hành động của tướng Grant ở trên thì câu nói của ông Phạm Văn Thệ chính là câu nói ngu ngốc nhất. Chính câu nói này đã khiến đất nước Việt nam lâm vào tình thế ngày hôm nay. Mặc dù sau đó Thượng tướng Trần Văn Trà đã chữa lại "Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ…". Nhưng chỉ với việc đưa hàng chục ngàn sĩ quan VNCH vào các "trại tập trung cải tạo" sau đó để tẩy não họ đã chứng tỏ câu nói đó chỉ là giả dối.
GIÁ NHƯ
- Vào ngày 1/5 ngày quốc tế lao động họ biết học tập lịch sử nước Mỹ để tổ chức một cuộc duyệt binh đơn giản nhưng có mặt tổng thống Dương Văn Minh đi giữa hai hàng quân bồng súng chào thì có lẻ họ không cần tốn thời gian cả chục năm để "tẩy não" đội ngũ sĩ quan quân lực VNCH. Một lực lượng chất xám rất cần cho công cuộc tái thiết đất nước. Đó là phương cách tẩy não hiệu quả nhất.
- Nếu như họ không bị cái ánh hào quang chiến thắng ảo tưởng che mất lý trí để nhắc mãi điệp khúc thắng thua thì sẽ không có hàng triệu người bỏ nước ra đi, sẽ không cần nhắc mãi cái điệp khúc "hòa hợp hòa giải" suốt gần 40 năm qua.
Trong lúc đó ở nước Mỹ, khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen's Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời tung hoành trên chiến trường.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo tập trung, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Ðây là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài thơ đại ý như sau:
"Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết."
Biết đến bao giờ người CSVN mới hiểu được điều này, họ đã bỏ qua cơ hội để tái thiết đất nước như người Nhật, người Đức. Nhưng suy cho cùng thì họ chẳng cần "ĐẤT NƯỚC", bởi cái họ cần chính là "QUYỀN LỰC". Bởi vậy mong rằng họ có thái độ của người quân tử chỉ là điều không tưởng. Tiếc thay MẸ VIỆT NAM ơi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"