Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Đêm giao thừa trên đất Tiệp

Đinh Quang Anh Thái
Người khách mùa Ðông.
Trần Ngọc Tuấn gọi tôi là “Người khách mùa Ðông”.


Chả là, ba năm liền, cứ vào những ngày tháng lạnh lẽo nhất của Ðông Âu là tôi khăn gói đến chơi với anh em sinh viên và công nhân Việt Nam tại các đất nước vừa thoát khỏi chế độ cộng sản. Chẳng cố ý gì cả. Tôi chỉ thích giang hồ vặt vào những ngày cuối năm, thế thôi.

Nhà văn Nguyễn Tuân lừng lẫy của Việt Nam đã có lần thốt lên rằng “ra đi, không nhất thiết phải có nơi để đến, mà ít nhất có nơi để rời bỏ.”

Những chuyến đi lang thang của tôi thì luôn có những nơi đến thật đầm ấm, cho dù nơi vừa tạm rời bỏ cũng hạnh phúc không kém. 

Tôi rời Erlangen bên Đức vào đúng buổi sáng 30 Tết ta, năm 1992. Thời gian đó đang là mùa Ðông của nước Ðức, tuyết phủ đầy trời. Hai đêm liền hầu như thức trắng với anh chị em tờ Cánh Eùn, mắt tôi cay sè. Uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn với Ðỗ Ngọc, Hồ Huy, Hoài Hương cùng nhiều anh em khác và những câu chuyện tâm tình giữa những người trẻ từng thuộc hai miền đất thù nghịch lẫn nhau đã làm bật lên nhiều cảm thông lý thú. 

Ðỗ Ngọc, đặc sệt Bắc 75, râu quai nón, ăn nói rất bỗ bã. Hồ Huy, trọ trẹ giọng Quảng Bình, làn da tái xanh như mới chui từ rừng ra. Hoài Hương thì quê hương Nam Bộ, từng là Thanh Niên Xung Phong của chế độ đang cai trị quê nhà, giọng nói có vị ngọt của sông nước miền Cửu Long.

Mà chả cứ là miền nào, mọi người tìm đến nhau cũng chỉ vì có nhiều điểm chung: quá khứ nhọc nhằn, hiện tại bất trắc và cùng mơ ước tương lai tốt đẹp cho bản thân và cho đất nước đang cách xa nửa vòng trái đất. Vì thế mới có Cánh Én, một trong những tờ báo của công nhân và sinh viên Việt Nam trên đất Ðức vừa thống nhất. Ðể thông tin và tranh đấu cho Việt Nam dân chủ tự do.


Trong lúc chờ tầu ở sân ga Erlangen, Hoài Hương bảo, sao anh không ở lại đón giao thừa với Cánh Én? Tôi bảo, đã hẹn với Ðiểm Tin Báo Chí và Diễn Ðàn rồi, không thể hủy được. Rồi tôi lên tầu, mang theo hình ảnh của anh em Cánh Én với cái túi ni lông của Hoài Hương cho, có một ổ bánh mì và chai nước ngọt.

Trở lại Plzen


Con tàu từ Ðức vào Plzen trên đất Tiệp hôm nay vắng khách. Chỉ một mình tôi với tôi trong một toa. Sướng điên người, vì hai lần trước, cũng tuyến đường này, người như nêm, khói thuốc mù mịt, đã thế còn bia bọt ầm ĩ nữa chứ. Vì cả Ðức lẫn Tiệp đều nổi tiếng là có bia ngon mà. Ngoài trời, tuyết trắng xóa. Tôi chợt nhớ đến những cuốn phim về Thế Chiến Thứ Hai, với các toa tầu đầy nhóc lính Ðức Quốc Xã chuyển quân và súng đạn đi vào các đất nước Ðông Âu. Hình ảnh ấy đối với tôi trước đây chỉ xem trong phim ảnh, nhưng hôm nay, chính tôi cũng đang ngồi trên tuyến tầu đó, cũng đi về hướng Ðông Âu.

Năm ngày qua, quây quần với Cánh Én, nghe câu chuyện của từng người, mới thấy sao mà Việt Nam mình nhiều chuyện buồn đến thế. Những Ðỗ Ngọc, những Hồ Huy, những Hoài Hương, tất tật đều có những ngày tháng nhọc nhằn, đói khát, buồn tủi trước khi rời quê sang xứ người. Nơi đất Ðức, người thì du học, người thì lao động kiếm cơm . Và ai cũng chịu nhiều hắt hủi bất công. Khu cư xá người Việt là nơi để mọi người trở về tìm đến nhau. Có lần tôi hỏi Ðỗ Ngọc mơ gì, Ngọc nói, chỉ mong sao có ngày về lại đất nước mình mà không còn bị đói khổ, trù dập, nhất là được làm báo, được viết lách thả dàn. Nghe Ngọc và tôi nói, Hồ Huy ngồi bên bèn thốt lên rằng, được đến như thế thì hẳn là đất nước đã tự do rồi!.

Ông “Góc Ðộ”


Lần đầu tiên tôi vào Tiệp là năm 1990. Lúc đó, đất nước này đang trên đà hồi sinh sau cuộc Cách Mạng Nhung. Tôi đến Tiệp chỉ với mục đích kết bạn với người Việt mình, những người mà hầu hết có quá khứ thuộc về chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa tại miền Bắc Việt Nam. Tôi còn nhớ tâm trạng xốn xang của mình vào buổi chiều tối hôm đó. Suýt nữa thì tôi bị rơi lại tại sân ga bốc rỡ hàng Plzen. May mà có một người Tiệp nói được tiếng Anh cản lại, và bảo cho tôi là ga hành khách Plzen ở trạm kế tiếp cơ. Hai trạm cách nhau cả vài cây số !

Ngô Văn Chính và Trương Tiến Dũng đón tôi ở sân ga, mà đôi bên không hề biết mặt nhau, chúng tôi chỉ hẹn nhau qua trung gian của một người bên Ðông Ðức giới thiệu bằng điện thoại.

Chính người nhỏ nhắn, mặt choắt nhọn, cứ mở miệng ra là “góc độ nào đấy” . . .thì… Vì thế, tôi gọi đùa Chính là “Ông Góc Ðộ”. Còn Dũng thì rõ ra là công tử, quần bò (jean), áo da, tóc tai gọn gàng, duy giọng nói khàn khàn như bị cảm. Sau thủ tục chào hỏi nhận diện, Chính lái chiếc ô tô con đưa tôi ra phố để xem bộ mặt của thành phố lớn hàng nhất nhì nằm về phía Tây của xứ Tiệp. Tôi đưa Dũng 100 đô Mỹ nhờ mua chút đồ nhậu để tối bù khú với nhau. Dũng bảo tôi, anh định mời cả Plzen ăn tối nay hay sao đấy, vì đồng tiền koruna của Tiệp rẻ lắm, 100 đô thì tiêu thế nào hết được!

Chúng tôi sắm gần đầy xe, nào là bia bủng, thức ăn khô, thuốc lá. Chỉ nước đá là không đào đâu ra. Ông Góc Ðộ bảo, góc độ nào đấy thì anh sẽ thấy cách bọn em ướp bia lạnh. Về tới khu chung cư dành cho công nhân, việc đầu tiên là Chính sắp bia thành từng lớp ở ngay khe cửa sổ để hở. À thì ra đây là chiếc tủ lạnh thiên nhiên của Ông Góc Ðộ. Cực kỳ sáng tạo. Dũng ơi ới thông báo cho anh em biết có khách đến chơi. Khoảng chục người kéo vào, ngồi chật kín căn phòng ngang dọc chỉ đủ để hai cái giường con. Chính làm một màn tự giới thiệu trước, cơ bản chẳng dấu gì anh, bản thân em là Bí thư Chi bộ đảng tại Plzen, trông coi anh em công nhân Việt Nam lao động tại đây. Rồi tới Dũng, đoàn viên Ðoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh tại Tiệp. Hoàng Quốc Cường, to khỏe, dân tập tạ, thân thể như tài tử xi-nê. Nông Ðình Bửu, dân miền núi. Lan, người miền Nam, đang du học và là em gái ruột của Nguyễn Thái Bình, người sinh viên thân cộng cướp chiếc máy bay Air Việt Nam để rồi bị bắn chết ở sân bay Tân Sân Nhất năm 1973. Rồi Hà. Rồi Yến. Và lần lượt tới những người khác nữa. Hầu như ai cũng thuộc thành phần gắn bó với chế độ cộng sản. Tôi cũng chẳng dấu lý lịch của mình, gia đình di cư 54, bố và các anh là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bản thân bị tù 7 năm vì in báo bí mật chống cộng sản sau 75.

Câu chuyện râm ran như pháo Tết. Ông Góc Ðộ hăng nhất. Chàng ta lôi ngay hai số báo đầu tiên của tờ Ðiểm Tin Báo Chí và tờ Diễn Ðàn Praha ra khoe và nói về phong trào dân chủ của anh em Ðông Âu. Nghĩa là không chỉ ở Tiệp, mà còn ở Ðức, Ba Lan, Bulgaria, Nga. Dũng nói, Anh Chính đã góp nhiều công trong việc in ấn tờ Ðiểm Tin Báo Chí, nhờ chức Bí thư Chi bộ, anh ấy dễ dàng quan hệ với mọi người để từ đó gây phong trào. Dũng sau này trở thành Chủ tịch Phong Trào Liên Kết Người Việt Tại Ðông Âu.




 Hình: (từ trái) Tưởng, Hồ Thanh Hải, Nguyễn Cường, Thái, Trương Tiến Dũng tại Praha.

Cùng sinh viên Tiệp đi biểu tình – Phủi đánh Xù.

Ngay những ngày đầu của Cuộc Cách Mạng Nhung, trong hàng ngũ công nhân và sinh viên Tiệp kéo nhau xuống đường biểu tình có cả công nhân và sinh viên Việt Nam. Do làm cùng sở, học cùng trường, nên các anh đi thì chúng tôi đi, chứ ý thức về dân chủ tự do thì chưa có. Thế rồi Cách Mạng thành công. Nhiều sinh viên và công nhân Tiệp trong phong trào đấu tranh bỗng trở thành những người có vai trò trong các công xưởng, các trường học. Thế là họ khuyến khích bạn bè người Việt ra báo để thông tin cho đồng bào Việt được biết những diễn biến đang xẩy ra, và đồng thời bênh vực Xù trước những hành động ác độc của bọn Phủi. 

Theo lời giải thích của Trương Tiến Dũng thì, vì thời tiết quá lạnh, người mình mặc quá nhiều lớp áo quần cho ấm, trông ai cũng cứ …xù ra một đống! Thế là cứ gọi nhau bằng Xù. Còn Phủi là cách gọi của người Việt để chỉ bọn du đãng Ðầu Trọc (Skinhead). 

Khi cuộc Cách Mạng Nhung bùng nổ trên khắp đất nước, bọn Phủi bắt đầu kéo nhau hàng đoàn đi tìm Xù mà đánh. Nhiều chuyện nghe đến hãi hùng. Một anh công nhân đi trên tầu điện đã bị bọn Phủi dùng một cái đinh dài đóng vào đầu, rồi chúng quăng xác anh ra khỏi toa xe trong lúc tầu đang chạy. Một nữ sinh viên thì bị chúng vây trên tầu, cứ chửi một câu lại bẻ một cánh tay của cô. May mà cô sống sót nhưng phải nằm bệnh viện cả tuần lễ. Tại Ostrava, một thành phố nằm về phía Ðông, gần biên giới Ba Lan, bọn Phủi còn kéo nhau đến vây đánh một chung cư của công nhân Việt Nam. Công nhân rút lên lầu tử thủ, cảnh sát phải đến giải vây.

Sự kỳ thị người Việt (Phủi đánh Xù) kể trên cũng có một phần nguyên nhân của nó. Khoảng 40 ngàn công nhân Việt Nam sang Tiệp lao động, ai cũng lao vào đủ các ngành nghề, kể cả thứ mà dân bản xứ chê không làm như xưởng đóng giầy, may mặc. . .Sự kiện này đã làm bực mình dân Tiệp. Rồi vì muốn mua những mặt hàng của Tiệp như vỏ xe đạp, quần áo, máy móc để gởi cho người thân ở quê nhà, công nhân và sinh viên Việt Nam đã thi nhau đứng sắp hàng từ sáng sớm tới tối tại các cửa hàng quốc doanh, khiến dân Tiệp không len chân vào được. Cứ như lửa được bỏ thêm dầu, tâm trạng bực tức, nhất là của bọn Phủi  cứ âm ỷ và đã bùng nổ khi xẩy ra Cách Mạng Nhung. Bọn chúng hô hoán lên rằng, Xù qua Tiệp cướp việc làm, lấy đi của cải của dân bản xứ. Thế là Xù bị chặn đánh ở các sân ga, các ngõ đường vắng, và ngay cả nơi thị tứ.

Trong bối cảnh ấy, Chính, Dũng, Cường, Bửu, Lan, Hà, Yến là những người khai sinh ra tờ bào đầu tiên của người Việt tại Tiệp, tờ Ðiểm Tin Báo Chí. Thoạt tiên, anh em chỉ có nhu cầu thông tin cho đồng bào về những diễn tiến trên đất Tiệp, bằng cách dịch các bài viết trên báo Tiệp sang Việt ngữ, vì ngoại trừ sinh viên, công nhân người mình hầu hết không thông thạo tiếng bản xứ. Thế thôi, chứ chưa mấy ai có ý thức về nhu cầu đấu tranh dân chủ tự do. Dần dà, đọc báo chí của Tiệp viết về tội ác của cộng sản Tiệp, cộng sản Nga, về cuộc đàn áp phong trào nổi dậy Mùa Xuân Praha 1968, Ðiểm Tin Báo Chí bắt đầu chuyển thành tờ báo của phong trào dân chủ, tạo nguồn cảm hứng cho các tờ Diễn Ðàn, Thời Mới, Tự Do, Tin Sáng, Cánh Én, Thông Ðiệp Xanh, Thiện Chí…lần lượt sau đó ra đời tại các nước Ðông Âu, và Nga.
Bài thơ Bác Hồ.


Minh, công nhân nữ, làm việc tại xưởng sản xuất bia ở Plzen. Cô có giọng nói nhẹ như tơ và khuôn mặt thật hiền. Hỏi Minh biết gì về “thần tượng Hồ Chí Minh”, thì cô  nhỏ nhẹ nói, em thấy những gì mà người ta nói về ông Hồ thì quả thật ông ấy là bậc Thánh, nhưng Thánh mà sao để đất nước mình nghèo đói đến thế !. Rồi Minh đọc cho tôi chép những vần thơ dân gian sau đây về ông Hồ:


Chú bộ đội thức dậy


Thấy ba lô mất rồi


Mà sao Bác vẫn cười


Trông Bác nghi nghi lắm


Chú bộ đội dấm dẳng


Xin Bác trả đi thôi


Bác Hồ miệng mỉm cười


Dạy bảo chú bộ đội


Nhân danh tình đồng chí


Bác khuyên chú  điều này


Nội nhật trong đêm nay


Lấy ngay của thằng khác.

Minh bảo tôi, quanh quẩn thế đấy anh ạ, chế độ ta cứ đứa này lấy của đứa kia! Minh còn tâm sự là sẽ về lại Việt Nam, với hy vọng đem những hiểu biết của mình để góp phần phá vỡ sự bưng bít và u tối của chế độ tại quê nhà.

Quần áo Dù, trông cực máu.


Ấy chết, phải nói ngay kẻo bị hiểu lầm. Công nhân miền Bắc lao động tại Ðông Âu dùng chữ cực máu để tả sự tuyệt hảo, number one, hết chỗ chê.  

Nông Ðình Bửu lúc nào cũng chỉ mặc chiếc quần của binh chủng Nhẩy Dù của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bửu tâm sự, em mà ở trong Nam là em chỉ có đi Dù thôi. Thế mới máu anh ạ!. Bửu gốc gác dân thiểu số miền núi ngoài Bắc, sang Tiệp làm công nhân. Bửu thường bắt giọng cho anh em cùng hát bài “Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân” nhưng sửa lời lại. Câu cuối của bài Bửu hát là “Bác kính yêu đang cùng Bác gái hành quân.” Vui nhất là khi mọi người vừa dứt câu hát, Bửu rú lên “đéo tin thì thôi.” Thế là anh em cùng hát theo “đéo tin thì thôi.” Bửu còn chế giễu lời ông Hồ Chí Minh trong cuốn cassette do Tòa đại sứ cộng sản Hà Nội tại Tiệp bán ra. Trong cuốn tape, giọng ông Hồ dậy dỗ thanh niên 5 điều tại một đại hội thanh niên ở Hà Nội. Bửu bình luận, lão ấy cực kỳ thô bỉ. Lão dậy thanh niên mà lão có sống như thế đâu. Rồi Bửu đọc 5 điều mà Bửu bảo là sáng tác của quần chúng nhân dân 

Nhất Dương Chỉ  (một tuyệt kỹ võ công trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung)

Nhị Thiên Ðường (tên của một loại dầu gió sản xuất ở miền Nam)

Tam Tông Miếu (lịch tập, có ghi ngày tháng tốt xấu)

Tứ Ðổ Tường (bốn món ăn chơi)

Ngũ Vị Hương (một loại gia vị dùng để nấu thức ăn)

Bửu căn dặn tôi nhiều lần là về Mỹ, nhớ gởi cho Bửu một bộ quân phục Nhẩy Dù để mặc cho nó máu. Tôi đã làm điều đó và giao tận tay Bửu trong chuyến đi Tiệp lần thứ nhì. 

Từ những sự thực bị bưng bít…


Trương Tiến Dũng là người tổ chức cuộc biểu tình đòi trả tự do cho những người đấu tranh tại Việt Nam, điển hình là bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Cuộc biểu tình diễn ra trước Tòa đại sứ cộng sản Hà Nội tại thủ đô Praha vào một đêm tháng Giêng năm 91, quy tụ rất nhiều khuôn mặt trẻ. Ðó là dịp tôi gặp Cù Lần, Lê Thanh Nhàn, Hồ Văn Hải. 

Dũng 25 tuổi, theo cao học năm cuối ngành kỹ sư điện ở đại học Praha, xuất thân từ một gia đình có gốc gác lớn của chế độ. Cả bố lẫn mẹ đều là đảng viên cộng sản cấp cao. Dũng kể, lúc chiến tranh chấm dứt trưa 30 tháng Tư năm 75, Dũng mới 15 tuổi, đang sinh hoạt trong Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năm 78, Dũng được sang Bình Nhưỡng dự Hội nghị Liên Hoan Thanh Niên Quốc Tế Cộng Sản. Ngồi cạnh một cô trong Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Bắc Hàn, cô hỏi Dũng, xin đồng chí cho biết tình hình chống Mỹ của nhân dân Việt Nam tới đâu rồi?. Thoạt nghe câu hỏi đó, Dũng suýt nữa thì té bổ ngửa ! Ðã ba năm trời đất nước Việt Nam chấm dứt chiến tranh, Việt Nam đã thắng Mỹ từ 1975 rồi, thế mà cái cô Bắc Hàn này còn nêu một câu hỏi động trời như vậy. Trên chuyến bay về lại Hà Nội, Dũng vẫn còn thắc mắc nhưng chưa hình dung nổi chế độ Bắc Hàn đã bưng bít thông tin ghê khiếp đến đâu. Nhưng một đoàn viên thanh niên cộng sản mà còn bị bịt mắt bịt tai đến vậy thì huống hồ dân chúng. 

Năm 82, Dũng được bố mẹ cho sang Tiệp du học. Về thăm nhà năm 86 , được vào Sài Gòn chơi. Ðó là lần đầu tiên Dũng biết đất nước miền Nam. Dũng bảo, vào Nam  em mới biết là nhiều người đi học tập cải tạo ở ngoài Bắc mà vẫn chưa được về. Như vậy tức là thông tin mà bọn em nghe được là sai. Nhà nước vẫn nói rằng không hề có chính sách trả thù, và tất cả những người thuộc chế độ cũ  được “giáo dục” ngắn hạn và đã được về nhà. 

Dũng cứ đinh ninh như thế thì trách chi cô gái đoàn viên thanh niên Bắc Hàn ! Dũng bắt đầu hoài nghi chế độ kể từ đó. Dũng còn nói, cũng nhờ đọc báo chí tự do sau Cách Mạng Nhung ở Tiệp mà Dũng biết về cuộc sống sa hoa, sa đọa của các lãnh tụ cộng sản: Fidel Castro, Staline, Kim Nhật Thành… Dũng ngờ rằng, Bác Hồ thì cũng thế. Từ đó Dũng tìm hiểu thêm và vỡ lẽ là bản thân mình và những người cùng thế hệ mình đã bị chế độ bưng bít, lừa dối. Cho nên Dũng dấn thân tranh đấu và muốn tự do suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình.

Chẳng riêng gì Trương Tiến Dũng !


Tự do. Niềm khao khát sục sôi này tôi thấy được ở nhiều anh em người Việt Ðông Âu. Nhớ lại một đêm bù khú ở cư xá sinh viên tại Praha, Trần Ngọc Tuấn nói rằng các anh miền Nam bị mang tiếng là thua, nhưng còn hãnh diện là đã chiến đấu cho một lý tưởng đúng, chứ bọn tôi được tiếng là thắng mà khi bừng con mắt dậy, thấy cả đời mình bị chúng nó lừa dối. Bọn tôi đau hơn các anh chứ. Nói không được nói, viết thì chúng nó cấm. Thế thì sống thế mẹ nào được. Không tự do là đếch làm gì được.


Tuấn thế đấy. Bực lên là …văng hết, chả chừa thứ ngôn ngữ nào. Bộ đội mà. Từng đi đánh bọn diệt chủng Khờ Me Ðỏ bên Kampuchia. Đã sống sót trở về thì còn sợ đếch ai nữa. Tuấn nói năng bỗ bã thế chứ viết hay ra phết. Chỉ phải mỗi cái tật lề mề, nên đôi khi làm anh em phát cáu.

Cái tinh thần không tự do là đếch làm gì được thể hiện nơi Tuấn và hầu hết anh em người Việt mình ở các nước cộng sản cũ bên Ðông Âu. Họ từng sống trong lòng cả hai chế độ cộng sản, tại quê nhà và tại những xứ mà họ sang đó du học, lao động. Họ thấm đòn cái chế độ đó lắm. 

Cù Lần.


Trần Hồng Hà, bút hiệu Cù Lần, là Tổng biên tập tờ Diễn Ðàn Praha, một tờ báo quan trọng nhất trong số các báo chí độc lập đầu tiên của phong trào thanh niên-sinh viên Việt tại Ðông Âu ra đời ngay sau Cách Mạng Nhung năm 1989. Hà được coi như một trong những con chim đầu đàn trong cao trào báo chí phản kháng của người Việt ở Tiệp Khắc,  cũng như ở Ðông Âu. Các bài ký, phóng sự, bài dịch và những dòng thơ của anh nói về cuộc sống của giới thanh niên công nhân xuất khẩu lao động, du học sinh… đã từng tạo nên nhiều cảm xúc lớn trong lòng bạn đọc. Thiên phóng sự Kẻ Ðào Tẩu của Trần Hồng Hà đã góp mặt trong tuyển tập Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại  do nhà xuất bản Ðại Nam in năm 1995 tại California. Với bút hiệu khác là Hà Minh Thọ, Hà còn dịch sang tiếng việt cuốn Animal Farm: A Fairy Story của văn hào George Orwell, với tựa bằng tiếng Việt là Muông Cầm Trại. 

Cù Lần, người trắng trẻo, nho nhã mà rất bộc trực.  Cù Lần lãng mạn mà rất tỉnh, tỉnh mà rất thơ. Bên trong con người của Cù Lần là cả một ngọn lửa sôi sục những ước mong cho đất nước thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, không có tự do.

Lần cuối cùng tôi chia tay Hà là một buổi sáng tháng Hai năm 92 ở sân ga Praha. Hà chu đáo vô cùng. Ðêm hôm trước hầu như thức trắng với nhau tại ký túc xá Strahov của đại học Praha, nơi Hà đang theo học ngành điện tử, và cũng là nơi anh em làm báo bí mật. Hà lo cho tôi từng chút cái ăn vì sợ tôi đói, từng chút cái mặc vì sợ tôi không chịu nổi thời tiết giá rét ở Tiệp. Gần sáng, Hà dục tôi đi ngủ. Tôi vừa chợp mắt thì Hà đã gọi dậy để chuẩn bị ra ga. Câu cuối trước khi chia tay, Hà hẹn, chắc chắn sẽ có ngày chúng ta đón đưa nhau ở ga Hà Nội, ga Sài Gòn. 

Viết những giòng này, tôi nhớ Hà quá đỗi. Hà làm nhiều thơ lắm. Thơ tình yêu, thơ nói về thân phận đất nước. Sau đây là bài Ðất Nước Tôi của Hà viết tại Praha năm 1990. 


Ðất nước tôi


là những ông già


thiết tha


bên vỉa hè lịch sử


nào cô nào cậu


mua giùm xổ số tương lai


Ðất nước tôi


là những chàng trai


trải kiến thức ngồi chờ bơm xe đạp


Thế giới vùn vụt qua trước mặt


IBM ai chở xe thồ!


Ðất nước tôi


ngây ngất những giấc mơ


sao sáng rọi thiên đàng trên trần thế


Nhưng mộng đẹp ai mang ra để


đắp lên mình Tổ quốc mảnh chăn chiên.


Ðất nước tôi


dàn ngực chịu đạn tên


đổi lấy khúc đầu một phần ba lời Bác dạy


những vết thương vẫn còn sưng tấy


Răng liền môi, răng bập cắn vào môi


Ðất nước tôi


trắng hếu những quả đồi


xương anh em chìa bắt tay “hữu nghị”


Ðất nước tôi xót ngàn năm bị trị


Hỡi ôi dân tộc mất còn


Ðất nước tôi


đất nước những người con


rạch lưỡi rồi tập nói


Suy nghĩ, tâm tư kính chiếu yêu vẫn rọi


Cồm cộp gót giày, mũi Mác mũi Lê


Ðất nước tôi thương nhớ vẫn đi về


Hình mẹ khom lưng trải dài trên bãi cát


Hạt muối mặn chát từ dòng nước mắt


Ðắng vần thơ cho Người


ôi Mẹ Việt nam ơi!

Ðêm Giao Thừa tại Plzen, hẹn một ngày về


Tiếng hành khách xôn xao ở các toa bên cạnh kéo tôi ra khỏi những miên man về kỷ niệm của hai chuyến đi trước. Tầu đến ga Plzen thì đã xế chiều. Lần này thì Dũng và Cái Yến ra đón. Yến nhỏ nhắn như một cái kẹo, nên tôi gọi đùa là Cái Yến. Giọng Dũng oang oang không thèm lý đến thái độ khó chịu ra mặt của những người bản xứ chúng quanh. Dũng bảo, Hồ Thanh Hải nó chờ lâu sốt ruột nên đã tếch về trước để lo bia bọt cho anh em mình tối nay.

Không khí đón Giao Thừa sực lên ở khu chung cư của công nhân Việt Nam và các sắc dân khác. Dọc hành lang dẫn đến phòng của Hoàng Quốc Cường, tôi chào hỏi mọi người như một người anh em trong gia đình đi xa trở về làng cũ. Ngoài những khuôn mặt tôi từng quen biết trong hai lần đi trước, còn thêm nhiều người mới. Chính, Tuấn, Bửu, Cường, Lan, Hà đang chuẩn bị bữa cơm cuối năm. Hồ Thanh Hải thì ôm đàn rống lên bài The Wall của ban nhạc Pink Floyd. Phải nhận rằng, Hải đúng là một tay lãng tử. Có vợ người Tiệp và một con gái rất kháu khỉnh, thế mà hễ cứ có người hú một tiếng là Hải tếch ngay khỏi nhà. Chiếc xe hơi cũ kỹ của Hải đã có lần chở tôi suốt từ Praha vào Bá Linh, đúng lúc Ðông Ðức đang vỡ thành từng mảnh. 



Bữa cơm của anh em bên Tiệp bao giờ cũng bắt đầu bằng món canh. Chỉ vì không đào đâu ra chén bát và đũa, nên mãi thành thói quen, mọi người húp canh trước rồi mới xới cơm vào đĩa và dùng muỗng xúc ăn. Nước mắm thì tuyệt đối không có, nên món gì cũng nêm nếm bằng muối hoặc xì dầu mua ở các chợ Tầu. Bây giờ thì khác rồi. Nước mắm tràn lan từ Việt Nam nhập sang. Vì là Tết, nên bữa cơm có thêm mấy món đặc thù, bánh chưng, dưa muối, mứt. Tuyền là thứ tự biên tự diễn nhưng cũng ngon đáo để. 

Bia bọt tràn cung mây. Bà con mình ở Ðông Âu nói chung, ở Tiệp nói riêng, có lối xưng hồ anh anh chú chú rất thân tình, y như trong một ngôi làng nhỏ miền Bắc. Ông Góc Ðộ luôn miệng, anh bảo chú Dũng thế này, anh bảo chú Cường thế nọ. Cứ trên nhau một tuổi là có thể anh anh chú chú được rồi. 


Tiệc tàn, một số người về lại phòng của mình, cũng ở cùng chung cư. Còn lại khoảng chục anh em. Dũng thân tình lắm, nằm khểnh ngay xuống sàn nhà, gác chân lên người tôi. Dũng kể, từ ngày ra báo tới giờ, em bị bố mẹ ở Hà Nội phiền lắm. Vì công an cứ đến nhà hoạnh họe đủ điều, là sao không kiểm soát con mà để nó đấu tranh chống Ðảng ở Tiệp. Các anh em khác cũng cho biết hoàn cảnh tương tự. Bửu bèn ngôn một câu xanh rờn theo lối của dân miền núi, đánh bỏ cha chúng nó đi. Sau này, năm 1997, tôi cũng nghe một câu tương tự từ miệng Yên Phong, lúc tôi sang thăm anh em tờ Thiện Chí xuất bản ở Hannover bên Ðức. Phong là Tổng biên tập của Thiện Chí. Yên Phong bảo tôi, đánh bỏ mẹ chúng nó chứ sợ gì, chẳng lẽ những tên đã từng là bộ đội như bọn tôi mà sợ mấy cái thằng mả mẹ công an à?

Gần giờ Giao Thừa, nghĩa là đã sáng Mùng Một Tết tại quê nhà, Dũng nhỏm dậy ra khỏi phòng. Khoảng hơn nửa giờ sau, Dũng trở lại với khuôn mặt bực bội. Dũng bảo, gọi điện thoại về chúc Tết, bố em giáo dục em về nghĩa vụ trung với Ðảng. Em bèn bảo, tuổi trẻ của bố có ai khuyên can khi bố đi làm cách mạng không mà bây giờ bố cản con. Và em nói rằng, bố còn nói vừa là con cúp phone. Thế là bố em đưa điện thoại cho mẹ nói chuyện.

Ðêm trừ tịch thật cảm động. Ngay giữa căn phòng chật chội của hộ 4 người là bàn thờ Phật. Tất tật những người có mặt trong phòng đều quần áo tề chỉnh thắp hương cầu khấn. Tôi cũng thắp một nén hương nhớ về Mẹ đã khuất, nhớ về gia đình. Khác với không khí ồn ào của bữa cơm tràn bia bọt lúc chiều, giờ Giao Thừa, chúng tôi uống trà, nói với nhau những kỷ niệm, những mơ ước của mình. Dũng bảo, chắc chắn sẽ có ngày về, anh Thái chưa biết đất Bắc, nên khi đất nước đổi thay, em sẽ đưa anh đi chơi Hà Nội. Chỉ mới nghĩ đến ngày ấy lòng tôi đã dấy lên một nỗi niềm xúc cảm đầy xót xa. Năm 88, Mẹ tôi mất, tôi đang làm việc tại các trại tỵ nạn ở Hong Kong. Chỉ cần thêm một giờ bay nữa là tôi đã về để chịu tang Mẹ. Vậy mà tôi có về được đâu. 

Sáng chưa bảnh mắt, các phòng đã ồn lên lời chúc tụng. Dù là ngày thường, không phải cuối tuần, bà con mình vẫn hè nhau nghỉ ở nhà, ít nhất là ngày Mùng Một. Tôi ở chơi với anh em cho đến trưa ngày Mùng Hai thì theo Trương Tiến Dũng và Hồ Thanh Hải đi Praha. Trước cửa chung cư, bọn tôi bùi ngùi giã biệt nhau.

Sông núi Việt Nam ơi, hẹn mai ta sum vầy nhé…. 


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"