Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Ông Vươn và nỗi buồn của bố vợ tôi

Phair Zios

Vừa rồi, quê tôi (Hải Phòng) xảy ra vụ 'chống người thi hành công vụ' nghiêm trọng, khi gia đình ông chủ trang trại Đoàn Văn Vươn (thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) quyết ăn thua đủ với lực lượng cưỡng chế (bao gồm công an, bộ đội và các bộ phận liên quan) bằng mìn tự tạo, bình gas và súng hoa cải.
May mắn là không có ai thiệt mạng! Vì bất kỳ cái chết nào giữa bên ta hay bên mình đều đau lòng.
Có quá nhiều câu hỏi đặt ra cho vụ việc trên. Nhưng thôi, đặt ra chỉ tổ đau đầu. Gốc rễ của vấn đề chắc chắn sẽ dần được phơi bày hoặc bị che đậy mãi. Để rồi lại cái sự che đậy đó lại là đất sống của tội ác.

Ninh Bình.JPG
Bơi hết con kênh này là tới đầm cá của ông già vợ. Ảnh chụp 2011
Nhắc tới vụ ông Vươn, tôi lại nhớ tới bố vợ tôi.
Chẳng là tôi cũng mới lấy vợ được gần một năm. Nhà vợ tôi quê Hoa Lư, Ninh Bình gần danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính.
Ông nhạc cũng tầm tuổi ông Vươn, cũng bộ đội về vườn đúng nghĩa. Bố của ông (tức cụ ngoại bé Vừng) cũng Đảng viên, cũng bộ đội.. Theo như cụ ngoại kể thì bố vợ tôi là tay sát cá có tiếng ở vùng. Và quả thật như vậy, mỗi khi vợ chồng tôi về quê chơi, lúc nào lên Hà Nội cũng có các xách theo. Hôm thì con chép, hôm lại con rô.Vợ tôi kể, nhiều khi sợ ăn cá vì ăn nhiều quá!
Từ tình yêu cá, ông cũng thầu được 2 cái đầm lớn làm nơi trồng lúa và thả cá. Trên đó có cái căn nhà cấp bốn nho nhỏ làm hành cung của ông.
Ông chăm khu đầm của ông lắm. Tối tối đến là đạp xe, xách đèn lên đầm để ngủ với cá... Nhiều khi bà mẹ vợ cũng phải cằn nhằn. Nhưng rồi cũng phải chiều ông, vì có lẽ ông yêu cá trước khi yêu bà.
Rồi từ bàn tay của ông và của cả nhà, khu đầm sau vài năm cũng có hoa có trái, có cá có mú.
Hồi còn yêu nhau, mỗi lần vợ dẫn lên đầm chơi lại chỉ đây là cây khế trồng năm mấy, đây là chuối, đây là mít, chỗ này cấy sâu mấy. Rồi mỗi trận lũ lụt, bão về cả nhà phải chống chọi thế nào.
Thế rồi, cơn bão quy hoạch, giải tỏa cũng tới. Khi khu đầm của ông nhạc nằm trong khu quy hoạch của tỉnh Ninh Bình mà ai cũng tỏ đứng đằng sau là của đại gia Xuân Trường.
Chống đối. Có. Cụ ngoại có, bố vợ có... Chống vì giá đền bù bèo, chống vì kế hoạch giải phóng còn mập mờ. Nhưng rồi không chống được. Vì trong nhà có cả ta cả địch. Chẳng là bà mẹ vợ tôi lại làm ở hội phụ nữ xã! Huyện ra lệnh, gia đình cán bộ nào mà chống đối thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm.
Cái lệnh đó độc thiệt. Làm bà mẹ vợ lo cuống quýt, lo cho cơ nghiệp của mình, lo cho chồng và lo cho chính mình. Và hiểm nhất cái lệnh của Đảng ủy nó làm chô ông bà hục hặc. Bà thì giục đồng ý, ông thì không muốn chút nào. Ông buồn. Ông lại lên đầm ngủ suốt...
Thế rồi nước chảy đá mòn. Biết chống chẳng nổi. Ông chấp thuận nhận tiền và chờ người ta tới đổ đất san đầm.
Nghe nói, sau vụ đền bù này nhà vợ mua thêm được cái xe máy, sửa được cái bếp và cũng dành dụm được chút ít khi lỡ ốm, lỡ đau.
Mặc dù giải quyết xong rồi nhưng người ta chưa thu hồi ngay mà vẫn để cho người dân trồng lúa và thả cá tiếp... Đầu năm vợ còn về quê cấy lúa, nhà vẫn thả cá. Cho tới đầu tháng 11/2011, bà mẹ vợ gọi lên là đang gạn cá vì người ta đã đổ đất san nền rồi.
Rồi về quê thì thấy người ta san thật. Giống như việc gì đến thì nó đến thôi. Người ta trả tiền thì người ta thu đất.
Nhưng nhận tiền rồi mà ông vẫn cứ buồn. Ông tham quá chăng? Không, chắc chắn không. Cả đời lam lũ với mưa gió bão bùng có vụ cá nào thu được chục triệu đâu! Ông buồn vì chẳng ai đền bù được cho ông cái tình yêu cá. Ông buồn giống như cầu thủ không được ra sân. Chắc buồn hơn cả mấy ông quan về hưu...
Trên đời này, có phải cái gì cũng mua bán được đâu!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"