Lương Kháu Lão
Công nhân lau chùi những nền nhà bị dột nước. Ảnh: Nguyễn Văn. (VNExpress)
Nhà ga sân bay Đà Nẵng là một trong ba nhà ga lớn nhất nước được Nhà
nước đầu tư hơn 1300 tỉ đồng để xây dựng và được coi là sân ga quan
trọng trên tuyến đường bay quốc tế có đông đúc máy bay qua lại. Nghĩa là
có rất nhiều khách quốc tế ghé qua. Tức là nó sẽ là bộ mặt của quốc
gia.
Việc để chậm tiến độ là không thể chấp nhận nên dư luận hoàn toàn
đồng tình khi đi kiểm tra đột xuất, Tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Đinh La Thăng đã quyết định “trảm tướng” tại chỗ. Nhà thầu mới đã vắt
chân lên cổ mà chạy nếu không muốn lại bị chặt đầu như người tiền nhiệm
và ngày 25-12 cả Bộ trưởng mới lẫn Bộ trưởng cũ, cả Bí thư thành ủy Đà
Nẵng đều hớn hở đến dự lễ khánh thành. (Tôi không dùng chữ phấn khởi mà dùng chữ hớn hở cho sát nghĩa)
Việc các vị đến dự Lễ khánh thành có hai ý nghĩa:
Một là chứng kiến khai trương một công trình quan trọng đối với cả nước và đối với một địa phương đang trên đà phát triển.
Hai là một lần nữa muốn thể hiện cái oai của viên tư lệnh muốn làm gì thì làm.
Nhưng hỡi ôi! Chưa được ba ngày nói theo cách nói dân gian, ông trời “chơi đểu” nã xuống một cơn mưa nhỏ bất chợt, thế là “mưa rơi lòi mặt chuột”.
Cả nhà ga hơn 1345 tỉ đồng nhiều chỗ bị dột lênh láng nước trên sàn nhà
đến mức người ta phải huy động nhân viên mang hết vải vóc trong kho ra
để lau chùi và để các tấm biển cảnh báo trơn trượt trềnh ềnh trên các
lối đi giống hệt như ở nhà ga quốc tế T1 Nội Bài những ngày ông trời
không thương ngành hàng không.
Biển cảnh báo nền nhà trơn trượt đặt ở nhiều vị trí tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Văn (VNExpress)
Trả lời truy vấn của cánh phóng viên, Chánh văn phòng Tổng công ty
hàng không Miền Trung Nguyễn Hoàng Liên luống cuống thanh minh “một
số chỗ kính lấy sáng mới lắp khe nhựa chưa kín khít đang cho phun lại,
một số tấm kính bị vỡ (chắc là do gió to!)đang cho thay thế, kể cả một
tấm đá trên sàn nhà bị cập kênh” Toàn là những tiểu tiết vì làm vội
làm ẩu không quan trọng chứ cả công trình đồ sộ thì an toàn vĩnh cửu
các nhà báo cứ yên tâm. Ý ông muốn nói vậy để trấn an mọi người, để
thanh minh thanh nga với thượng cấp và cũng là để tự dẹp trái tim đang
đập rộn ràng của mình vì lo…mất chức.
Nhưng đấy là những tiểu tiết đập vào mắt khách hàng Việt nam và Quốc
tế chứ còn những khiếm khuyết to đùng không trông thấy thì không biết
đến một lúc nào đó nó sẽ lòi ra?
Liệu có thể tin tưởng ở các chủ đầu tư, các nhà thầu vô trách nhiệm
như thế được không? Thôi thì người nhà thông cảm đóng cửa bảo nhau nhưng
ông chủ nhà ga, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ trả lời ra sao
đối với khách quốc tế đây nếu họ hỏi ông?
Mặt cầu Thăng Long, mặt đường cao tốc Trung Lương, mặt đường cao tốc
Láng - Hòa Lạc, sờ đến đâu cũng thấy hỏng hóc mà toàn là các công trình
trọng điểm tỉ đô cả. Liệu đó có phải là căn bệnh cố hữu của ngành xây
dựng cầu đường Việt Nam từ khâu thiết kế, tuyển chọn chủ đầu tư, nhà
thầu thi công, tư vấn giám sát? Xin để cho Bộ trưởng Bộ Giao thông tự
trả lời.
Thật là sự cố không mong muốn mở đầu “năm giao thông” 2012.
Lương Kháu Lão