Dương Phi Anh
Lời mở đầu
Theo thiễn nghĩ của chúng tôi, khi đứng trước một hành vi vi phạm,
người ta thường xét đến yếu tố Lỗi. Người ta lại thường phân Lỗi ra làm
hai phần là do khách quan và chủ quan. Khách quan là những yếu tố nằm
ngoài suy nghĩ của người có Lỗi; còn chủ quan thì ngược lại, là do suy
nghĩ, ý chí (bên trong) của người vi phạm. Có nhiều khi hành vi vi phạm
do cả hai yếu tố đó tạo thành và thường gọi là Lỗi hỗn hợp. Bình thường,
một hành vi vi phạm thì như vậy, nhưng một vụ việc vi phạm thì thường
có tổng hợp nhiều hành vi vi phạm. Và vì vậy, nó thường cấu thành từ một
tổng hợp Lỗi và có thể do nhiều người tạo nên. Khi đó, “mỗi người một
vẻ” sẽ thể hiện Lỗi theo cách của mình. Nó như được “phân vai” trong một
vở kịch đa sắc thái…
Trước khi xem vụ án cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua giống
như một “vở kịch” về Lỗi, tôi xin dài dòng thêm một tý để thấy rằng
không phải khi người ta có Lỗi là người ta dở, nhiều khi ngược lại là
đằng khác.
Có một lần, tôi được trao đổi với thầy (PGT-TS Phạm Duy Nghĩa) về câu
hỏi “Tại sao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật VN không cao?”. Tôi thì
cứ được thầy kích thích để thao thao bất tuyệt rằng, thì, là, mà… tựu
trung lại do hai yếu tố: Vô tình hay hữu ý. Hữu ý là từ khâu ban hành
đến khâu thực hiện (hay áp dụng) luật, những người liên quan hiểu biết
là vậy (biết hết đấy) nhưng cố ý ban hành một cách khó hiểu, giống như
“rừng luật” mà chỉ có họ hiểu biết và khi thực hiện cũng vậy, biết nhưng
cố ý làm sai, làm không đến nơi đến chốn và đa phần mục đích là “đục
nước béo cò”. (Lúc này thầy tôi đã lim dim lắng nghe) – Còn vô ý là từ
khâu ban hành luật pháp đã không lường trước được sự phát triển của xã
hội để đề ra các quy tắc hành vi kịp thời, hợp lý; hoặc có luật rồi
nhưng làm sai do hiểu sai. Tóm lại vô ý là do kém…
Thầy bật phăng dậy làm tôi giật mình. Ông khua tay ngang liên hồi,
lắc đầu nguầy nguậy rằng: “Không! Không! Không! Tôi không đồng ý với em
dùng từ “kém” với ai cả, nhất là đối với cán bộ công quyền, những người
tự xem là “đầy tớ” nhưng thực chất là đầy quyền lực với nhân dân. Em nên
nhớ rằng, để ngồi lên được một vị trí có quyền lực, không ai là kém cả.
Họ không giỏi cái này thì cũng giỏi cái khác. Kể cả khi em nghĩ một
cách tiêu cực rằng “họ chỉ giỏi nịnh bợ, giỏi luồn cúi mới lên được chức
nào đó” đi chăng nữa thì cũng là giỏi, không ai kém bao giờ!”. – Tôi
được bài học thấm thía!
Xin trở lại với “vở kịch Lỗi” mà tôi muốn đề cập. Nếu đọc thông tin
cho đến buổi họp báo chiều tối 12/1/2012 và nhắm mắt lại nghiền ngẫm thì
sẽ thấy mỗi hành động, phát biểu của mỗi người liên quan trước, trong
và sau vụ cưỡng chế là một “vai” rất thật. Ở đó, bi, hài, hỷ nộ, ái, ố…
đều góp mặt đầy đủ. Xuyên suốt vở kịch có một nhân vật mang tên PV, tuy
là nhân vật phụ, nhưng luôn có mặt trong các cảnh để hỏi, chất vấn, dẫn
chuyện, bình luận hoặc để “trình ra những bằng chứng không thể chối
cãi”, giống người thường xuất hiện trên truyền hình của Bộ ngoại giao
“Ta”.
Màn 1: Hẹn về Tiên Lãng làm bữa thịt chó
Đầu tiên, Phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự – xã
hội Công an TP Hải Phòng Vũ Sỹ Hưng cho biết: “Sau khi bị bắt và bị
khởi tố, chủ đầm Đoàn Văn Vươn cùng các bị can khác đã nhận thức hành vi
của mình là vi phạm pháp luật, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp
luật”. Tiếng của một số người dự khán: Đúng vậy! đúng vậy! Mong được
khoan hồng, thông cảm…
Tiếp theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN-MT TP.Hải Phòng đứng lên
nói về thủ tục giao đất. Lời thoại: “Thời điểm UBND H.Tiên Lãng giao đất
cho ông Vươn là 4.10.1993, tính theo luật Đất đai 1987 nên H.Tiên Lãng
giao đất là đúng!”. Nói là vậy nhưng chưa chắc ông Sản hiểu “đúng” chỗ
nào? Mục đích “cãi” sang luật Đất đai 1987 để làm gì?! Ông Sản tiếp tục:
“Huyện Tiên Lãng đã khẳng định đây không phải là đất nông nghiệp, nên
quan niệm phải giao đất 20 năm là không đúng”. Quyết định giao đất của
UBND huyện Tiên Lãng cho ông Vươn ghi: Căn cứ theo Điều 24, Điều 48,
Điều 79 Luật đất đai năm 1993. Chính Điều 79 là “Đất có mặt nước ven
biển…”, đất đầm đấy! Giao theo Điều 79 Luật Đất đai mà bảo là đất nông
nghiệp thì… rất vui!
Tiếp đến, Biên tập viên chính, kiêm tổng đạo diễn, ông Lê Văn Hiền –
chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, xuất hiện. Đầu tiên ông lý giải xung
quanh khái niệm “giao đất” hay “thuê đất”. Quyết định thì ghi là “giao
đất” (năm 1994 “giao” 21 ha; năm 1997 “giao” 19,3 ha). Mà, giao đất nuôi
trồng thủy sản thì phải giao 20 năm và mỗi hộ gia đình chỉ được giao 2
ha. UBND huyện Tiên Lãng đã “hào phóng” giao cho anh Vươn tổng cộng đến
40,3 ha và chỉ giao dưới 20 năm. Biết rằng vượt hạn mức quy định và ngắn
thời hạn quy định đều là sai nên cần chuyển sang khái niệm “thuê đất”
thì hợp lý hơn. Giọng ông đanh thép: “Việc giao đất cho các hộ nuôi
trồng thủy sản dưới 20 năm là đúng quy định Luật đất đai và theo đề nghị
của ông Vươn (Cảnh này ông Vươn chưa xuất hiện vì hiện tại đang bị tạm
giam chứ không khéo khi nghe câu “theo đề nghị…” có thể anh ta bức xúc
lên và lại… gãy răng).
Ông Hiền tiếp: “Do hết thời hạn giao nên các hộ phải giao trả cho
UBND huyện để UBND huyện cho thuê. Còn việc có hai quyết định giao đất
thì lúc đầu huyện chỉ giao 21ha, nhưng trong quá trình khai thác ông
Vươn lấn chiếm thêm 19,3 ha nữa nên huyện đã… hợp thức hóa cho 19,3 ha
bằng quyết định giao đất bổ sung” (Anh Vươn nói vọng từ nhà đá “thật
tốt, thật tốt!”). Ông Hiền tỏ ra “ngẩn tò te” vì không giải thích được
Quyết định giao đất thì ban hành năm 1997 nhưng thời hiệu lại tính lùi
lại từ năm 1993. Đó phải chăng là sự tùy tiện?
Tới cảnh người đóng thế của bà Chánh án TAND TP Hải Phòng Nguyễn Thị
Mai là ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh án. Nhiệm vụ của ông Phích là phải
lột tả cho bằng được sự nhầm lẫn của thẩm phán Ngô Văn Anh trả lời đơn
khiếu nại ông Vươn. “Vụ ông Luân, TAND TP lập biên bản tạo điều kiện để
các đương sự thỏa thuận. Ông Luân rút đơn kháng cáo, tòa án ra quyết
định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tố tụng hành chính cho phép tạo điều
kiện thỏa thuận. Văn bản này không sai. Vụ ông Vươn do thẩm phán Cao
Thành Ngọc thụ lý. Tòa không lập biên bản thỏa thuận. Sau khi ông Vươn
rút kháng cáo, Tòa cũng ra quyết định đình chỉ. Án sơ thẩm có hiệu lực.
Sau đó, ông Vươn có đơn khiếu nại, thẩm phán Ngô Văn Anh có sự nhầm lẫn
giữa trả lời ông Luân thành trả lời ông Vươn…”. Tỏ ra cao hứng, ông
Phích tiếp tục: “Tuy nhầm lẫn nhưng bản chất vụ án không thay đổi nên có
xử thì chắc cũng y án thôi!”.
Mọi người trầm trồ: Hay thật! Hay thật! Sự nhầm lẫn có chủ đích vì
trước đó vài ngày, chính thẩm phán Ngô Văn Anh đã “đi” trước kịch bản là
“không biết ông Vươn là ai”.
PV: Vì vậy, Tòa án nhân dân Tối cao, VKSND tối cao có muốn làm gì thì
tự mà làm lấy chứ riêng quan điểm của các cấp chính quyền ở Hải Phòng
thì chỉ có mà y án thôi, xử thế là đúng rồi.Các quyết định thu hồi,
cưỡng chế đầm của ông Vươn có hiệu lực. Không chấp nhận kháng cáo, kháng
nghị đâu nhé!
Bất ngờ, bên cánh gà, Hội thẩm nhân dân Đoàn Xuân Lĩnh xuất hiện,
dõng dạc: “Tôi là hội thẩm nhân dân của TAND TP Hải Phòng nhiều năm. Hôm
đó, tôi được mời tham gia tố tụng một phiên tòa dân sự ở tòa này. Tôi
lên phòng Thẩm phán Ngô Văn Anh để chờ ông ấy đi xử. Tôi thấy có hai cán
bộ huyện Tiên Lãng, một người là ông Hoa, một người tôi không biết tên ở
trong phòng. Một bên là anh Luân, anh Vươn. Tòa mời các anh lên làm hòa
giải. Hai bên thỏa thuận với nhau, hai cán bộ huyện vận động ông Luân,
ông Vươn rút đơn kháng cáo, tòa không phải xử nữa thì huyện sẽ cho thuê
lại đất. Ông Ngô Văn Anh, Chánh tòa Dân sự TAND TP Hải Phòng, làm “trọng
tài” ngồi giữa. Ông Anh nói: thôi giờ thế này, có đơn kiện đây, tôi gọi
hai bên lên để giải hòa, chúng tôi không phải xét xử. Nếu rút đơn thì
không phải đưa ra tòa phúc thẩm nữa. Thế nhưng phải ưu tiên cho họ thuê
đất. Bên kia bảo thế thì rút đơn đi, không phải đưa ra tòa phúc thẩm
nữa. Hai bên thỏa thuận với nhau để về cho thuê lại đất. Hai bên ký với
nhau thế nào tôi không rõ, chỉ nghe hẹn nhau nay mai về Tiên Lãng làm
bữa thịt chó…”.
Gương mặt lãnh đạo TAND TP Hải Phòng lúc này… (đoạn này cho diễn tùy thích).
Màn 2: Lỗi của… căn nhà giữa đồng!
Tại cuộc họp ở văn phòng UBND Tỉnh, PV đặt các câu hỏi: “Các Anh ở
huyện bảo cưỡng chế là cưỡng chế hết. Quyền ban hành quyết định, tổ chức
cưỡng chế, lực lượng là của các Anh nhưng hình như có nhiều điều sai?
Cưỡng chế không phải bồi thường gì cả, sao sướng thế? Dư luận nói rằng
các anh giao đất theo phương pháp “nuôi béo để thịt” có đúng không? Các
anh “cao” quá ai mà chịu nổi?! Giao đất cho họ đắp đập, trồng cây, cải
tạo, … rồi chỉ cần vài thủ tục, tất cả lấy lại hết, không tốn một xu.
Nghe nói chính quyền “quyết tâm” thu hồi đầm của anh Vươn, ông Luân để
giao cho các ông K. (ngụ xã Tiên Hưng), H. (ngụ xã Vinh Quang), P. (ngụ
xã Nam Hưng)?.
Ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng, người hôm trước
nói với PV là “mời cơm chứ không phải làm việc”, hôm nay được ủy quyền
điều hành buổi họp báo: “Thôi, đã muộn nên cần sớm kết thúc cuộc họp
báo. Các anh chị hỏi nốt câu hỏi này thôi nhé. Trong bối cảnh hiện nay,
không nên đi sâu vào hoàn cảnh của người sai phạm mà nên thông tin ủng
hộ việc cưỡng chế của huyện Tiên Lãng”…
Cảnh cưỡng chế: Buổi sáng, căn nhà hai tầng giữa đồng vắng. Hàng chục
người đang đứng quanh, cách nhà vài chục mét. Bỗng tiếng súng hoa cải
nổ. Một số cảnh sát và bộ đội đi trước bị thương. Mọi người lùi ra gọi
điện inh ỏi. Trong tiếng hỗn loạn ồn ào, người ta nghe thấy tiếng hô
“Đoàn Văn Vươn! Đoàn Văn Vươn!!! Yêu cầu, Hãy…!”. Một lúc, hai trung đội
Cảnh sát cơ động được điều đến. Họ tìm cách tiếp cận căn nhà bằng nhiều
biện pháp nghiệp vụ. Tiếng súng đã im được một lúc. Hàng trăm người
quan sát phía ngoài nín thở. Cảnh sát cơ động tiếp cận được căn nhà.
Một, hai và ba… Nhanh như cắt, họ chĩa súng vào những ngóc ngách căn
nhà. Thì ra, các đối tượng đã bí mật rời khỏi nhà được một lúc. Chó
nghiệp vụ, phương tiền rà mìn ngay lập tức được cho tiếp cận. Có một
bịch thuốc nổ đặt cạnh bình gas ở phía ngoài nhà nhưng không phát nổ.
Ngoài ra, cảnh sát không phát hiện được chất gây nổ nào. Cảnh sát cơ
động ra hiệu cho lực lượng cưỡng chế biết đã an toàn, vào tiếp tục công
việc. Một số người bị thương được chở đi cấp cứu…
Chưa đầy vài giờ sau, toàn bộ căn nhà trên đồng vắng đã bị san phẳng. Một số người tỏ ra hân hoan, hào hứng.
Nhưng, sau đó người ta phát hiện căn nhà nằm ngoài ranh điều chỉnh
của quyết định cưỡng chế. Chết thật! Làm sao bây giờ. Chủ tịch UBND
huyện Lê Văn Hiền xoa đầu, bóp trán và né tránh các cuộc tiếp xúc báo
chí. Em trai ông Hiền, Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm cũng đứng
ngồi không yên. Chánh văn phòng UBND huyện Ngô Ngọc Khánh cũng vắt óc
suy nghĩ. Mọi người cần phải có động thái đối phó với “bọn” PV, không
chuyến này khó “cả vú lấp miệng em” lắm.
Ngày 11.1, ông Lê Quang Liêm nửa kín, nửa hở để thăm dò: “Tôi không
biết chính xác ngôi nhà anh Đoàn Văn Quý sử dụng có nằm trong diện tích
cưỡng chế hay không. Nhưng, từ ngôi nhà này các đối tượng đã nổ súng vào
lực lượng cưỡng chế, là hiện trường vụ án nên bị đập bỏ …”.
Ngày 12.1, không thể né tránh mãi, ông anh ruột Lê Văn Hiền công bố
luôn: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Nhưng vì đây
là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế, nên áp
dụng biện pháp phá ngôi nhà”.
PV: Mọi người lại hoan hô không biết “cao nhân” Lê Văn Hiền “áp dụng
biện pháp phá ngôi nhà” theo quy định nào? Rõ ràng luật pháp thì ông tỏ
ra lơ mơ (không rõ vô tình hay hữu ý) nhưng “quyết tâm chính trị” của
ông thì rất cao. Lý luận này giống của Mỹ thời chiến tranh quá! Vì “rừng
che bộ đội, rừng vây quân thù” nên phải dùng chất phát quang phát phát
hết. Ở đây, căn nhà không những là nhà của người khác nằm ngoài phạm vi
cưỡng chế mà còn là chứng cứ để cơ quan điều tra chứng minh hành vi phạm
tội cụ thể “bắn vào đoàn cưỡng chế” của từng bị can ra sao. Chẳng hạn
ai bắn, nấp chỗ nào bắn, tư thế ra sao? Việc dựng lại hiện trường điều
tra đã bị vô hiệu hóa vì “vô tình” mà ông chủ tịch Huyện đã xóa hết dấu
vết…
Gay go thật, kỳ này ông Hiền và bộ sậu của mình chưa chắc đã thoát
các tội: Tội hủy hoại tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi
thi thành công vụ; Tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ; Tội
thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Nếu xác định bộ sậu ông Hiền
sai, thậm chí phạm tội thì đúng là các chiến sĩ bị thương giảm mất ý
nghĩa cao cả của “thi hành công vụ” quá. Vì vậy, căn cứ vào quan hệ nhân
quả, nếu các ông ấy mà đã phạm tội thì chắc có nhiều tình tiết tăng
nặng. Còn bên ông Vươn, người ta có thể thông cảm vì phạm tội do tinh
thần bị kích động mạnh do hành vi sai phạm của người khác… nên được giảm
nhẹ!
Màn 3: “Cứu chúa”!
Cảnh trước đó – Ngày 10/1/2012. Trong nổ lực “cứu chúa”, ông Ngô Ngọc
Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, cao giọng: “Chúng tôi làm
việc cho Nhà nước, là công bộc của dân, vì dân, vì nước làm việc thôi”.
Về lý do ông Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền né tránh cung cấp thông
tin cho báo chí, ông Khánh lý giải: “Chủ tịch rất là lo lắng để trấn an
dư luận, để mọi việc làm sao cho êm ả, tốt đẹp chứ không phải có cái
này, cái khác”. Êm ả, tốt đẹp, cái này, cái khác – khó hiểu quá!
Và ông thể hiện tính “thượng đội, hạ đạp” bằng phát biểu xanh rờn:
“Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao
gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời
nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay,
anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho
xã hội”.
PV: Thực tế thì từ năm 2007, gia đình anh Vươn đến nộp các nghĩa vụ
với nhà nước mà cơ quan chức năng đâu cho nộp. Nhưng quan trọng hơn, ông
Khánh cho biết: “Tháng 7-2011, UBND huyện Tiên Lãng đã báo cáo Thành ủy
và UBND TP, đề xuất cưỡng chế đối với ông Vươn. UBND TP đã chỉ đạo các
ngành giúp huyện Tiên Lãng tổ chức thu hồi đầm. Sáng 5-1, UBND huyện
Tiên Lãng cũng đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hải Phòng xung
quanh vụ cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn…”.
PV: Như vậy là Thành ủy TP Hải Phòng cũng đã được xin ý kiến và đã
biết rất rõ trước khi vụ cưỡng chế xảy ra? Có thể Thành ủy không có trả
lời nhưng im lặng cũng là đồng ý nên UBND huyện Tiên Lãng cứ làm?
Trong mọi nổ lực “cúu chúa”, ông Chánh văn phòng UBND huyện đã mang
cả Thường trực Thành ủy làm lá chắn. Tuy nhiên, như thế càng làm ảnh
hưởng tới ủy tín của cả hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, đoàn
thể…) của TP Hải Phòng. Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, hầu hết các cơ
quan từ Đảng, chính quyền đến các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thấy ai
thừa nhận sai và nhận trách nhiệm. Cụ thể, Thành ủy Hải Phòng thì cũng
chỉ mới có một cán bộ dấu tên phát biểu, rằng “sẽ kiểm tra, xem xét xử
lý nghiêm nếu có sai phạm”. UBND huyện Tiên Lãng thì đã khẳng định việc
ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế đúng (thực tế sai hoàn toàn
Luật Đất đai và các luật khác); Tòa án thì lúc đầu bảo sai nhưng sau lại
bảo xử đúng (thực tế thì sai hoàn toàn về Tố tụng hành chính); Công an
bảo các bị can thừa nhận hành vi phạm tội, xin khoan hồng nhưng không
thấy đã động gì về những dấu hiệu sai phạm của các cơ quan khác như UBND
huyện…; Trước đó, mặc dù thừa nhận trong vụ cưỡng chế lực lượng công
an, quân đội đi theo chưa làm đúng quy trình nhưng ông Giám đốc Công an
TP Hải Phòng – Đại tá Đỗ Hữu Ca quy kết: “Nhiều khả năng biết trước khu
vực rộng 500 ha này sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới nên
Vươn cố gắng giữ lại để mong được đền bù cao. Nếu chỉ đứng ra thuê, nhà
chức trách chỉ hỗ trợ phần nào kinh phí xây dựng về mặt kiến trúc trên
mảnh đất đó”. …
Trong khi đó, ở vùng đầm nhà anh Vươn vừa bị cưỡng chế, xuất hiện
hàng chục thanh niên tay lăm lăm hung khí, ngăn cản phóng viên chụp ảnh,
thậm chí có người còn lao thẳng xe máy vào phóng viên và liên tục chửi
bới rồi nhiều lần lao vào giật máy ảnh… Trong đó, có một người trong số
đó xưng là công an viên xã Vinh Quang có tên Lâm. Công an viên này nói
“huyện, xã chỉ đạo không cho chụp ảnh, nếu muốn chụp phải có văn bản
đồng ý của chủ tịch huyện…”. Người gây gổ, chửi bới, lao xe máy và giật
máy ảnh của PV là Hoàng Văn Chương, ngụ thôn Bạch Xa, xã Nam Hưng. Theo
người dân địa phương, Chương cùng những thanh niên còn lại là đàn em của
ông P. (ngụ xã Nam Hưng), ông K. (ngụ xã Tiên Hưng). Đáng chú ý, dư
luận địa phương từ lâu đã râm ran chuyện chính quyền “quyết tâm” thu hồi
đầm của ông Vươn giao cho ông P., ông K…
Sau khi cưỡng chế, dư luận còn nóng mà đã xuất hiện những thanh niên
có hành xử mang tính côn đồ tại khu vực đầm Cống Rộc thì thật chỉ có ở
Tiên Lãng.
Lời kết
Trong đời sống, ai cũng có Lỗi. Vấn đề là nhận ra và cách thức sửa
chữa Lỗi. “Vỡ kịch” này cũng có biết bao nhiêu là Lỗi về kỹ thuật vì
chưa thể đầy đủ hơn…
Làm sao cho vụ việc được xử lý công bằng, người dân nghèo, lương
thiện được luật pháp chú trọng bảo vệ có lẽ là mục đích của nhiều người
khi lên tiếng, trong đó có không ít cán bộ. Trong xã hội thông tin đa
chiều, nếu làm sai, lại còn dùng lực lượng cương tỏa quyền lợi chính
đáng của người dân, mà không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm,
giải quyết thì chỉ có làm mất đi thành quả tốt đẹp trong quá khứ của cả
hệ thống chính trị ở cấp nào đó. Trong vụ án này, có thể khẳng định
nhiều sai phạm từ UBND huyện Tiên Lãng. Thiết nghĩ, nếu các cơ quan bảo
vệ pháp luật ở Hải Phòng không làm được thì luật pháp rộng đường vô cùng
cho sự chủ động vào cuộc của cơ quan cấp trên. Hy vọng, sẽ có sự nhân
văn hơn, có hậu hơn và lòng tin sẽ được cũng cố vững hơn sau vụ án này!
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)